Việt Nam cần làm gì để những thành tựu phát triển được bền vững?

Nhìn lại lịch sử thì thấy, Hoàng đế Napoleon khi thiết lập nền cộng hòa cho nước Pháp và mở rộng lãnh thổ xóa bỏ chế độ quân chủ thiết lập nền cộng hòa cho nhiều nước Châu Âu, ông mong muốn di sản của mình sẽ được trường tồn.

Song song với tiến trình phát triển Việt Nam cần coi trọng củng cố các giá trị nền tảng

Nhưng việc xóa bỏ các triều đình vua chúa phong kiến, thiết lập nền cộng hòa, lại khiến cho nhiều quốc gia theo thể chế quân chủ khi đó lo sợ, cho nên họ đã cùng hợp lại với nhau đánh đổ Napoleon, điển hình là các vị vua của các nước Anh, Áo và Nga.

Mặc dù đế chế nước Pháp do Napoleon gây dựng không được bao lâu, nhưng nhiều thành tựu của ông đã trở lên trường tồn như những phiến đá hoa cương mà ông từng ví von mong ước cho sự bền vững đế chế của mình.

Đó là tinh thần dân quyền, bình đẳng trước pháp luật, chính quyền duy lý, chế độ nhân tài dựa trên năng lực (trước đó tướng lĩnh quan lại chỉ có ở tầng lớp quý tộc), quyền sở hữu, khoan dung tôn giáo, hành chính hiệu quả.

Nhiều cải cách dân sự của ông đã được duy trì dài lâu như bộ luật dân sự hay còn gọi là bộ luật Napoleon đã trở thành cơ sở cho rất nhiều luật của các nước Châu Âu ngày nay, cũng như tinh thần dân quyền có từ trước đó của cách mạng Pháp đã trở thành giá trị phổ quát cho toàn thế giới.

Nhìn về Việt Nam

Nước Việt Nam hiện nay cũng đang trên đà phát triển, biến đổi từ một nước chậm tiến lạc hậu ngày càng trở thành thành viên tích cực có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vị thế đất nước được nâng cao.

Nhưng điều cần thiết là bên cạnh mong ước phát triển kinh tế Việt Nam cần phải có những hiệu chỉnh để đạt được sự phát triển bền vững, nếu cũng muốn có những tảng đá hoa cương cho mình.

Mới đây phía Mỹ đã cáo buộc Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, do không hiểu sâu về lĩnh vực tài chính tiền tệ nên tôi xin không có ý kiến, phía Bộ ngoại giao Việt Nam đã có phản bác về vấn đề này, đây là một chỉ dụ cho thấy sẽ có những ngưỡng chính sách mà quốc tế họ ấn định có nguy cơ cản trở sự phát triển của VN.

Từ lâu nay Việt Nam đã thực hiện một chính sách phát triển kinh tế theo hướng khuyến khích xuất khẩu, để tạo thặng dư thương mại, tìm kiếm tăng trưởng.

Nhiều tập đoàn quốc tế lớn nhận thấy điều đó nên từ lâu cũng đã chọn VN làm nơi đầu tư đặt nhà máy sản xuất hàng hóa để xuất khẩu đi thế giới, nhằm tận dụng các ưu đãi ưu thế từ các chính sách khuyến khích xuất khẩu từ phía nhà nước.

Luật sư Ngô Ngọc Trai hành nghề luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự

Một thực tế khác là Ngân hàng nhà nước hiện nay vẫn là cơ quan trực thuộc chịu sự quản lý về mặt hành chính của chính phủ, thay vì là một thiết chế độc lập như mô hình ngân hàng quốc gia của các nước có nền kinh tế phát triển.

Trong cuốn sách Hồi ký của nhà lãnh đạo Singapore, ông Lý Quang Diệu từng khuyên phía Trung Quốc nên tạo cho sự độc lập của ngân hàng quốc gia.

Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển thần kỳ, từ một nước lạc hậu nghèo đói, trong vòng 50 năm trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sắp có thể trở thành lớn nhất.

Nhưng thử hỏi xem Trung Quốc sẽ có những tảng đá hoa cương nào giúp cho sự phát triển của họ được vững bền? Đây là vấn đề cần phải suy nghĩ?

Đã có những sự đồn đoán báo ứng về sự sụp đổ hệ thống và phân mảnh của đất nước Trung Quốc, mối lo đó đã được dùng làm động lực cho sự phát triển nhất quán theo một tầm nhìn chung định hướng của chính phủ nước này.

Cảm xúc mâu thuẫn phức tạp giữa mong muốn phát triển và những lo lắng về giữ vững quyền lực chính trị đã khiến cho phía Trung Quốc có những chính sách phát triển quốc gia có tính gây hấn đối đầu.

Thay vì trở thành một điểm tựa vững cậy yên tâm thì họ lại trở thành mối dè chừng cho nhiều nước.

Chân lý giá trị

Một điều có thể khẳng định là sự phát triển của VN lâu nay đã có được sự ủng hộ của chính phủ nhiều nước trên thế giới, sự động viên khích lệ của nhiều định chế thiết chế quốc tế như WTO, WB, UNICEF .v.v.

Thế thì ở những giai đoạn nào đấy họ sẽ thông cảm với VN về những lạc hậu và hành xử chưa theo những chuẩn mực tiêu chuẩn chung. Nhưng đến một độ nhất định rồi thì người ta sẽ đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ này kia, mà nếu VN không dự liệu điều đó mà vẫn làm khác thì đó sẽ là điểm nghẽn cho phát triển.

Trung Quốc cũng phát triển với những quan niệm giống với Việt Nam là tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi sau một quãng thời gian dài đi lạc theo mô hình kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa.

Sự tranh thủ này được làm nổi bật lên qua lời khuyên của ông Lý Quang Diệu cho lãnh đạo phía Trung Quốc là “hãy cúi đầu mỉm cười thêm 50 năm nữa”. Ý của ông Diệu là Trung Quốc nên khiêm tốn tranh thủ sự giúp đỡ ủng hộ của quốc tế mà phát triển.

Nhưng xem ra ban lãnh đạo Trung Quốc lại có những kế hoạch khác, sớm muốn trỗi dậy dù là hòa bình, và đòi viết lại quy tắc luật chơi. Chiều hướng đó đúng sai chưa biết thế nào, có thể Trung Quốc sẽ thành công hoặc sẽ thất bại và khi đó liệu sẽ có tảng đá hoa cương nào cho nước họ?

Đối với Việt Nam, khả năng đúng cho 50 năm tới là cần phải sửa đổi bản thân mình, đặt mình dần vào các khuôn khổ tiêu chuẩn chung theo quốc tế.

Một mùa xuân mới lại về

Điều đó là đòi hỏi đặt ra đối với không chỉ ở lĩnh vực kinh tế tài chính tiền tệ, mà còn cả các lĩnh vực giá trị về quyền con người, về chính quyền duy lý, bảo vệ môi trường, xã hội dân sự, hợp tác đa phương để đẩy lùi các thách thức toàn cầu như dịch bệnh hay sự nóng lên của trái đất ..v.v.

Thể chế cần phải liên tục điều chỉnh hoàn thiện, thiết lập một nền pháp quyền chuẩn mực, tạo lập hệ thống chính quyền hoạt động theo những nguyên tắc duy lý thực dụng, thay vì siêu hình duy ý chí.

Thực hiện chính sách nhân tài công bằng thay vì chỉ dành cơ hội cho những người thuộc bộ máy Đảng hoặc bộ máy Nhà nước, còn người bên ngoài thì rất khó thể tham gia vào guồng máy lãnh đạo điều hành quốc gia.

Thừa nhận quy luật phát triển tất yếu về quyền con người, đó sẽ là nét lớn chủ đạo của tiến trình phát triển dân tộc trong thế kỷ 21, từ đó hiệu chỉnh hoạt động bộ máy sao cho tương thích với sự trân trọng các giá trị con người.

Chấp nhận những ý kiến khác biệt, tiết giảm đi những hành xử bạo lực, để sự phát triển đồng nghĩa với yên tâm thay vì cảm xúc phức tạp éo le giữa niềm vui và mối hoang mang khi hướng mắt vào tương lai.

Có như thế thì những thành tựu phát triển của Việt Nam mới bền vững như những phiến đá hoa cương, và đó chẳng phải là những điều mà mọi người cùng mong muốn?

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Việt Nam cần làm gì để những thành tựu phát triển được bền vững?’