Dư luận trong nước đang nóng lên với vụ án của tử tù Hồ Duy Hải hiện đang được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại trong một phiên họp Giám đốc thẩm.
Để mọi người hiểu thêm về nền tư pháp và nguyên nhân gây ra những vụ án oan sai, tôi xin chia sẻ về nghề luật sư bào chữa.
Do luật định
Các bạn bên ngoài có lẽ không biết về quyền hạn yếu kém của người luật sư bào chữa.
Và ngay cả các bạn luật sư trong nghề thì cũng ít người ý thức được vấn đề này.
Bởi lẽ các luật sư đều chưa từng được trải nghiệm qua môi trường tư pháp quyền mà hạn luật sư lớn mạnh, cho nên không có cơ sở để mà ý thức.
Và cũng do bởi quy định pháp luật hiện nay đang như thế thì mọi người có xu hướng chấp thuận tuân theo như thế, tuân theo luật đã là quán tính, tưởng rằng làm theo luật đã là chuẩn mực rồi, cho nên ít ai cảm thấy có vấn đề gì về quyền hạn của mình.
Mà rồi từ đó dẫn đến hạn chế trong việc bảo vệ bị cáo, góp phần dẫn đến oan sai.
Khác với nhiều đồng nghiệp, bản thân tôi ý thức rất rõ về vai trò yếu kém của luật sư bào chữa.
Do tự cảm thức được trong quá trình hành nghề, khi làm việc luôn tự đặt ra câu hỏi vì sao lại như thế, tại sao thế này mà không phải thế khác?
Tiếp đến là do tự nghiên cứu học hỏi về vai trò quyền hạn của người luật sư qua sách báo phim ảnh nước ngoài.
Từ đó đối chiếu nhìn lại giúp nhận ra những hạn chế của vai trò luật sư nơi mình.
Xin chỉ ra một hoạt động cho thấy vai trò hạn chế của luật sư bào chữa như sau:
Ở giai đoạn điều tra hiện nay luật sư bào chữa không được chủ động vào nơi giam giữ gặp bị can, việc gặp phải có sự giám sát của điều tra viên, mà nếu không báo trước để cơ quan điều tra cử người đến giám sát thì việc gặp không thành.
Nếu cơ quan điều tra không tạo điều kiện cho phép thì không gặp được và trại giam sẽ không cho gặp.
Lâu nay hàng vạn luật sư đều cam chịu lề lối làm việc như vậy mà không biết rằng ở các nước có nền tư pháp tiến bộ việc luật sư vào gặp bị can là quyền đương nhiên không thể ngăn cản.
Không chỉ thế, lâu nay đa phần việc luật sư gặp bị can đang bị giam là tại các buổi hỏi cung của điều tra viên.
Trong khi đó pháp luật quy định khi dự cung luật sư chỉ được hỏi khi được điều tra viên cho phép.
Nội dung này sẽ được nhân viên điều tra giải thích nhắc nhở ngay từ đầu, tạo hình ảnh yếu kém của người luật sư bào chữa trong con mắt của thân chủ trong buổi làm việc.
Do luật quy định như vậy dẫn đến thực tế là suốt buổi hỏi cung luật sư chỉ có thể ngồi nghe im lặng, hoặc nói những câu phụ họa vô nghĩa, làm chứng cho việc hỏi cung.
Cuối cùng ký vào tời khai cùng với bị can, hành động không khác gì làm chứng cho việc tạo lập bằng chứng kết tội thân chủ.
Hàng vạn luật sư Việt Nam từ lâu nay đều đang chấp nhận lề lối làm việc như vậy.
Tiếp nữa, luật quy định việc giải thích các quyền và nghĩa vụ cho bị can là thẩm quyền trách nhiệm của điều tra viên.
Thực tế nhân viên điều tra sẽ chỉ đọc điều luật về quyền và nghĩa vụ của bị can. Hầu như không có sự thắc mắc giải thích gì thêm.
Điều đó không giúp bị can hiểu được ý nghĩa về quyền trình bày lời khai của mình và cách thức thực hiện sao cho có lợi.
Nếu luật sư chen vào tranh thủ nói với bị can rằng là bị can được quyền trình bày lời khai, do luật quy định khai báo là quyền nên bị can không bị buộc phải trả lời câu hỏi. Thì ngay lập thức sẽ nhận được thái độ bực bội ngăn cản của điều tra viên.
Có nghĩa là luật sư bào chữa không có điều kiện để giải thích cho bị can hiểu rõ quyền trình bày lời khai của mình và cách thức thực hiện theo đúng tinh thần pháp luật.
Quá trình hỏi cung nếu luật sư thấy có sự gò ép, mớm cung mà lên tiếng bày tỏ không đồng tình thì bị quy cho là gây khó khăn cho việc điều tra.
Bản thân tôi hôm vừa rồi tham dự buổi hỏi cung một bị can trong vụ Đồng Tâm, chỉ vì thấy việc ép cung mà bày tỏ sự không đồng tình thì điều tra viên ngăn lại nói rằng “anh đang không tôn trọng chúng tôi đấy” và dọa nếu tiếp tục sẽ cùng với quản giáo lập biên bản luật sư.
Việc hỏi cung cũng không được ghi âm ghi hình lại như Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định.
Lý do của toàn bộ việc này là giai đoạn điều tra có vai trò quan trọng nhất trong toàn bộ diễn biến giải quyết một vụ án hình sự.
Do tính quan trọng như vậy cho nên các quy định pháp luật trong giai đoạn này cũng ngoắt nghéo, lắt léo, bảo đảm tính chi phối của việc điều tra mà giảm đi vai trò của việc bào chữa.
Những hạn chế nội tại
Ngoài việc pháp luật ấn định những hành lang pháp lý chật hẹp cho người luật sư thì bản thân người luật sư cũng thiếu sự trau dồi.
Xuất phát từ quá trình đào tạo và môi trường pháp lý trong nước còn nhiều hạn chế, cho nên nghề luật sư là sản phẩm của môi trường đó cũng khó tránh khỏi những hạn chế.
Bản thân tôi do không được đi học ở nước ngoài cho nên đã phải tự trau dồi học hỏi giúp nhận ra những hạn chế của người luật sư ở Việt Nam.
Một ví vụ về việc học hỏi qua việc đọc cuốn sách Hồi ký của bà Hillary Clinton.
Do bản thân bà Hillary là một luật sư và chồng bà là Tổng thống Clinton cũng là một người học luật, Bộ trưởng tư pháp bang, cho nên trong hồi ký của mình bà nói nhiều về các hoạt động pháp lý của luật sư nước Mỹ.
Bà cho biết, năm 1974, ở độ tuổi 26, bà đã tham gia vào một việc mà bà gọi là ‘một trong những trải nghiệm quan trọng và mạnh mẽ nhất trong cuộc đời của mình’.
Đó là hỗ trợ cho nhóm 40 luật sư tham gia vào quá trình luận tội Tổng thống Richard Nixon trong vụ Watergate.
Phụ trách nhóm này là một Luật sư có tên là John Doar, bà Hillary đã dành nhiều lời đánh giá rất cao nguyên tắc làm việc của vị luật sư trưởng nhóm.
Những lời đúc kết đã trở thành phương châm làm việc của bà Hillary trong nhiều năm về sau, và đó cũng là nguyên tắc làm việc chuyên nghiệp của các luật sư.
Bà viết về John Doar như sau:
‘Ông biết rằng thận trọng là phương cách duy nhất để đạt được một quy trình công bằng và có giá trị’.
‘Là một trong những luật sư khắt khe, kỹ tính nhất mà tôi từng được làm việc, Doar nhấn mạnh rằng không ai được rút ra kết luận cho đến khi tất cả các sự kiện được đánh giá’.
Khi ông Bill Clinton làm Tổng thống, một nhóm nghị sĩ đối lập tìm cách phanh phui sai phạm của ông Clinton trong một hoạt động đầu tư trước đó.
Họ đã phải nhờ đến một nhóm luật sư cố vấn xử lý vụ việc, bà Hillary đã nói về nguy cơ rủi ro cho chồng mình như sau.
‘Họ đều là những luật sư dày dạn kinh nghiệm chuyên về lĩnh vực hình sự, nên họ hiểu rằng người vô tội vẫn có thể bị kết án’.
Nhiều tri kiến pháp lý cũng được thể hiện trong các cuốn sách khác như Hồi ký của ông Lý Quang Diệu, cuốn sách về ông Gandi ở Ấn Độ, đó đều là các luật sư.
Qua tri kiến của các nhân vật lớn của thế giới đã giúp tôi tự rèn cho mình các nguyên tắc làm việc theo tiêu chuẩn cao.
Đối với vấn đề án oan sai hầu như chỉ nói về vụ án mà mình nắm rõ nhất, vụ Hàn Đức Long mà bản thân trực tiếp tham gia bào chữa minh oan thành công.
Còn đối với những vụ án khác như tử tù Hồ Duy Hải thì luôn thận trọng và không đưa ra kết luận hay khẳng định gì về vụ án.
Bởi vì sự dễ dãi trong nhận định sẽ biến mình thành không đáng tin cậy.
Bản thân tôi cũng thường xuyên có các bài phân tích về nền tư pháp vì đây là lĩnh vực làm nghề nắm rõ nhất, việc chỉ ra những khiếm khuyết bất cập của nền tư pháp là nguyên nhân dẫn đến những án oan.
Đó là một cách lên tiếng bênh vực cho những người kêu oan, họ xứng đáng được xem xét lại việc xét xử theo một cơ chế công bằng, và qua đó thúc đẩy tạo dựng môi trường pháp lý văn minh tiến bộ.
Do đã lựa chọn lối làm nghề chuẩn chỉnh chỉ tuân theo pháp luật và không chấp nhận tiêu cực, mà hiện tại thì lối làm việc như vậy lại đang gặp khó khăn trong môi trường cơ chế tư pháp hiện nay.
Không còn cách nào khác tôi phải lên tiếng để phản ánh và thúc đẩy tạo dựng môi trường pháp lý văn minh tiến bộ, để tháo gỡ những hạn chế yếu kém của nghề luật sư, giảm tránh đi những vụ án oan sai.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Án oan do luật sư chịu nhiều hạn chế yếu kém’