Vì sao Hồ Duy Hải bị tình nghi để rồi bị bắt?

 

Trong quá trình suy nghĩ kêu oan cho Hồ Duy Hải một điều tôi băn khoăn tự hỏi là vì sao Hải lại bị tình nghi để rồi bị bắt. Tìm hiểu nguyên cớ này sẽ giúp tôi hiểu rõ thêm về vụ án Bưu Điện Cầu Voi và củng cố niềm tin rằng Hải bị oan.

Sáng ngày 14 tháng 01 năm 2008 anh Phùng Phụng Hiếu là nhân viên bưu điện khi đến bưu cục Cầu Voi thì thấy cửa không khóa, bước vào trong thì thấy đồ vật văng vương vãi, hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi bị sát hại nằm chồng đống dưới nền đá lạnh.

Hành vi phạm tội xảy ra trong hoàn cảnh không có nhân chứng, việc truy tìm thủ phạm phải dựa vào các thông tin liên quan và dấu vết để lại.

Ngày 21 tháng 3 năm 2008 Hồ Duy Hải bị bắt, quá trình điều tra đã khai nhận hành vi phạm tội. Nhưng đến khi ra toà lại kêu oan. Qua hai lần xét xử Hải bị kết án tử hình.

Khi suy nghĩ đến việc Hải có thể bị oan, tôi cũng đặt vấn đề ngược lại rằng vậy thì vì sao Hải lại bị tình nghi để rồi bị bắt, hẳn là phải có một lý do nguyên cớ nào đấy cho thấy có sự dính dáng liên quan mới khiến cho Hải bị cơ quan điều tra để ý đến.

Tìm hiểu trong vụ án thì được biết, một trong các hướng điều tra khi ấy là cơ quan điều tra đã căn cứ vào những số điện thoại gọi đến bưu điện Cầu Voi trong những ngày gần đó để xác định người tình nghi.

Khi liên hệ với số máy của một thuê bao đã gọi tới bưu điện vào buổi sáng hôm trước ngày xảy ra vụ án thì người này nói rằng Hồ Duy Hải đã cho cậu ta chiếc sim điện thoại đó, khi cho thì trong sim vẫn còn 80 nghìn đồng.

Có thể ai đó lúc ấy đã cho rằng vì Hải là người gây án cho nên đã cho đi chiếc sim điện thoại từng liên lạc tới bưu điện nơi hai cô gái làm việc như một cách xóa bỏ dấu vết liên quan. Xem thông tin về vụ án thì tôi chỉ thấy có duy nhất lý do này là nguyên cớ dẫn tới việc triệu tập Hải, ngoài ra không thấy có manh mối nào khác dẫn đến Hải.

Đến đây tôi muốn nói về việc sử dụng sim thẻ điện thoại của những người lứa tuổi như của tôi và Hải (tôi sinh năm 1983 còn Hải sinh năm 1985) như sau.

Tôi bắt đầu sử dụng điện thoại di động năm 2006, trong khi vụ án của Hải xảy ra năm 2008. Như còn nhớ thì khi ấy các sim thẻ điện thoại được bày bán rất dễ dàng phổ biến ở những cửa hiệu nhỏ gần ngay vỉa hè đường phố.

Khi một người sử dụng điện thoại di động muốn mua một chiếc sim thì sẽ được đưa cho một list danh sách các số điện thoại muốn chọn, sau đấy người bán sẽ kích hoạt cho mình và chỉ việc sử dụng.

Còn nhớ thời điểm ấy đối với đám thanh niên việc thay đổi số điện thoại là rất phổ biến, việc sử dụng sim mới là nhằm tận dụng những cuộc gọi và tin nhắn miễn phí của nhà mạng, dùng xong rồi bỏ nhiều người coi sim như rác, thuật ngữ “sim rác” bắt đầu từ đó xuất hiện trên thị trường sim thẻ điện thoại di động.

Hôm 14/3/2023 báo điện tử Vnexpress có bài “Tràn lan sim rác” phản ánh về tình trạng sử dụng sim điện thoại không chính chủ. Bài báo cho biết, theo quy định từ 2017 thuê bao di động phải đăng ký thông tin, gồm giấy tờ tùy thân và ảnh chụp chân dung, từ tháng 8/2022 thuê bao mới phải xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thế nhưng thực tế người dùng vẫn dễ dàng mua sim đã kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác. Bài báo dẫn lời một người làm trong lĩnh vực viễn thông cho biết, ‘sim rác’ vốn không có định nghĩa chính thức, thuật ngữ này xuất hiện từ giai đoạn bùng nổ của thị trường di động tại Việt Nam hơn một thập kỷ trước. Khi đó người dùng có thể mua sim nhanh chóng, vứt bỏ khi dùng hết khuyến mại và mua mới, nên bị coi như rác.

Hiện nay với các quy định mới, mọi thuê bao đều phải có thông tin người dùng, sim rác giờ được hiểu là sim không chính chủ được kích hoạt sẵn, điểm chung là người mua không xác định sử dụng lâu dài có thể bỏ bất cứ lúc nào.

Loại sim này thường được giới lừa đảo, công ty quảng cáo lựa chọn vì khó truy tìm người sử dụng thực sự, đây là lý do mà chính phủ đã đưa ra chính sách quản lý yêu cầu phải bảo đảm tất cả các sim điện thoại đang hoạt động đều có thông tin đúng quy định.

Nêu ra như thế để thấy rằng ở thời điểm năm 2008 việc sử dụng sim điện thoại của thanh niên là rất thoải mái, cho nên việc cho tặng nhau chiếc sim là điều bình thường và giá trị của sim nằm ở số tiền còn sử dụng được, nếu như sim không còn tiền thì cho không ai người ta thèm nhận.

Bởi vậy việc Hồ Duy Hải cho bạn chiếc sim điện thoại vẫn còn tiền thì không có gì đặc biệt đối với cách sử dụng sim thẻ của đám thanh niên lúc ấy, nhưng khi đặt trong bối cảnh cơ quan điều tra đang truy tìm thủ phạm giết người thì đó đúng là một dấu hiệu khả nghi dẫn tới việc cần phải triệu tập thẩm vấn.

Trùng hợp ngẫu nhiên

Tới đây tôi xin kể lại câu chuyện về dấu hiệu khả nghi đã đưa tới việc bắt giữ gây oan trong vụ án của ông Hàn Đức Long như sau.

Tháng 6 năm 2005, vào một buổi chiều hè, một cháu bé 5 tuổi bị bắt bế đưa ra cánh đồng trước nhà hãm hiếp và dìm chết tại mương nước cánh đồng. Sau khoảng 4 tháng điều tra dù đã triệu tập thẩm vấn hàng chục đối tượng tình nghi nhưng vẫn không xác định được thủ phạm.

Lúc ấy cơ quan điều tra nhận được đơn thư tố cáo của hai mẹ con bà cụ người cùng thôn cùng tố cáo một người hàng xóm là Hàn Đức Long đã từng hiếp dâm mình. Từ đó ông Long bị triệu tập bắt giam, quá trình điều tra đã khai nhận từng hiếp dâm cả hai mẹ con bà cụ, đồng thời cũng khai nhận mình là thủ phạm hiếp và giết hại cháu bé 5 tuổi.

Quá trình kêu oan cho ông Long tôi đã tìm hiểu kỹ lý do nguyên nhân khiến ông Long bị tình nghi để rồi bị bắt thì thấy được một chuyện. Trong khi cơ quan điều tra đang ráo riết truy tìm thủ phạm giết hại cháu bé, mọi động tĩnh bất thường ở địa phương đều được nắm bắt, thì xảy ra vụ xô xát giữa ông Hàn Đức Long và gia đình của hai mẹ con bà cụ kia.

Do mâu thuẫn đổ đất ngõ đi chung ông Long đã hành hung ném đá vào người nhà hai mẹ con bà cụ hàng xóm, sự việc này nghiêm trọng đã được công an xã xử phạt buộc ông Long phải bồi thường. Sau vụ xô xát này thì hai mẹ con bà cụ đã có đơn thư tố cáo ông Long hiếp dâm dẫn đến việc ông Long bị bắt. Nhưng quá trình xét xử vụ án toà án hai cấp đã không kết luận ông Long phạm tội hiếp dâm hai mẹ con bà cụ.

Tôi thấy điều này thật vô lý, cùng là kết tội dựa vào lời khai nhận của ông Long mà không có nhân chứng vật chứng nào khác, trong khi vụ hiếp dâm hai mẹ con bà cụ bị hại còn sống chứng cứ rõ hơn thì không kết tội được, trong khi vụ hiếp giết cháu bé nạn nhân đã chết thì lại kết tội được.

Từ đó tôi thấy rằng việc tố cáo của hai mẹ con bà cụ chỉ là biện pháp nghiệp vụ giúp cho việc bắt giữ ông Long. Cũng từ đó tôi nhận thấy chính hành vi hành hung của ông Long đã khiến cho bản thân ông bị tình nghi.

Đứng ở góc độ cơ quan điều tra đang truy tìm thủ phạm lúc ấy thì nghi vấn thủ phạm là đàn ông ở địa phương, trong bối cảnh ấy mà ông Long lại gây ra sự vụ xô xát thì không khác nào thu hút sự chú ý vào mình.

Ông Hàn Đức Long đã được xác định là bị oan sau khi đã bị tuyên tới 4 bản án tử hình. Qua vụ việc này cho tôi kinh nghiệm rằng, việc nắm bắt những dấu hiệu bất thường là một biện pháp nghiệp vụ quan trọng mà trong nhiều trường hợp hẳn đã đưa tới hiệu quả trong việc tìm ra được thủ phạm, nhưng điều đó cần được củng cố bổ trợ bằng các chứng cứ xác thực khác cho thấy nghi phạm đúng là thủ phạm.

Còn thì nhiều dấu hiệu bất thường chỉ đơn thuần là những việc trùng hợp ngẫu nhiên. Trong một vụ án thủ phạm chỉ có một trong khi đối tượng tình nghi thì có nhiều, như thế cần hiểu là nhiều trong số các đối tượng tình nghi không liên quan tới vụ án và nhiều dấu hiệu bất thường chỉ đơn thuần là những sự việc độc lập trùng hợp.

Trở lại với vụ án Hồ Duy Hải, đúng ra khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở việc cho đi chiếc sim điện thoại thì đưa Hồ Duy Hải vào diện tình nghi thẩm tra. Nhưng sau khi đối chiếu dấu vân tay của Hải không trùng khớp với dấu vân tay thu thập được ở hiện trường thì khi ấy cần xác định Hải là người không liên quan.

Từ đó có thể loại bỏ Hải ra khỏi danh sách những người tình nghi và cần tìm kiếm mở ra những hướng điều tra khác để tìm ra thủ phạm.

Luật sư Ngô Ngọc Trai