Từ chuyện công nghệ VAR trong bóng đá đến chuyện oan sai tử tội

Mới đây, hôm 17/6 tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, cơ quan công an tỉnh Bình Thuận và viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi xin lỗi công khai gia đình ông Võ Tê do việc khởi tố, bắt giam oan trong vụ án giết người, cướp của xảy ra cách đây 42 năm.

Ông Võ Tê, nay đã chết, khi ấy đã bị bắt giam 5 tháng rồi được thả ra mà không kèm theo quyết định xác định việc bắt giam là sai.

Luật sư Ngô Ngọc Trai tặng sách cho ông Hàn Đức Long, tử tù đã được minh oan trả tự do và xin lỗi công khai

Dấu hiệu tiến bộ
Sau những vụ như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long và một số vụ việc khác thì tới nay, vụ ông Võ Tê tiếp nối việc các cơ quan tư pháp đứng ra xin lỗi người bị oan sai.

Đây là dấu hiệu cho thấy sự phát triển tiến bộ của nền tư pháp và để nhận thấy rõ hơn tôi lấy ví dụ để mọi người có thể hình dung.

Ví như nền tư pháp chuyên chính ở đất nước Triều Tiên lâu nay không thấy có án oan sai, mọi vụ án đều được xử lý đúng đắn. Trong khi đó ở Hàn Quốc mỗi năm đều có những vụ bắt giữ hay kết án sai lầm và cơ quan tư pháp phải xin lỗi bồi thường.

Vậy mọi người sẽ đặt niềm tin vào nền công lý ở nơi nào? Nơi không hề có án oan sai hay nơi coi án oan là điều tất yếu khó tránh?

Việt Nam không phải là Hàn Quốc hay Triều Tiên, có lẽ Việt Nam đang ở vào khoảng giữa trong khoảng cách phát triển giữa hai quốc gia này. Có thể hình dung là Việt Nam trước kia xuất phát điểm cũng không có án oan sai, nhưng kể từ dăm bảy năm trở lại đây thì đã xuất hiện án oan sai và số vụ tăng lên qua các năm.

Tôi cho rằng án oan sai phản ánh năng lực có giới hạn của con người và việc minh oan là dấu hiệu tiến bộ phát triển của nền tư pháp.

Xét về bản chất thì việc xét xử cũng chỉ là phán đoán. Các thẩm phán không phải là người tận mắt chứng kiến tội phạm xảy ra (nếu là người chứng kiến thì sẽ phải tham gia trong tư cách là nhân chứng chứ không ở vai trò xét xử), tất cả những gì thẩm phán có thể dựa vào là hồ sơ chứng cứ được thu thập để phán quyết một người có tội hay không.

Bởi vậy nên có rất nhiều lý do có thể đưa đến một phán quyết là sai lầm, ví như việc thu thập chứng cứ có sai sót, nhân chứng khai không trung thực, hoặc do thiếu những điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị máy móc hiện đại, hoặc do năng lực kinh nghiệm xét xử.

Công nghệ VAR trong bóng đá
Để cải thiện năng lực phán đoán, hiện nay trong bóng đá để đảm bảo các quyết định của trọng tài là chính xác người ta đã đem vào áp dụng công nghệ VAR, xem lại các diễn biến trận đấu để xác định lỗi cầu thủ, từ đó giảm tránh sai lầm của trọng tài đảm bảo trận đấu công bằng.

Vậy thì hãy hình dung là trước kia khi chưa có công nghệ VAR mọi thứ phụ thuộc vào sự tinh tường trong con mắt của trọng tài, trong phần lớn các trận đấu thì vẫn ổn, nhưng trong một số tình huống thì đã không thể tránh được những sai lầm khiến có những đội bóng bị chịu bàn thua oan uổng.

Từ chuyện công nghệ VAR trong bóng đá, điều mà mọi người có thể rút ra là cần thừa nhận năng lực có giới hạn của con người, bởi vậy nên phải kiểm soát thận trọng với những phán đoán của mình, nhất là trong việc định đoạt tước đi tính mạng người khác như án tử hình.

Ghi âm ghi hình khi hỏi cung
Năm 2015, khi ấy Bộ luật Tố tụng Hình sự được đưa ra bàn thảo sửa đổi, tôi đã rất tích cực tham gia thảo luận trên mạng xã hội về các vấn đề như quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can.

Bản thân là người chịu khó đọc sách nên đã nỗ lực viện dẫn các câu chuyện cùng kiến thức pháp lý thu lượm được để giúp ích cho việc thảo luận, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý trong nước.

Một trong những câu chuyện thấy được từ cuốn tự truyện ‘Hy vọng táo bạo’ của ông Barack Obama. Ông kể khi làm Thượng nghị sĩ của Bang Illinois hồi năm 1997 đã bảo trợ cho dự luật yêu cầu quay phim quá trình thẩm vấn và thú tội ở những vụ án liên quan đến tội tử hình, đã gặp nhiều phản đối.

Ông Obama cho biết mặc dù đã đến thời điểm chín muồi để cải cách hệ thống án tử hình nhưng có rất ít người ủng hộ dự luật của ông. Các ủy viên công tố và các cơ quan cảnh sát quyết liệt phản đối vì họ tin rằng việc quay phim là quá tốn kém và phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng kết thúc vụ án.

Các đồng nghiệp ở Quốc hội e ngại rằng điều này biểu thị sự nương tay với tội phạm. Và vị thống đốc mới được bầu thuộc đảng Dân Chủ đã tuyên bố rõ trong chiến dịch vận động tranh cử là ông phản đối việc quay phim quá trình thẩm vấn.

Ông Obama cho biết, đứng trước nhiều ý kiến phản đối, trong vòng vài tuần, nhóm của ông triệu tập những cuộc họp, đôi khi diễn ra thường nhật, giữa các công tố viên, luật sư bào chữa, cơ quan cảnh sát và những người phản đối án tử hình.

Thay vì tập trung vào những bất đồng sâu sắc trên bàn thảo luận, họ nói về những giá trị mà ông tin là tất cả mọi người cùng có bất kể chúng ta nghĩ thế nào về án tử hình: nguyên tắc cơ bản là không người vô tội nào lại phải bị kết án tử hình, và không kẻ nào phạm tội đáng chết lại được quyền sống.

Khi đại diện cảnh sát trình bày những vấn đề rõ ràng chưa ổn trong dự luật, có thể cản trở công tác điều tra của họ, nhóm của ông chỉnh sửa những điều đó.

Khi đại diện cảnh sát đề xuất chỉ quay phim khi bị cáo thú tội, nhóm của ông kiên quyết giữ nguyên quan điểm quay phim cả quá trình thẩm vấn, chỉ rõ rằng mục đích cuối cùng của dự luật này là làm cho cộng đồng tin rằng bị cáo thú tội hoàn toàn không vì bị ép buộc.

Cuối cùng, dự luật này được sự ủng hộ của tất cả các bên liên quan nhất trí thông qua và được ký ban hành thành luật.

Từ câu chuyện của ông Omaba cho thấy ở Mỹ họ cũng gặp phải những phản đối khi đưa ra chính sách ghi âm ghi hình khi thẩm vấn bị can. Và những ý kiến phản đối cũng đưa ra những luận điểm y hệt như ở Việt Nam đó là tốn kém và phức tạp.

Trong câu chuyện trên được nói là chính sách chỉ áp dụng đối với những tội liên quan đến án tử hình, nhưng tôi tin rằng bây giờ ở nước Mỹ họ áp dụng việc quay phim lại quá trình thẩm vấn đối với mọi vụ án, nhất là trong thời đại kỹ thuật số hiện nay khi mà phương tiện công nghệ phổ biến rất dễ dàng cho việc quay phim, ghi âm, ghi hình.

Bộ luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam sau đó đã tiếp thu đưa ra quy định yêu cầu bắt buộc phải ghi âm ghi hình khi lấy cung, đây là chế định pháp lý quan trọng giúp giảm tránh các vụ án oan, một chính sách có thể xem như việc áp dụng công nghệ VAR trong bóng đá.

Khi đó những vụ án kêu oan, như vụ tử tù Hồ Duy Hải, nếu được ghi âm ghi hình lại thì sẽ có bằng chứng để kiểm chứng lại những lời khai báo nhận tội có cơ sở tự nguyện đáng tin cậy hay không, nhưng đáng tiếc là vụ Hồ Duy Hải thời điểm điều tra vụ án năm 2008 tại Việt Nam chưa có quy định này.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt 

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;