Cô Đoàn Thị Hồng, sinh năm 1983, quê quán tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, đã tham gia biểu tình ôn hòa hôm 10/06/2018 tại Sài Gòn phản đối việc cho thuê đất 99 năm của dự luật đặc khu và phản đối luật An Ninh Mạng.
Hồng cho rằng việc xuống đường là để bày tỏ nỗi lòng của mình và hy vọng những người có lương tri sẽ xem xét lại mọi việc đang diễn ra trên đất nước này.
Ngày 02/09/2018, Hồng bị một nhóm mặc đồ thường phục bắt tại quận 12, trong lúc đang đi chơi lễ quốc khánh cùng với một người bạn gái. Sau khi Hồng bị bắt người nhà đã đi tìm kiếm khắp nơi.
Luật sư bị ngăn cản
Gia đình mời tôi làm luật sư bào chữa cho Đoàn Thị Hồng.
Sau khi gửi thủ tục hồ sơ đăng ký bào chữa theo luật định thì cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh trả lời cho biết Đoàn Thị Hồng đang là bị can trong vụ án ‘Phá rối an ninh’ thuộc tội xâm phạm an ninh quốc gia theo Chương XIII Bộ luật hình sự.
Căn cứ theo quyết định của Viện kiểm sát thành phố HCM thì để giữ bí mật họ sẽ chỉ giải quyết việc luật sư tham gia bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra.
Tôi thấy nội dung trả lời như vậy là bất hợp lý, bởi trong vụ án này những hành vi bị cáo buộc phạm tội của Đoàn Thị Hồng không có gì là bí mật cả.
Tại sao phân biệt nghi can các án ‘chính trị’?
Đồng thời, khi nhận ra việc từ chối như thế này xảy ra với tất cả các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia thì tôi đã soạn một Đơn kiến nghị gửi đến các lãnh đạo nhà nước, đề nghị khắc phục những tồn tại phân biệt đối xử và những thành kiến hẹp hòi trong việc xử lý các vụ án chính trị.
Đơn được gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga.
Trong đơn nêu rằng Luật sư bào chữa là thiết chế tư pháp thuộc về bên gỡ tội, có vai trò bình đẳng với các thiết chế buộc tội khác như Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Có như thế việc xử án mới đảm bảo công bằng.
Vậy nhưng lâu nay luật sư thường xuyên bị từ chối không cho tham gia bào chữa trong quá trình điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.
Điều này có hai nguyên nhân, một nguyên nhân từ sự không đúng đắn của bản thân quy định pháp luật và một nguyên nhân khác là do nhận thức trong quá trình thực thi.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 phản ánh ý chí của nhà nước đều quy định: Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Quy định này đã xác lập sự phân biệt đối xử giữa các tội danh về xâm phạm an ninh quốc gia với các tội danh còn lại của Bộ luật hình sự.
Mặc dù vậy đây không phải là quy định có tính chất ấn định cứng mà trao quyền tùy nghi cho cơ quan Viện kiểm sát áp dụng trong những trường hợp cần giữ bí mật điều tra.
Song thực tế quy định này lại bị các Cơ quan tố tụng vận dụng triệt để, biến nó thành một lối làm việc cứng nhắc, không cho luật sư tham gia bào chữa trong quá trình điều tra các vụ án chính trị.
Đây là sự phân biệt đối xử thành kiến hẹp hòi đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều cán bộ ban ngành, để rồi từ đó bất công đã hiện diện ngay trong luật.
Quá trình thực thi thì như trên đã nói, trong nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi của các bị can thực hiện một cách công khai, như viết bài viết báo, xuống đường biểu tình, nhưng các cơ quan tố tụng vẫn viện lý do cần giữ bí mật để khước từ luật sư bào chữa.
Bị phân biệt đối xử
Những người bị xử lý về các tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng đều là công dân trong một nước, cho nên cần phải đối xử với họ bình đẳng như các bị can trong các vụ án khác.
Có như thế thì pháp luật mới đảm bảo được sự nghiêm chính và mang ý nghĩa công lý.
Ngoài việc bị khước từ có luật sư trong quá trình điều tra, các bị can trong án chính trị cũng bị ngăn cản mất quyền thăm gặp người thân.
Trong khi pháp luật hiện nay quy định một danh mục rất rộng các hành vi bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, và nhiều hành vi thực chất chỉ là bày tỏ quan điểm chính kiến không có bạo lực cũng bị cho là phạm tội.
Nhiều người chỉ vì thực hiện các quyền của công dân theo Hiến pháp như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình nhưng cũng bị quy buộc là tội phạm.
Những điều đó cộng hưởng với nhau tạo ra một số lượng rất lớn các bị can bị đối xử bất công không được luật sư bào chữa.
Về phía cơ quan An ninh thì họ cho rằng làm như thế là thực hiện chuyên chính trấn áp, và họ đang làm tốt công việc bổn phận giữ gìn an ninh trật tự trước Đảng và Nhà nước.
Nhưng bối cảnh hiện nay đòi hỏi ngành an ninh chính trị phải thực hiện nhiệm vụ mà không gây ra những xáo động lương tâm nhận thức trong công chúng.
Mới đây Bộ Chính trị Đảng cộng sản đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế đất nước, trong đó đã có nội dung về giải pháp chủ yếu đối với nguồn nhân lực là giáo dục – đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế.
Theo đó Bộ Chính trị đã nhận ra cần giáo dục nhận thức dân chủ cho đội ngũ cán bộ hiện nay để đem lại lợi ích phát triển cho đất nước, và như vậy bao gồm cả những người làm công tác điều tra trong các vụ án chính trị.
Họ cần phải được nhắc nhở rằng họ đang làm việc với các người chủ công dân, đang thi hành pháp luật với những chuẩn mực tiêu chí giá trị phải đảm bảo tuân theo.
Việc giữ vững an ninh trật tự theo đó cần được thực hiện theo một phương cách không đi ngược lại với lẽ công bằng và công lý.
Từ những lẽ đó đơn kiến nghị các lãnh đạo nhà nước có ý kiến chỉ đạo tới ngành An ninh cần khắc phục những sự phân biệt đối xử bất công, dẹp bỏ những thành kiến hẹp hòi trong các vụ án xâm phạm an ninh chính trị.
Cũng cần thiết phải chấm dứt tình trạng ngăn cản không cho luật sư tham gia bào chữa trong quá trình điều tra, nhất là trong những vụ án mà hành vi của bị can đều được thực hiện công khai và không hề bí mật.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây; Google search ‘Vụ Đoàn Thị Hồng: Nghi phạm chính trị VN bị phân biệt đối xử‘