Tổng bí thư kiêm Chủ tịch quốc hội

Trong khi bàn thảo sửa đổi hiến pháp, ý kiến đề xuất hợp nhất hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước dành được nhiều sự quan tâm, song chưa thấy ai đề xuất hợp nhất hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch Quốc hội.

 

Bao nhiêu năm qua, ở các cấp tỉnh huyện xã, bí thư bên đảng đã kiêm nhiệm Chủ tịch hội đồng nhân dân, vậy tại sao việc hợp nhất chỉ dừng lại ở cấp độ địa phương mà không áp dụng ở trung ương? Điều gì cản trở việc này?

 

Theo thông lệ thế giới, đảng phái là tổ chức của một nhóm người có chung mục tiêu quyền lợi, hoạt động chính yếu nhắm tới là chiếm lĩnh quyền lãnh đạo quốc gia, nguyên lý tổ chức hoạt động là cấp dưới phục tùng cấp trên.

 

Bình đẳng hay phục tùng?

 

Trong khi đó cũng theo thông lệ thế giới, Quốc hội là tổ chức của những đại biểu đại diện cho mọi tầng lớp dân chúng chứ không của chỉ riêng một nhóm người nào. Giữa các đại biểu quốc hội là bình đẳng và không có quan hệ phục tùng vì đại biểu đại diện cho dân mà quyền lợi của các nhóm dân cư thì đều chính đáng như nhau.

 

Các đảng viên có chung mục tiêu quyền lợi, còn các đại biểu quốc hội thông thường không cùng chung mục tiêu quyền lợi.

 

Lý do là nguồn lực quốc gia luôn hữu hạn trong khi mỗi nhóm dân chúng đều muốn được dành nguồn lực giải quyết vấn đề của nhóm mình. Như thế trong xã hội luôn tồn tại những nhóm người có quyền lợi không đồng nhất hoặc là đối lập nhau, từ đó các đại biểu quốc hội cũng không cùng chung mục tiêu quyền lợi.

 

Chỉ trong trường hợp chiến tranh các đại biểu quốc hội mới có quyền lợi chung, đứng trước nguy cơ tồn vong của quốc gia, khi đó quyền lợi của các nhóm dân chúng bị xếp lại sau so với quyền lợi chung của dân tộc.

 

Như vậy theo truyền thống quốc tế, mô thức thành lập và hoạt động của hai tổ chức đảng phái và quốc hội là đối lập nhau.

 

Phải chăng vì đó nên e ngại quốc tế nghi hoặc chê cười do sự không giống ai của mình nên ở Việt Nam đã không hợp nhất hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch Quốc hội?

 

Nhưng vì sự hợp lý thực tiễn nào đó lại hợp nhất người đứng đầu hai cơ quan đảng và cơ quan dân cử ở cấp độ địa phương?

 

Hóa giải những trở ngại

 

Đảng Cộng sản Việt Nam bao nhiêu năm qua giữ vai trò lãnh đạo nhưng hiện tình đất nước như bây giờ chứng tỏ đảng đã không biết cách làm tốt vai trò của mình.

 

Nắm toàn quyền điều hành hệ thống chính trị nhưng đảng đã không biết cách lập trình hệ thống sao cho sự vận hành được trơn tru hiệu quả.

 

Rõ ràng là Đảng cộng sản hiện nay không còn tổ chức theo nguyên lý kinh điển truyền thống của các tổ chức đảng phái lâu nay, giống như đảng cộng sản Trung Quốc, đảng của giai cấp công nhân xưa kia nay đã kết nạp cả thành phần tư sản – kẻ thù cũ, doanh nhân cũng trở thành đảng viên.

 

Đảng hiện nay đã cấp tiến đến mức khó xác định bản chất giai cấp của đảng, không còn đại diện cho riêng một nhóm người, một giai tầng nào.

 

Điều 4 dự thảo hiến pháp viết rằng Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

 

Nếu đúng thực chất như vậy, tức đảng đại biểu cho toàn dân thì khi đó đảng tiến gần đến với quốc hội cũng là tổ chức đại biểu cho toàn dân, hai tổ chức khi đó có tính chất giống nhau nên đây là một lý do cho phép có thể hợp nhất Ban lãnh đạo đảng với quốc hội.

 

Vì là chế độ một đảng và giữ vai trò lãnh đạo, cho nên không giống như các đảng phái truyền thống luôn trong trạng thái tranh đấu để giành và giữ quyền lãnh đạo quốc gia, lúc này đảng chỉ tập trung vào việc lãnh đạo và làm chính sách, như thế cũng tương đồng với tính chất vai trò của quốc hội là cơ quan ban hành chính sách. Đây là lý do thứ hai cho thấy có sự tương hợp giữa hai tổ chức cho nên có thể hợp nhất.

 

Ở đây không cần phải chỉ ra những bất lợi khi duy trì tình trạng cả hai tổ chức cùng có vai trò lãnh đạo và làm chính sách nữa, xin xem lại bài viết có tiêu đề “Canh tân hệ thống”.

 

Về điểm khác biệt trong nguyên lý tổ chức hoạt động, trong đảng thì cấp dưới phục tùng cấp trên, còn các đại biểu quốc hội thì bình đẳng, vậy hóa giải mâu thuẫn này thế nào?

 

Có thể hóa giải bằng cách đúng như việc cần phải làm là chỉ thực hiện hợp nhất đối với một số lượng nhỏ người đứng đầu chứ không phải hợp nhất hai tổ chức. Đảng có hàng triệu người trong khi quốc hội có 500 người, đâu phải hợp nhất cả hai nhóm người này.

 

Hợp nhất thế nào?

 

Đầu tiên là hợp nhất người đứng đầu, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch quốc hội. Sau đó là hợp nhất Bộ chính trị với Ủy ban thường vụ quốc hội.

 

Ủy ban thường vụ quốc hội hiện tại gồm 17 người, bộ chính trị hiện có 16 người tới đây có thể bầu bổ sung thêm một khi đó doanh số là bằng nhau. Các ủy viên trung ương đảng thì vẫn là đại biểu quốc hội như lâu nay.

 

Đồng thời với việc hợp nhất thì quan trọng không kém là cần thực hiện tách bạch về nhân sự giữa cơ quan làm chính sách với quan thực thi chính sách, giữa cơ quan lãnh đạo với cơ quan chấp hành. Người đứng đầu các cơ quan chính phủ, quân đội, công an chỉ nên cho giữ từ ủy viên trung ương trở xuống.

 

Để người đứng đầu các cơ quan này giữ cương vị ủy viên bộ chính trị như lâu nay đảng tưởng rằng như thế là nắm chắc được chính quyền, thực ra không phải. Làm vậy giống như đảng đang ôm một cái cột, khi tách bạch như đề xuất tức thu nhỏ cái cột lại thì đảng nắm các cơ quan này như một người cầm cái gậy trong tay, trường hợp nào thì nắm chắc hơn và điều khiển linh hoạt hơn?

 

Lợi ích đem lại là gì?

 

Vấn đề cốt yếu nhất là đưa ra được những chính sách đúng đắn, mà muốn thế thì điều cần thiết là không để bất cứ lý do gì chi phối ảnh hưởng khiến cho việc ban hành chính sách không đảm bảo chất lượng được tối ưu.

 

Lâu nay ở Việt Nam đâu là cơ quan ban hành chính sách? Mọi cơ quan đều làm chính sách. Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng Đảng lại có cương lĩnh phát triển đất nước của mình. Chính phủ là cơ quan chấp hành của cả đảng và quốc hội nhưng tự chính phủ cũng ban hành chính sách.

 

Thông lệ lâu nay đảng lãnh đạo bằng chủ trương đường lối sau đó quốc hội luật hóa chính sách của đảng rồi chính phủ thực hiện, nhưng có phải đảng được toàn quyền trong hoạt động hay không?

 

Liệu khi làm việc đảng có phải ngó nghiêng quan điểm của quốc hội hay lượng định quan điểm của chính phủ là cơ quan thực thi hay không? Điều này có thể có bởi vì các tổ chức gồm những con người khác nhau về cả nhận thức lẫn quyền lợi.

 

Điểm khác nhau dù là rất nhỏ cũng khiến cho chính sách phải hạ thấp tiêu chí chất lượng để có thể đạt được sự chấp nhận.

 

Hoặc có khả năng là để chính sách được chấp nhận, cơ quan ban hành đưa ra nội dung rất chung chung và độ mở rất rộng, dành phần không gian quyền hạn cho cơ quan tiếp theo, đảng dành cho quốc hội, quốc hội dành cho chính phủ. Hệ quả của việc này là các cơ quan đều làm chính sách và như thế thì đừng mong có được chất lượng cao.

 

Khi hợp nhất sẽ giúp việc ban hành chính sách được tập trung ban hành bởi một cơ quan đầu não, tránh tình trạng phân tán về thẩm quyền ban hành chính sách.

 

Đặc biệt trong xu hướng xây dựng quốc gia pháp quyền, mọi tổ chức đều được thiết lập và hoạt động theo pháp luật thì xem ra Đảng lại ở vào thế yếu so với quốc hội và chính phủ do không được pháp luật bảo hộ nên có thể bị bỏ rơi bất cứ lúc nào.

 

Để củng cố vị thế của Đảng, Tổng bí thư và Bộ chính trị nên kiêm Chủ tịch quốc hội và Ủy ban thường vụ quốc hội.

 

Khi đảng đã vững rồi thì phải có trách nhiệm thúc đẩy dân chủ bằng cách rút bớt phạm vi hoạt động, chỉ lãnh đạo bộ máy nhà nước và buông bỏ lãnh đạo xã hội dành phần không gian cho xã hội dân sự phát triển. Đảng toàn trị khi đó thu gọn thành đảng cầm quyền, dân chủ sẽ khai phóng tiềm lực nhân dân, từ đó mà đất nước phát triển.

 

Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại đây: Google search: ‘Tổng bí thư kiêm Chủ tịch quốc hội’