Cùng với quyền im lặng, việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can là một giải pháp cơ học kỹ thuật, giúp kiểm soát đưa các hoạt động tư pháp vào khuôn khổ chuẩn mực, qua đó giảm tránh đi những oan sai. Xuất phát từ vụ án Hàn Đức Long, bản thân ông Long khai báo đã bị đánh đập trong quá trình hỏi cung, từ đó tôi cảm nhận rất rõ tính quan trọng về vấn đề ghi âm ghi hình khi hỏi cung để chống bức cung nhục hình.
Việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung rõ ràng đem lại ích lợi cho việc xác định sự thật vụ án, nhưng trước khi được ban hành giống như quyền im lặng nó cũng đã vấp phải sự phải phản đối dữ dội từ những người muốn giữ nguyên trạng. Bản thân tôi khi ý thức được tính quan trọng của chế định pháp lý tiến bộ này, cũng đã phải viết báo tranh biện phản bác lại các ý kiến phản đối để thúc đẩy ủng hộ cho chế định tiến bộ này.
Thực tế hành nghề thì thấy, từ lâu nay việc hỏi cung và ghi chép biên bản lời khai là nghiệp vụ điều tra cơ bản, được coi là hoạt động trọng tâm chủ yếu giúp tạo lập cơ sở chứng cứ kết tội để hoàn tất điều tra vụ án. Tùy từng vụ án mà số biên bản ghi lời khai nhiều ít khác nhau, nhưng về cơ bản là nhiều, một bị can trong một vụ án ít nghiêm trọng cũng có dăm bảy biên bản ghi lời khai, còn đối với những vụ án nghiêm trọng phức tạp thì số lượng biên bản lời khai lên đến hàng chục.
Ngoài lời khai của bị can thì còn có lời khai nhân chứng, người liên quan, điều này khiến cho hồ sơ vụ án thường dày, nhiều chữ, gây khó khăn cho việc nghiên cứu nắm bắt nội dung vụ án. Bản khai tuy nhiều nhưng chất lượng thông tin lại ít, nhiều nội dung hỏi đáp được ghi chép lặp lại nhiều lần giống nhau, trong khi chữ viết tay lại khó đọc. Những yếu tố đó hòa quyện lại khiến cho việc nghiên cứu nắm bắt hồ sơ tránh bỏ lọt những thông tin có ý nghĩa là một việc làm nhàm chán vất vả. Đây chính xác là một bất cập pháp lý tồn tại lâu nay, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nghiệp vụ này sẽ được thay đổi, mà rồi nhiều vấn nạn nghiêm trọng đã sinh sôi nảy nở ra từ đây.
Đầu tiên việc ghi chép dù cố gắng đến mấy cũng không thể ghi lại hết được những lời trình bày của bị can, thực tế việc ghi chép chỉ lưu lại những câu trình bày chính, còn những lời lẽ giải thích thêm hoặc những câu trao đổi để làm rõ ý chính thì không được ghi chép lại, trong khi những nội dung này cũng quan trọng giúp cho việc hiểu thấu và xác định đúng bản chất sự việc.
Tiếp theo, việc ghi chép biên bản lời khai rất dở là nó không phản ánh lột tả hết được các sắc thái biểu cảm của người khai báo, mà cái này có giá trị để đánh giá không kém gì so với những lời trình bày. Những người đã được đào tạo hiểu biết về loại ngôn ngữ cơ thể thì sẽ thấy được sự quan trọng của thứ ngôn ngữ không thành lời này.
Việc ghi biên bản lời khai còn tồn tại thực trạng xấu, như các hành vi như mớm cung, ép cung, dụ cung. Hoặc bắt bị can ký khống vào các biên bản giấy trắng rồi viết thêm vào những dòng trống trong các trang làm sai lệch nội dung khai báo. Cuối cùng việc ghi chép lời khai còn dẫn đến các hoạt động buộc tội và bào chữa gỡ tội vướng vào những tranh cãi câu chữ vụn vặt thiếu chiều sâu, tại phiên tòa nhiều khi bị cáo phản cung chối tội thì hội đồng xét xử lại cho công khai các ban khai nhận tội trước đó để chứng minh bị cáo đã phạm tội. Đó là điều đã xảy ra trong vụ án Hàn Đức Long.
Hoạt động lấy cung và ghi chép lời khai rõ ràng là một nghiệp vụ điều tra chứa đựng nhiều bất cập, và do vậy cần được hiệu chỉnh sửa đổi và giải pháp thay thế đó chính là việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực từ đầu năm 2018 đã quy định bắt buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung. Với những quy trình xác lập cơ sở chứng cứ mới, các dữ liệu ghi âm ghi hình sẽ khiến cho việc ghi chép lời khai không còn nhiều giá trị ý nghĩa nữa. Theo đó quá trình điều tra, điều tra viên có thể tiến hành hỏi cung nhưng thay vì ghi chép lời khai thì buổi hỏi cung được ghi âm ghi hình lại. Biên bản ghi chép nếu có chỉ cần ghi ngắn gọn những điểm chính về các tình tiết mới được khai báo, những ai muốn xem toàn bộ lời khai có thể trích lục băng ghi âm ghi hình.
Một luật sư từng theo đoàn đi công tác ở nước Đức về nói chuyện cho biết, ở bên đó hồ sơ vụ án cũng dày nhưng các trang tài liệu rất ít chữ chứ không như ở ta. Điều đó có thể hiểu là không chỉ ở Đức mà nhiều nền tư pháp tiến bộ người ta không có lối làm án phụ thuộc vào ghi chép biên bản lời khai như cách mà ở VN đang làm. Và các nước họ có nhiều cơ sở xác lập chứng cứ trực quan sinh động, với các dữ liệu ghi âm ghi hình phục vụ tốt cho việc đánh giá phá án chứ không đơn điệu, thô sơ, xơ cứng như các biên bản ghi chép lời khai.
Một trong những luận điểm những người phản đối việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung đưa ra đó là hoạt động này sẽ gây ra tốn kém cho ngân sách nhà nước. Trong một bài báo tôi đã đặt câu hỏi rằng, rất lạ là mặc dù có ý kiến khác nhau nhưng chưa hề thấy các cơ quan tính toán đưa ra con số chi tiết cho biết nếu lắp camera cho tất cả các phòng hỏi cung trên cả nước thì hết bao nhiêu tiền? Khi chưa có phép tính thống kê thì ý kiến nói tốn kém hay không là dựa vào đâu hay là nói quàng xiên vô căn cứ.
Từ đó tôi dẫn chứng đến một sự việc hồi năm 2013 ở quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh xảy ra một vụ bạo hành trẻ em tại một cơ sở trông giữ trẻ, những hình ảnh bạo hành trẻ em được truyền hình đưa tin rộng khắp gây bức xúc dư luận. Sau sự việc này Công ty cổ phần Nguyễn Kim đã có đề án tài trợ lắp đặt 20.000 camera cho các nhà trẻ mẫu giáo trên cả nước, cụ thể gói tài trợ của công ty Nguyễn Kim trị giá hơn 30 tỷ đồng với 20.000 camera, 5.000 đường truyền dẫn, miễn phí hòa mạng, cước internet sẽ được dành tặng các nhà trẻ và mẫu giáo trên cả nước.
Theo những người thực hiện dự án này thì họ đã đi khảo sát tại nhiều nhà trẻ trường mẫu giáo và thấy rằng các bậc phụ huynh rất mong muốn lắp đặt camera để họ đảm bảo con mình được chăm sóc chu đáo. Sự việc đó đã cung cấp con số tham chiếu rất đáng quan tâm, tôi đặt câu hỏi chất vấn rằng không biết số phòng hỏi cung của các trại giam trên cả nước có lớn đến 20.000 không, nhưng xem ra con số 30 tỷ đồng không phải là không chi nổi đối với ngân sách.
Tôi phê phán các cơ quan bàn luận về chính sách kêu tốn kém mà không có số liệu thống kê phân tích gì cả, và hối thúc họ nên tìm hiểu xem dự án của Công ty cổ phần Nguyễn Kim đã triển khai đến đâu, có gặp khó khăn vướng mắc gì không để từ đó có cơ sở mà cân nhắc. Vì mục đích lắp camera cho nhà trẻ cũng nhằm quan sát các hoạt động, kiểm soát nhằm tránh sự ngược đãi bạo hành, cũng giống như mục đích lắp camera trong các phòng hỏi cung.
Từ cách giáo dục trẻ em chúng ta đã biết rằng nếu chúng ta cư xử với tình cảm bao dung và trân trọng thì nhân cách đứa trẻ sẽ phát triển tốt. Ngược lại nếu chúng ta cư xử bạo lực với trẻ nhỏ thì lớn lên chúng cũng có thói quen hành xử bạo lực. Trẻ nhỏ là thế và chính xác thì đối với người trưởng thành cũng thế. Nếu một người đã trải qua thời gian bị bắt giữ điều tra và bị đánh đập thì họ đã mất đi niềm tin vào tính công chính của hoạt động điều tra xét xử.
Với thời gian giam giữ kéo dài và nỗi phẫn uất do bị bức ép đánh đập, từ đó người ta đã mắc nhiễm thói quen hành xử bạo lực. Việc điều tra xét xử khi đó tuy rằng đúng người đúng tội đấy, nhưng cũng đã mất đi tính giáo dục phòng ngừa. Công lý có vẻ cũng được đạt đến đấy nhưng cái giá phải trả di hại lớn về sau. Điều đó giống như những phụ phẩm không đáng có của một cỗ máy. Tức là khi cỗ máy tư pháp vận hành trên con đường tìm kiếm công lý thì nó đã kịp rải rắc ra những phế phẩm độc hại làm suy đồi nhân cách con người và gia tăng tính ưa bạo lực trong cộng đồng.
Triết gia người Anh là ông John Stuart Mill trong cuốn sách Chính thể đại diện khi đánh giá về các mô hình chính thể độc tài và dân chủ đã nhận định: Mức độ hướng tới gia tăng các phẩm chất tốt mang tính tập thể cũng như cá nhân trong cộng đồng bị cai trị là tiêu chí đánh giá cho tính ưu tú của chính thể. Người ta phán xét chính thể thông qua tác động của nó lên con người, tác động của nó lên những sự việc, thông qua việc nó tạo lên các công dân như thế nào và nó làm gì với họ. Xu thế của nó là cải tiến hay làm hư hỏng bản thân dân chúng, tính tốt xấu của việc làm mà nó thực hiện cho họ và thông qua họ.
Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng chế độ hiện thời là độc tài và điều này biểu hiện ở chỗ ít lắng nghe và hay hành xử trấn áp bạo lực. Nếu điều này là đúng thì điều đúng đắn nên làm là cần tiết giảm tính bạo quyền trong công vụ và rõ ràng nhất sâu rộng nhất là trong hoạt động tố tụng hình sự. Các quy định về quyền im lặng, ghi âm hay ghi hình khi hỏi cung bị can, hoặc quy định việc bắt giam giữ phải do tòa án quyết định thay vì cơ quan điều tra … đều là những chế định giúp tiết giảm đi bạo quyền.
Đây là những bước đi vững chắc đem lại an ninh cá nhân và an toàn cho dân chúng, bước đi vững chắc và sâu rộng của việc dân chủ hóa đời sống xã hội. Bằng những cư xử ôn hòa và khoan dung, chúng ta mới hy vọng trong tương lai giảm tránh đi những tầng lớp người ưa bạo lực. Bởi lẽ trẻ em cũng như người lớn, nếu nuôi dưỡng bằng bạo lực ắt sẽ nhận lại bạo lực. Cho nên để để đảm bảo cho một tương lai an lành, nếu việc lắp camera trong các nhà trẻ mẫu giáo được cho là cần thiết thì đó cũng chính là lý do cho sự cần thiết phải lắp camera trong các phòng hỏi cung.
Ủng hộ cho các chế định tiến bộ nhằm ngăn chặn bức cung nhục hình và oan sai để tránh đi những vụ án oan như Hàn Đức Long, song tôi cũng nhận thấy chỉ quy định ghi âm ghi hình khi hỏi cung là không đủ mà bản thân các quy định bất cập lạc hậu cũng cần phải bãi bỏ. Một sự bất cập là tuy Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình, tức là chỉ chấp nhận những lời khai báo là tự nguyện, nhưng Bộ luật hình sự lại có điều luật xử tù những ai không chịu khai báo. Theo đó Điều 308 quy định về Tội từ chối khai báo đã viết rằng: Người nào từ chối khai báo hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể bị phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Điều luật này không loại trừ ai do vậy có thể hiểu bị can cũng là đối tượng bị xử lý. Vậy lý do chính đáng ở đây là gì? Để tự bảo vệ mình có phải là một lý do chính đáng không? Đó rõ ràng là một lý do chính đáng xét ở bản chất con người vì chẳng ai muốn tự làm hại mình. Nếu hiểu như vậy thì sẽ thấy rằng tất cả mọi bị can đều có lý do chính đáng là tự bảo vệ mình và do vậy mọi trường hợp bị can đều phải có quyền từ chối khai báo. Như thế chính quy định đe dọa xử tù những ai không chịu khai báo đó chính là một hình thức bức cung. Quy định như thế đã tạo ra cho điều tra viên tính hợp pháp về mặt luật pháp để ép buộc khai báo, và giải thoát cho họ mặc cảm tội lỗi về mặt đạo đức nếu có, và đó là lý do vì sao trên thực tế xảy ra vấn nạn bức cung.
Về sau này Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 đã sửa điều luật về tội từ chối khai báo, loại trừ trách nhiệm cho bị can bị cáo. Theo đó Bộ luật hình sự mới ban hành năm 2015 tại Điều 383 Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu đã quy định liệt kê rõ ràng các chủ thể phải chịu trách nhiệm về điều luật này, bao gồm người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản mà không bao gồm bị can bị cáo. Đó là một thay đổi tích cực theo hướng tiến bộ khoa học, và là một bước tiến bộ của nền tư pháp..
Còn tiếp …