Vụ AVG: Bị can Phạm Nhật Vũ đã thực hiện “thỏa thuận nhận tội”?

Thông tin mới đây cho biết, vụ án AVG sẽ được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 16/12, dự kiến kéo dài đến ngày 31/12 với 14 bị cáo.

Trước đó, hồi tháng 9/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã ra bản Kết luận điều tra về vụ án.

Kết luận điều tra có nội dung đáng chú ý là đề nghị áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” đối với bị can Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu, viết tắt là AVG.

Lý do đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt là do bị can đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác để làm rõ vụ án.

Bị can cũng chủ động hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận gần 8.900 tỉ đồng, góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Nội dung về áp dụng chính sách hình sự đặc biệt trong vụ án này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng.

Là một luật sư theo dõi vụ việc, tôi nhận ra việc làm của ông Phạm Nhật Vũ và cơ quan điều tra trong vụ án này là một thỏa thuận nhận tội.

Bị can Phạm Nhật Vũ thực chất đã thực hiện một thỏa thuận nhận tội với cơ quan tố tụng để được hưởng mức án nhẹ.

Doanh nhân Phạm Nhật Vũ đã thực hiện một loạt việc làm, như thành khẩn khai báo, hủy bỏ hợp đồng, hoàn trả lại tiền, và do vậy, đối ứng lại, cơ quan điều tra đã đề nghị chính sách hình sự đặc biệt để giảm án.

Có đảm bảo công lý?

Vậy thỏa thuận nhận tội là gì? Việc giải quyết theo đó có đảm bảo công lý không?

Trong lĩnh vực tư pháp hình sự có một cơ chế pháp lý được gọi là thỏa thuận nhận tội.

Cơ chế này đã được nhiều nước áp dụng, theo đó pháp luật cho phép bị can và luật sư bào chữa được thỏa thuận nhận tội với bên công tố để thỏa thuận về mức án.

Cơ chế này rất có ý nghĩa khi pháp luật nhiều nước cho phép bị can được quyền giữ im lặng.

Trong khi trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra và viện kiểm sát.

Song việc điều tra thu thập chứng cứ để chứng minh một người phạm tội có nhiều tốn kém khó khăn, cho nên lịch sử tư pháp thế giới mới phát kiến ra cơ chế về thỏa thuận nhận tội.

Nếu bị can nhận tội, chịu khai báo, sẽ được thỏa thuận về mức án với bên công tố.

Và đương nhiên là được mức án nhẹ, đáp lại cho sự khai báo nhận tội.

Khi đó phía công tố cũng được lợi, giúp cho việc giải quyết vụ án được đúng người đúng tội, chính xác, và giảm thiểu tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức.

Một ví dụ về thỏa thuận nhận tội như sau.

Hồi năm 2015, ở thời điểm một loạt các văn bản pháp luật về hình sự của Việt Nam được đặt ra sửa đổi, bao gồm Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam.

Lúc này, Đài truyền hình Việt Nam có phát sóng một seri phim tài liệu nói về nền tư pháp hình sự của nước Mỹ.

Trong đó có một tập phim nói về vụ án hai người phụ nữ bị mất tích trong những lần khác nhau khi đang chạy bộ tập thể dục trong một khu rừng.

Trong vụ mất tích thứ hai người ta đã điều tra ra bắt được hung thủ và tìm được xác nạn nhân.

Các cơ quan nghi ngờ hung thủ này cũng là thủ phạm đã gây ra vụ mất tích của người phụ nữ trước đó.

Nhưng họ không làm thế nào để chứng minh được, do nghi phạm giữ quyền im lặng.

Trong khi đó gia đình nạn nhân muốn tìm thấy xác người thân của mình.

Thông qua luật sư bào chữa, nghi phạm đã thực hiện thỏa thuận nhận tội, khai báo ra nơi chôn xác của nạn nhân thứ nhất.

Cuối cùng cơ quan tố tụng xử lý cả hai vụ, tuyên phạt bị cáo chịu mức án chung thân thay vì tử hình như luật định.

Đó là một ví dụ minh họa rõ ràng về thỏa thuận nhận tội trong tố tụng hình sự của Mỹ.

Hay một ví dụ khác về một nghệ sĩ hài của Việt Nam đã bị bắt ở Mỹ hồi năm 2016 vì bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em.

Nhờ cơ chế thỏa thuận nhận tội, thông qua luật sư thực hiện với bên công tố, bị cáo đã hưởng mức án nhẹ và sau một thời gian bị giam thì đã được trả tự do trở về Việt Nam.

Việt Nam chưa có

Ở Việt Nam hiện nay, các bị can nói chung bao gồm trong đó các doanh nhân như Phạm Nhật Vũ chẳng may vướng vào vòng lao lý, họ đang chịu thiệt thòi so với bị can ở các nước có cơ chế thỏa thuận nhận tội.

Thực tế hầu hết các vụ án ở Việt Nam bị can hầu như không được quyền im lặng, đều phải khai báo hành vi, khai nhận phạm tội.

Nhưng tốt lắm thì đó chỉ được coi là thái độ thành khẩn khai báo, là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Nhưng sự giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này lại hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí đánh giá một phía của cơ quan tiến hành tố tụng, có áp dụng hay không, và giảm nhẹ bao nhiêu.

Điều này không giống với chế định thỏa thuận nhận tội khi luật sư bào chữa thương lượng cụ thể về mức án với bên công tố.

Khi bị can biết rõ mình sẽ chịu mức án bao nhiêu năm nếu khai nhận, họ sẽ tích cực và trung thực hơn trong khai báo.

Tìm hiểu thì được biết chế định thỏa thuận nhận tội thịnh hành ở các nước thuộc hệ thống Thông luật như Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, tức các nước theo thông luật Anh.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Nhật cũng có áp dụng chế định này nhưng còn hạn chế trong những vụ án ít nghiêm trọng.

Từ thực tiễn qua việc giải quyết vụ án AVG, và để đảm bảo công bằng cho các bị can trong mọi vụ án, tôi cho rằng đã đến lúc pháp luật hình sự của Việt Nam cũng cần bổ sung thêm chế định thỏa thuận nhận tội.

Điều này sẽ giúp kiện toàn hoàn thiện thể chế tư pháp, đáp ứng cơ chế giải quyết cho nhiều vụ án xảy ra trong thực tế đời sống, ngăn chặn thay thế cho cơ chế tư pháp nặng tính chuyên chế bức ép lâu nay.

Điều này cũng rất ích lợi cho những doanh nhân.

Là những người vốn quen với những đàm phán hợp đồng, hẳn các doanh nhân sẽ có xu hướng chấp nhận tham gia vào một việc như thỏa thuận nhận tội, để giành mức án nhẹ cho mình.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Vụ AVG: Bị can Phạm Nhật Vũ đã thực hiện thỏa thuận nhận tội’