Việc nên làm sau khi cấm tuyệt đối nồng độ cồn

 

Sau nhiều tranh luận với hai chiều ý kiến khác nhau thì ngày 27/6 Quốc hội đã thông qua Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trong đó có nội dung cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo dõi về vấn đề này lâu nay hẳn có người sẽ thắc mắc là thực tế đã xử phạt rồi sao bây giờ lại còn thấy tranh luận về quy định. Đây quả thực là vấn đề có ý nghĩa bởi vậy nên tôi muốn chia sẻ vài điều để làm rõ.

Quy định đã có rồi

Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã cấm tuyệt đối với người điểu khiển ô tô, còn người điều khiển xe máy thì vẫn còn cho phép một mức nhất định. Cụ thể tại Điều 8 quy định:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Đến năm 2019 Luật phòng chống tác hại của rượu bia trên cơ sở nhận thức khi ấy đã đưa ra quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia, theo đó cả người điều khiển ô tô, xe máy nếu có nồng độ cồn đều sẽ bị xử phạt.

Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã sửa đổi khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ thành ra nhắn gọn như sau: “Các hành vi bị nghiêm cấm: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Như vậy là từ năm 2019 đã có quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn rồi. Tới nay Quốc hội làm thêm một luật mới là Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, điều hợp lý tất nhiên là tiếp thu quy định đã có để đảm bảo sự đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trường hợp ngược lại nếu luật mới không quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì lại phải sửa luật cũ bãi bỏ đi quy định này. Song vì nội dung quy định phù hợp với xu hướng phát triển đời sống xã hội, mặt khác quãng thời gian chỉ trong vài năm, từ năm 2019 đến 2024, điều kiện kinh tế xã hội cũng không khác nhau bao nhiêu cho nên tinh thần quan điểm làm luật cũng không mấy thay đổi.

Ngược lại nếu thay đổi sẽ tạo ra xáo trộn trong nhận thức và thực thi pháp luật, làm giảm đi chất lượng của hoạt động lập pháp, bởi những lý do như thế nên quy định được giữ nguyên.

Nên giảm mức phạt

Là người đã nêu ý kiến ủng hộ quy định cấm tuyệt đối nhưng bên cạnh đó tôi vẫn thấy cần điều chỉnh nội dung xung quanh vấn đề này.

Sau khi Quốc hội ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 thì trong cùng năm đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó đã có các điều khoản xử phạt người lái ô tô, xe máy mà trong hơi thở có nồng độ cồn, quy định đã được thực hiện từ đó đến nay.

Vậy nhưng thời gian qua khi xây dựng Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ thì thấy nội dung này vẫn nhận được sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu, báo chí cũng đưa tin nhiều, điều đó cho thấy sự ảnh hưởng xã hội của quy định và đâu đó vẫn có những ý kiến muốn điều chỉnh.

Tôi cho rằng vấn đề bản chất là nằm ở mức phạt, hiện tại mức phạt nặng quá gây ra những phản ứng làm ảnh hưởng đến mức độ thành công chung của quy định chính sách (mà bằng chứng là quy định chút nữa là đã bị thay đổi).

Để thấy mức phạt hiện như thế nào thì xin trích dẫn lại mức phạt trước đây để so sánh với mức phạt hiện nay.
Quy định cũ tại Nghị định 46/2016 xử phạt về giao thông đường bộ như sau:

Đối với người điều khiển ô tô:
6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

8. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng;

9. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng.

Đối với người điều khiển xe máy:
6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

8. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.

Quy định mới tại Nghị định 100/2019 xử phạt như sau:
Đối với ô tô:
6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;

8. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng;

10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Đối với xe máy:
6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng;

8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như thế có thể thấy mức phạt tiền và thời gian thu giữ bằng lái xe đều tăng lên. Đối với ô tô, quy định cũ mức khởi điểm phạt ô tô từ 2 đến 3 triệu thì quy định mới mức khởi điểm phạt là từ 6 đến 8 triệu, gấp ba lần.
Mức phạt cao nhất của quy định cũ về nồng độ cồn là 18 triệu còn mức cao nhất của quy định mới là 40 triệu đồng, hơn gấp đôi. Thời hạn tước giấy phép lái xe của quy định cũ lâu nhất là 6 tháng còn của quy định mới lên tới 24 tháng, thời gian tăng gấp 4 lần.

Vậy thì liệu tăng mức phạt như vậy đã tính toán hợp lý chưa?
Trong quãng thời gian chỉ 3 năm, từ 2016 đến 2019, điều kiện kinh tế xã hội chưa thay đổi bao nhiêu, mức sống và mức thu nhập chưa thay đổi bao nhiêu, thì việc thay đổi tăng mức phạt như thế là không hợp lý. Không rõ việc nghiên cứu đưa ra mức phạt vi phạm hành chính như thế dựa trên cơ sở căn cứ nào, có căn cứ vào mức thu nhập bình quân đầu người hay không.

Trong khi mức phạt được áp dụng đồng nhất trên cả nước, mức phạt như trên so với mức thu nhập của người ở nông thôn và miền núi quả là rất đáng phải cân nhắc điều chỉnh lại.

Đến đây điều muốn chia sẻ tiếp là mức phạt là một phần cơ cấu của một quy định, mức phạt cùng với nội dung về hành vi vi phạm sẽ là những yếu tố tạo nên sự thành công của một quy định chính sách.

Việc ban hành ra quy định xử phạt vi phạm hành chính là tạo lập một mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và người dân, trong bất kể một mối quan hệ pháp lý nào, dù là quan hệ pháp luật dân sự hay quan hệ pháp luật hành chính, điều tốt nhất nên có là cần đạt được sự đồng thuận chấp nhận tự nguyện.

Bởi vậy nếu đưa ra một mức phạt khắc nghiệt sẽ tạo ra sự phản đối của một bên trong quan hệ pháp lý sẽ ảnh hưởng tới sự thành công của mục tiêu chính sách. Và đó có lẽ là lý do dù quy định đã có từ năm 2019 nhưng tới nay vẫn nhận được sự quan tâm bàn luận tranh cãi khi xây dựng Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Để hình dung về sự thành công trong việc ban hành quy định, xin lấy một ví dụ từ việc giáo dục từ bỏ thói quen xấu của trẻ nhỏ.

Ví như trong gia đình, cha mẹ muốn điều chỉnh một thói quen của con như ham chơi điện tử, thì cần biết rằng đó là một thói quen giống như việc người ta uống rượu bia không thể bỏ ngay một sớm một chiều được, nếu cha mẹ yêu cầu nếu con vi phạm sẽ đưa ra một mức hình phạt thật nặng, thì khi đó sẽ tạo ra tâm lý phản ứng chống đối nơi con trẻ hoặc gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc, một quy định như thế chỉ cho thấy quyền hạn chuyên chính áp đặt một phía mà không có sự đồng thuận, cha mẹ có trách nhiệm sẽ không áp dụng cách thức xử lý vấn đề như vậy.

Bởi vậy đối với quy định xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn, để giảm đi những ý kiến phản đối nơi người có thói quen sử dụng rượu bia và gia tăng sự chấp thuận rộng rãi thì nên giảm đi mức phạt, việc sửa mức phạt nằm ở nghị định sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định đã thống nhất của luật.

Bằng cách đó sẽ vừa đạt được mục đích nhắc nhớ cho người dân rằng việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là sai, nhưng nếu trót mắc lỗi thì sẽ bị xử phạt ở mức người ta có thể chấp nhận được. Sau đó một thời gian khi thói quen đã dần hình thành lúc đấy mới đặt ra vấn đề xử lý triệt để và có thể tăng mức phạt.

Luật sư Ngô Ngọc Trai