Chống tham nhũng nên gắn với cải cách tư pháp

Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện một chương trình về phòng chống tham nhũng, trong lúc có ý kiến cho rằng đây chỉ là đấu đá nội bộ.

Nhiều người lo ngại rằng khi tập trung quyền lực vào trong tay cơ quan chống tham nhũng cao quá thì đó lại trở thành công cụ chuyên chế đe dọa đến các sinh hoạt dân chủ. Từ đó nhiều người gợi ra viễn cảnh u ám chẳng mấy lạc quan về kết cục cuối cùng của chính sách này.

Tôi cho rằng có một giải pháp để giải quyết mối lo này và gia tăng giá trị ích lợi cho nhân dân. Đó là hãy gắn liền việc chống tham nhũng với những hoạt động về cải cách tư pháp.

x8

Làm như thế nào?

Chúng ta biết rằng việc chống tham nhũng kết cục sẽ đưa đến việc xử lý các vụ án hình sự, và việc giải quyết các vụ án này như thế nào đó là vấn đề thuộc về tư pháp.

Mới đây, bắt đầu từ năm 2018 một loạt các văn bản pháp luật hình sự mới có hiệu lực thi hành, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành Tạm giữ Tạm giam, Luật Tổ chức Điều tra Hình sự, trong đó có những quy định tiến bộ mới.

Đây là kết quả của những nỗ lực thúc đẩy cải cách tư pháp, như quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa, môi trường giam giữ được cải thiện.

Giới tư pháp đang trông mong những quy định tiến bộ này được thực hiện sẽ giúp cải thiện môi trường làm nghề.

Nhưng cũng có lo ngại rằng những tiến bộ này sẽ bị chương trình về chống tham nhũng với những đòi hỏi tăng cường tính chuyên chế trấn áp sẽ vô hiệu hóa không được thực hiện.

Nhiều người cho rằng sự tăng cường tính chất dân chủ trong các quy trình thủ tục tư pháp sẽ chỉ làm khó khăn cho việc xử lý tham nhũng mà thôi.

Tôi cho rằng ngược lại, chính quy trình làm án, chính đường lối giải quyết một vụ án hình sự lâu nay đang còn bất cập lạc hậu là rào cản cho việc xử lý tội phạm tham nhũng. Các cơ quan tư pháp đang tự trói buộc mình bằng những quy chuẩn đường lối làm án xưa cũ, biến quy trình xử lý một vụ án hình sự trở thành nơi tru khú cho tội phạm tham nhũng.

Việc giải quyết án hình sự lâu nay thường đòi hỏi những bằng chứng thô để phù hợp với trình độ nhận thức thấp mà qua đó thường viện đến bạo lực, thay vì dẫn dựa vào những nguyên tắc khoa học và nhận thức duy lý nơi con người.

Lấy ví dụ về một nghiệp vụ điều tra lạc hậu là nghiệp vụ ghi chép biên bản lời khai lâu nay. Thông thường người ta cứ phải moi ra được những lời khai nhận tội hoặc những lời khai báo thừa nhận hành vi đã thực hiện của bị can, để từ đó kết hợp với các chứng cứ khác người ta đưa ra suy luận về tội trạng.

Ghi chép lời khai là nghiệp vụ điều tra rất lạc hậu mà trên thực tế đã có nhiều dấu hiệu của sự thoái hóa xuống cấp thông qua những hiện tượng về “lời khai sinh đôi”, lời khai được đánh máy copy rồi paste.

Kiểu làm án như vậy đã dẫn đến những hành vi bức cung nhục hình, hành hạ con người ta bằng môi trường giam giữ nghiệt ngã, nhân phẩm danh dự con người bị hủy hoại, mà từ đó khiến việc xử lý tuy đúng người đúng tội nhưng không có công lý.

Nay đứng trước những đòi hỏi về đảm bảo thành tựu của cả hai chính sách về cải cách tư pháp và chống tham nhũng, các ban ngành cần thay đổi xác lập lại nhận thức.

Đầu tiên là phải xác định rằng việc xử lý kết tội một người là một việc làm tương đối phức tạp, quy trình thủ tục tư pháp là cái tương đối khó hiểu với nhận thức của quần chúng bình dân thông thường. Tiếp đó là trả lại quy trình thủ tục tư pháp về lại với lãnh vực của tri thức dẫn dựa vào những luận lý mà nhờ đó sẽ giúp giảm đi yếu tố bạo lực.

39

Việc thay đổi nhận thức và các nguyên tắc tư pháp sẽ giúp tạo ra hiệu quả cho hoạt động.

Lấy ví dụ về việc thay đổi đường lối làm án sẽ giúp giải quyết các vụ án hình sự và giảm tránh đi các yếu tố bạo lực tiêu cực. Ví như trong việc xử lý các vụ án tham nhũng, các ban ngành hãy học hỏi cách xử lý của đất nước Singapore thời ông Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu đã thực hiện chính sách xử lý tham nhũng thành công, biến Singapore trở thành một nước sạch sẽ hàng đầu thế giới, bằng việc sử dụng những bằng chứng về tài sản và mức sống của quan chức cao hơn mức lương có thể lý giải được, đó là bằng chứng của tham nhũng.

Cách làm này đã giúp Singapore thành công và nó hoàn toàn phù hợp với nhận thức duy lý nơi con người mà đó thực ra cũng là nguồn cội của công lý.

Nếu làm như vậy thì các quy định tiến bộ về cải cách tư pháp, tôn trọng quyền con người trong vòng tố tụng hình sự sẽ vẫn được đảm bảo mà không lo rằng đó là chướng ngại cho việc xử lý tham nhũng.

Tư pháp tốt giúp chống tham nhũng

Một nền tư pháp được cải cách sẽ trở nên chất lượng hiệu quả trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Đó sẽ là một công cụ cảnh báo răn đe cho những ý định tham nhũng.

Cải cách tư pháp nếu làm tốt còn giúp giải quyết vấn nạn tham nhũng ngay trong chính hệ thống tư pháp, góp phần làm sạch sẽ thêm một mảng phần lớn của hệ thống bộ máy nhà nước là lĩnh vực tư pháp.

Kết hợp việc chống tham nhũng và cải cách tư pháp sẽ đem đến một không gian pháp lý sạch sẽ đáng mong muốn và an toàn hơn cho các quyền công dân.

Việc kết hợp có thể được thực hiện thông qua các vụ án được đông đảo nhân dân quan tâm, các ban ngành chỉ cần lồng vào việc xử lý các vụ án các hoạt động về phổ biến và thực thi nghiêm chỉnh những quy định tiến bộ về tư pháp.

Hãy cho bị can được giữ quyền im lặng, hãy tạo điều kiện cho bị can được có luật sư, hãy đảm bảo đời sống nơi ngục tù không còn là địa ngục. Làm những cái đó lợi ích ruốt cuộc sẽ thuộc về nhân dân, sẽ tạo lập tính chính đáng cho hoạt động chống tham nhũng, dẹp đi những cáo cuộc đây chỉ là đấu đá nội bộ.

48

Để rồi từ đó cùng với thời gian, việc chống tham nhũng sẽ đem lại hiệu quả kép tích cực, vừa làm sạch bộ máy vừa kiến tạo khung khổ tư pháp khoa học chuẩn mực nghiêm minh.

Việc chống tham nhũng khi đó nếu bị dừng lại ở bất kỳ thời điểm nào thì cũng mang lại giá trị tích cực nhờ những bù đắp của tiến bộ tư pháp.

Và nếu cuối cùng khi chính sách chống tham nhũng được dừng lại và thành công thì đó cũng là thành công của môi trường tư pháp hiệu quả văn minh, đó sẽ là kết quả tươi sáng cho nhân dân đất nước mà nếu thiếu đi cải cách tư pháp thì không thể nào có được.

Bài đã đăng trên BBC New Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Chống tham nhũng nên gắn với cải cách tư pháp’