Người phản biện muốn nhà nước và xã hội vinh danh

Dịch bệnh Covid-19 phơi bày những hình ảnh thông tin nhức nhối khiến nhiều người như bị thôi thúc phải lên tiếng về các biện pháp chống dịch và rộng hơn nữa là các chính sách phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều ý kiến phản biện có chiều sâu kiến thức và lòng tâm huyết đã đưa đến sự tiếp thu điều chỉnh nhất định trong các chính sách nhưng lại hầu như không được ghi nhận vinh danh.

Một trụ sở tiếp công dân

Kiến thức và tâm huyết

Hiện nay việc từng đoàn người dân rời bỏ thành phố về quê chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tốc độ phục hồi kinh tế.

Nhưng dẫu là một tín đồ của phát triển thì trong một bài báo mới đây tôi cũng đã phải khẳng định rằng ‘phát triển dù rất quan trọng nhưng không phải là tất cả’.

Dịch covid làm bộc lộ ra nhiều vấn đề dân sinh dân quyền mà trước kia khi chưa có dịch thì bị chìm lấp ẩn đi dưới lớp áo ồn ào náo nhiệt của đời sống đô thị.

Đó là hoàn cảnh cuộc sống trong những căn nhà trọ tạm bợ chật chội, trẻ em thiếu không gian vui chơi, mức lương còm cõi chỉ đủ tích lũy chút đỉnh sau khi trừ những khoản chi tiêu, và quyền đi lại của người dân.

Đến nay sau mấy tháng giãn cách phong tỏa, đứng trước những lựa chọn thì điều hợp lý là người lao động lựa chọn về quê và phía các ban ngành quản lý dường như cũng thấy điều đó là thỏa đáng cho nên đã để người dân đi về và hỗ trợ.

Hàm chứa trong đó là một sự chấp nhận rằng các quyền lợi dân sinh dân quyền của người dân cần được đặt cao hơn nguy cơ rủi ro cho phát triển kinh tế.

Đây có lẽ là một điểm nhấn nhận thức quan trọng cần được lưu giữ lại cho tới cả những ngày khi dịch covid qua đi.

Từ lâu nay tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam thường cao hơn mức bình quân của thế giới và khu vực, ai cũng mừng vì điều đó.

Nhưng đằng sau cỗ xe tăng trưởng kinh tế đó là nhiều vấn đề phụ phẩm của phát triển, có những khoảng trũng cần được khắc phục lấp đầy.

Hiện thực ngày nay cho thấy mong muốn phát triển kinh tế cần phải được cân bằng lại với các vấn đề về đời sống lao động.

Thay vì kiểm soát chặt chẽ thì cần phải để người lao động được thành lập công đoàn tự chủ, bênh vực trong quan hệ lao động với giới chủ mà trước kia vì coi trọng hoạt động thu hút đầu tư cũng như tốc độ tăng trưởng cho nên công đoàn bị duy trì ở tình trạng thiếu hiệu quả.

Hoặc cũng cần để đại diện người lao động có tiếng nói lớn hơn trong xã hội đòi hỏi các chính sách nhà nước quan tâm, như phải có các dự án xây nhà giá rẻ cho công nhân thuê mua cải thiện nơi ở cho lao động thay vì để họ tự xoay sở thuê mướn trong những xóm trọ dân cư xập xệ.

Làm những việc đó có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng chậm đi một vài phần trăm nhưng điều đó là thỏa đáng cho phát triển cân bằng.

Đất nước hội nhập cần được tự do hơn về ngôn luận

Mỗi người hãy tự hỏi xem liệu mình có chấp nhận giảm bớt đi chút thịnh vượng cá nhân để đạt được mức độ sung túc đồng đều chung?

Dẫu vậy có thể thực tế lại khác, nếu có những cam kết chương trình đầu tư cải thiện cho đời sống lao động ngay khi dịch vơi đi, sẽ trở thành hấp lực thu hút đem đến mau chóng nguồn lao động, nhờ đó kinh tế sớm phục hồi.

Nhìn xa hơn những gì đầu tư cho phát triển con người sẽ ko bao giờ là lỗ vốn, mà ngược lại đó sẽ là cơ sở cho những bước phát triển mau chóng bền vững.

Không được vinh danh

Mới đây một Đại biểu Quốc hội là ông Trần Hoàng Ngân trong thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến rằng cần xây dựng tượng đài vinh danh các y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Nhiều người không đồng tình vì điều đó sẽ góp phần tạo ra tình trạng lạm phát tượng đài bấy lâu nay và cho rằng chỉ cần tăng những khoản lương phụ cấp tài chính là được.

Tôi thấy dẫu sao thì ý kiến của ông Trần Hoàng Ngân cũng phản ánh một lối nhận thức thường thấy lâu nay, đó là truyền thống biết ơn, là sự ý thức ghi nhận công lao của những người có công đóng góp cho xã hội.

Mặc dù có môi trường nhận thức tích cực như vậy nhưng thực tế vẫn có những người có đóng góp cho xã hội nhưng lại không bao giờ được vinh danh.

Đó là những người góp tiếng nói phản biện chính sách, nhiều trong số đó có giá trị đóng góp đưa đến bước tiến cho xã hội, nhưng do đặc thù mô hình tập trung quyền lực cho nên từ lâu nay những tiếng nói khác trái chiều thường không được nhìn nhận tích cực.

Thực tế những tiếng nói phản biện mà đôi khi gồm cả những chỉ trích phê phán mạnh mẽ đã tạo ra những áp lực nhất định góp phần đưa đến các chính sách cải cách đổi mới đem đến bước tiến bộ phát triển cho xã hội.

Hoặc nhiều ý kiến phản biện hàm chứa vi lượng kiến thức sâu sắc đã được nghiên cứu thâu nhận để rồi nhà nước đưa ra được những quyết sách, nhưng người phản biện có sáng kiến lại thường không được ghi nhận nhắc đến.

Vai trò tác dụng đóng góp của những tiếng nói phản biện cho sự phát triển là rất lớn, mà nếu như ở các nước phát triển thì vai trò đó thuộc về những đảng phái đối lập, thuộc về cơ chế kiểm soát đối trọng giữa nghị viện và chính phủ, hoặc không gian phản biện tranh luận giữa các nhóm nghị sĩ trong cùng một viện.

Chỉ khi thông qua sự phản biện tranh luận tích cực, lật đi lật lại vấn đề, nhìn vấn đề ở mọi khía cạnh, khi đó quốc gia mới có được nguồn lực trí tuệ cao nhất để đưa ra được các quyết sách sáng suốt đúng đắn.

Luật sư Ngô Ngọc Trai tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương đảng và nhà nước

Bản thân tôi lâu nay cũng là một người phản biện, khi đặt mình đứng song song với nhà nước tôi hy vọng sẽ tạo ra một góc nhìn bao quát bổ khuyết cho các góc nhìn mà những người nằm trong bộ máy không thấy được, góp phần hoàn thiện cho cơ chế quản trị quốc gia.

Thực tế nhiều ý kiến góp ý về xây dựng pháp luật đã được tiếp thu, ví như năm ngoái có bàn đến việc nên để hay bỏ dịch vụ đòi nợ thuê, việc nên hay không tăng quyền cắt điện nước cho cơ quan cưỡng chế hành chính, việc cần sửa đổi chính sách trao quyền cho cá nhân doanh nghiệp được đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ đồng bào lũ lụt.

Hay như việc tích cực lên tiếng thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ cho phạm nhân, cho tử tù, cho những người bị tạm giam, thúc đẩy quyền con người trong môi trường giam giữ, điều đó đã góp phần đưa đến những chính sách cải thiện, mới đây có chính sách phạm nhân được ngủ qua đêm với vợ/chồng.

Tất cả những điều đó chỉ bản thân bận tâm theo dõi và nhận thấy còn thì hầu như không có ai để ý nói gì đến vinh danh.

Tới nay từ thực tế công tác phòng chống dịch covid và những tiếng nói tâm huyết cất lên từ xã hội, đã đến lúc nhà nước cần ghi nhận vinh danh đối với những tiếng nói phản biện để đất nước có được các chính sách phát triển chất lượng bền vững.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Việt Nam: Người phản biện muốn được nhà nước và xã hội vinh danh?’

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;