Tư pháp Trung Quốc và Việt Nam nhìn từ cách xử lý hai vụ án

Hồi tháng 9/2018 một số báo điện tử Việt Nam đưa tin về một vụ việc pháp lý xảy ra bên Trung Quốc.

Theo bài trên trang Vnexpress thì hôm 1/9/2018 Cảnh sát thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô đã tuyên bố ông Dư 41 tuổi, không phải chịu bất cứ trách nhiệm hình sự nào về cái chết của tài xế Lưu 36 tuổi và vụ án sẽ được khép lại.

Trước đó vào đêm 27/8, hai người đàn ông xảy ra ẩu đả sau khi Lưu điều khiển ôtô đi vào làn đường xe đạp và suýt tông trúng ông Dư đang đi xe đạp điện ở phía trước.

Lưu sau đó ra khỏi xe gây gổ với ông Dư, trước khi quay lại lấy mã tấu từ ghế sau và dọa chém người thợ điện đi xe đạp. Không may Lưu bị ông Dư quật ngã, cướp vũ khí và chém liên tiếp khiến tài xế xe sang phải bỏ chạy.

5 nhát chém trong vòng 7 giây khiến Lưu bị đứt một trong các tĩnh mạch chính và ruột. Lưu được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng tử vong do mất quá nhiều máu trong khi ông Dư chỉ bị thâm ở cổ và thân.

Cũng theo báo chí đưa tin thì vụ việc tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc về việc liệu hành động của người đi xe đạp có vượt quá quyền tự vệ hợp pháp hay không.

Truyền thông đưa tin Lưu từng có tiền án tiền sự, bao gồm bắt người đòi tiền chuộc, trộm cắp và hành hung. Khi xảy ra ẩu đả, Lưu cũng đang lái xe trong tình trạng say xỉn.

Theo cảnh sát, Lưu đã đe dọa tính mạng của người đi xe đạp và phạm tội hành hung nghiêm trọng. Ông Dư được xác định chỉ hành động tự vệ và kết luận này đã được công tố viên tán đồng.

Có tiến bộ về quyền con người

Trung Quốc lâu nay vốn bị xem là nhà nước độc tài kém tôn trọng nhân quyền nhưng vụ xử trên cho thấy họ cũng có tiến bộ lớn trong vấn đề bảo hộ nhân quyền.

Bình luận về vụ án, một giáo sư thuộc đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc cho hay phán quyết trên rất ít khi được áp dụng trong quá khứ nhưng vụ án của ông Dư sẽ khuyến khích việc chấp nhận điều này một cách rộng rãi hơn trong bộ máy tư pháp.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ với cuộc điều tra của cảnh sát, mô tả đây là “một thắng lợi của luật pháp”.

Bản thân tôi là một luật sư hành nghề ở Việt Nam thường xuyên quan tâm đến những tiến bộ của nền tư pháp, tôi đánh giá cao phán quyết của cơ quan tư pháp Trung Quốc trong vụ này.

Đó là một sự trưởng thành tiến bộ lớn về vấn đề tôn trọng và bảo hộ tính mạng sức khỏe công dân.

Vì khi xác định vô tội cho người đàn ông tự vệ mặc dù đã đánh chết kẻ kia, đó chính là sự bảo hộ tính mạng sức khỏe công dân là bất khả xâm phạm.

Một điểm đáng chú ý nữa là khoảng thời gian từ khi xảy ra vụ án đêm 27/8 đến khi công an có kết luận là ngày 1/9 chỉ 6 ngày, thời gian không dài mà cơ quan tư pháp Trung Quốc đã đưa ra được một phán quyết như vậy thì tôi cho rằng những tư duy pháp lý của họ đã tiến bộ rất xa.

Nhìn lại Việt Nam

Mới đây, hôm 1/11/2018 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án 9 năm tù cho một người đàn ông sinh năm 1967 ở Bắc Từ Liêm về tội giết người vì đã chém trọng thương một thiếu niên 17 tuổi nửa đêm vào nhà ăn trộm.

Phán quyết này cũng gây ra tranh cãi với nhiều ý kiến bất bình, vì lẽ chống trộm là phòng vệ chính đáng và tôi đồng ý với quan điểm này.

Đặt vụ án trong bối cảnh xã hội Việt Nam lâu nay đã xảy ra rất nhiều vụ đột nhập vào nhà mà ban đầu là trộm cắp sau đó là giết người khi bị phát hiện.

Mà không chỉ giết một người nhiều vụ đã xảy ra giết cả nhà, đỉnh cao tội ác là vụ án Lê Văn Luyện giết ba người trong một gia đình xảy ra hồi năm 2011 ở Bắc Giang.

Hay như mới đây, hôm 17/8/2018 vào khoảng giữa đêm một người đàn ông từng là cán bộ tư pháp phường ở thành phố Hưng Yên đã đột nhập vào nhà để ăn trộm, khi bị phát hiện đã đâm chết cả hai vợ chồng chủ nhà.

Cũng ở Hưng Yên, hôm 5/11/2018 một thiếu niên hàng xóm cũng đột nhập vào nhà một nữ giáo viên về hưu ở huyện Phù Cừ mục đích là để ăn trộm và khi bị phát hiện đã giết bà này.

Hôm 6/11/2018 Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đưa ra xét xử tuyên án 16 năm tù cho một bị cáo vì lý do ban đêm đột nhập vào nhà một phụ nữ ăn trộm, khi bị phát hiện đã chém 23 nhát dao giết chết chủ nhà.

Và rất nhiều vụ khác đã xảy ra mà báo chí đã đưa tin.

Đặt trong tình trạng xã hội mất an ninh như vậy thì hành vi chém trộm của người đàn ông ở Bắc Từ Liêm cần được xem là tự vệ chính đáng, và ngành tòa án đúng ra phải củng cố trao quyền cho người dân được tự vệ giết kẻ đột nhập mới phải.

Nếu Tòa án Hà Nội tuyên vô tội cho người đàn ông chém trộm thì đó sẽ là một bước tiến bộ lớn về tư duy pháp lý, giống như bước đột phá trong phán quyết của vụ án bên Trung Quốc.

Nhưng Tòa án Hà Nội lại xử bị cáo kia 9 năm tù, và nhiều tòa án khác cũng xử lý những vụ tương tự, thì đó là một sai lầm về tư pháp bộc lộ trình độ tri thức pháp lý yếu kém và không coi trọng quyền được bảo hộ tính mạng sức khỏe và tài sản của công dân.

Trừng phạt người phòng vệ vì đã tấn công kẻ xâm nhập vào nhà mình, đó là đặt để tính mạng và tài sản công dân vào thế rủi ro.

Nó cũng giống như nhiều việc làm khác bộc lộ cùng một lối quan điểm nhận thức tương tự, như việc lạm dụng bắt bớ để xảy ra chết người, dễ dàng khám xét thu giữ tài sản hay những quy định cho phép được thu hồi đất, trưng thu trưng dụng tài sản.

Các hành vi đó đều là biến tướng khác nhau của cùng một lối nhận thức bản chất không coi trọng quyền sống và quyền sở hữu tài sản của công dân mà thôi.

Nền tư pháp Việt Nam lâu nay chưa khiến cho người dân yên tâm về thứ công lý mà nó mang lại và nó đóng góp rất hạn chế cho công cuộc quản trị đất nước.

Nhiều vấn đề tệ trạng của đất nước có cùng một nguyên nhân bản chất là do tư pháp yếu kém không đủ năng lực quản trị xã hội thực thi công lý.

Đã đến lúc vấn đề cải cách nền tư pháp cần được coi trọng đặt ngang với các chính sách quan trọng khác đang được thực hiện lâu nay như chống tham nhũng của Trung ương Đảng Cộng sản VN và phát triển kinh tế của Chính phủ.

Luật sư Ngô Ngọc Trai về thăm gia đình ông Long ngay sáng hôm sau ngày được trả tự do

Có vậy thì một trong những mảng ghép lớn của bộ máy nhà nước (ở các nước theo thể chế tam quyền phân lập thì tư pháp là một trong ba trụ cột quốc gia) mới phát triển được xứng tầm, đảm đương được vai trò quản trị xã hội và bảo hộ công dân như vai trò vốn có.

Quay trở lại với vụ án bên Trung Quốc, cách xử lý của họ cho thấy những tư duy pháp lý của tư pháp Trung Quốc đã tiến bộ bỏ xa Việt Nam.

Sự tiến bộ của tư pháp Trung Quốc còn thể hiện qua việc từ hàng chục năm trước họ đã cải cách thể chế bộ máy nhà nước, chuyển giao quyền quản lý các trại giam giữ từ Bộ Công an sang cho Bộ Tư pháp, tiệm cận với khung khổ pháp lý chuẩn mực tiến bộ, cái mà Việt Nam hiện nay loay hoay mãi mà vẫn chưa làm được.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây : Google ‘VN xử nặng người tự vệ chống trộm còn Trung Quốc tha bổng’