Nên học hỏi Hàn Quốc giảm, bỏ án tử hình


Một dịp tôi xem được hai bộ phim khác nhau của Trung Quốc và Hàn Quốc tình cờ cùng nhắc đến một chế định pháp luật hình sự là quyền im lặng.

Bộ phim thứ nhất của Hàn Quốc có tiêu đề ‘Trùm, Cớm và Ác quỷ’ được dựng theo câu chuyện có thật về một kẻ giết người hàng loạt ở Hàn Quốc.

Kẻ sát nhân thường ra tay với những người đi xe một mình vào buổi đêm bằng cách gây va chạm ô tô để nạn nhân xuống xe thừa lúc không để ý sẽ ra tay sát hại, cảnh sát dù rất cố gắng nhưng không tìm ra manh mối dấu vết để truy bắt.

Một lần kẻ sát nhân tấn công phải một trùm xã hội đen do diễn viên ngôi sao Ma Dong Seok thủ vai, người này có võ thuật và thể lực mạnh mẽ, đã chống đỡ lại và dù bị thương nặng nhưng đã thoát khỏi cái chết trong gang tấc.


Quyền im lặng

Ông trùm xã hội đen là nạn nhân duy nhất sống sót dưới lưỡi dao của tử thần và có thể nhận dạng kẻ đâm mình, bởi vậy cảnh sát muốn hợp tác để truy bắt nhưng ông trùm do bị làm mất uy thế giang hồ cho nên chỉ muốn truy tìm giết hại trả thù riêng.

Hai bên cuối cùng cũng thống nhất hợp tác, ông trùm xã hội đen nhờ người vẽ lại chân dung theo trí nhớ mô tả của mình, huy động tất cả đám đàn em kết hợp với các toán cảnh sát đi lùng sục ở những khu vực dân cư nơi kẻ sát nhân ẩn náu.

Thêm một vài nạn nhân bị giết lại càng khiến cho áp lực dư luận xã hội lên cao, đến khi ông trùm bắt được kẻ sát nhân muốn giết ngay để thực thi công lý thì người cảnh sát đã có mặt kịp thời ngăn lại.

Trong phim có những đoạn cảnh thường thấy của thể loại phim hành động, những pha rượt đuổi gay cấn, những cảnh đánh đấm đầy thương tích, khi sức lực đã cạn kiệt, kẻ sát nhân đã bị khống chế, người cảnh sát nói trong hơi thở dốc:

Dù là kẻ ác quỷ như mày thì vẫn được quyền mời luật sư, được quyền giữ im lặng, mọi điều mày nói sẽ trở thành bằng chứng trước tòa. Nếu mày không tự mời luật sư thì chúng tao sẽ sử dụng tiền thuế của người dân đóng góp để chỉ định một luật sư cho mày.’

Xem phim tôi hiểu ngay đây là nội dung về quyền im lặng, cho thấy trách nhiệm của cảnh sát khi bắt giữ phải phổ biến quyền cho nghi phạm, phim ảnh có lẽ đã dẫn chiếu phản ánh quy định thực tế của pháp luật hình sự nước này.

Bộ phim đi sâu lột tả những chiều kích xúc cảm nhận thức công lý nơi công chúng, bằng việc tạo ra kịch tính khi viên cảnh sát cố gắng giữ mạng kẻ giết người hàng loạt bị căm ghét khỏi bị giết bởi tay ông trùm xã hội đen.

Một phim khác của Trung Quốc có tiêu đề Chiến Lang (phần 1), đây là thể loại phim tuyên truyền kết hợp với hành động võ thuật, dạng phim ăn khách của Trung Quốc vài năm gần đây.

Đoạn cảnh đầu phim nội dung dẫn nhập cho biết tại một nơi nào đó thuộc vùng Đông Nam Á, một toán cảnh sát vũ trang theo đội hình tiến vào một biệt thự giữa rừng của ông trùm ma túy.

Trong khi những toán cảnh sát với khẩu súng trên tay tiến đến gần ông trùm vẫn điềm nhiên cầm bút lông vẽ thư pháp, trên miệng ngậm một điếu xì gà to.

Khi cánh cửa được mở, một trong những cảnh sát lao đến tra còng vào tay bắt giữ, phổ biến quyền im lặng cho ông trùm rằng ông được quyền giữ im lặng, mọi lời ông nói sẽ trở thành bằng chứng trước tòa, sau đó dẫn giải ra sân.

Ngay lúc ấy từ các ngả trong rừng và thuyền máy dưới sông, những toán lính đánh thuê tấn công với những vũ khí hạng nặng, vỏ đạn văng vương vãi, nòng súng bốc khói, những cảnh sát lần lượt ngã xuống, trong khi ông trùm không hề hấn.

Khi xem đến đấy tôi nhận ra mặc dù nội dung phim có nhắc đến quyền im lặng nhưng không phải là cổ xúy mà có ý chê một nước Đông Nam Á nào đó dù cho nghi phạm được quyền im lặng nhưng năng lực tư pháp lại thất bại trước tội phạm có tổ chức.

Trong khi ở một đoạn cảnh phim tiếp theo có tính chất tuyên truyền, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc đã tấn công tiêu diệt hoàn toàn một cơ sở sản xuất ma túy nằm ở nước này.

Án tử hình

Khi xem hai bộ phim tôi nhận ra một điểm đáng lưu ý là trong khi viên cảnh sát trong phim Hàn Quốc cố gắng giữ mạng kẻ giết người hàng loạt thì trong bộ phim Trung Quốc lực lượng chấp pháp đã không ngần ngại tiêu diệt những người bị cho là tội phạm ma túy.

Phim ảnh theo đó đã phản ánh đúng thực tế bởi Hàn Quốc đã không thi hành án tử hình từ nhiều năm qua, trong khi ở Trung Quốc vẫn có những án tử hình.

Mới đây, báo điện tử vnexpress có bài báo tường thuật về một vụ án hình sự ở Trung Quốc có tiêu đề ‘Vô tình đánh lạc hướng điều tra do quên túi tiền ở hiện trường’.

Vụ án xảy ra từ năm 2005 khi hai người ở một tiệm tạp hóa bị sát hại nhưng cảnh sát không bắt được thủ phạm, hai dấu vân tay ở hiện trường là cơ sở duy nhất hy vọng bắt được thủ phạm.

Mãi đến năm 2017 qua sự phát triển của cơ sở dữ liệu điện tử cảnh sát mới có được manh mối, qua sàng lọc so sánh những mẫu dấu vân tay, một nhóm 3 nghi phạm bị bắt giữ, sau đó bị xác định là có tội với mức án tử hình.

Khi xem hai bộ phim của Trung Quốc và Hàn Quốc tôi nhận ra đó đều có thể là những phương hướng mà nền tư pháp Việt Nam có thể phát triển tới.

Bởi đó là hai nước mà Việt Nam có mối quan hệ hợp tác toàn diện rất chặt chẽ, đó cũng là hai nước có nền kinh tế phát triển mà VN có thể xem là hình mẫu hướng tới.

Mặc dù hai phim đều cho thấy năng lực cao của lực lượng chấp pháp hai nước trong việc bắt giữ tội phạm nhưng tôi nghĩ VN nên học hỏi phát triển theo hướng Hàn Quốc đề cao bảo hộ quyền sống của con người.

Tìm hiểu thì được biết Hàn Quốc đã lên lộ trình bãi bỏ án tử hình từ nhiều năm qua, lần thi hành án tử hình gần nhất của Hàn Quốc là vào năm 1997, năm 1998 Hàn Quốc đã ban hành một sắc lệnh hoãn thi hành án tử hình.

Từ đó đến nay đã 25 năm, dù đôi khi cũng xảy ra những vụ giết người gây phẫn nộ dư luận nhưng Hàn Quốc vẫn không thi hành bản án tử hình nào, tính tới năm 2020 Hàn Quốc có 60 người bị tuyên án tử hình nhưng không thi hành.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Việt Nam nên học hỏi Hàn Quốc giảm, bỏ án tử hình?’

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;