Hồi năm 2015 ở thời điểm một loạt các văn bản pháp luật về hình sự được sửa đổi ban hành, Đài truyền hình Việt Nam có phát sóng một seri phim tài liệu nói về nền tư pháp hình sự của nước Mỹ. Trong đó có một tập phim nói về vụ án hai người bị mất tích trong những lần khác nhau khi chạy bộ tập thể dục trong một khu rừng.
Trong lần mất tích lần thứ hai người ta đã điều tra ra bắt được hung thủ và tìm được xác nạn nhân, các cơ quan nghi ngờ hung thủ này cũng là người đã gây ra vụ sát hại với người mất tích thứ nhất nhưng ko làm thế nào để kết luận được, do nghi phạm không chịu khai báo.
Thông qua luật sư bào chữa nghi phạm đã thực thi thỏa thuận nhận tội đã khai ra nơi chôn xác của nạn nhân thứ nhất và rồi cơ quan tố tụng xử lý cả hai vụ theo mức án chung thân thay vì án tử hình như luật định.
Đó là một ví dụ về thỏa thuận nhận tội trong tố tụng hình sự của Mỹ. Hay như mới hai năm trước một nghệ sĩ hài béo của Việt Nam đã bị bắt ở Mỹ vì bị nghi lạm dụng tình dục trẻ em, nhờ cơ chế thỏa thuận nhận tội thông qua luật sư mà bị cáo đã hưởng mức án nhẹ và sau một thời gian bị giam thì đã về nước.
Quay trở lại Việt Nam.
Các bị can ở Việt Nam hiện nay bị thiệt thòi quyền lợi hơn so với bị can ở các nước có thỏa thuận nhận tội. Thực tế hầu hết gần như 100% các vụ án bị can đều phải khai báo hành vi nhưng tốt lắm thì đó chỉ được coi là thành khẩn khai báo, là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nhưng sự giảm nhẹ tùy thuộc vào ý chí đánh giá của một bên là tòa án, điều này không giống với thỏa thuận nhận tội mà luật sư bào chữa thỏa thuận cụ thể về mức án với bên công tố theo như cách mà các nước họ thực thi chế định thỏa thuận nhận tội thực hiện.
Khi có quy định về thỏa thuận nhận tội, khi biết chắc chắn về mức án của mình nếu nhận tội, bị can sẽ chủ động và thành thật hơn trong việc khai báo thừa nhận hành vi để được hưởng lợi về mức án.
Vai trò của luật sư bào chữa ở Vn cũng rất hạn chế so với vai trò của luật sư bào chữa ở các nước có quy định về thỏa thuận nhận tội. Vì khi có chế định này luật sư bào chữa sẽ chủ động tham gia vào việc thương lượng mức án.
Hiện nay, nhiều vụ án cơ quan điều tra đã làm việc với bị can nhiều lần rồi, lời khai nhận đã có, sau đó gia đình mới mời luật sư vào cuộc, thì khi đó những lần tham gia hỏi cung có luật sư tham gia chỉ giống như sự hợp thức lời khai nhận tội của bị can, làm chứng cho việc nhận tội.
Sẽ là tốt hơn cho bị can nếu như có chế định về thỏa thuận nhận tội. Khi đó những lời khai nhận của bị can sẽ đem đến lợi ích rõ ràng chắc chắn hơn thay vì chỉ được xem như tình tiết giảm nhẹ khai báo thành khẩn.
Tìm hiểu thì được biết chế định thỏa thuận nhận tội thịnh hành ở các nước thuộc hệ thống Thông luật như Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ,… tức các nước theo thông luật Anh. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức… cũng có áp dụng chế định này nhưng còn hạn chế.
Do vậy, tôi cho rằng Bộ luật tố tụng hình sự cần sớm bổ sung chế định thỏa thuận nhận tội này vào luật, để kiện toàn hoàn thiện thể chế tư pháp đáp ứng cơ chế giải quyết cho nhiều vụ án xảy ra trong thực tế đời sống.