Thấy gì đằng sau những căn biệt thự khủng? Đừng chỉ nhìn thấy cái sai.

Báo chí đang đưa tin về hai căn biệt thự khủng được cho là của một cựu Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, và một cựu Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường. Bên cạnh những nghi ngờ bức xúc của dư luận về nguồn gốc khối tài sản lớn có thể do tham nhũng, thì đằng sau những sự việc này có một vấn đề quyền lợi rất chính đáng.

Biệt thự được cho là của gia đình cựu Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước ở huyện Bình Chánh, tp HCM
Biệt thự được cho là của gia đình cựu Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước ở huyện Bình Chánh, tp HCM

Đó là quyền xây nhà trên đất của mình, kể cả là đất nông nghiệp. Nếu đất của tôi, trồng cây không hiệu quả mà tôi muốn làm nhà thì phải được làm, miễn là không ảnh hưởng đến xung quanh.
Trả lời báo chí ông cựu Thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường cho rằng biệt thự ở huyện Hóc Môn, tp HCM trước kia là đất ruộng, được mua rồi làm biệt phủ với nhà và vườn cây. Điều đó cho thấy việc người ta chuyển đất nông nghiệp sang làm nhà ở là có thể, điều đó thực chất cũng chỉ là sửa đi cái câu chữ trong đống giấy tờ của đám thư lại quan liêu mà thôi.
Trong thực tế đời sống, có rất nhiều mảnh đất vườn, đất nông nghiệp mà nếu chuyển sang xây nhà ở thì nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai, ví như khu đất biệt phủ của ông Thứ trưởng bộ tài môi là một ví dụ.
Rất nhiều mảnh đất như vậy, có thể chuyển đổi mà không gây ảnh hưởng, và cần được chuyển đổi để tạo ra hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất. Nhưng lại bị cản trở vì những vấn đề quy hoạch và xin phép.

Biệt thự được cho là của một cựu Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường.
Biệt thự được cho là của một cựu Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường.

Muốn chuyển đổi thì người dân phải xin phép và cấp chính quyền huyện sẽ phải làm cái việc là chỉnh sửa nội dung quy hoạch, và người dân sẽ bị nhũng nhiễu bác bỏ trong việc này.
Cho nên, qua sự việc mấy biệt phủ của ngay cả vị Thứ trưởng bộ tài môi là cơ quan quản lý về đất đai, cho thấy nhiều quan chức cũng có nhu cầu xây nhà lớn rộng trên đất nông nghiệp, họ có lẽ cũng gặp khó khăn nhưng bằng chức quyền và tiền của đã giúp họ vượt qua được khâu xin phép chuyển đổi.
Trong khi đó nhiều người bị từ chối cho phép hoặc phá dỡ khi xây dựng. Nay tôi cho rằng chính sách quản lý đất đai phải thay đổi, phải trả lại quyền cho người dân được tự chủ trong lựa chọn mục đích sử dụng đất. Đó là quyền chính đáng của người dân.
Khi đó việc người dân xây nhà chỉ có thể bị cấm cản khi nó gây ảnh hưởng thực tế đến xung quanh, ngoài ra không một lý do nào khác được đem ra để cản trở người dân xây nhà, ví như chỉ vì trái với giấy tờ quy hoạch, hoặc chưa xin phép xây dựng.