Xử lý đúng người đúng tội nhưng liệu đã có Công lý?

Hôm 28/10 vừa rồi, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm báo cáo trước Quốc Hội về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016. Theo đó số liệu thống kê cho biết năm 2016 đã khởi tố mới trên 70.430 vụ án với hơn 102.441 bị can.

Trước đó, về tình hình tội phạm năm 2015 số liệu tổng hợp năm ngoái cho biết: đã điều tra khám phá gần 44.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ, xử lý trên 83.000 đối tượng, triệt phá gần 2.500 băng, nhóm tội phạm, truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại hơn 6.700 đối tượng truy nã; phát hiện gần 16.000 vụ phạm tội về kinh tế; triệt phá gần 17.000 vụ, hơn 26.000 đối tượng phạm tội về ma tuý.

Tức là cũng vào khoảng 77 nghìn vụ án với hơn 100 nghìn nghi phạm hình sự năm 2015.

Các con số tội phạm đó rất lớn, cho thấy tình trạng tội phạm trong xã hội rất nghiêm trọng.

Vấn đề đặt ra là làm sao để việc xử lý tội phạm đảm bảo được công lý.

Tức là phải làm sao để việc xử lý tội phạm giúp tạo ra được môi trường an toàn, đem lại bình yên cho nhân dân.

Chứ đừng để việc xử lý tội phạm với những bất cập tai hại của nó lại là nguyên nhân góp phần gây thêm lên tình trạng phạm tội.

Bảo vệ công lý

Ở một diễn biến khác, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên đã đưa vào sử dụng hai từ Công lý mà trước đó không có. Theo đó nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự ngoài mục tiêu cũ như không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì có thêm mục tiêu mới bảo vệ Công lý.

Vậy tại sao bây giờ lại phải thêm vào mục tiêu bảo vệ Công lý? Trước đó đặt mục tiêu không bỏ lọt, không làm oan vẫn chưa đủ hay sao?

Có thể hiểu thế này, nếu mục tiêu chỉ là xử lý đúng người đúng tội thì vẫn có khả năng người ta bất chấp phương thức thủ đoạn để xử lý tội phạm mà theo đó không có công lý.

Ví như quá trình điều tra xử lý án xảy ra tình trạng lạm quyền bạo hành thông qua các hoạt động lạm dụng bắt bớ, giam giữ kéo dài, đánh đập bức ép buộc phải khai báo và và đời sống nghiệt ngã khổ sở trong môi trường giam giữ.

Tất cả những yếu tố này khiến con người bị hủy hoại nhân phẩm, làm mất niềm tin vào sự nghiêm chính của pháp luật và cơ quan công quyền.

Trong khi đó, đừng quên rằng hầu hết các tội phạm sau khi mãn hạn tù họ lại trở về với đầy đủ quyền công dân.

Vậy với kinh nghiệm đã trải qua và ký ức lưu giữ liệu họ có còn tín nhiệm vào nền tư pháp? Hay họ đã trở lên táo tợn liều lĩnh, khinh rẻ những giá trị trật tự xã hội và thù địch với trật tự công quyền?

Trong khi cả nước mỗi năm có hàng trăm nghìn người vướng vào vòng tố tụng hình sự, việc họ còn hay mất niềm tin vào nền tư pháp công chính là rất quan trọng để giữ trật tự xã hội và kiến tạo môi trường pháp lý an toàn.

Đằng sau hàng trăm nghìn con người đó lại có hàng trăm nghìn gia đình và người thân, họ sẽ kể lại cho nhau nghe những câu chuyện và truyền cho nhau những kinh nghiệm. Vậy liệu những câu chuyện và kinh nghiệm của họ sẽ vun đúc hay hủy hoại sự nghiêm chính của nền tư pháp?

Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào phân tích đánh giá về mối liên quan giữa tình trạng bạo quyền xâm phạm nhân phẩm trong vòng tố tụng hình sự và tình trạng tội phạm. Tuy vậy có thể nhận định là giữa chúng có mối liên quan và có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Tôn trọng con người

Thực tế lâu nay, vì chỉ coi trọng xử lý tội phạm cho nên đã xảy ra tình trạng xem nhẹ quyền công dân làm mất đi giá trị công lý. Quá trình điều tra giải quyết án hình sự với những lạm dụng bất cập đã gây thêm ra tình trạng bạo lực và tội phạm.

Bộ luật tố tụng hình sự đã bổ sung thêm mục tiêu bảo vệ Công lý, và để thực hiện được mục tiêu này luật cũng đã tiếp thu đưa vào một số chế định mới như quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can và vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa.

Những chế định mới này là nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm quyền và bạo hành khiến cho việc xử lý tội phạm tuy đúng người đúng tôi nhưng vẫn không có công lý như đã nói ở trên.

Những chế định mới sẽ giúp bảo vệ nhân phẩm con người trong suốt quá trình điều tra xử lý tội phạm. Giảm tránh việc lạm quyền bất chấp phương thức thủ đoạn.

Vì việc điều tra xử lý tội phạm xét cho cùng cũng chỉ là phương tiện nhằm đạt đến mục tiêu bảo vệ các quyền công dân. Cho nên phương tiện không được chống lại mục tiêu hướng đến. Việc điều tra xử lý tội phạm phải tuân theo những chuẩn mực giá trị không được đi ngược lại mục tiêu bảo vệ dân quyền.

Những chế định mới về quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, và vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa sẽ giúp ngăn chặn cái dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra đó là đánh đập bức bách phải khai báo.

Bởi vì ‘cái điều dễ xảy ra nhất trong hoạt động điều tra’ đó, nó làm tiêu ma luôn mục đích ý nghĩa của hoạt động xử lý tội phạm là bảo vệ dân quyền. Và nó gây ra hệ lụy xấu cho xã hội, vì hãy thử hình dung xem cái cơ chế tư pháp kiểu đó sẽ cung cấp cho xã hội các công dân kiểu gì, hay làm tha hóa họ?

Cho nên đứng trước số liệu về thực trạng tội phạm trong xã hội hiện nay, cần nhận ra được vấn đề nghiêm trọng nhất của nền tư pháp hình sự là gì.

Đó không phải là vấn đề án oan hay vấn đề bỏ lọt tội phạm, mà đó là tình trạng lạm quyền và bạo hành ẩn chứa trong hàng chục nghìn vụ án hình sự bình thường mỗi năm, với hàng trăm nghìn nghi can hình sự.

Tình trạng lạm quyền và bạo hành khiến cho việc xử lý tội phạm tuy đúng người đúng tội nhưng vẫn không có công lý. Và nó khiến cho việc xử lý tội phạm với những bất cập tai hại của nó lại là nguyên nhân gây thêm lên tình trạng bạo lực và tội phạm trong đời sống xã hội.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại Đây: Google search: ‘Xử lý đúng người đúng tội nhưng liệu đã có công lý’