Thực trạng quyền hạn yếu kém của Tòa án

Tòa án Việt Nam nắm giữ quyền hạn quá yếu kém so với Tòa án của hai nước gần gũi là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiến pháp Hàn Quốc quy định: Trong trường hợp bắt, giam giữ, tịch thu tài sản hoặc khám xét thì cần phải có lệnh của thẩm phán thông qua các thủ tục luật định và trên cơ sở phải có yêu cầu của một công tố viên, trừ trường hợp một nghi phạm hình sự bị bắt quả tang.

Theo quy định này thì không chỉ việc bắt mà cả việc khám xét hay tịch thu tài sản đều phải có quyết định của tòa án, ngoài ra không cơ quan nào khác có quyền.

hien phap

Tương tự như Hàn Quốc, Hiến pháp nước Nhật quy định: Không ai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của tòa án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang.

Và ‘Nếu không có sự cho phép của toà án trình bày lí do, thông báo về chỗ khám xét, đồ vật bị tịch thu thì mọi thư từ, đồ vật, nhà ở đều được pháp luật bảo vệ. Mọi lệnh khám xét, tịch thu đều phải có sự cho phép của Thẩm phán’.

Hiến pháp Nhật Bản giống với Hàn Quốc đều quy định tập trung trong tay tòa án thẩm quyền quyết định các việc bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật. Ngoài ra không cơ quan nào khác có quyền.

Trong khi đó ở Việt Nam lại quy định khác. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Quy định như vậy cho phép ngoài Tòa án thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đều có quyền bắt giữ, trường hợp Cơ quan điều tra bắt thì sau đó phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát.

Về việc khám xét hay thu giữ đồ vật, Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay quy định cả ba cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và Điều tra đều có quyền tiến hành.

Như thế có thể thấy tòa án ở Việt Nam hoàn toàn kém quyền so với tòa án Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Ở hai nước kia thiết chế tòa án nắm thẩm quyền lớn chi phối và trở thành trung tâm của các hoạt động tư pháp.

Ở Việt Nam giá trị của bản án do tòa phán quyết còn bị làm cho suy yếu ở hoạt động đặc xá tha tù trước thời hạn. Theo đó giá trị của bản án sau khi tuyên có thể bị thay đổi bởi cơ chế đặc xá, thực tế mỗi năm qua có gần một vạn người được tha tù trước thời hạn.

Bản chất của việc này là cơ quan khác đã giành giật một phần quyền phán quyết hình phạt với tòa án. Tòa án đã phải chia sẻ một phần quyền phán quyết hình phạt với cơ quan khác. Giá trị của bản án đã bị làm cho suy yếu.

Tới nay Bộ luật tố tụng hình sự mới có chế định về tha tù trước thời hạn có điều kiện, theo đó người thi hành án phạt tù khi đủ những điều kiện nhất định sẽ được tòa án phán quyết tha tù trước thời hạn.

Bản chất của quy định này là giao trả lại quyền phán quyết hình phạt cho Tòa án, hoạt động đặc xá tới đây sẽ bị thu hẹp. Theo quy định mới mỗi năm sẽ vẫn có rất nhiều người được tha tù trước thời hạn nhưng đó là kết quả việc làm của Tòa án chứ không phải theo cơ chế Hội đồng đặc xá như trước.

Theo xu hướng cải cách tất yếu ngành Tòa án sẽ được khôi phục dần quyền hạn lớn mạnh như nó đúng ra phải thế, trong tương lai sẽ phải sửa đổi pháp luật để tập trung trong tay Tòa án thẩm quyền ra các lệnh bắt giữ, khám xét và thu giữ đồ vật, và chỉ có Tòa án mới được quyền quyết định về các hoạt động này.