Xử lý kinh tế ngầm, cách tiếp cận thế nào cho đúng?

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát hay còn gọi là kinh tế ngầm, nhằm mục đích phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế Việt Nam.

Đề án này sau đó được một số cán bộ quản lý và chuyên gia kinh tế diễn giải như một cách thức xử lý các hoạt động kinh tế tiêu cực, nhằm tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Theo bài ‘Đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng‘ trên báo Thanh niên, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng khu vực kinh tế ngầm là các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ các cơ sở kinh doanh đó không khai báo vì mục đích trốn thuế, không nộp thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng hay trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cũng trong bài báo trên, Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận xét: “Lớn nhất trong khu vực kinh tế ngầm của Việt Nam có lẽ là hoạt động sản xuất ngầm. Đây là hoạt động sản xuất hợp pháp, nhưng có chủ ý giấu giếm các cơ quan chức năng để giảm thuế phải nộp (thuế giá trị gia tăng hoặc thuế thu nhập) hoặc giảm đóng góp cho bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.”

Vậy các ý kiến này có diễn giải đúng tinh thần mục đích của Đề án thống kê kinh tế ngầm của Chính phủ hay không? Và đó có phải là một cách tiếp cận đúng đắn giúp chuyển hóa các hoạt động kinh tế ngầm trở thành hợp pháp?

Sai lầm phổ biến

Trong cuốn sách ‘Sự bí ẩn của vốn’ của tác giả Hernando de Soto, người Peru xuất bản năm 2000 có phần chỉ ra rằng các nước thế giới thứ ba và hậu cộng sản có những mảng kinh tế hoạt động nằm ngoài khuôn khổ pháp luật được gọi là khu vực kinh tế ngầm.

Ông cho biết nhiều nước đã thất bại trong khi cố gắng tích hợp các hoạt động kinh tế ngầm vào nền kinh tế chính thức. Lý do thất bại là vì họ thường có quan niệm sai lầm rằng tất cả những người ấn nút trong các khu vực ngoài pháp luật hoặc khu vực ngầm đều làm vậy để trốn thuế.

Tác giả cho biết hầu hết người dân sử dụng khu vực ngoài pháp luật không phải vì đó là một thiên đường về thuế mà bởi vì luật hiện hành không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của người dân.

Ở Peru, nhóm của tác giả đã thiết kế một chương trình để đưa các nghiệp chủ nhỏ ngoài pháp luật vào hệ thống hợp pháp.

Khoảng 276.000 nghiệp chủ đã đăng ký kinh doanh một cách tự nguyện tại các văn phòng đăng ký mới được dựng lên để giúp đỡ họ mà không hề có hứa hẹn giảm thuế.

Công việc kinh doanh của họ trước đó đã chẳng nộp một đồng tiền thuế nào. Nhưng bốn năm sau, thu nhập thuế từ các công ty ngoài pháp luật trước đây tổng cộng đã lên đến 1,2 tỷ USD.

Tác giả cho biết giải pháp đã thực hiện là cắt giảm một cách đầy kịch tính các loại giấy tờ và dẹp bỏ chi phí cho tệ hành chính quan liêu để họ gia nhập kinh doanh.

‘Những nhà sản xuất, những cửa hiệu ngoài pháp luật – những người hoạt động với lãi gộp mỏng như lưỡi dao cạo, tính bằng cent chứ không phải bằng đồng đô la – biết rõ các tính toán số học cơ bản’.

‘Tất cả những cái mà chúng tôi phải làm là đảm bảo rằng những chi phí của hoạt động hợp pháp thấp hơn các chi phí để sống sót trong khu vực ngoài pháp luật’.

Tác giả cho biết ngược với quan điểm phổ biến, hoạt động trong khu vực ngầm cũng gặp nhiều chi phí, chẳng hạn chi phí tổn thất của việc không công khai và chi phí cho quan chức tham nhũng.

Các hoạt động kinh doanh ngoài pháp luật bị thiệt hại bởi sự thiếu vắng của luật quyền sở hữu và bởi luôn phải che dấu các hoạt động của họ trước các nhà chức trách.

Do không thể thành lập công ty, các nghiệp chủ ngoài pháp luật không thể quyến rũ các nhà đầu tư bằng cách bán cổ phần, họ không thể tìm được tín dụng chính thức với lãi suất thấp vì họ thậm chí còn chẳng có địa chỉ hợp pháp.

Khoản bảo hiểm duy nhất sẵn có cho họ là cái được cung cấp bởi sự bảo vệ mà bọn đầu gấu và mafia địa phương sẵn sàng bán cho họ.

Hơn thế nữa, vì các nghiệp chủ ngoài pháp luật sống trong sự sợ hãi liên miên về sự phát hiện của chính quyền và sự tống tiền của quan chức tham nhũng, họ buộc phải chia tách các phương tiện sản xuất thành nhiều địa điểm và như thế hiếm khi đạt được hiệu quả kinh tế nhờ tính quy mô.

Với con mắt luôn phải ngó xem có cảnh sát không, họ không thể quảng cáo công khai để tập hợp khách hàng hoặc tiến hành giao hàng cả lô với chi phí ít cho các khách hàng.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thoát khỏi các chi phí của khu vực ngoài pháp luật thường đủ bù cho việc đóng thuế.

Nghiên cứu cho rằng:

“Bất luận bạn ở trong khu vực hay ngoài khu vực pháp luật, bạn đều phải đóng thuế. Cái quyết định bạn ở trong hay ngoài là chi phí ở bên nào nhiều hay ít hơn.”

Những diễn giải phân tích đó cho thấy ý kiến rằng kinh tế ngầm là những hành vi trốn thuế xấu xa là không thỏa đáng.

Chính phủ nên làm gì?
Cảnh tượng u ám về nền kinh tế ngầm là cái đã từng tồn tại ở mức độ nghiêm trọng tại Việt Nam nhưng có lẽ là ở thời điểm vài chục năm trước, khi mà nền kinh tế còn trong tình trạng quan liêu bao cấp, ngăn sông cấm chợ, bế quan tỏa cảng.

Sau mấy chục năm cải cách mở cửa nền kinh tế Việt Nam đã có diện mạo khác. Suốt mấy chục năm qua pháp luật về kinh doanh đã liên tục được sửa đổi bổ sung.

Đã có những tiến bộ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều rào cản điều kiện kinh doanh giấy phép con bị bãi bỏ, thời hạn đăng ký thành lập một doanh nghiệp liên tục được rút ngắn tới nay chỉ còn 3 ngày.

Nhưng những tiến bộ đó là không đủ để Việt Nam giải quyết được những hoạt động kinh tế ngầm. Một thực tế là nền kinh tế vẫn còn ở trong tình trạng kém phát triển dẫn đến những phạm vi sản xuất kinh doanh manh mún nhỏ lẻ.

Tình trạng tham nhũng của bộ máy hành chính quan liêu là rất nghiêm trọng và những hoạt động kinh tế ngầm đang đem lại lợi nhuận cho tầng lớp quan chức địa phương. Đây chính là rào cản lớn nhất làm thoái hóa chức năng của bộ máy hành chính.

Tác giả cuốn sách ‘Sự bí ẩn của tư bản’ cho biết: Cái ngăn cản hầu hết dân chúng ở các quốc gia đang phát triển không tích hợp vào hệ thống hợp pháp các hoạt động của họ là do bởi một hệ thống pháp luật và hành chính tồi.

Và để thay đổi tác giả Hernando de Soto cho rằng đây là một trách nhiệm chính trị quan trọng. Bởi lẽ để chống lại những thế lực đang hưởng lợi từ kinh tế ngầm như quan chức hay nhóm mafia địa phương thì đòi hỏi phải có quyền lực và quyết tâm chính trị.

Việc lôi kéo và thuyết phục những người này từ bỏ lợi ích cục bộ riêng tư để vì lợi ích chung phải là trách nhiệm chính trị của lãnh đạo tài năng với cam kết phục vụ nhân dân.

Chính phủ cũng cần tránh sai lầm rằng chỉ nghĩ ban hành ra các luật là đủ, mà còn phải tính đến những chi phí để tuân thủ các luật đó.

Hiện nay tình trạng tham nhũng trong bộ máy hành chính là đáng báo động, tình trạng thuế phí nặng nề mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Những điều đó thử hỏi có hấp dẫn không để người dân chuyển đổi khu vực kinh tế ngầm thành các hoạt động kinh doanh hợp pháp theo pháp luật?

Và do vậy, liên quan đến khu vực kinh tế ngầm, thay vì nhìn nhận đó là những việc làm xấu của người dân thì chính phủ cần nhìn lại năng lực của bộ máy hành chính nơi mình và tìm ra giải pháp.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Tính cách xử lý nền kinh tế ngầm ở VN thế nào cho đúng?