Việt Nam muốn phát triển thì cần cải cách hệ thống tư pháp mạnh mẽ

Quan sát chính trường Việt Nam lâu nay thì thấy, có hai mảng hoạt động quan trọng thường xuyên bao trùm nghị trường chính trị, đó là việc cải cách thể chế bộ máy nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Trong đó, vấn đề cải cách thể chế bộ máy nhà nước được thể hiện qua một loạt các chính sách như tinh giản biên chế, kê khai tài sản, hợp nhất sáp nhập một số văn phòng cơ quan Đảng và Nhà nước, bãi bỏ thiết chế Hội đồng nhân dân cấp xã phường, sắp xếp tổ chức lại Bộ công an, hợp nhất chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, xử lý quan chức tham nhũng.

Vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế được thể hiện qua những việc như tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư, tinh giản gọn nhẹ các thủ tục hồ sơ giấy tờ, dẹp bỏ các loại giấy phép con làm khó doanh nghiệp.

Việt Nam cũng đàm phán và chấp nhận các điều kiện để ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Nhiều năm qua là như vậy, và cho tới hôm nay, những hoạt động về cải cách thể chế bộ máy nhà nước và thúc đẩy phát triển nền kinh tế vẫn đang được thực hiện một cách liên tục mạnh mẽ.

Cứ cách dăm bảy hôm lại có một phát biểu đáng chú ý nào đấy của lãnh đạo nhà nước về thúc giục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm lối phát triển cho một địa phương, hoặc yêu cầu làm sạch bộ máy, thanh tra xử lý quan chức sai phạm. Cứ cách vài ba tháng lại có một nghị quyết nào đấy về chấn chỉnh bộ máy hoặc một chính sách thúc đẩy cho phát triển kinh doanh được bàn thảo.

Chưa bàn đến tính đúng hay sai hay hiệu quả chất lượng của việc thực thi, nhưng điều đó cho thấy những cố gắng của chính quyền trong việc cải cách thể chế và phát triển kinh tế đất nước. Theo đó Nhà nước Việt Nam không phải là một bộ máy yếu kém thụ động, không làm gì hay không thể làm được gì, mà ngược lại đó là một bộ máy quyền lực tập trung cao và luôn hoạt động.

Có điều nền kinh tế vẫn không phát triển được như mong muốn, thu nhập bình quân đầu người vẫn thuộc hàng thấp của thế giới và có nguy cơ tụt hậu giãn cách ngày càng xa với các nước phát triển.

Là một luật sư hành nghề đã 13 năm, tôi nhận ra vai trò của nền tư pháp trong thúc đẩy phát triển kinh tế mà lâu nay ít người nhìn ra. Chưa ai chỉ ra một cách thật rõ ràng cho thấy nền tư pháp với những bất cập hiện đang là rào cản gây tắc nghẽn cho hoạt động kinh tế ra sao.

Việc bàn luận giải pháp cho phát triển kinh tế lâu nay thường chỉ xoay quanh những vấn đề thuần tính kinh tế như thu hút đầu tư, cổ phần hóa, giấy phép con. Còn thì chưa thấy ai nghiên cứu đánh giá xem nền kinh tế sẽ phát triển lớn mạnh nhanh chậm có nguyên nhân từ nền tư pháp thế nào.

Thực tế hiện nay, thể chế tư pháp dân sự kém tính năng hiệu quả đang chậm giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, thể chế tư pháp hình sự còn nặng tính chuyên chế tạo ma sát gây “đau đớn” cho cộng đồng doanh nhân, thể chế tư pháp cần dân chủ hóa và hội nhập quốc tế để gia tăng cơ hội giao thương đầu tư thương mại.

Nhiều vấn nạn xã hội hiện nay có cùng một nguyên nhân bản chất do nền tư pháp không đảm đương được vai trò kiến tạo công lý, đóng góp ít cho quản trị quốc gia.

Bất công xã hội làm gia tăng tỷ lệ tội phạm.

Nền tư pháp và nền kinh tế

Những ảnh hưởng của nền tư pháp đối với nền kinh tế là rất rõ ràng nhưng lâu nay hai vấn đề này dường như bị đặt để cách xa nhau cứ như giữa chúng có rất ít mối liên quan. Đã đến lúc cần xây dựng một chiếc Cầu Ô Thước để đưa nền tư pháp và nền kinh tế xích lại gần với nhau.

Về phía các lãnh đạo Việt Nam lâu nay cũng đã nhìn ra nhu cầu về cải cách nền tư pháp và đã có một số nghị quyết chính sách về vấn đề này, nhưng lại chưa đặt cải cách tư pháp trong mối tương quan gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế.

Từ năm 2002, Bộ chính trị Đảng Cộng sản đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đã chỉ ra rất nhiều tồn tại của hệ thống tư pháp như: Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa sút về phẩm chất đạo đức. Tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp còn nhiều bất hợp lý nhưng chậm được đổi mới, kiện toàn cho phù hợp. Pháp luật trong lĩnh vực tư pháp chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật về lĩnh vực tư pháp còn nhiều bất cập và hạn chế..v.v..

Nghị quyết số 08 có 4772 từ nhưng không có các từ thuộc phạm trù kinh tế như Doanh nghiệp, kinh tế, doanh nhân, thương mại. Tức là thiếu vắng hẳn các thuật ngữ về nền kinh tế. Điều đó phản ánh phương diện nhận thức chung của ban lãnh đạo, chỉ nhận diện vấn đề và gói gém hạn hẹp trong phạm vi lĩnh vực tư pháp, cải cách tư pháp để giải quyết các vấn đề của nền tư pháp, mà không đặt ra mục đích liên quan gì đến nền kinh tế.

Ba năm sau, vào năm 2005, Bộ chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết số 49 là sự phát triển thêm của Nghị quyết số 08 về công tác tư pháp, tuy cũng vắng bóng các thuật ngữ: Doanh nghiệp, doanh nhân, thương mại nhưng đã sử dụng đến thuật ngữ “kinh tế”.

Trong đó Nghị quyết 49 xác định: Cải cách tư pháp phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như thế Nghị quyết mới đã điểm xuyến nội dung gắn kết việc cải cách tư pháp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đây là một điểm đáng lưu ý, song thực tế nhiều năm qua cho thấy đó cũng chỉ là một luận điểm khái quát có tính chất phương hướng, còn thì thực tế thiếu những tư duy lý luận triển khai ra từng hạng mục công việc cụ thể.

Để hiểu được vì sao phải đặt ra nhu cầu về cải cách tư pháp, cần nhìn ngược về quá khứ, từ khi hình thành nhà nước. Kể từ khi nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời vào năm 1945, nền tư pháp khi đó là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, và để chống lại các kẻ thù của nó thì nền tư pháp được sử dụng như là một công cụ chuyên chính quan trọng. Sau đó là một giai đoạn dài đất nước trải qua chiến tranh khiến cho nên từ đó về sau nền tư pháp vẫn mang vai trò là một công cụ trấn áp.

Chỉ cho đến khi đất nước đổi mới mở cửa và phát triển kinh tế thị trường thì mới xuất hiện nhu cầu về một không gian pháp lý cởi mở thân thiện cho các hoạt động kinh tế. Khi đó nền tư pháp mới được giao cho vai trò bảo vệ quyền sở hữu tài sản và giải quyết các tranh chấp vướng mắc trong kinh doanh, thay cho vai trò cơ bản trước đó là công cụ trấn áp. Nhưng để đảm đương được vai trò mới này thì nền tư pháp không thể duy trì hoạt động theo kiểu cũ được nữa, vì vậy mà nhà nước mới đặt ra vấn đề phải cải cách nền tư pháp.

Nhưng không như những tiến bộ về cải cách thủ tục hành chính đầu tư thuộc về bên hành pháp, những cải cách của tư pháp rất chậm chạp. Lý do có lẽ do bởi việc cải cách thủ tục hành chính đầu tư đem lại miếng bánh lợi ích ngay trước mắt là nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, còn mảng tư pháp thì xem ra lại là nguồn tiêu hao mà không sinh lời.

Sau nhiều năm, nền tư pháp mặc dù cũng có một vài điểm mới như cho phép thành lập văn phòng công chứng tư nhân bên cạnh văn phòng công chứng nhà nước, cho phép thành lập các thiết chế mới thừa phát lại, quản tài viên. Xây dựng lại trụ sở cho hệ thống cơ quan tư pháp.

Nhưng những tiến bộ đó là không đủ cho nhu cầu của phát triển kinh tế. Nền tư pháp vẫn không độc lập, đề án dự định cho thành lập Tòa án khu vực thay thế cho tòa án cấp huyện hiện quá bị phụ thuộc chi phối bởi chính quyền địa phương, nhưng đã không thực hiện được. Mức lương của Thẩm phán quá thấp so với tính chất công việc đảm trách.

Những điều đó dẫn đến nền tư pháp đang trở thành rào cản gây tắc nghẽn cho phát triển kinh tế hiện nay.

Lấy ví dụ, mỗi năm cả nước xảy ra hàng vạn vụ kiện có liên quan đến tranh chấp tài sản, tổng khối tài sản tranh chấp có thể lên đến hàng tỷ đô la. Nếu số tài sản này được giải quyết bởi một cơ chế tư pháp hiệu quả nghiêm minh, thì nó sẽ sớm giải phóng các khối tài sản khỏi tranh chấp để đưa vào lưu thông tạo ra hiệu quả cho nền kinh tế.

Song lâu nay các vụ kiện bị dây dưa kéo dài, khiến cho các khối tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế. Lý do thì có nhiều như sự nhũng nhiễu tiêu cực hoặc năng lực trình độ hạn chế, khiến cho nhiều vụ án bị kéo dài, nhiều phán quyết không đảm bảo tính công bằng, khiến cho bên có quyền lợi chính đáng nhưng bị thiệt hại theo đuổi khiếu nại, nhiều vụ kiện xử xong lại bị hủy án, xử lên xử xuống nhiều lần.

Tòa án hiện cũng không giúp kiến tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho doanh nghiệp hoạt động bởi việc thực thi yếu kém Luật phá sản. Ở Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp có nợ nhưng không trả mà không lo về việc có thể bị tuyên bố phá sản. Nhiều doanh nghiệp đã mất khả năng trả nợ nhưng vẫn lay lắt hoạt động đi tìm kiếm hợp đồng gây rủi ro cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh. Số lượng về doanh nghiệp phá sản ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cộng đồng doanh nhân theo đó bị đẩy vào tình trạng yếu ớt, thiếu khỏe khoắn về pháp lý, rất nhiều người trong số họ bị bủa vây trói buộc bởi những tranh chấp nợ nần không được giải quyết dứt điểm. Và khi bị đeo nặng mối nợ hoặc tranh chấp tài sản sẽ làm kém khả năng hành động của họ đóng góp cho nền kinh tế.

Nền tư pháp hình sự thì cho phép tới ba thay vì chỉ một cơ quan có thẩm quyền bắt giam giữ, gồm Tòa án, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Thẩm quyền rải ra như thế cộng với tình trạng tiêu cực tham nhũng tạo ra môi trường pháp lý rất rủi ro cho doanh nhân và các quyền công dân nói chung.

Những định chế tư pháp tiến bộ có lợi cho doanh nghiệp và doanh nhân thì cũng thiếu vắng, như chế định đặt tiền thế chân thay cho tạm giam tuy rằng có quy định nhưng thực thi hết sức hạn chế ngặt nghèo, chế định về thỏa thuận nhận tội để hưởng mức án nhẹ hiện chưa có quy định.

Nền tư pháp thay vì độc lập thì lại là một bộ phận của bộ máy nhà nước chịu sự lãnh đạo, nhưng khác với các nhánh chính quyền khác như Quốc hội, Chính phủ có quyền cao, ngành tư pháp lại giữ vị trí rất khiêm tốn trong hệ thống chính trị. Không có chân trong Bộ Chính trị và chỉ giữ vài ba ghế trong một Ban Chấp hành Trung ương khoảng 200 vị. Điều đó dẫn đến nền tư pháp yếu quyền, kém khả năng xử lý trong nhiều vụ việc, đóng góp ít cho công cuộc quản trị quốc gia.

Nền tư pháp vẫn kém khoan dung cho những biểu đạt dân chủ, đưa đến nhiều vụ án kết tội đối với những việc thực thi quyền công dân như biểu tình, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội. Khiến tạo ra nhiều hồ sơ xấu trong con mắt cộng đồng quốc tế, làm xấu hình ảnh của Việt Nam về tôn trọng các chuẩn mực giá trị phổ quát, từ đó làm chậm quá trình hội nhập đưa đến những cơ hội giao thương đầu tư của các nước vào Việt Nam.

Với nhiều bất cập rải rác như vậy, mỗi nơi một ít, khi cùng tồn tại sẽ cộng dồn lại tạo ra môi trường pháp lý rất bất lợi cho phát triển kinh tế và đầy rủi ro cho doanh nghiệp và doanh nhân.

Tới nay, đứng trước nhu cầu mong muốn về phát triển kinh tế, đã đến lúc nền tư pháp cần được cải cách mạnh mẽ, để trở thành giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế.

Bài đã đăng tại đây: https://usvietnam.uoregon.edu/vi/2020/01/10/viet-nam-muon-phat-trien-thi-can-cai-cach-he-thong-tu-phap-manh-me/