Vài điều cần làm rõ trong những vụ án giết người phân xác


Tháng 5 năm 2024 xảy ra vụ án một người đàn ông 36 tuổi là bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai đã giết hại và phân xác một phụ nữ là nhân viên y tế vì mâu thuẫn tình cảm.

Ở Hà Nội, tháng 10 năm 2023 xảy ra vụ án một người đàn ông 38 tuổi đã sát hại và phân xác một thiếu nữ 17 tuổi vì mâu thuẫn khoản nợ 50 triệu đồng rồi bỏ thùng xốp đem ra bãi đất ven sông Hồng phi tang.

Là luật sư đã từng tham gia bào chữa trong những vụ án giết người đốt xác hoặc chôn xác cũng như qua theo dõi báo chí viết về các vụ án loại này tôi thấy tình trạng phổ biến của án tử hình.

Từ đó tôi muốn đưa ra vài khuyến nghị.

Luật sư Ngô Ngọc Trai tham gia bào chữa tại một phiên tòa

Vấn đề tội danh 

Đúng là trong nhiều vụ án bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ mà xét theo căn cứ quy định pháp luật hiện tại thì đủ điều kiện để kết án tử hình.

Nhưng cũng có những vụ án mà hành vi giết người thật ra không có gì đặc biệt so với những vụ việc khác mà đáng ra không đến mức phải chịu phạt tử hình.

Ví như những vụ án bị cáo nhằm những lúc nạn nhân không đề phòng đã dùng vật cứng đánh vào đầu, khi nạn nhân chết thì phi tang xác.

Trong những vụ án như vậy sự kinh sợ của công chúng tập trung ở hoạt động phi tang xác nạn nhân diễn ra sau khi hành vi giết người đã hoàn thành, hành vi đó cấu thành tội danh về xâm phạm thi thể mà mức hình phạt chỉ vài năm tù.

Các cán bộ tư pháp là người biết rõ điều đó nhưng đứng trước dư luận phẫn nộ về vụ án các cơ quan tư pháp thường có lý do để xâu chuỗi hành vi, đưa ra những tình tiết định khung tăng nặng cho hành vi giết người, ví như thực hiện tội phạm một cách man rợ, phạm tội có tính chất côn đồ, có tính chất đê hèn, để rồi kết mức án cao.

Để giảm số lượng án tử hình cho những vụ án loại này mà qua báo chí thì thấy ngày một trở nên không còn cá biệt nữa, tôi cho rằng cần giúp cho công chúng hiểu rõ hơn khía cạnh pháp lý về tội danh trong những vụ án có các hành vi giết người và xâm phạm thi thể.

Bên cạnh đó cũng cần sửa luật bỏ đi một số tình tiết tăng nặng mà việc duy trì không còn hợp lý nữa, ví như giết người có tính côn đồ, có tính đê hèn hay có tính man rợ, bởi vì xét cho cùng bất kể hành vi giết người nào cũng đều là việc làm bạo lực phi pháp bao hàm trong đó các yếu tố côn đồ, đê hèn hay man rợ.

Việc Bộ luật hình sự phân loại đưa ra các tình tiết định khung tăng nặng như lâu nay không phải là cách để giúp cho công chúng nắm bắt pháp luật nhận thức được về các vụ án khác nhau để lên án về hành vi này hơn so với hành vi khác.

Thực tế việc phân loại chỉ có tính cách chuyên môn tạo cơ sở cho các cơ quan tư pháp nhận diện hành vi để rồi cho phép áp mức án nghiêm khắc, từ đó buộc hội đồng xét xử phải tuân theo mà nếu không thì lại là làm không đúng pháp luật.

Bởi vậy cho nên các tình tiết định khung tăng nặng cho phép áp mức án nghiêm khắc nên thu hẹp lại, chỉ còn để vài ba tình tiết mà thôi, ví dụ như giết nhiều người chẳng hạn. 

Đây là điều nên làm trong xu hướng phát triển mà đời sống kinh tế xã hội và mặt bằng nhận thức của người dân đã đạt được mức mới, từ đó thúc đẩy cho những giá trị pháp lý nhân văn.

Trong những năm trước đây đã có một vài đợt sửa đổi bộ luật hình sự đã giảm dần đi số tội danh có mức án tử hình, nhưng lại không sửa luật giảm đi số lượng tình tiết tăng nặng trong những tội danh vẫn còn duy trì hình phạt này. 

Số lượng tình tiết định khung tăng nặng trong tội danh giết người vẫn giữ nguyên qua mấy đợt sửa đổi bộ luật hình sự, đây có lẽ là sơ suất của các nhà làm luật và các chuyên gia nghiên cứu luật học.

Tầm nhìn phát triển

Mấy năm trước tôi tham gia bào chữa cho thân chủ trong một vụ án giết người và xâm phạm thi thể mà báo chí đưa tin đã gây ra sự kinh sợ trong dư luận, tôi tư vấn cho gia đình nên bồi thường cho phía bị hại một khoản tiền để được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử.

Nhưng gia đình được tư vấn bởi những người thân quen bảo rằng bị cáo đằng nào cũng nhận án tử thì thôi giữ lại khoản tiền đó để lo cho vợ con chứ có bồi thường cũng không thay đổi được hình phạt.

Thực tế sau đó đã chứng minh rằng mọi người đã đúng, bị cáo đã bị tuyên án tử hình.

Trong khi đó là một luật sư có tầm nhìn phát triển tư pháp, khi đặt vụ án này trong bối cảnh nền tư pháp khi ấy, tôi cho rằng dù vụ án khó khăn cơ hội sống của bị cáo không phải là đã mất hết.

Là luật sư có chuyên môn khi nghiên cứu hồ sơ vụ án tôi thấy hành vi giết người của bị cáo chỉ là lợi dụng lúc nạn nhân không để ý đã dùng vật cứng đánh vào đầu thì không đến mức phải có án tử hình.

Tôi cho rằng trường hợp gia đình bồi thường mà phiên tòa sơ thẩm vẫn bị kết án tử hình thì khi đó sẽ kháng cáo kêu xin tiếp lên cấp phúc thẩm, nếu cấp phúc thẩm vẫn tuyên y án tử hình thì tiếp tục kêu lên chủ tịch nước và kêu xin ân giảm trong những đợt đặc xá.

Bản thân tôi với kiến thức và năng lực đã tin rằng sẽ có những biến chuyển về án tử hình, không phải cứ bị kết án tử hình là sẽ bị thi hành án. 

Để thúc đẩy cho niềm tin đó những năm qua có lẽ tôi là người tích cực nhất ở Việt Nam đã thường xuyên kiên trì lên tiếng về án tử hình, đã có nhiều bài báo về vấn đề này và có nhiều chia sẻ ý kiến trên mạng xã hội.

Kết quả là trong hai năm 2022 và 2023 đã có 64 trường hợp được ân giảm xuống án chung thân, đó là những sự việc đặc biệt chưa từng thấy tiền lệ trước đó.

Trong số những người được ân giảm có một người là thân chủ của tôi mà trước đó gia đình tử tù đã nhờ kêu xin ân giảm, đó là trường hợp của tử tù Đặng Văn Hiến trong vụ án xảy ra ở Đăk Nông mà báo chí đã đưa tin vụ án mấy năm trước.

Bởi vậy qua kinh nghiệm thực tế khi xét về tầm nhìn dài hạn thì lời tư vấn của tôi cho vụ án vừa kể là đúng đắn nên làm, bằng cách bồi thường và kiên trì kêu cứu thì vẫn có thể cứu mạng cho người bị kết án tử hình, nhưng đáng tiếc không phải khi nào ý kiến của luật sư cũng được lắng nghe.

Từ thực tế hành nghề tôi thấy đối với nhiều vụ việc khó khăn mà để bảo vệ quyền lợi được cho thân chủ thì nếu chỉ làm như các vụ án thông thường là nắm chắc hồ sơ vụ án và nắm chắc các quy định pháp luật thôi là không đủ. 

Ví như việc bào chữa trong những vụ án giết người gây phẫn nộ dư luận hoặc những vụ vận chuyển mua bán hàng chục, hàng trăm bánh ma túy, đối với những vụ việc như vậy để bảo vệ được cho thân chủ thì cần đòi hỏi ở những thay đổi quy định pháp luật hoặc những thay đổi quan niệm về công lý.

Do nhận thấy những thay đổi đó sẽ đều bắt đầu từ nhận thức, bởi vậy tôi không thụ động ngồi im để chờ đợi, thay vì đó tôi chủ động tích cực lên tiếng thúc đẩy cho những tiến bộ nhận thức để giúp ích cho chính những vụ án của thân chủ đã nhận lời bảo vệ. 

Sự tiến bộ nhận thức cũng sẽ giúp nâng cao trí tuệ cảm xúc nơi công chúng, từ đó giúp cho việc theo dõi bày tỏ ý kiến trước những vụ án giết người phân xác không khiến làm gia tăng thêm số lượng án tử hình.

Luật sư Ngô Ngọc Trai