Vụ Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan mong con trai được về nhà lấy vợ, sinh con

 

Hôm vừa rồi bà Nguyễn Thị Loan mẹ tử tù Hồ Duy Hải đã ra Hà Nội đến gặp luật sư trong bối cảnh dư luận đang nóng về việc thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng.
 
Ngay khi vừa xuống sân bay bà tìm đến văn phòng luật sư, đây là lần thứ 6 bà đến gặp tôi tại văn phòng ở Hà Nội và một lần tôi đến thăm gia đình bà ở Long An.
 
 
Tình mẹ con
 
Trong khoảng thời gian 2 giờ gặp gỡ, vẫn là những câu chuyện đau khổ của người mẹ kêu oan cho con, nhưng bên cạnh đấy lần này chúng tôi bắt đầu nói về những chuyện khi mà Hồ Duy Hải được trả tự do.
 
Ví như việc Hải nên ở đâu, ở nhà cũ hay là tìm cho nơi ở mới, việc hạn chế tiếp xúc và thận trọng phát ngôn của người thân gia đình nên như thế nào.
 
Những kế hoạch tương lai đó bà Loan đã nghĩ đến từ lâu, lúc này có thêm tôi đưa ra những góp ý cho kế hoạch, những câu chuyện tương lai đó như dòng nước hy vọng mát lành tưới tắm cho tâm hồn nhiều nỗi sầu héo của bà.
 
Trong nhiều lần nói chuyện bà Loan thường hay nhắc đến vụ việc ông Hàn Đức Long được minh oan trả tự do và mong ước sao con trai bà cũng được như vậy.
 
Bà Loan cũng tự trách mình vì đã không tìm đến nhờ tôi sớm hơn, bà xót xa cho con trai bị mất tuổi xuân ở trong chốn lao tù, bà mong luật sư giúp cho Hải sớm được trả tự do để về nhà lấy vợ sinh con, được như thế rồi thì ông trời có bắt bà đi thì bà cũng chịu.
 
Trong cuốn sách về Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long, chỗ nào đó tôi đã viết rằng, một luật sư thương mại hiện nay thì dễ làm giàu nhưng nếu là một luật sư bào chữa hình sự thì sẽ dễ trở thành người thúc đẩy cải cách xã hội.
 
Bởi khi là một luật sư bào chữa tôi đã chứng kiến nhiều nỗi đau, đó có thể là nỗi đau của gia đình bị hại mất đi người thân hoặc nỗi đau của người mắc phải vòng oan trái.
 
Bởi vậy sau khi kết thúc công việc bào chữa của luật sư tại phiên tòa tôi lại dành thời gian nghiên cứu lên tiếng về những chính sách công, để thúc đẩy thay đổi cải thiện đi môi trường kinh tế xã hội nơi đã sản sinh ra các tội phạm.
 
Cần hiểu sao cho đúng 
 
Một điều cần được làm rõ xung quanh vụ án Hồ Duy Hải đó là nhiều người nghĩ rằng phải tìm ra được hung thủ thật sự thì mới mong được minh oan, đây là nhận thức sai nhưng dễ khiến nhiều người tán đồng nhất trí.
 
Đầu tiên mọi người có thể hình dung về việc giải quyết một vụ án hình sự như sau, khi một vụ án mạng xảy ra thì sẽ có một người hoặc một số người thuộc diện tình nghi bị điều tra, những người này sẽ bị áp dụng một số biện pháp điều tra được luật định.
 
Đơn giản thì ví như sẽ bị triệu tập thẩm vấn lấy lời khai, nghiêm trọng hơn thì sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt giam giữ, sau một quá trình thời hạn điều tra theo luật định nếu không chứng minh được người này đã thực hiện hành vi phạm tội thì khi đó cơ quan tố tụng sẽ phải đình chỉ điều tra đối với người này đồng nghĩa với việc kết luận họ không phải là thủ phạm. 
 
Nếu trước đó đã bắt giam giữ thì phải trả tự do và bồi thường, đó là quy trình thủ tục tố tụng hình sự mà Việt Nam và các nước đều quy định. 
 
Trong trường hợp nghi phạm được đưa ra tòa xét xử và bị kết án có tội, sau đấy theo những quy trình thủ tục tư pháp ở những cấp xét xử tiếp theo mà hội đồng người ta đưa ra nhận định đánh giá lại không đủ cơ sở căn cứ để kết tội người này, ví như cấp phúc thẩm thay đổi phán quyết của cấp sơ thẩm.
 
Hoặc cấp giám đốc thẩm thay đổi những phán quyết của cấp trước đó, thì khi đó phải trả tự do mình oan và xin lỗi công khai đối với người này, đó là quy trình của tố tụng hiện nay mà ở Việt Nam hay các nước cũng đều thế.
 
Luật sư Ngô Ngọc Trai về thăm lại ông Hàn Đức Long, người đã được minh oan thành công sau khi đi tù oan 11 năm.
 
Trong những trường hợp như vậy khi không đủ cơ sở căn cứ đánh giá kết tội một người thì phải xác định người ta không có tội, việc này hoàn toàn không phụ thuộc vào việc đã bắt được thủ phạm đúng hay chưa. 
 
Đó là nguyên lý tư pháp đúng đắn nhưng trong thực tế do ít phổ biến cho nên nhiều người đã không nhìn ra nguyên tắc này.
 
Thực tế qua một số vụ án chỉ thấy khi người ta bắt được thủ phạm thực sự thì mới biết rằng người đã bị kết án là oan sai cho nên phải trả tự do và xin lỗi, ví như các vụ án của các ông Nguyễn Thành Chấn hay Huỳnh Văn Nén, nhưng cũng có những vụ việc không tìm ra được thủ phạm ví như vụ án của ông Hàn Đức Long.
 
Vụ án của tử tù Hàn Đức Long là thuộc trường hợp minh oan trả tự do trong bối cảnh chưa tìm ra được thủ phạm thực sự, trong cuốn sách viết về hành trình minh oan cho tử tù đã chia sẻ rằng vụ án này có ý nghĩa lớn giúp thay đổi quan điểm nhận thức lâu nay rằng cứ phải tìm ra được thủ phạm chính thì mới minh oan cho người bị oan sai.
 
Đối với những vụ án của các ông Chấn hay ông Nén thì đều đã tìm ra thủ phạm, điều này đã đem lại sự thỏa mãn về công lý trọn vẹn cho cộng đồng xã hội, nhưng vụ án của ông Long mới mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều cho cộng đồng trong mục đích thực thi nguyên tắc pháp lý bảo hộ quyền công dân.
 
Việc phải tìm ra được thủ phạm đúng không nên tròng vào cổ của những người bị oan sai, họ không nên bị ràng buộc vào thứ trách nhiệm vô cùng khó khăn phức tạp như là việc tìm ra được thủ phạm đúng của vụ án. 
 
Để hình dung ra được mức độ quan trọng của nguyên tắc pháp lý này mọi người hãy thử hình dung rằng bản thân bị dính dáng liên đới điều tra trong một vụ án hình sự mà không hề thực hiện.
 
Nếu cứ phải chờ đợi người ta tìm ra được thủ phạm thực sự thì mới minh oan được cho mình thì đó là cả một sự bất công và lo lắng khủng khiếp, trong khi mọi người sẽ cảm thấy yên tâm an toàn hơn nhiều nếu như sau quá trình điều tra không chứng minh được mình là thủ phạm thì người ta sẽ phải xác định bản thân là người không phạm tội.
 
Trong hồ sơ vụ án hình sự thì có khi cùng một chứng cứ vừa cho thấy người này bị oan nhưng đồng thời chứng cứ đó cho thấy người kia mới là thủ phạm, ví như lời khai của nhân chứng mới được tìm ra hoặc kết quả giám định ADN so sánh giữa những người liên quan.
 
Nhưng bên cạnh đó thì lại cũng có rất nhiều hồ sơ vụ án chỉ có chứng cứ cho thấy một người không phải là thủ phạm song cũng không rõ kẻ gây án là ai, khi đó việc cần phải làm ngay là loại người bị tình nghi ra khỏi quá trình điều tra. 
 
Đó thực ra cũng là một phần của kết quả điều tra. Bởi mọi người hình dung rằng trong một vụ án mạng, thủ phạm chỉ có một, trong khi những người bị tình nghi thì có nhiều, quá trình điều tra sẽ dần dần làm rõ và có nhiều chứng cứ cho thấy sự ngoài phạm của đa số người tình nghi, họ sẽ được bỏ dần trong quá trình điều tra.
 
Trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, chứng cứ cho thấy Hải không phải là thủ phạm là việc dấu vân tay của Hải không trùng khớp với dấu vân tay thu được ở hiện trường, đúng ra thì Hải phải được xác định không liên quan và được loại bỏ như nhiều người tình nghi khác. 
 
Trong bài báo mới đây tôi đã viết bằng chứng vô tội của Hồ Duy Hải đã có sẵn trong hồ sơ vụ án, đó là kết quả giám định dấu vân tay không trùng khớp và chứng cứ về lời khai ban đầu của Hồ Duy Hải.
 
Bên cạnh đó trong quá trình kêu oan cho tử tù thì tôi cũng nói nhiều tới những vấn đề cần điều tra thêm, ví như giám định lại dấu vân tay đối chiếu với kho dữ liệu công dân gồm danh chỉ bản dấu vân tay được thu thập trong việc cấp thẻ căn cước công dân vừa rồi, hoặc tôi nêu vấn đề giám định ADN thông qua việc thu thập mẫu máu ở hiện trường.
 
Điều đó muốn nói rằng có thể thủ phạm chính đã bị bỏ lọt một cách hết sức đáng tiếc, thủ phạm chính có thể là một người nào đó đã xuất hiện được nêu tên trong hồ sơ vụ án, kẻ tội phạm có thể đã ở rất gần trong tầm với tay của cơ quan điều tra.
 
Những điều đó khi nêu ra cũng là cho thấy lối làm việc sơ sót của cơ quan tiến hành tố tụng trước đây là nguyên nhân dẫn tới án oan.
 
Đó là những nội dung cần phân tích nêu ra trong vụ án hình sự để giảm tránh cho những trường hợp về sau, nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa rằng phải tìm ra được thủ phạm đúng thì mới minh oan cho Hồ Duy Hải.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Vụ án Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan mong con trai được về nhà lấy vợ, sinh con’

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;