Hôm 18/11, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đưa ra xét xử vụ án một chủ nợ cho vay nặng lãi bị giết chôn xác phi tang khiến tìm mãi không ra, vụ việc chấn động được đông đảo báo chí theo dõi đưa tin.
Nhưng trong việc giải quyết vụ án này cũng bộc lộ một số vấn đề cần khắc phục của nền tư pháp Việt Nam.
Bị cáo thú nhận
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, song thời gian giải quyết lại tương đối ngắn, kể từ khi khởi tố cho tới khi đưa ra xét xử chỉ khoảng bốn tháng rưỡi.
Nếu tính từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra thì còn nhanh hơn, chỉ khoảng hai tháng.
Đó là quãng thời gian tương đối ngắn nếu như biết rằng Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép thời hạn điều tra với vụ án đặc biệt nghiêm trọng thông thường là bốn tháng.
Nếu hết thời hạn đó mà việc điều tra chưa xong thì có thể được gia hạn thêm ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng nữa, thì tổng quãng thời gian cho phép được tới 16 tháng.
Vụ án này điều tra rất nhanh, chỉ mất hai tháng là bởi vì trong đó yếu tố tiên quyết nhất giúp cho việc đó chính là hành vi tự thú nhận khai báo của bị cáo.
Báo chí đã dẫn nội dung từ cáo trạng cho biết là nạn nhân bị chôn xác ở bờ đê ven sông Kim Sơn thuộc địa phận thành phố Hải Dương, sau đó vào một ngày cận Tết Nguyên đán năm 2021 bị cáo đã đào lên đốt xác phi tang mà không ai hay biết.
Suốt khoảng thời gian từ cuối tháng 11/2020 kể từ khi mất tích gia đình đã trình báo tới cơ quan chức năng huyện Gia Lộc, nhưng các cơ quan đã không tìm ra được tung tích của nạn nhân.
Chỉ đến khi chiếc xe ô tô của nạn nhân được phát hiện ở một khu đô thị thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội, rồi đến ngày 01/7/2021 bị cáo tới cơ quan điều tra khai nhận hành vi của mình thì rất nhanh chóng chỉ hai tháng sau đó đã hoàn tất việc điều tra.
Nếu bị cáo không tự nguyện khai báo thì cơ quan chức năng sẽ rất khó giải quyết được vụ án này, dù có thể đã nghi ngờ về tội phạm nhưng không làm sao có thể tìm kiếm được tung tích của nạn nhân.
Việc tự nguyện khai báo chỉ ra nơi chôn và đốt xác của bị cáo là yếu tố có tính chất quyết định, không chỉ cho việc rút ngắn thời gian điều tra mà còn quyết định việc bản thân vụ án có thể được giải quyết.
Nhưng điều đó liệu có giúp đem lại chút khoan hồng nào cho bị cáo?
Năm 2015, thời điểm Quốc hội Việt Nam đưa ra sửa đổi các văn bản pháp luật về hình sự, bao gồm Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ tạm giam, khi đó Đài truyền hình Việt Nam có phát sóng một seri phim tài liệu giới thiệu về nền tư pháp hình sự của nước Mỹ.
Việc này là nhằm cung cấp thêm các tư liệu kiến thức luật học cho công chúng và những nhà làm luật, giúp ích cho công tác nghiên cứu tìm hiểu sửa luật khi đó.
Trong seri phim hình sự có một tập phim nói về vụ án hai người phụ nữ bị mất tích trong những lần khác nhau khi chạy bộ tập thể dục trong một khu rừng.
Trong vụ mất tích sau, người ta đã điều tra bắt được hung thủ và tìm được xác nạn nhân, các cơ quan nghi ngờ hung thủ này cũng là người đã gây ra vụ mất tích của người phụ nữ nhiều tháng trước đó, nhưng không làm thế nào để kết luận được do nghi phạm được giữ quyền im lặng.
Khi vụ án xảy ra người dân Mỹ rất bức xúc tức giận với hành vi của bị cáo và họ mong muốn trừng phạt thật thích đáng, nhưng cả người dân và hệ thống chính quyền của nước Mỹ đều phải thừa nhận một thực tế về năng lực có giới hạn của con người.
Thực tế, nhiều vụ án mà vì các lý do ngẫu nhiên khác nhau đã không thể nào có được nhân chứng, vật chứng thu thập mà muốn giải quyết được thì yếu tố duy nhất chính là cần sự hợp tác của thủ phạm.
Ngoài ra, mặc cho mong muốn trút giận của công chúng và gia đình nạn nhân, điều mà họ quan tâm nhất là tìm kiếm ra được tung tích của cô gái thay vì việc trừng phạt thủ phạm ra sao.
Cuối cùng, thông qua luật sư bào chữa, nghi phạm đã thực hiện thỏa thuận nhận tội với bên công tố, khai báo ra nơi chôn xác của nạn nhân để được mức án chung thân thay vì án tử hình như luật định.
Đó là câu chuyện cho biết về chế định thỏa thuận nhận tội trong tố tụng hình sự của nước Mỹ, gợi lên những cảm nhận về lẽ công bằng và công lý.
Ở Việt Nam hiện nay, chưa có chế định về thỏa thuận nhận tội, thay vào đó nếu bị cáo hợp tác khai báo sẽ chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy vậy. việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ lâu nay được coi là hoạt động bình thường giản đơn, mà theo đó có những vụ án việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ thiếu tương xứng với tính chất quan trọng của việc tự nguyện hợp tác khai báo giúp cho việc giải quyết vụ án.
Vụ án ở Hải Dương bị cáo đã tự nguyện khai báo là yếu tố quan trọng giúp cho việc giải quyết vụ án, mà nếu như có chế định thỏa thuận nhận tội như ở nước Mỹ thì bị cáo đã có thể tự bảo hộ cho được số phận pháp lý của mình thay vì mong manh tùy thuộc vào đánh giá nhận định của Hội đồng xét xử.
Hệ quả cuối cùng là dù được ghi nhận là thành khẩn ăn năn hối cải nhưng cuối cùng vẫn bị áp mức án nặng nhất là tử hình.
Tòa án cần kiên nhẫn
Việc giải quyết vụ án hình sự không chỉ dừng lại ở việc xác định được thủ phạm gây án mà còn cần làm rõ các yếu tố có ý nghĩa khác có liên quan.
Để từ đó chỉ ra khắc phục được nguyên nhân, điều kiện phạm tội, hoặc những yếu tố sẽ giúp cho việc đánh giá tính chất, mức độ hành vi ảnh hưởng đến việc xác định những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Ngoài ra, cần thấy được những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước được rút ra từ những vụ án.
Đó đều là những yếu tố quan trọng mà pháp luật đòi hỏi cần đạt được trong việc giải quyết.
Nhưng trong vụ án ở Hải Dương, việc giải quyết khẩn trương vụ án đã để lại những nghi vấn băn khoăn về hồ sơ, song quá trình xét xử chỉ cho phép tập trung làm rõ những chứng cứ buộc tội bị cáo.
Trong khi luật sư muốn đặt ra những câu hỏi làm rõ các mối quan hệ nhân thân hay quá trình kinh doanh của bị cáo để thấy được những nét về tính cách con người, xem bị cáo có đến nỗi không thể cải hóa giáo dục được nữa cần loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội hay chưa như những lời luận tội.
Hoặc luật sư muốn làm rõ những lỗi mắc phải trong hoạt động thu thập vật chứng, những sai sót trong khám nghiệm hiện bảo vệ hiện trường, hoặc những thiếu sót trong thực nghiệm điều tra, thì đều bị ngắt không để cho nói.
Những điều đó cho thấy sự thiếu kiên nhẫn của tòa án làm ảnh hưởng đến việc tìm kiếm công bằng và cảm thức về công lý.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Vụ án ở Hải Dương: Tòa án cần kiên nhẫn với luật sư?’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;