Tác hại của thiết chế giám sát yếu kém

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm cho biết, chỉ riêng chi phí cho việc cắt cỏ 24km Đại lộ Thăng Long một năm lên tới 53 tỷ đồng.

Tính ra mỗi km đường một năm tốn 2,2 tỷ đồng tiền cắt cỏ, chia ra mỗi tháng mất 184 triệu cho việc cắt cỏ 1km đường.

Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng, vì thật khó chấp nhận sự tốn kém đến thế cho một việc làm vẽ vời hình thức, nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn khan hiếm và có nhiều vấn đề dân sinh bức thiết quan trọng hơn nhưng không được giải quyết.

Ông Chung cũng cho biết kế hoạch tới đây của Thành phố Hà Nội sẽ cắt giảm việc trồng hoa tỉa cỏ giúp tiết kiệm cho ngân sách thành phố mỗi năm 700 tỷ đồng.

Đây có lẽ cũng chỉ là một trong nhiều hoạt động tiêu xài lãng phí được phơi bày ra mà thôi, và tình trạng chi tiêu tốn kém như thế đã diễn ra nhiều năm rồi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại để tồn tại những kiểu tiêu tiền ngân sách như thế và vai trò giám sát của thiết chế Hội đồng nhân dân đâu rồi?

Hội đồng Nhân dân?

Đáng lưu ý là thông tin trên được ông Nguyễn Đức Chung nêu ra trong buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử Quận Hoàn Kiếm. Vậy tại sao nó không là nội dung chất vấn và giải trình tại cuộc họp của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội trước đó?

Và theo như cách mà báo chí đưa tin thì dường như đó là thông tin do ông Chung chủ động cung cấp cho cử tri trong tổng thể nội dung trình bày về vấn đề cây xanh Hà Nội, chứ không phải là do bị hỏi chất vấn mà trả lời.

Tức là nếu ông Chung không nói thì quần chúng cử tri không biết, cái thông tin mà đúng ra cử tri phải được biết từ nỗ lực làm việc của đại biểu dân cử.

Điều đó cho thấy không có vai trò nào của đại biểu Hội đồng nhân dân trong sự việc này, nhưng người được cho là đại diện cho ý chí nguyện vọng người dân, thực hiện chức năng giám sát việc chi tiêu ngân sách.

Một danh mục chi tiêu tốn kém lãng phí như vậy phải được mổ xẻ bàn cãi ở các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố để đánh giá về tính hợp lý chi tiêu. Các đại biểu phải tìm tòi về những hoạt động như thế của bộ máy, về những khoản chi tiêu như thế để thực hiện vai trò giám sát.

Mà cũng không phải mất công đi tìm, vì theo luật tổ chức Hội đồng nhân dân thì đây là thiết chế quyền lực của nhân dân có toàn quyền quyết định việc chi tiêu phân bổ ngân sách.

Mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân đều phải thông qua báo cáo kinh tế và quyết định kế hoạch chi tiêu ngân sách trong thời gian tới, vậy tại sao các đại biểu lại không biết mà giám sát hoặc quyết định?

Điều đó cho thấy tình trạng mất tác dụng của thiết chế Hội đồng nhân dân và sự yếu kém của từng đại biểu Hội đồng nhân dân.

Cũng lưu ý thêm là ông Chung là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, song ông Chung cũng lại là đại biểu Hội đồng nhân dân, việc phát biểu vừa rồi là tại buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử là quận Hoàn Kiếm của Đoàn Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Đó là ví dụ về tình trạng kiêm nhiệm giữa thành viên hành pháp và cơ quan lập pháp, kiêm nhiệm giữa người giám sát và người bị giám sát.

Đây là vấn đề bất cập sai trái đi ngược lại những cơ sở duy lý khoa học trong thiết kế bộ máy công quyền đã tồn tại từ lâu. Và chính nó gây ra sự yếu kém của thiết chế giám sát mà ở trung ương là Quốc hội còn ở địa phương là Hội đồng nhân dân các cấp.

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh

Một vụ việc khác cho thấy vai trò yếu kém mất tác dụng của thiết chế Hội đồng nhân dân là vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã được báo chí nói đến lâu nay.

Ông Thanh được cho là đã điều hành doanh nghiệp nhà nước yếu kém dẫn đến thất thoát thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, với cái công trạng như thế nhưng ông vẫn được luân chuyển lên cương vị cao hơn và cuối cùng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Việc bổ nhiệm được cho là sai trái và nhiều vấn đề mổ xẻ quy kết trách nhiệm được đưa ra như trách nhiệm thuộc về ai, Tỉnh ủy Hậu Giang hay, Bộ Công thương hay là Trung ương?

Song chưa thấy một thông tin phân tích nào nêu ra trách nhiệm của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang và từng đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Vì rõ ràng đây là cơ quan thực hiện chức năng giám sát công quyền và theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ quyền hạn là bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân.

Vậy thử hỏi Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang và từng đại biểu dân cử của cơ quan này đã làm được gì trong việc thực hiện bầu ông Trịnh Xuân Thanh? Việc tuân thủ thực hiện theo pháp luật trong vụ việc này là như thế nào?

Cái hoạt động tối thiểu để bầu một người là tìm hiểu xem người đó đã làm được những gì để xem có phù hợp xứng đáng hay không, vậy thử hỏi các đại biểu Hội đồng nhân dân đã làm gì và có xứng đáng với dân hay không?

Giám sát yếu kém

Có một đặc điểm chung trong các thể chế độc tài đó là người ta thiết kế bộ máy công quyền trong đó làm suy yếu đi vai trò của thiết chế giám sát.

Vì độc tài có bản chất là sự tùy tiện độc đoán, hành động và quyết định không dựa trên sự cân nhắc hợp lý các yếu tố – cái sẽ có được thông quan bàn luận dân chủ.

Ở Việt Nam chính quyền hiện tại bị cho là độc tài, điều này không ai phủ nhận được.

Vấn đề là theo thời gian cùng với sự biến chuyển của tình hình, thì cần tiết giảm tính độc tài đi và nâng cao hàm lượng dân chủ lên trong tổ chức và hoạt động công quyền.

Điều này tự bản thân chính quyền cũng đã thấy và cũng đã có những điều chỉnh theo hướng như vậy, nhưng tốc độ thay đổi quá chậm.

Một điều đã được nói mãi là tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên, giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm đi và tăng tỷ lệ người tự ứng cử và người ngoài Đảng cộng sản lên để tăng thuộc tính năng lực phản biện giám sát kiểm soát.

Nhưng thử hỏi những điều đó đã tiến bộ được bao nhiêu so với quãng thời gian đã dài và tốc độ thay đổi của khoa học kỹ thuật cùng những sự cải thiện đời sống vật chất và tri thức người dân?

Ai cũng hiểu là phải thay đổi để thích ứng, đó là hướng đi đúng.

Tuy nhiên, nếu tốc độ quá chậm sẽ vấp phải khủng hoảng thất bại chẳng khác nào đi phải hướng sai, mà rồi cuối cùng cái giá phải trả là đất nước lâm vào tình trạng yếu kém lay lắt kéo dài mà rồi nhân dân phải gánh chịu.

Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại ĐâyGoogle search: ‘Tác hại của thiết chế giám sát yếu kém’