Trong quá khứ con người từng bị dịch bệnh tấn công như thế nào?

Trong bối cảnh dịch cúm Vũ Hán do virus corona gây ra, tính tới ngày 04 tháng 2 đã làm chết 426 người Trung Quốc và một người ở Philippin, hãy cùng xem trong quá khứ con người từng bị dịch bệnh tấn công như thế nào.

Trong cuốn sách Lược sử tương lai của tác giả Yuval Noah Harari, đã được xuất bản ở Việt Nam, tác giả đã cung cấp nhiều thông tin cho biết về dịch bệnh trong quá khứ, cách mà con người đối diện chống chọi với nó và viễn cảnh bệnh tật trong tương lai.

Một nghĩa trang hiện đại ở Việt Nam

Những binh đoàn vô hình

Trong lịch sử loài người, cùng với nạn đói và chiến tranh thì dịch bệnh là một trong ba nguyên nhân gây ra cái chết nhiều nhất cho nhân loại.

Theo tư liệu mà con người từng lưu lại được, trận dịch hạch bùng phát khét tiếng nhất được mệnh danh là Cái Chết Đen, bắt đầu từ những năm 1330 ở đâu đó trong vùng Đông Á hoặc Trung Á, nơi loài vi khuẩn sống ký sinh ở bọ chét bắt đầu truyền bệnh cho những người bị bọ chét cắn.

Lây lan qua vật trung gian là chuột và bọ chét, dịch bệnh đã lan khắp châu Á, châu Âu và Bắc Phi, rồi đến tận bờ biển Đại Tây Dương.

Đã có khoảng 75 đến 200 triệu người chết – quá một phần tư dân số lục địa Á – Âu.

Ở Anh, cứ mười người thì có bốn người chết. Dân số sụt giảm từ mức 3,7 triệu trước đại dịch còn 2,2 triệu sau dịch. Thành phố Florence mất 50.000 trong số 100.000 cư dân.

Theo tác giả Harari, cho đến thời cận đại, con người vẫn đổ lỗi dịch bệnh cho không khí xấu, ma quỷ ác độc và thần linh giận dữ, mà không hề nghi ngờ sự hiện diện của vi khuẩn và vi rút.

Người ta sẵn sàng tin vào thần tiên, nhưng không thể tưởng tượng được rằng một con bọ tí hon hay một giọt nước duy nhất có thể chứa cả binh đoàn khổng lồ những kẻ săn mồi chết chóc.

Tuy vậy, tác giả cho biết, Cái Chết Đen chưa phải là trận dịch tồi tệ nhất trong lịch sử. Những trận dịch bệnh khủng khiếp hơn từng tấn công châu Mỹ, châu Úc và các đảo Thái Bình Dương.

Dịch bệnh đã theo chân những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến đó.

Những kẻ thám hiểm lẫn những người đi định cư đến vùng đất mới đều không mảy may hay biết mình đã mang theo những căn bệnh truyền nhiễm mới mà người bản xứ hoàn toàn không có sự miễn dịch.

Hậu quả là đã có đến 90 phần trăm dân bản địa chết vì lý do này.

Sau khi Colombo khám phá ra Châu Mỹ vào năm 1492, mở ra một giai đoạn xâm chiếm của người châu Âu vào châu Mỹ.

Vào ngày 5 tháng Ba năm 1520, một đội tàu nhỏ của tây Ban Nha rời hòn đảo Cuba lên đường đến Mexico. Đội tàu chở theo 900 lính Tây Ban Nha cùng ngựa, vũ khí và một ít nô lệ châu Phi.

Một trong số các nô lệ, Francisco de Eguia, mang trên mình một món hàng chết chóc, đó là virut đậu mùa.

Sau khi Francisco đặt chân tới Mexico, con vi rút bắt đầu sinh sôi dữ dội trong cơ thể anh ta, bùng phát thành những nốt ban khủng khiếp trên da. Fracisco lên cơn sốt được cho nằm nghỉ trong nhà một gia đình người da đỏ ở thị trấn Cempoallan.

Anh ta lây bệnh cho cả nhà họ, rồi họ lây cho hàng xóm. Chỉ trong mười ngày, thị trấn Cempoallan trở thành một nghĩa địa.

Dịch bệnh nhanh chóng lây lan đến các thị trấn xung quanh, làn sóng người tị nạn đầy sợ hãi khác mang dịch bệnh đi khắp Mexico và xa hơn nữa.

Thủ đô của người Aztec là Tenochtitlan, một đô thị diễm lệ với 250000 người, chỉ trong hai tháng, ít nhất một phần ba dân số tử vong, bao gồm cả hoàng đế Aztec.

Vào tháng Ba năm 1520 lúc đội tàu Tây Ban Nha cập bến, Mexico còn là nơi ở của 22 triệu người, nhưng đến tháng Mười hai thì chỉ còn 14 triệu người sống sót.

Hình ảnh tại một chợ hoa xuân ở Hà Nội, dịch cúm corona khi Việt Nam đang vào dịp Tết cổ truyền.

Đậu mùa chỉ là cú giáng đầu tiên.

Ngoài ra là những làn sóng cúm, sởi và các bệnh truyền nhiễm chết người khác tấn công Mexico hết đợt này đến đợt khác, và đến năm 1580 thì dân số ở đây chỉ còn dưới 2 triệu người.

Hai thế kỷ sau, vào ngày 18 tháng Một năm 1778, một nhà thám hiểm người Anh là thuyền trưởng James Cook đã đi đến Hawaii, một nơi ở xa xôi đất liền giữa biển Thái Bình Dương.

Quần đảo Hawaii có dân cư đông đúc lên đến nửa triệu người, họ sống tách biệt hoàn toàn với cả Châu Âu và châu Mỹ, nên chưa bao giờ tiếp xúc với các bệnh dịch của hai châu lục này.

Thuyền trưởng Cook và đoàn tùy tùng mang những chủng bệnh cúm, bệnh lao và bệnh giang mai đầu tiên đến Hawaii. Sau đó là bệnh thương hàn và đậu mùa.

Đến năm 1853 chỉ còn 70000 người bản địa sống sót ở Hawaii.

Đến thế kỷ 20, bệnh dịch vẫn tiếp tục giết hàng chục triệu người.

Vào tháng Một năm 1918, trong Thế chiến thứ Nhất, hàng nghìn lính trong các chiến hào miền Bắc nước Pháp bắt đầu chết hàng loạt do một chủng cúm lây lan đặc biệt mạnh, có tên Cúm Tây Ban Nha.

Chỉ trong vài tháng, khoảng nửa tỷ người – một phần ba dân số toàn cầu lây cúm.

Ở Ấn Độ nó giết chết 5 phần trăm dân số, chừng 15 triệu người. Ở đảo Tahiti 14 phần trăm cư dân thiệt mạng. Ở Samoa 20 phần trăm.

Tổng cộng cơn đại dịch giết chết khoảng 50 đến 100 triệu người trong chưa đầy một năm. Trong khi đó cả Thế chiến thứ Nhất chỉ giết chết 40 triệu người trong khoảng thời gian 4 năm, từ năm 1914 đến 1918.

Quá khứ đã qua

Tác giả Harari cho biết, với trong những thập kỷ gần đây và trong thế kỷ 20, nhờ sự đầu tư nghiên cứu cho khoa học khám chữa bệnh, tần suất và tác hại của các dịch bệnh đã được giảm mạnh.

Thế kỷ 20 với những thành tựu chưa từng có đã cung cấp vắc xin, thuốc kháng sinh, cùng với điều kiện vệ sinh cải thiện và một hạ tầng y tế tốt hơn rất nhiều.

Chiến dịch tiêm chủng đậu mùa toàn cầu đã thành công, năm 1979 Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố nhân loại đã chiến thắng và bệnh đậu mùa đã hoàn toàn bị tiêu diệt.

Đó là dịch bệnh đầu tiên mà con người đã xóa bỏ được khỏi bề mặt Trái đất. Không còn người bị chết do mắc bệnh đậu mùa mà không thể cứu chữa.

Tuy vậy cứ cách một vài năm, vẫn có những dịch bệnh mới do virut tấn công con người.

Ví như dịch cúm suy hô hấp cấp tính do virut SART gây ra từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003 làm chết 774 người.

Hay dịch cúm gia cầm H5N1 hồi năm 2005 đã khiến thế giới phải tiêu hủy hàng trăm triệu gia cầm và làm chết 371 người trên toàn thế giới.

Dịch cúm heo năm 2009 -2010 và dịch bệnh Ebola năm 2014.

Nhưng nhờ những biện pháp phòng ngừa hiệu quả mà các trận dịch này cho đến nay mới chỉ có tương đối ít nạn nhân.

Đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi ban đầu tưởng chừng như mất kiểm soát, tháng Chín năm 2014 WHO mô tả nó là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất trong thời hiện đại.

Nhưng cho đến đầu  năm 2015 đại dịch này đã được kiểm soát, đến tháng Một năm 2016 WHO tuyên bố hết dịch. Nó khiến 30.000 người mắc bệnh và giết chết 11.000 người trong số đó.

Việt Nam có nguy cơ lây nhiễm cao từ quốc gia láng giềng bùng phát cúm corona.

Những tiến bộ của y tế và khám chữa bệnh còn thể hiện qua việc ngăn ngừa đại dịch AIDS.

Từ đợt bùng phát đầu tiên vào đầu thập niên 1980 đã có hơn 30 triệu người chết vì AIDS.

Căn bệnh do virut HIV gây ra, nhưng virut HIV không trực tiếp gây chết người mà nó làm hỏng hệ thống miễn dịch của cơ thể, rồi từ đó cơ thể mắc nhiễm các bệnh khác và tử vong bởi đó.

Những tiến bộ y khoa đã biến AIDS từ một án tử thành một dạng bệnh mãn tính, nếu người bệnh có đủ tiền để chữa trị các bệnh khác do cơ thể nhiễm phải.

Tác giả Harari đánh giá, đại đa số con người hiện nay chết vì các bệnh không lây nhiễm như ung thư, hoặc bệnh tim.

Trong tương lai các bệnh lây nhiễm khác vẫn có thể phát sinh tấn công con người.

Nhưng mỗi năm trôi qua, ngành khoa học vì sự sống ngày càng tích lũy được nhiều kiến thức kinh nghiệm để bào chế các loại thuốc và đưa ra những phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Vào năm 2015 các bác sĩ tuyên bố đã phát hiện ra teixobactin, một dạng kháng sinh hoàn toàn mới mà vi khuẩn chưa hề có bất cứ đề kháng nào.

Các nhà khoa học cũng đang phát triển các liệu pháp chữa bệnh mới mang tính cách mạng hoạt động theo những cách hoàn toàn khác với các loại thuốc trước đây.

Ví dụ như một số phòng thí nghiệm đã chế tạo ra các nano-robot một ngày kia có thể sẽ di chuyển dọc theo mạnh máu, phát hiện bệnh và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh cũng như các tế bào ung thư.

Thế nên mặc dù có thể vẫn phát sinh những dịch bệnh như Cúm Vũ Hán đang xảy ra, nhưng con người sẽ không xem đó là thảm họa tự nhiên không thể tránh khỏi.

Thay vào đó con người sẽ tập trung vào nghiên cứu ra thuốc chữa, và để giảm thiểu số người chết khi chưa có thuốc thì trách nhiệm tổ chức cách ly phòng ngừa thuộc về các chính phủ.

Cuối cùng, điều nguy hại mà tác giả Harari đưa ra là, những công cụ cho phép các bác sĩ nhanh chóng nhận dạng và chữa trị các bệnh mới, có thể cũng được những kẻ khủng bố sử dụng để phát triển những loại bệnh còn khủng khiếp hơn.

Rất có khả năng các dịch bệnh lớn đe dọa loài người trong tương lai là do chính con người tạo ra để phục vụ một ý thức hệ tàn bạo nào đó.

Tác giả kết luận, kỷ nguyên con người bất lực trước các đại dịch tự nhiên có lẽ đã qua. Nhưng có thể con người rồi sẽ phải tiếc nhớ những ngày đó.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính, Hà Nội