Để tăng tốc phát triển cần biết chắt chiu các nguồn lực



Hôm 19/12 tôi có bài viết ‘Việt Nam: Nên giảm số lượng án tử hình về ma túy’, trong đó nêu rằng số lượng án tử hình sẽ là một tiêu chí đánh giá về mức độ nhân văn của nền pháp lý mà từ đó các định chế tài chính và nhà đầu tư quốc tế sẽ cân nhắc trong việc quyết định làm ăn tại Việt Nam.

Việc nằm trong danh mục quốc gia có số lượng án tử hình cao trên thế giới là điều không nên có, làm trở ngại cho những lựa chọn đầu tư nào đấy khiến hạn chế nguồn vốn có thể nhận được.

Sau khi bài viết đăng tải, đến hôm 27/12 thì có thông tin Chủ tịch nước có quyết định ân xá cho 18 án tử hình xuống chung thân, đây là quyết định ân xá thứ hai của năm 2023 nâng tổng số người được ân xá trong năm lên 28 trường hợp.

Cùng với số lượng được ân xá của năm 2022 là 31 trường hợp, tôi cho rằng đó là những bước tiến tích cực của tiến trình phát triển tư pháp theo hướng thu hẹp giảm bớt án tử hình.

Khi chứng tỏ được cho thế giới thấy Việt Nam không còn nhiều án tử hình, tôi tin là sẽ có nhiều doanh nghiệp hay tổ chức tài chính vốn coi trọng các giá trị quyền con người sẽ dành nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.


Khai thông cơ chế

Để đất nước tăng tốc phát triển thì không chỉ cần gia tăng các nguồn lực mà còn cần mở rộng các cơ chế hợp tác để con người làm việc cùng nhau.

Hôm 19 tháng 12, Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong quản trị quốc gia. Nhiều ý kiến đã phát biểu tại hội thảo cho rằng cần xây dựng luật về hội.

Về vấn đề này, mấy năm trước khi chứng kiến các hoạt động cứu trợ người dân bị lũ lụt ở miền Trung năm 2020 và các hoạt động hỗ trợ người bị dịch covid 19 những năm sau đó, tôi đã có một số bài viết nêu ý kiến rằng đã đến thời điểm rất cần thiết để có luật về hội.

Tôi cho rằng Luật về hội cũng giống như luật về công ty sẽ không làm hao mòn gì tới tài sản ngân sách nhà nước, mà đó chỉ tạo lập cơ chế hành lang pháp lý để con người làm việc chung.
 
Ngày nay ít người có thể hình dung về một thời điểm vài chục năm trước khi chưa có luật về doanh nghiệp, thì lúc đấy có rất ít những tổ chức tạo cơ chế hoạt động hợp tác của con người để gia tăng giá trị cho xã hội.

Luật về hội cũng như luật về doanh nghiệp theo đó sẽ giúp khai phóng tiềm năng con người. 
 
Nếu có luật về hội thì mọi người có thể hình dung là sẽ có thêm hàng nghìn, hàng vạn tổ chức ngày đêm hoạt động để nhân nên các giá trị cho xã hội.


Chắt chiu nguồn lực

Cuối năm 2023, thông tin báo chí đưa tin trong cuộc họp Hội đồng nhân dân của các tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai, đã có những thảo luận chất vấn về tình trạng giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự kéo dài và hối thúc tìm giải pháp tháo gỡ.

Chuyện này làm tôi nghĩ tới vụ án của mình cũng đã kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa có được một phiên toà.

Từ năm 2011 một doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị ngành điện cho một doanh nghiệp đối tác với giá trị hàng hoá lên tới chục tỷ đồng.

Sau đó xảy ra tranh chấp do đối tác chậm trễ thanh toán, năm 2015 vụ án được khởi kiện ra toà, thân chủ của tôi đã đưa ra yêu cầu của mình nhưng tới nay đã 8 năm vẫn chưa được tòa án đưa ra xét xử.

Tôi đã gửi nhiều văn bản kiến nghị tới toà án quận Bình Thạnh và gửi đơn thư phản ánh tình trạng giải quyết vụ án kéo dài tới nhiều cơ quan nhưng vụ kiện vẫn dậm chân tại chỗ.

Vài tháng trước báo chí cũng đưa tin về vụ kiện tranh chấp đòi tài sản của một đại gia là Đức An với một siêu mẫu là Ngọc Thuý.

Vụ án thu hút sự quan tâm của báo chí và dư luận xã hội, trong đó giá trị tài sản tranh chấp gồm nhiều bất động sản khác nhau tổng giá trị lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Điều tôi thấy đáng chú ý trong thông tin về vụ án đó là vụ tranh chấp cũng đã kéo dài 13 năm, mới đây mới được tòa án thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm.

Từ dăm năm trước tôi đã có nhiều bài báo phản ánh về tình trạng giải quyết án kéo dài không chỉ gây mất thời gian cho đương sự mà còn đưa tới những hệ lụy đối với nền kinh tế.

Tôi phân tích chỉ ra cho rằng mỗi năm xảy ra không biết bao nhiêu vụ kiện tranh chấp về tài sản, tổng khối tài sản có tranh chấp có thể lên tới hàng tỷ đô la.

Những khối tài sản nếu được giải quyết một cách nhanh chóng sẽ sớm phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, sớm được đưa trở lại vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Sau đó vì thấy được tính chất quan trọng của vấn đề nên đã tập hợp các bài báo lại và triển khai thêm các ý trở thành nội dung chính của cuốn sách Người bắc cầu Ô Thước, trong đó chỉ ra mối quan hệ giữa nền tư pháp và nền kinh tế.

Nền tư pháp có thể đưa đến giải pháp và cung cấp nguồn lực cho phát triển kinh tế bằng cách giải quyết khẩn trương có hiệu quả các tranh chấp về tài sản.

Đến nay đứng trước thông tin về cuộc họp tại Hội đồng nhân dân các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đã cho thấy những nội dung bàn luận trúng và đúng với các vấn đề thực tế đang xảy ra.

Có thể hình dung là tình trạng này còn tồn tại ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Rất nhiều vụ án bị giải quyết với quãng thời gian vượt quá quy định về thời hạn của bộ luật tố tụng dân sự.

Cũng có nghĩa là rất nhiều khối tài sản bị gim giữ trong hoàn cảnh có tranh chấp thay vì được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Trong khi nhà nước hằng ngày nỗ lực đi tìm kiếm từng đồng vốn đầu tư nước ngoài thì một lượng lớn của cải trong nước có thể trở thành vốn đầu tư lại đang bị lãng phí.

Tựu chung lại, trong một đất nước đang phát triển thì cũng khó tránh khỏi tồn tại vấn đề về năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Nhưng để đất nước phát triển tăng tốc thì mỗi ngành lĩnh vực đều cần có sự điều chỉnh để khai thông và chắt chiu các nguồn lực.

Để mỗi nơi tăng thêm một chút hiệu quả, khi cộng dồn lại sẽ đưa tới những bước tiến phát triển mau chóng cho kinh tế xã hội.


Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Việt Nam: Để tăng tốc phát triển cần biết chắt chiu các nguồn lực?’

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;