Hơn ba tháng sau ngày một cháu bé 5 tuổi bị hiếp giết vứt xác tại mương nước cánh đồng thuộc thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, ông Hàn Đức Long bị công an huyện Tân Yên triệu tập theo đơn thư tố cáo của hai mẹ con bà cụ hàng xóm tố cáo hiếp dâm và nhanh chóng bị bắt giữ. Tài liệu hồ sơ thể hiện ông Long đã thú nhận hành vi hiếp dâm hai mẹ con bà cụ, vậy đây là sự tự nguyện hay là sản phẩm của bức cung nhục hình?
Tới nay thì câu trả lời đã rõ. Nhưng ở thời điểm trước khi ông Long được minh oan, bản thân tôi khi đã ý thức được thực chất việc bắt giam giữ là một biện pháp nghiệp vụ bức ép buộc khai báo, trong một bài báo tôi đã chất vấn rằng bắt giam giữ có phải là biện pháp ngăn chặn thông thường hay đó là một hình thức truy bức nhục hình để buộc nghi can phải khai báo?
Theo luật thì Bộ luật tố tụng hình sự cho phép cơ quan điều tra sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm thì được quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, sau khi bắt phải báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị phê chuẩn Viện kiểm sát phải trả lời có đồng ý lệnh bắt hay không, nếu không đồng ý thì cơ quan điều tra phải trả tự do ngay cho người bị bắt.
Việc bắt giam giữ theo đó là một biện pháp ngăn chặn mục đích nhằm ngăn ngừa nghi can bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc tiêu hủy chứng cứ. Nhưng thực tế lâu nay việc bắt giam giữ đã vượt quá mục đích ý nghĩa đơn thuần chỉ là một biện pháp ngăn chặn, mà nó bị biến tướng thành một hình thức truy bức nhục hình thông qua môi trường giam giữ nhiều khắc nghiệt.
Chúng ta biết rằng nghi can mặc dù bị bắt nhưng vẫn chưa bị coi là tội phạm. Bởi một nguyên tắc pháp lý đã được luật hóa thành quy định pháp luật, đó là không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật. Như vậy mặc dù bị bắt và hạn chế quyền tự do đi lại, nhưng các quyền tự do dân sinh khác của người bị bắt vẫn còn, ví như quyền được đọc sách báo, xem ti vi, thăm gặp người thân, ăn uống đủ dinh dưỡng, không bị đánh đập bởi người khác… Vậy lâu nay người bị bắt có được đảm bảo các điều kiện đời sống bình thường đó không?
Thực tế lâu nay có một vấn đề rất nghiêm trọng đó là điều kiện môi trường giam giữ ở Việt Nam còn nhiều khắc nghiệt, khiến cho người bị giam giữ chịu khổ cực về tinh thần, người bị bắt phải sống trong môi trường giam giữ mà mọi thông số chỉ tiêu đều ở mức thấp.
Một ví dụ mấy năm trước tôi có bào chữa cho một người bị giam ở trại tạm giam số 3 thuộc Hà Đông, Hà Nội. Một lần vào lấy lời khai tôi thấy chòm râu cứng của người đó được chia làm hai nửa, một bên rất dài cứng còn một bên lại trụi nhẵn, hỏi ra thì được biết suốt ngày người đó bị mấy người giam giữ cùng phòng đè ra nhổ râu giải trí cho đỡ buồn. Một trường hợp khác mà tôi tham gia bào chữa ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, một bị can cho luật sư biết ông ta bị những người giam giữ cùng phòng bắt tắm một ngày hai lần trong điều kiện mùa đông rét mướt. Điều này khiến cho một nông dân trung niên vốn khỏe mạnh đã bị suy kiệt sức khỏe dẫn đến khi phiên tòa mở ra thì ông này phải đi cấp cứu, chỉ vài ba tháng sau ngày được tại ngoại thì ông này lăn ra chết trong khi vụ án vẫn còn đang được giải quyết.
Đó là những ví dụ giúp hình dung cho thấy tình trạng xâm hại sức khỏe của người bị giam giữ như thế nào. Còn theo một bài báo năm 2015 trên báo Đất Việt có tiêu đề ‘Tội phạm tăng nhanh hơn dân số, thiếu hàng ngàn chỗ giam’, bài báo đưa số liệu rằng so với quy mô đã được phê duyệt, các trại tạm giam còn thiếu hơn 14.000 chỗ (tiêu chuẩn mỗi chỗ 2 mét vuông), tạm giữ thiếu hơn 12.000 chỗ. Việc thiếu chỗ giam giữ một phần nguyên nhân từ việc quy định bắt giam giữ lâu nay chưa hợp lý, một phần khác đã có sự lạm dụng, nhiều trường hợp không cần thiết bắt cũng bắt, và mấu chốt nhất là cơ quan điều tra lại được quyền bắt.
Chúng ta biết rằng cơ quan điều tra có chức năng nhiệm vụ phòng chống tội phạm, ở họ mang nặng tâm lý trạng thái triệt tiêu phòng ngừa. Nghề nghiệp của họ ít đòi hỏi sự suy xét công tâm khách quan để cân nhắc sự cần thiết xác đáng hay không trong việc bắt giam giữ, cái có ở nghề nghiệp của các thẩm phán. Trước mỗi sự việc còn chưa rõ ràng lý do nếu quyền bắt thuộc cơ quan điều tra thì họ sẽ có ngay quan điểm là cần bắt, điều này có nguyên nhân từ tâm lý trạng thái nhận thức nghề nghiệp phòng ngừa. Mặt khác pháp luật quy định rằng trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, có nghĩa là nếu không chứng minh được tội phạm thì họ phải chịu trách nhiệm nào đó.
Cho nên đương nhiên cơ quan điều tra sẽ có xu hướng tìm giải pháp để sao cho hoàn tất cho được trách nhiệm của mình và giải pháp giải tỏa trách nhiệm ở đây chính là quyền được bắt giam giữ. Có thể nói quyền được bắt là ‘phép mầu’ giúp làm ‘nhẹ gánh’ đi trách nhiệm chứng minh tội phạm của cơ quan điều tra. Cho nên cái trách nhiệm chứng minh tội phạm mà lại đi kèm với cái quyền được bắt người thì đó chính là căn nguyên gây ra quá tải thiếu chỗ giam giữ.
Từ đó thông qua hoạt động báo chí tôi nêu ý kiến rằng Bộ luật tố tụng hình sự nên quy định quyền quyết định bắt giam giữ chỉ thuộc về tòa án, thay vì cho phép cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng có quyền bắt như hiện nay. Cơ quan điều tra muốn bắt thì phải có lệnh của tòa, và phải chứng minh thuyết phục được Thẩm phán về sự cần thiết của việc bắt giữ. Khi xem một số bộ phim hình sự của nước ngoài đôi khi chúng ta thấy trong nội dung phim cơ quan điều tra phải vất vả lắm mới xin được ‘trát’ bắt của tòa, sự suy xét cẩn trọng của tòa án là bờ đê bảo vệ các quyền công dân, ngăn ngừa bạo quyền. Việc cân nhắc quyết định bắt hay không điều này cũng nằm trong chức năng xét xử phán quyết của tòa án, tức là cân nhắc xem liệu đã cần thiết hay chưa trong việc tước đi một số quyền tự do của công dân.
Tìm hiểu thì thấy hai nước láng giềng gần gũi là Hàn Quốc và Nhật Bản đều quy định quyền bắt người thuộc về tòa án. Hiến pháp Hàn Quốc viết rằng: Trong trường hợp bắt, giam giữ, tịch thu tài sản hoặc khám xét thì cần phải có lệnh của thẩm phán thông qua các thủ tục luật định và bất kỳ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ đều có quyền yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của việc bắt hoặc giam giữ. Còn Hiến pháp Nhật Bản viết rằng: Không bai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của tòa án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang.
Xung quanh vấn đề bắt giam giữ có ý kiến tranh biện lại rằng việc bắt giam giữ lâu nay không hoàn toàn do một mình cơ quan điều tra quyết định, mà cơ quan này sau khi bắt phải xin sự phê chuẩn của viện kiểm sát, như thế là thêm một khâu kiểm soát phòng ngừa đảm bảo cho việc bắt là xác đáng rồi.
Tôi đã phản biện lại để làm rõ bản chất của các hoạt động bắt giữ, theo đó tôi thừa nhận đó đúng là quy trình bắt giữ lâu nay và có hai vấn đề xung quanh quy trình này. Thứ nhất tại sao lại bắt rồi mới xin phê chuẩn mà không xin phép rồi mới được bắt? Thứ hai, lâu nay Viện kiểm sát có chịu áp lực từ cơ quan điều tra trong việc phê chuẩn lệnh bắt hay không?
Chúng ta thấy rằng bắt rồi mới xin phê chuẩn như thế hành vi đã tạo ra hệ quả, Viện kiểm sát khi đó đứng trước một việc đã rồi. Nếu từ chối lệnh bắt thì cơ quan điều tra phải thả người, nhưng việc thả chỉ có nghĩa là chưa đáng bị bắt chứ không có nghĩa khẳng định kẻ đó không phạm tội và vẫn phải tiếp tục điều tra. Việc phải thả người khi đó sẽ làm suy yếu vị thế của cơ quan điều tra trong mắt kẻ tình nghi và điều đó sẽ gây khó cho hoạt động điều tra. Đây chính là thành tố thêm vào khiến cho việc cân nhắc đánh giá của viện kiểm sát bớt đi tính khách quan mà dễ bị áp lực thôi thúc đồng ý với lệnh bắt để hoàn tất trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cả hai cơ quan này.
Có ý kiến lại cho rằng nếu rút bỏ quyền bắt giam giữ của cơ quan công an điều tra sẽ làm suy yếu đi lực lượng này. Nghiêm trọng hơn có ý kiến cho rằng công an là thanh gươm sắc để bảo vệ chế độ, nếu rút bỏ quyền được bắt người thì chẳng phải sẽ làm cho lưỡi gươm cùn đi hay sao? Tôi cho rằng những ý kiến lo lắng này đều không có cơ sở và cần được giải đáp sáng tỏ.
Phải công nhận quyền được bắt giam giữ là một tính năng sắc bén của ngành công an, nhưng ngành công an còn sắc bén ở nhiều khía cạnh khác đó là có lực lượng hùng hậu, được trang bị vũ khí, được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ và chiến thuật chiến lược. Trong khi đó đừng quên rằng cảnh sát điều tra chỉ là một bộ phận trong cả một ngành công an rộng lớn với nhiều phiên hiệu khác nhau. Và vai trò của điều tra thực ra lại chỉ phát huy ở giai đoạn hậu, tức là khi sự việc đã xảy ra rồi, tổn thất đã có rồi và việc tiếp theo là cần xử lý hậu quả vụ việc theo một trình tự thủ tục luật định.
Còn khi tội phạm đang ở trạng thái dự mưu hoặc khi đang diễn ra thì việc xử lý lại thuộc lực lượng công an khác có tính năng như một lực lượng răn đe hoặc đơn vị tiến công. Và đây mới là giai đoạn mang ý nghĩa quan trọng hơn cả trong luận đề ‘thanh gươm bảo vệ chế độ’ vì cái cần trọng yếu là phòng ngừa ngăn chặn chứ không phải dọn dẹp. Ở nhiều nước có hệ thống pháp luật tiến bộ họ xác định cơ quan điều tra thuộc khối tư pháp tách bạch với cơ quan công an thuộc khối hành pháp. Ở đấy cơ quan điều tra không được tự ra lệnh bắt giam giữ (trừ trường hợp phạm tội quả tang) mà chẳng hề làm suy yếu đi lực lượng công an thuộc khối hành pháp.
Còn tiếp …