Nên bỏ thu hồi đất để xây trụ sở cơ quan nhà nước ở địa phương

Với hai mục tiêu mà về bản chất là mâu thuẫn với nhau như nêu trên thì điều hợp lý sẽ dẫn đến là phải thu hẹp danh mục dự án nhà nước đứng ra thu hồi đất.

Theo đó sẽ vẫn còn những dự án nhà nước thu hồi đất vì những giá trị lợi ích cộng đồng, nhưng các dự án mà tính công ích chỉ ở phạm vi hẹp thì cần bỏ đi, thay vào đó chủ đầu tư sẽ phải thỏa thuận mua lại quyền sử dụng đất của người dân, để từ đó giảm thiếu số dự án có nguy cơ phát sinh khiếu kiện.

Cũng nên biết rằng xu hướng thu hẹp loại dự án nhà nước đứng ra thu hồi đất đã được thực hiện từ khi ban hành Luật đất đai năm 2013 thay thế cho Luật đất đai năm 2003.

Danh mục các dự án nhà nước thu hồi đất ban đầu được quy định rải rác tại Luật đất đai năm 2003 và tại các nghị định hướng dẫn thi hành như Nghị định 181/2004, Nghị định 84/2007.

Trong đó, theo nghị định 84/2007 thì nhà nước thu hồi đất cho cả các dự án lợi ích cục bộ như dự án trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí ngoài trời.

Các loại dự án đó đến Luật đất đai năm 2013 đã được lược bỏ đi, quy định về thu hồi đất được ấn định giới hạn lại đầu danh mục khá rõ trong luật thay vì để ở nghị định.

Theo đó các danh mục dự án mà nhà nước đứng ra thu hồi đất tập trung vào các dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc quyết định đầu tư, và dự án ở địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận được quy định tại các điều từ 61, 62, 63 Luật đất đai 2013.

Xu hướng giới hạn thu hẹp danh mục loại dự án thu hồi đất đã có từ khi ban hành Luật đất đai 2013 thay thế cho Luật đất đai năm 2003, tới nay giả sử như có Luật đất đai năm 2023 thì khả năng là vẫn theo xu hướng này.

Và đặc biệt hơn là có thêm yếu tố về quản trị quốc gia được coi trọng như đã nêu thì điều cần thiết là sẽ tiếp tục giới hạn lại danh mục dự án nhà nước thu hồi đất.

Khả năng hợp lý là sẽ lược bỏ thu hẹp danh mục dự án được chấp thuận bởi cấp địa phương.

Cụ thể theo khoản 3 Điều 62 Luật đất đai năm 2013 thì các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận sẽ quyết định việc nhà nước thu hồi đất, gồm các dự án dưới đây.

“Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:

Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương

Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải

Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng

Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng

Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.”

Nên bỏ mục nào?

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ mục thu hồi đất để làm dự án xây dựng khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, với lý do đây là khe hở của luật để quan chức và chủ dự án đền bù rẻ mạt cho người sử dụng đất để kinh doanh phân lô bán nền thu lợi lớn. Đối với dự án này nhà nước không thu hồi đất mà chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận với dân.

Để rõ hơn thì tôi cho rằng cần có một nghiên cứu tổng hợp thống kê về các dự án loại này trên cả nước do các tỉnh thành triển khai những năm qua, đánh giá xem tính hiệu quả hữu ích đến đâu, tỷ lệ lấp đầy dân cư ra sao và những tồn tại bất cập xảy ra như thế nào, để từ đó có cơ sở quyết định nên giữ hay nên bỏ.

Trong các danh mục nêu trên thì dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước được nêu đầu tiên, cách quy định của điều luật cho thấy như nhà làm luật coi đây là loại dự án có tính quan trọng trước nhất, và nhận thức ngoài xã hội thì xem ra cũng chưa thấy ai đặt vấn đề về tính hợp lý xác đáng của loại dự án này.

Tôi thấy trong thực tế, với những sự tập trung đầu tư xây dựng bộ máy chính quyền từ trước đến nay, không một cơ quan nhà nước địa phương nào mà hiện tại không có trụ sở, đó có thể nói là trụ sở Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp huyện, xã trên cả nước.

Vậy thì không có lý do gì mà phải giữ quy định thu hồi đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước ở cấp địa phương nữa. Thực tế nếu có nhu cầu về mặt bằng không gian làm việc do tăng lên về nhân sự hay hợp nhất các phòng ban, thì với những tiến bộ về kỹ thuật xây dựng kiến trúc hiện nay, một diện tích đất có thể xây lên tòa nhà nhiều tầng đủ đảm bảo không gian cho nhiều người làm việc.

Cho nên quy định về thu hồi đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước cấp địa phương tưởng là chính đáng nhưng thật ra là không còn hợp lý. Ngược lại nếu bỏ đi thì điều này sẽ mang đến giá trị hữu ích rất lớn.

Đó là gửi đi thông điệp quan niệm của nhà nước về tôn trọng củng cố quyền sở hữu sử dụng tài sản của công dân, cái rất cần phải có trong tinh thần của luật đất đai hiện nay.

Các chủ dự án cũng sẽ nhìn vào đó để thấy rằng ngay cả trụ sở cơ quan nhà nước mà còn phải đi mua quyền sử dụng đất thì doanh nghiệp sẽ không còn có thể ỷ lại vào nhà nước thu hồi đất để làm dự án được nữa.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;