Vụ bé gái 8 tuổi bị hành hạ tử vong ở Bình Thạnh, liệu sẽ lại có án tử hình?

Hôm mùng 5/5, Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM ra cáo trạng truy tố trong vụ án bé gái 8 tuổi bị hành hạ tới mức tử vong hồi tháng 12/2021 tại quận Bình Thạnh đã gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua.

Bị can nữ 27 tuổi bị truy tố về tội giết người và tội hành hạ người khác theo điều 123, điều 140 Bộ luật Hình sự, thuộc trường hợp ‘giết người dưới 16 tuổi’, ‘có tính chất côn đồ’ và ‘vì động cơ đê hèn’.

Bị can nam 37 tuổi là bố đẻ cháu bé, bị truy tố về tội hành hạ người khác và tội che giấu tội phạm theo điều 140, điều 389 Bộ luật Hình sự, theo các báo VN.

Với nội dung điều khoản truy tố như vậy thì thực tế bị can nữ đã rơi vào khung hình phạt có mức án tử hình.

Đây có thể sẽ lại thêm một số liệu đáng buồn về bản án tử hình tại Việt Nam.

Qua tìm hiểu nghiên cứu thì thấy, một số quy định chính sách tiến bộ của pháp luật, ví như việc giảm số tội danh có khung hình phạt tử hình khi sửa đổi ban hành Bộ luật Hình sự mới năm 2015 thay thế cho Bộ luật Hình sự cũ năm 1999.

Đó là kết quả của những thúc đẩy ngoại giao quốc tế mà các nước khác đòi hỏi những tiến bộ về tôn trọng bảo vệ quyền con người đặt ra đối với Việt Nam, chứ điều đó không phản ánh sự tiến bộ về tri kiến hiểu biết pháp lý của dư luận xã hội trong nước.

Luật sư Ngô Ngọc Trai tham gia bào chữa tại một phiên tòa

Tác dụng của án tử không cao
Như bản thân tôi thấy thì đánh giá nhìn nhận về hình phạt tử hình đối với hành vi giết người không mấy có sự tiến bộ thay đổi cả ở giới tư pháp kết án và người dân suốt hàng chục năm qua.

Trước những vụ án giết người được báo chí đưa tin, những xúc cảm nhận thức của dư luận công chúng không mấy có sự thay đổi.

Nhớ lại hồi năm 2010 xảy ra vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, một thanh niên đã giết bạn gái tại một căn hộ chung cư ở Hà Nội rồi cắt rời đầu sau đó đem phần thân vứt lên sân thượng tòa chung cư còn phần đầu đem vứt ở nơi khác.

Vụ án gây chấn động dư luận được báo chí đưa tin rộng rãi khi ấy đã tạo ra sự kinh hãi nơi công chúng, nhiều ý kiến đòi hỏi phải trừng phạt thích đáng và cuối cùng tòa án đã tuyên án tử hình và bản án sau đó đã được thi hành.

Tới nay vụ cháu bé 8 tuổi bị hành hạ đến tử vong cũng tạo ra những xúc cảm tương tự, nỗi sợ hãi và giận dữ khiến đâu đó cũng đã có những yêu cầu phải có hình phạt thích đáng cho thủ phạm và rồi kết quả án tuyên có thể sẽ không khác mấy với bầu không khí nhận thức nơi công chúng.

Nhiều người khi nhìn sự việc thì có thể đã cho rằng hành vi trong những vụ án như vậy là dị biệt cá biệt hiếm hoi nên chỉ cần loại trừ kẻ thủ ác ra khỏi xã hội là đời sống sẽ an toàn.

Họ không nhận thức được rằng tội phạm, tức sự vi phạm pháp luật, là phạm trù triết học tồn tại tất yếu cùng với việc con người ban hành ra pháp luật. Và hành vi giết người là lỗi lầm có nguyên nhân từ những khiếm khuyết trong hoạt động giáo dục nhân cách và rèn giũa cảm xúc từ cả môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.

Cho nên việc loại bỏ một kẻ thủ ác ra khỏi đời sống sẽ không giúp xã hội trở lên an toàn hơn.

Không biết rằng hồi năm 2010 khi vụ án Nguyễn Đức Nghĩa gây rúng động dư luận được báo chí đưa tin thì từ đó cho đến nay đã hơn chục năm đã có biết bao nhiêu thủ phạm gây án giết người mà khi xưa đã từng ủng hộ hình phạt cao nhất cho tử tội.

Luật sư Ngô Ngọc Trai tham gia bào chữa tại một phiên tòa

Giảm án tử hình
Được biết nhiều nước đã nghiên cứu thấy rằng án tử hình không giúp giảm đi số tội phạm trong đời sống xã hội, bởi vậy nhiều nước đã bãi bỏ hình phạt tử hình.

Ví như nước Australia đã bỏ án tử hình từ cách nay hơn nửa thế kỷ, cụ thể là từ năm 1967. Kể từ đó cho đến nay, những hành vi phạm tội dù là dã man nhất cũng chỉ chịu án chung thân.

Sau khi thụ án được 20 năm thì người thụ án được có đơn xin ân giảm, tòa sẽ mở phiên họp và tại đó người nạn nhân sẽ có mặt để kể lại nỗi đau của mình đề nghị tòa không giảm án hoặc nói lời tha thứ, nếu không được ân giảm thì cứ sau 3 năm người tù lại được làm đơn xin ân giảm. Trường hợp được ân giảm thì có thể xuống án tù có thời hạn và tiếp tục thụ án cho tới những lần ân xá sau.

Bản thân tôi từ lâu nay đã có quan điểm phản đối án tử hình ở Việt Nam.

Năm ngoái và sang năm nay đã tham gia bào chữa cho hai vụ án có khung hình phạt tử hình, đó là vụ giết chủ nợ ở Hải Dương và vụ giết người đốt xác trên xe ô tô ở Đăk Nông, cả hai vụ đều là án đặc biệt nghiêm trọng được báo chí đưa tin.

Luật sư bào chữa trong vụ án đã cố gắng đưa ra những luận chứng để ngăn hội đồng xét xử đưa ra mức án tử hình nhưng hội đồng xét xử phản ánh nhận thức của đại đa số công chúng xã hội đã tuyên án tử cho các hành vi phạm tội bị cáo buộc là giết người có tính chất man rợ.

Trước đó, như nhiều người tôi cũng dành sự quan tâm cho các vụ án của tử tội Hồ Duy Hải và Đặng Văn Hiến, là những vụ án nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Không chỉ thế, là một luật sư có kiến thức nên đã viết một số bài báo nêu ý kiến bác bỏ án tử hình đối với hai vụ và nhận ra nếu như ngay từ đầu không có án tử thì báo chí đã không tốn nhiều giấy mực cũng như xã hội đã không chịu nhiều xung động đến như vậy.

Đặc biệt hơn cả là trước đó vào năm 2016 tôi đã minh oan thành công cho một tử tù ở tỉnh Bắc Giang, một sự việc hiếm hoi trong nền tư pháp, thì đó cũng là một trải nghiệm rất sâu sắc.

Với việc thường xuyên tìm luận chứng gỡ tội cho án tử, tất cả những điều đó đã đưa dẫn tôi dần trở thành một người có quan điểm phản đối án tử hình và trở thành một nhà hoạt động cho vấn đề này.

Niềm tin về việc không nên kết án tử cho ngay cả những phạm tội giết người phẫn nộ dư luận không phải ai cũng có được, và đối với tôi thì cũng không phải là có ngay tức thì mà điều đó dần hình thành củng cố qua thời gian.

Cho tới nay thì đã có thể hoàn toàn tự tin để nói rằng không nên tuyên án tử cho bất kể vụ án nào phù hợp với niềm tin nội tâm đã tạo được.

Sẽ có nhiều người phản đối nên cũng không hy vọng một sự thay đổi pháp luật ngay lập tức mà hy vọng bằng việc kiên trì lên tiếng qua thời gian sẽ giúp lược giảm dần và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn.

Không rõ hơn nửa thế kỷ trước trình độ phát triển của xã hội Australia có hơn Việt Nam ngày nay hay không mà họ đã bỏ được án tử hình, hoặc ngay như nước Campuchia có đời sống xã hội không khác mấy VN mà họ cũng đã bỏ án tử hình từ 33 năm qua, cụ thể là từ năm 1989. Các nước Nepal và Philippines cũng đã bỏ án tử hình.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt 

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;