Sao Khối Tư pháp vắng mặt trong Bộ Chính trị?

Trong các ngày 4 và 5 tháng 9 Ủy ban Tư pháp Quốc hội dưới sự chủ trì của bà Lê Thị Nga đã họp bàn và lắng nghe các báo cáo của Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao.

Nhiều vấn đề quan trọng và nổi cộm của đất nước được nêu ra mổ xẻ trách nhiệm và luận bàn giải pháp.

Báo cáo về tình hình tội phạm của Bộ Công an cho rằng thời gian qua đã có những “tổ chức phản động trong và ngoài nước” kích động lôi kéo người dân và các đối tượng hình sự tại nhiều địa phương biểu tình gây rối trật tự công cộng.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa ủy viên của Ủy ban Tư pháp cho rằng biểu tình là quyền Hiến định của công dân, nếu xử lý không khéo thì coi những người đi biểu tình là tội phạm, là xấu hết, trong khi chưa có Luật Biểu tình.

x8

Ông Trương Trọng Nghĩa lưu ý rằng luật này đã lùi, đã hoãn nhiều lần và cho rằng càng khó thì càng nên nghiên cứu để ban hành chứ không nên bỏ dở.

Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị nên tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể để dân có chỗ mà mở miệng.

Liên quan đến báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, các đại biểu chất vấn 1,1 triệu bản kê khai tại sao lại chỉ xác minh có 44?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ thì 6/44 trường hợp xác minh có vi phạm là khá lớn, chiếm 13,6%.

Vậy còn hơn 1 triệu người chưa xác minh thì đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá xem tỷ lệ vi phạm trong số đó lớn thế nào?

Đối với báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các đại biểu chất vấn về tình trạng vì sao hồ sơ các vụ án kinh tế, tham nhũng cứ phải trả đi trả lại.

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng than phiền là các đại biểu đã biết rồi mà cứ hỏi, song ông cũng nêu lại nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ trả hồ sơ loại tội phạm kinh tế, chức vụ tham nhũng cao.

“Đó là đối tượng có trình độ, có quan hệ, có tiền, có khả năng đối phó, thậm chí còn có những quan hệ tác động khác. Đặc biệt là tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì xin thưa, chính cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật’.”

Ngoài các vấn đề đó, Ủy ban tư pháp còn chất vấn về nguyên nhân lý do để xảy ra những vụ án lớn đang được dư luận quan tâm như vụ đánh bạc liên quan đến hai cán bộ công an cấp cao là các ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, vụ án Vũ Nhôm ở Đà Nẵng cùng nhiều vấn đề khác.

Những điều đó cho thấy mức độ rộng mở bao quát các vấn đề mà Ủy ban tư pháp Quốc hội đã bàn luận, và đó đều là những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự quốc gia.

IMG_0484

Vị thế tư pháp thấp

Trong khi Quốc hội có 1 Hội đồng và 9 ủy ban, nhưng các cơ quan đều kém nổi bật về vai trò và khả năng xử lý các vấn đề nổi cộm của đất nước so với Ủy ban tư pháp, ví như Ủy ban pháp luật của Quốc hội kém dấu ấn hơn.

Ủy ban tư pháp hiện nay tuy là thuộc về cơ quan lập pháp là Quốc Hội nhưng hiện đang đóng thêm vai trò của tư pháp, tháo gỡ tạo lực đẩy hoạt động cho các cơ quan tư pháp thông qua luận bàn và định hướng phương hướng giải quyết các sự vụ.

Ở những nước thiết lập bộ máy nhà nước theo mô hình Tam quyền phân lập thì Tư pháp do Tòa án đứng đầu có vai trò ngang ngửa với Lập pháp và Hành Pháp, là một trong ba trụ cột của bộ máy nhà nước, Tư pháp đảm trách một khối lượng công việc đồ sộ, cũng như giữ vai trò to lớn.

Ở Việt Nam hiện nay bộ máy nhà nước thiết kế theo mô hình khác, nhưng tính chất mức độ phạm vi các sự vụ thuộc về thẩm quyền giải quyết của tư pháp cũng vẫn thế trong đời sống vận động của quốc gia.

Khối lượng công việc nhiều là thế song các ngành tư pháp ở Việt Nam lại giữ một vị thế vai trò rất hạn chế khiêm tốn. Bằng chứng là lãnh đạo các ngành tư pháp như Tòa án, Viện kiểm sát không có chân trong Bộ chính trị, khối tư pháp chỉ giữ vài ba vị trí Ủy viên Trung ương trong một Ban chấp hành khoảng 200 vị.

Vị thế khiêm tốn như vậy chắc chắn sẽ để lại những khoảng trống về các vấn đề mà ngành tư pháp không đủ khả năng xử lý.

Và do vậy, hiện tại Ủy ban tư pháp của Quốc hội tuy là cơ quan thuộc về Lập pháp nhưng lại đóng thêm vai trò thúc đẩy giải quyết các sự vụ, bổ khuyết cho năng lực còn hạn chế của các cơ quan tư pháp.

Bất công xã hội làm gia tăng tỷ lệ tội phạm.

Tòa án yếu kém?

Trong nền tư pháp thì Tòa án là thiết chế giữ vai trò trung tâm, Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ Tòa án thực hiện quyền tư pháp bên cạnh Quốc hội thực hiện quyền lập pháp và Chính phủ thực hiện quyền hành pháp.

Nhưng thực tế lâu nay Tòa án giữ vị trí quyền hạn yếu kém, trong lĩnh vực chính trị đã thế (như đã nêu trên) và trong hoạt động chuyên ngành cũng vậy.

Hôm 22/8 tại phiên họp của Ủy ban tư pháp về Báo cáo giám sát việc giải quyết các vụ án hành chính, Đại biểu Hoàng Văn Hùng, ủy viên Ủy ban tư pháp cho biết khi làm việc tại hai tỉnh, thành phố lớn ở phía Nam, trong quá trình làm việc có bí thư một thành phố tuyên bố: Tôi còn làm bí thư thì tôi chưa chấp hành bản án này.

Các đại biểu cho rằng việc lãnh đạo chính quyền địa phương không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, thậm chí không chấp hành các bản án hành chính đã có hiệu lực, thì đây là một sự coi thường, bất chấp pháp luật.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, Tòa án hiện đang bị san sẻ chia quyền với các Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện các hoạt động bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật.

Những quyền hạn này đáng ra chỉ thuộc về Tòa án.

Bản án của Tòa án còn bị làm cho suy yếu bởi hoạt động đặc xá tha tù trước thời hạn có tính chất đại trà hàng loạt mỗi năm, hoạt động này về bản chất là cơ quan khác đã tranh giành lấy đi một phần quyền phán quyết hình phạt của Tòa án.

Mới đây Bộ luật hình sự mới ban hành đã quy định về hoạt động tha tù trước thời hạn, theo đó các phạm nhân khi chấp hành án tốt sẽ được Tòa án xem xét ra quyết định tha tù trước thời hạn.

Việc tha tù trước thời hạn lâu nay vốn là hoạt động đặc xá đại trà thì nay thuộc thẩm quyền phán quyết của tòa án về Tha tù trước thời hạn. Theo đó Tòa án đã được trả lại uy quyền của mình đối với giá trị của bản án và số phận của bị cáo. Để đảm bảo đúng nghĩa rằng Tòa án là nơi đưa ra hình phạt thay vì phải chia sẻ quyền ra phán quyết hình phạt với cơ quan khác.

Một mảng vấn đề mới tới đây cũng có khả năng sẽ giúp gia tăng vị thế quyền hạn cho Tòa án, đó là hôm mùng 6 tháng 9 tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, khi thảo luận về Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí về phương hướng xử lý đối với tài sản quan chức kê khai không rõ nguồn gốc.

Theo đó những khối tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì sẽ do Tòa án xem xét, quyết định. Nội dung này nhiều khả năng sẽ được Quốc hội thông qua sẽ gia tăng quyền hạn cho Tòa án.

IMG_0791

Tựu chung lại, với những diễn tiến của chương trình nghị sự quốc gia như lâu nay cho thấy, phạm vi tính chất công việc của khối các thiết chế tư pháp đang ngày một mở rộng và quan trọng. Các vấn đề tư pháp đang ngày một trở thành trọng tâm của đời sống chính trị quốc gia, các sự vụ tư pháp chiếm một thời lượng lớn trong các chương trình nghị sự đất nước.

Đã đến lúc khối ngành tư pháp cần có vị trí cao hơn để vị thế tương xứng với phạm vi công việc, giúp cân bằng kiểm soát các hoạt động, theo đó cần bổ sung đưa người của khối cơ quan tư pháp tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất nước.

Không giống như nhiều nước đa đảng bộ máy tư pháp được yêu cầu không tham gia đảng phái chính trị để giữ sự trung lập khách quan, ở Việt Nam hầu hết cán bộ nhà nước là Đảng viên Đảng cộng sản cho nên để cân bằng kiểm soát các hoạt động thì cần bổ sung đưa người của khối cơ quan tư pháp tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất nước.

Sẽ là hợp lý nếu dành cho Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có chân trong Bộ chính trị.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘Sao khối tư pháp vắng mặt trong Bộ chính trị?