Vị thế yếu kém của luật sư bào chữa ngoài nguyên nhân do hành lang pháp lý ấn định các quyền hạn hẹp, còn do nguyên nhân nội tại bởi giới luật sư còn kém năng lực trình độ và thiếu bản lĩnh nghề nghiệp.
Nghề luật sư ở Việt Nam bắt đầu từ thời Pháp thuộc và đã có những luật sư danh tiếng như Phan Văn Trường, Nguyễn Mạnh Tường. Nhưng sau đó do đất nước trải qua giai đoạn chiến tranh nên có một quãng thời gian dài nghề luật sư không còn hoạt động. Không chỉ nghề luật sư mà suốt một thời kỳ đến Bộ tư pháp cũng không còn trong Chính phủ, Trường luật Đông Dương cũng bị bãi bỏ.
Mãi cho đến những năm 1980s xuất phát từ những chính sách đổi mới và hội nhập, nghề luật sư mới được khôi phục hoạt động trở lại, trong đó Đoàn luật sư thành phố Hà Nội thuộc là một trong những đoàn hoạt động sớm nhất bắt đầu năm 1984. Kể từ đó nghề luật sư là một bộ phận cấu thành của nền tư pháp song không được giữ một vai trò quan trọng, mà ban đầu chỉ là một thành tố hợp thành của nền tư pháp cho đủ ban bệ. Đoàn luật sư với số lượng ít ỏi được ngân sách nhà nước trợ cấp ngân sách, nhiều cán bộ tư pháp nghỉ hưu chuyển sang đảm nhiệm vai trò luật sư để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tổ chức nghề nghiệp mới mẻ này.
Với xuất phát điểm như vậy cộng với nhận thức tồn dư từ trước của các ban ngành coi nghề luật sư chỉ là yếu tố phụ không quan trọng (dẫn đến xóa bỏ), điều đó đã khiến tạo ra hành lang pháp lý ấn định những phạm vi quyền hạn eo hẹp cho người luật sư bào chữa. Người luật sư hoạt động trong môi trường bị bao vây bởi quyền hạn lớn của các chủ thể tư pháp khác và luôn ở thế yếu dễ bị tổn thương, những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ luật sư và khả năng bảo vệ thân chủ.
Một dẫn chứng là về việc diễn giải và thực hiện điều luật về quyền trình bày lời khai của bị can bị cáo. Theo đó quyền im lặng tuy rằng đã được tiếp thu triển khai vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhưng thay vì quy định trực diện dễ hiểu bị can được quyền im lặng hoặc được từ chối trả lời câu hỏi, thì luật lại viết rằng bị can được quyền trình bày lời khai và không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình. Quy định như vậy, tức khai báo là một quyền, thì đó không phải là quy định mới mà đã có ngay từ khi ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định rồi.
Song cách quy định một phần không rõ ràng và phần khác là do không gian áp dụng điều luật trong môi trường tư pháp hình sự nhiều yếu tố chuyên chế độc tài trấn áp, cho nên hàng chục năm qua hàng triệu con người dính dáng đến điều tra hình sự vẫn không biết ý nghĩa về quyền khai báo của mình để vận dụng thực hiện cho đúng. Mọi người vẫn lầm tưởng khai báo là một nghĩa vụ đương nhiên. Giới luật sư bào chữa được cho là hiểu luật cũng không nhận ra ý nghĩa tích cực của điều luật này để giúp thực hiện cho đúng. Các luật sư không nhận ra rằng nếu khai báo là một thứ quyền thì người ta có thể từ chối không thực hiện mà không bị cho là sai, để từ đó hướng dẫn cho thân chủ cách thực hiện quyền trình bày lời khai của mình sao cho có lợi nhất.
Là quyền thì không buộc phải thực hiện, giống như quyền mời luật sư bào chữa, đều là quyền của bị can, nếu không thực hiện cũng không có gì là sai cả. Cái lý lẽ dễ hiểu như vậy nhưng từ hàng chục năm qua, hàng triệu con người đã phải khai báo như là một nghĩa vụ đương nhiên khi vướng vào vòng lao lý. Điều đó đặt ra câu hỏi về năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp của giới luật sư trước cộng đồng khách hàng.
Cho nên để tránh oan sai đòi hỏi ở người luật sư bào chữa phải có năng lực trình độ nhìn ra những lợi điểm ở các điều luật và vận dụng thực thi cho đúng, nếu bị cản trở thì phải dám đấu tranh bênh vực cho thân chủ, bênh vực cho pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thực thi đúng bản chất tinh thần điều luật, thay vì sợ hãi vì yếu thế trước cơ quan điều tra.
Do nhận thức được rằng, chủ trương cải cách tư pháp của nhà nước là nhằm sắp xếp, căn chỉnh lại việc thực hiện các quyền tư pháp, xác lập lên những quy trình thủ tục tư pháp mới hòng giúp cho nền tư pháp vận hành đảm bảo công lý được thực thi, tránh oan sai. Cho nên tôi hối thúc giới luật sư hơn ai hết phải gắn bó mật thiết và thúc đẩy cho chính sách này, vì luật sư có lợi hơn ai hết từ chính sách cải cách tư pháp, song xem ra các luật sư vẫn xem là thường và chưa nhìn ra những lợi điểm từ chính sách này giúp cải thiện môi trường hành nghề cho mình.
Trong một bài báo tôi đã nêu rằng giới luật sư Việt Nam cần đi đầu trong cải cách tư pháp, vì điều may mắn là khi giới luật sư tìm kiếm cơ hội, nâng cao vai trò vị thế của mình thì đó cũng chính là nội dung mục tiêu của chương trình cải cách tư pháp. Các quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp xét cho cùng cũng chỉ giới hạn ở một số lượng các quyền nhất định, nhưng lâu nay việc phân bổ nắm giữ thực hiện các quyền không hợp lý, nơi nhiều nơi ít dẫn đến nền tư pháp còn xộc xệch, ví như cơ quan điều tra quá nhiều quyền, luật sư ít quyền. Cải cách tư pháp là nhằm căn chỉnh phân bổ lại cho hợp lý việc thực hiện các quyền và điều tất yếu là tăng quyền cho luật sư.
Giới luật sư có đầy đủ động lực và hưởng lợi từ những thành công của chủ trương cải cách tư pháp, và so với các giới cán bộ tư pháp khác thì người luật sư có đủ ưu thế thuận lợi để đi đầu. Ưu thế thuận lợi ở đây là sự tự do trong hành nghề dẫn đến sự tự chủ trong suy nghĩ việc làm. Trong khi các giới cán bộ tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên họ làm việc theo những quy chế, nguyên tắc, trình tự, thủ tục có tính ổn vững, thói quen việc làm ít thay đổi và làm việc phụ thuộc cấp trên theo sự chỉ đạo nên kém thuận lợi hơn khi đưa ra các sáng kiến cải cách so với luật sư.
Tóm lại, giới luật sư tuy còn nhiều vấn đề nội tại nhưng nắm giữ trong mình khả năng đóng góp to lớn trong chủ trương cải cách tư pháp. Liên đoàn luật sư Việt Nam là cơ quan đại diện của giới luật sư, mặc dù lập ra nhiều ban bệ nhưng lại không có phòng ban nào về cải cách tư pháp. Theo đó ban lãnh đạo Liên đoàn luật sư đã không coi trọng vấn đề này như đúng mức như cần phải có, nên cũng không có hành động chuyên tâm đáng kể nào cho cải cách tư pháp, trong khi đúng ra Liên đoàn rất cần thành lập ra một Ủy ban chuyên về cải cách tư pháp trong bộ máy của mình để tập trung nguồn lực thúc đẩy cho các đề xuất giải pháp.
Tôi đã nhiều lần hối thúc Liên đoàn luật sư cần hành động tích cực hơn trước chính sách cải cách tư pháp của nhà nước, và tự mình đã soạn nhiều kiến nghị tập thể hô hào đông đảo luật sư đồng nghiệp tham gia nhằm thúc đẩy cho các chế định pháp lý tiến bộ. Tôi hy vọng bằng cách đó, khi tập thể giới luật sư đấu tranh giúp kiến tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, thì sẽ giúp các luật sư làm tốt hơn vai trò bảo vệ thân chủ trong từng vụ án. Nếu giới luật sư không tích cực tham gia vào cải cách tư pháp thì sẽ có ít điều luật tiến bộ được tạo ra, hoặc nếu có quy định tiến bộ được ban hành nhưng việc thực hiện lại kém thực chất hiệu quả.
Đến nay Bộ luật tố tụng hình sự ban hành năm 2015 đã tiếp thu quy định về quyền im lặng, nhưng đó cũng chỉ là quy định đã có từ lâu là bị can được quyền trình bày lời khai, mà quy định này lâu nay không được thực thi theo đúng bản chất điều luật. Do vậy việc cần làm là giới luật sư phải xác lập thống nhất cách hiểu và cách thực hiện, xác lập quy trình nghiệp vụ giải thích quyền im lặng cho thân chủ, rồi thông báo cho các cơ quan tư pháp liên quan để thống nhất thực hiện.
Ví như khi hỏi cung luật sư sẽ giải thích cho thân chủ hiểu anh có quyền chứ không phải là nghĩa vụ khai báo, theo đó anh có quyền không trả lời câu hỏi, vậy liệu có xảy ra tranh cãi giữa luật sư và điều tra viên không? Luật sư có bị quy chụp là có hành vi gây khó khăn cho hoạt động điều tra không? Nếu Liên đoàn luật sư làm tốt những việc thuộc phần nhiệm vụ của mình như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho luật sư thành viên trong từng vụ án.
Còn tiếp …