Báo chí trong nước đang đưa tin về vụ việc vi phạm xảy ra tại công trình xây dựng số 8B phố Lê Trực, Hà Nội.
Thông tin mới đây cho biết phía chủ đầu tư có đề xuất hiến tặng cho nhà nước phần không gian xây dựng vượt quá so với giấy phép, thay vì phải phá bỏ đi mà chi phí phá dỡ lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày hôm qua 23.11, người được giao phụ trách Đảng bộ thành phố Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đã cho biết (theo bài trên báo Tiền phong) rằng không chấp nhận đề xuất hiến phần xây dựng vi phạm cho nhà nước.
Tòa án ở đâu?
Trong sự việc này, thiệt hại nhãn tiền cho phía chủ đầu tư, thực ra cũng là tổn hại cho kinh tế xã hội, đó là tốn kém không biết bao nhiêu tiền của trong việc xây dựng phần vượt quá để rồi phải đập bỏ đi.
Đây là ví dụ cho thấy tổn hại của hệ quả luật pháp không nghiêm đối với nền kinh tế là không hề nhỏ.
Qua để ý theo dõi thì thấy mặc dù có rất nhiều tin bài về vụ tòa nhà 8B Lê Trực nhưng không hề có tin bài nào nhắc đến Tòa án như là thiết chế có khả năng giải quyết vụ việc đem lại công bằng cho chủ đầu tư.
Đây thực sự là điều đáng phải quan tâm suy nghĩ.
Vì tòa án vốn dĩ là thiết chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp, vậy tại sao trong vụ việc này, với phần tài sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chủ đầu tư không tìm đến tòa án để được bênh vực bảo vệ?
Phải chăng người ta đã hoàn toàn không hy vọng gì ở khả năng của tòa án? Hoặc cũng có thể hành vi sai phạm đã quá rõ ràng, cho nên chủ đầu tư đã hoàn toàn cam chịu chấp nhận mà không khiếu nại hay khởi kiện đến tòa án.
Nếu điều này là đúng thì tại sao ngay từ ban đầu chủ đầu tư lại chủ quan vi phạm pháp luật ngang nhiên như vậy?
Và lâu nay cỗ máy tư pháp đã vận hành như thế nào mà góp phần tạo nên sự mất nhận thức vào pháp luật nghiêm minh như thế?
Tư pháp yếu cản trở kinh tế
Lâu nay để tìm cách thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhiều người chỉ nghĩ đến các khoản tiền vốn đầu tư, như đầu tư ODA, đầu tư FDI hay các khoản vốn vay trái phiếu Chính phủ, vay Ngân hàng quốc tế để thực hiện các dự án đầu tư trong nước.
Đã có sự ít quan tâm hơn trong việc tìm kiếm thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách khơi dậy sức dân, khai phá tiềm lực trong nhân dân, kêu gọi người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Hoặc là cũng có chủ trương muốn vậy nhưng không biết làm cách nào để thúc người dân bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh thay vì cất giữ trong nhà.
Một điều quan trọng cần được hiểu là trong thời đại ngày nay nguy cơ xâm hại tới tài sản của người dân và doanh nghiệp không phải là từ giặc giã chiến tranh, mà nguy cơ đến từ sự vi phạm cam kết của chính những bạn hàng đối tác.
Do vậy để người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn, cần phải minh chứng cho họ thấy được là quyền lợi hợp pháp và tài sản của họ sẽ được bảo vệ nhanh chóng hiệu quả, và điều này chính là muốn nói đến vai trò trách nhiệm của nền tư pháp.
Nền tư pháp phải đủ mạnh, đủ hiệu quả để đảm bảo tài sản của các bên được bênh vực bảo vệ thay vì bị giải quyết dây dưa kéo dài hoặc bỏ mặc.
Trong nền tư pháp thì Tòa án là thiết chế trung tâm, Tòa án cần trở thành nơi mà mọi người tìm đến để cậy nhờ bảo vệ, thay vì là thứ người ta ngao ngán chẳng thèm nghĩ đến. Một khi tòa án không chứng minh được khả năng đảm bảo công bằng nó sẽ triệt tiêu đi động lực cố gắng trong mỗi người.
Khi đó tiền vàng sẽ nằm im trong két sắt gia đình thay vì được đưa vào lưu thông, theo đó nguồn vốn đầu tư của xã hội sẽ bị vơi cạn. Mà tiền trong dân thì nhiều ít không biết thế nào nhưng có lẽ cũng không ít hơn bao nhiêu so với các khoản vay quốc tế.
Cho nên để tìm đường hướng phát triển kinh tế, thay vì chỉ chú tâm kiếm tìm các khoản vốn đầu tư nước ngoài, thì hãy quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, để khơi dậy và khai phá tiềm lực trong nhân dân. Môi trường đầu tư kinh doanh ở đây không chỉ gói gọn trong phạm vi các quy định thủ tục hành chính đầu tư kinh doanh như lâu nay vẫn được nhắc đến, mà nó còn đòi hỏi ở cả môi trường tư pháp hiệu quả nghiêm minh.
Tư pháp tốt thúc đẩy kinh doanh
Nền tư pháp hiện tại còn nhiều yếu kém và chưa được coi trọng, một trong những nguyên nhân là nhiều người còn chưa nhìn ra vai trò tác dụng của nó trong việc khuyết khích thúc đẩy hay là kìm hãm phát triển nền kinh tế.
Sau mấy chục năm hội nhập kinh tế, nhiều người đã thống nhất nhận thức rằng một nền kinh tế thị trường phải đi đôi với một hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng (đây là điều mà các chuyên gia tư vấn quốc tế vẫn thường nói đến). Và thực tế là ở Việt Nam lâu nay người ta cũng đã quan tâm đến khâu làm luật của Chính phủ và Quốc hội nhằm cải thiện các vấn đề pháp luật đầu tư kinh doanh.
Song nhiều người vẫn chưa nhận ra một nền kinh tế thị trường phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả.
Vì dù cho các quy định thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh đã rõ ràng minh bạch, nhưng người ta vẫn chưa yên tâm bỏ tiền ra nếu vẫn còn những lo ngại rằng những tranh chấp vướng mắc trong quá trình làm ăn sẽ không được xử lý nhanh chóng chính xác.
Tức là lâu nay nhiều người mới chỉ chú trọng các vấn đề đầu vào như các vấn đề tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, khai thông vướng mắc cho thành lập doanh nghiệp, trong khi lại chưa coi trọng các vấn đề về sau.
Ví như thủ tục thành lập doanh nghiệp đã được cải thiện nhanh gọn mau chóng, trong khi thủ tục phá sản doanh nghiệp thì vẫn nhiêu khê phức tạp rối rắm (và trở thành điểm tắc nghẽn).
Hoặc sau khi doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư rồi thì lại không lo giúp đỡ xử lý giải quyết các tranh chấp vướng mắc trong quá trình kinh doanh (bằng việc để tồn tại một nền tư pháp còn thiếu tính năng hiệu quả).
Quyền và nghĩa vụ pháp lý
Điều này tạo ra sự mắc nghẽn của dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý, mà khơi thông nó chính là vai trò tác dụng của nền tư pháp.
Nhiều người không nhận ra sự tồn tại và tính quan trọng của sự lưu thông dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý.
Tôi cho rằng sự lưu thông của dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý quan trọng chẳng kém gì sự lưu thông dòng chảy tài chính tiền tệ trong môi trường kinh tế.
Một khi dòng chảy các quyền và nghĩa vụ pháp lý bị tắc nghẽn do khâu tư pháp yếu kém, nó sẽ cản trở sự minh bạch rõ ràng về tài sản và quyền lợi, cản trở tính năng hữu dụng của các nguồn lực dành cho phát triển kinh tế.
Tư pháp yếu kém cũng biểu hiện ở chỗ thời gian giải quyết các vụ án thường bị kéo dài. Và khi phán quyết đã có rồi thì khâu thi hành án cũng tồn tại những nhiêu khê khiến nó trở thành điểm nghẽn trong việc phân định tài sản, khiến cho tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, từ đó chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế (xem lại bài Tòa án Việt Nam gây tác hại cho nền kinh tế).
Cho nên một nền kinh tế thị trường đòi hỏi một nền tư pháp mạnh.
Khi nền tư pháp yếu, không chứng tỏ được luật pháp nghiêm minh, sẽ tạo ra môi trường pháp lý mơ hồ khiến người dân và doanh nghiệp nhận thức phán đoán sai về các tín hiệu, dẫn đến các suy tính quyết định sai lầm, ví như vụ việc sai phạm diễn ra ở công trình đầu tư số 8B phố Lê Trực nêu trên.
Để tránh những thiệt hại cho nền kinh tế cần thúc đẩy nâng cao tính năng hiệu quả của nền tư pháp, để tư pháp trở thành điểm đột phá cho phát triển kinh tế, thay vì là điểm tắc nghẽn gây cản trở cho sự phát triển kinh tế như hiện nay.
Bài đã đăng trên BBC Vietnamese tại Đây