Vụ án Hồ Duy Hải: Bộ luật tố tụng hình sự cần bổ sung nội dung giải thích thế nào là “tình tiết”

 

Qua nghiên cứu Bộ luật tố tụng hình sự thì thấy nội dung bộ luật đã dành ra nhiều điều khoản giải thích về các thuật ngữ khác nhau nhưng lại không có nội dung giải thích về “tình tiết”, trong khi “tình tiết” là một yếu tố pháp lý rất quan trọng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự.

Tại Điều 4 của bộ luật tố tụng hình sự có nội dung giải thích về các thuật ngữ thì có các thuật ngữ được giải thích như: tự thú, đầu thú, áp giải, dẫn giải…

Hoặc tại một số điều luật cụ thể có nội dung giải thích về các thuật ngữ được quy định tại điều luật đó như người làm chứng, vật chứng, chứng cứ .., nhưng dẫu thế đã không có nội dung giải thích về tình tiết.

Trong khi tình tiết là yếu tố pháp lý quan trọng không kém gì những nội dung kia, rà soát trong bộ luật tố tụng hình sự thì thấy thuật ngữ “người làm chứng” được nhắc đến sử dụng 121 lần, thuật ngữ “chứng cứ” được nhắc đến sử dụng 182 lần, thuật ngữ “vật chứng” được nhắc đến sử dụng 91 lần, còn thuật ngữ “tình tiết” được nhắc đến sử dụng 112 lần.

Tần suất nhắc lại sử dụng các thuật ngữ này trong văn bản được lập lại nhiều lần với một mức độ tương đương nhau nhưng trong khi những thuật ngữ kia được giải thích cụ thể giúp hiểu rõ về nội dung khái niệm thì thuật ngữ tình tiết lại không được giải thích.

Dưới đây là trích dẫn một số quy định để cho thấy tình tiết là yếu tố pháp lý quan trọng là căn cứ đưa đến các hoạt động tố tụng:

Tại Điều 371 quy định về căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khoản 1 quy định rằng bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ đó là: kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

Hoặc tại Điều 398 quy định về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định rằng: bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:
2. có tình tiết mà điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
4. Những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.

Hoặc tại điều 404 quy định về việc xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao như sau:

Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

Lược qua vài điều luật như thế để có thể thấy “tình tiết” là yếu tố pháp lý rất quan trọng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, đó cũng mới chỉ là một vài lần thuật ngữ tình tiết được nhắc đến trong khi trong bộ luật tố tụng hình sự thuật ngữ tình tiết được nhắc đến lập lại 112 lần.

Việc không có nội dung giải thích rõ về khái niệm tình tiết đúng là một thiếu sót của bộ luật tố tụng hình sự hiện nay.

Điều này có ý nghĩa đối với vụ án Hồ Duy Hải như sau.

Mọi người đã biết rằng vụ án Hồ Duy Hải cho tới nay đã có quyết định của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ban hành năm 2020 đã cho rằng Hải đúng là thủ phạm, dẫu vậy bản thân Hải và gia đình vẫn kiên trì tiếp tục kêu oan, nhiều người cũng tin rằng Hải bị oan và muốn minh oan cho Hải.  

Để có thể minh oan cho Hải thì phải vận dụng quy định tại điều 404 bộ luật tố tụng hình sự đã trích dẫn nêu trên đòi hỏi phải có tình tiết quan trọng mới mà hội đồng thẩm phán chưa biết được ở thời điểm ra quyết định.

Mọi người cũng đã biết rằng trong quá trình diễn ra phiên họp giám đốc thẩm vụ án năm 2020 khi ấy nhiều người mới được biết lời khai đầu tiên của Hải là vào ngày 20/3/2008 Hải không nhận tội, Hải đã kể ra diễn biến việc làm của mình tối hôm xảy ra vụ án trong đó có việc đến dự đám tang nhà ông Tư Lan, trước đó trong hồ sơ chỉ có các bản khai nhận tội từ ngày 21/3/2008 mà toà án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào đó để giải quyết vụ án.

Bản khai này không được đưa vào hồ sơ vụ án, lý do đã được giải thích trong quyết định giám đốc thẩm đó là do lời khai ngày 20/3/2008 Hải khai báo về diễn biến sử dụng thời gian buổi tối ngày hôm xảy ra vụ án nhưng qua thẩm tra cho thấy lời khai báo này không đúng cho nên cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ vụ án nhưng được lưu trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

Không rõ điều tra viên khi ấy đã thẩm tra xác minh cụ thể bằng hoạt động nào nhưng có thể hình dung là cơ quan điều tra đã hỏi và lấy lời khai một vài người nào đấy để đối chiếu xem có đúng là Hải tham dự đám tang buổi tối ngày hôm đó hay không, khi thấy không đúng thì đã bỏ qua nội dung này.

Tôi băn khoăn là cơ quan điều tra có hỏi đúng những người mà Hải đã kể tên trong lời khai hay là hỏi những người khác để biết về đám tang, hoặc nếu hỏi đúng những người mà Hải đã liệt kê trong bản khai thì khi có mâu thuẫn cơ quan điều tra có tiến hành đối chất hay không.

Nội dung này cần phải làm cẩn thận bởi lẽ hành vi sự việc liên quan đến hai mạng người và càng phải cẩn thận hơn khi sau đó kết luận giám định tư pháp cho thấy dấu vân tay của Hải không trùng khớp với dấu vân thu giữ được ở hiện trường.

Trong lá đơn được luật sư Trần Hồng Phong là người giúp kêu oan cho Hải đã soạn cho bà Nguyễn Thị Loan gửi đi kêu cứu đã trích dẫn những nội dung khai báo đầu tiên của Hải như sau:

Ngày chủ nhật 13/1/2008 khoảng trên 19 giờ tôi đi về nhà để xe Honda tại nhà, tôi đi bộ đến nhà 2A (mẹ Luân) khoảng 400 met, hút xong điếu thuốc mượn xe Honda Wave màu đen Trung Quốc biển số 62a3976 của bà 2A chạy xuống đám ma nhà Tư Lan khoảng 600 mét.

Tôi đến đám ma khoảng 20 giờ thì gặp Thời 22t (con 8 Phát), Hiếu 25t (con 3 Xanh), Tùng Trinh 22t (con 7 Tiếu) và anh Vinh 27t (Con gì 3 Rưỡi), chú Hải 32t (con ông Tà Mười), ngồi nhậu chung bàn với cậu 3 Thẹo (con bà Tư Nghiêm), cậu Tám Thọ 53t (con 5 gà), anh Thiếu (con 3 Hậu), anh Út con, anh Tám 32t con Tú ú, cậu Em 37t (anh Thái), Tám Thốt Nốt.

Đến 21 giờ một mình tôi về nhà 2A và xem bóng đá cùng với anh Hoàng, Điền (con 5 Phước) tại quán 2A cho đến 5:00 sáng hôm sau ngày 14 tháng 01 năm 2008.”

Thiết nghĩ Hải có tham dự đám tang thì mới có thể kể tên ra một loạt người như vậy, còn nếu Hải gây án thì việc kể tên ra nhiều người lại là điều rủi ro khi Hải muốn khai báo gian dối, thời điểm Hải bị triệu tập thẩm vấn ngày 20/3 trong khi vụ án xảy ra ngày 13/1 khoảng thời gian khi ấy cũng không phải là quá lâu, đủ để cho những người tham dự đám tang hôm ấy có thể ghi nhớ được, vấn đề là cơ quan điều tra khi ấy có xác minh đúng những người được Hải kể tên hay không.

Thời điểm năm 2020 khi diễn ra phiên họp giám đốc thẩm khi ấy hội đồng thẩm phán cũng chỉ có những tài liệu ban đầu gồm bản lời khai của Hải và có thể có thêm một vài biên bản xác minh của điều tra viên thực hiện khi ấy. Sau phiên họp đó luật sư Trần Hồng Phong có về địa phương hỏi và lấy ý kiến của bẩy người tham dự đám tang nhà ông Tư Lan thì những người này đã xác nhận rằng Hải có mặt tại đám tang.

Vấn đề lúc này đặt ra là khi nào một nội dung vụ án được coi là một “tình tiết”, sự quan trọng của tình tiết đối với việc giải quyết vụ án đòi hỏi tình tiết cần phải có các hoạt động điều tra như thế nào, trong khi chưa có nội dung giải thích rõ ràng của bộ luật tố tụng hình sự thì chúng ta vẫn có thể đồng ý với nhau ở những điều cơ bản.

Chỉ với lời khai ban đầu của Hải thì đó chỉ là chứng cứ lời khai chứ đó chưa phải là một tình tiết, khi điều tra viên thẩm tra qua việc hỏi một số người tham dự đám tang thì cũng chưa phải đã trở thành một tình tiết. Trong trường hợp này tình tiết chỉ hoàn tất khi phải hỏi đúng những người mà Hải đã liệt kê và khi có mâu thuẫn thì tiến hành đối chất, tổng hợp tất cả những hoạt động điều tra đó mới đi đến một kết luận về một tình tiết.

Nếu đồng ý với nhau như vậy thì nội dung Hải đến dự đám tang ông Tư Lan buổi tối ngày 13/01/2008 chưa phải là một tình tiết ở thời điểm diễn ra phiên họp giám đốc thẩm năm 2020, cần phải thực hiện thêm một số hoạt động tố tụng để làm rõ tình tiết Hải đến dự đám tang.

Như nhiều lần trước đây tôi đã cho rằng việc xảy ra vụ án của Hải có nguyên nhân từ sự khiếm khuyết của hệ thống pháp luật, như thiếu vắng quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, vai trò luật sư tham gia ngay từ đầu, sự thiếu vắng những định chế pháp lý có tính chất bảo hộ quyền lợi cho bị can và nay là thiếu nội dung giải thích về tình tiết – một trong những yếu tố qua trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự, điều này cho thấy trình độ tri kiến hiểu biết về các lý thuyết pháp lý cũng còn có giới hạn.
Bởi thế việc minh oan cho Hải không chỉ là việc khắc phục một vụ án oan sai mà đó còn là hành động lựa chọn một tầm nhìn phát triển cho nền tư pháp.

Luật sư Ngô Ngọc Trai