Năng lực của ngành tư pháp nhìn từ vụ Đỗ Đăng Dư

Hơn một năm trước, vào tháng 10/2015 xảy ra vụ việc thiếu niên Đỗ Đăng Dư 17 tuổi bị đánh tử vong khi đang bị giam giữ tại trại tạm giam số 3 Công an thành phố Hà Nội. Vụ án từ ban đầu đã được báo chí phản ánh rộng rãi và dư luận quan tâm vì tính chất nghiêm trọng về một người bị chết trong trại giam của công an.

Bà Đỗ Thị Mai đau lòng tại bệnh viện khi biết con chết
Bà Đỗ Thị Mai đau lòng tại bệnh viện khi biết con chết

Quá trình giải quyết vụ án sau đó xảy ra thêm sự việc hai luật sư tham gia bảo vệ cho gia đình bị hại là Trần Thu Nam và Lê Văn Luân đã bị tấn công khi về thăm và làm việc tại nhà bị hại ở xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Điều này càng gây ra thêm những bức xúc của dư luận về những sai phạm khuất tất mờ ám trong việc giải quyết vụ án chết người.

Gần một năm sau ngày xảy ra vụ việc, vào tháng 9/2016 Tòa án Hà Nội mới đưa ra xét xử sơ thẩm, và tới nay một năm rưỡi sau ngày xảy ra vụ án giờ mới chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Vụ án bị giải quyết dây dưa kéo dài nhằm để lâu cứt trâu hóa bùn vấn đề trách nhiệm. Ngoài ra còn tồn tại nhiều vấn đề sai phạm trong việc vận dụng pháp luật giải quyết vụ án này.

Về tội danh

Theo kết luận điều tra Đỗ Đăng Dư đã bị Vũ Văn Bình dùng gót chân nện vào đầu ba cái trong khi Dư đang ngồi, khiến dẫn đến tử vong. Các cơ quan tư pháp Hà Nội đã xác định kết luận Bình phạm tội cố ý gây thương tích.

Tại phiên tòa sơ thẩm khi luật sư hỏi, bị cáo đã khai ra có thời gian 6 tháng học võ Muay Thái, môn võ có những thế đánh tàn bạo, tình tiết này trước đó đã không có trong hồ sơ vụ án.

Chúng tôi cho rằng việc Bình dùng gót chân nện vào đầu Dư khi đang ngồi là cách đánh có tính hạ thủ tước đoạt tính mạng và có sự khác biệt với những kiểu đấm đá thông thường, và do vậy hành vi phải bị xử lý về tội giết người mới đúng chứ không phải tội cố ý gây thương tích.

Việc xác định sai tội danh làm giảm đi tính chất nghiêm trọng của sự việc, gián tiếp giảm tránh trách nhiệm cho cơ quan cán bộ tư pháp liên quan.

Điều này phản ánh đúng một tệ trạng tồn tại lâu nay là sự xem thường tính mạng sức khỏe của người bị giam giữ. Những người bị giam giữ đã bị sống trong một môi trường kém an toàn, vì họ đã không được bảo vệ bởi một cơ chế xử lý mau chóng thật nghiêm những hành vi xâm hại.

Về tình tiết giảm nhẹ

Tại phiên xét xử sơ thẩm, khi bắt đầu phiên tòa, phía bị cáo xuất trình một phiếu thu đã nộp 10 triệu đồng tại cơ quan thi hành án bồi thường cho gia đình bị hại. Thẩm phán căn cứ vào đó và áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ là đã tự nguyện bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả.

Các luật sư tham gia bào chữa làm việc với gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư
Các luật sư tham gia bào chữa làm việc với gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư

Thời điểm ban đầu xảy ra vụ án, khi phía bị hại còn bối rối chưa biết ai đánh chết Dư thì luật sư và gia đình bị cáo đã tìm đến và muốn bồi thường. Chúng tôi đã tư vấn cho gia đình Dư là hãy đợi đến khi có kết luận điều tra đã, để làm rõ xem Dư chết thế nào, có đúng là do Bình, do một mình Vũ Văn Bình gây ra không rồi hãy yêu cầu bồi thường.

Đến khi có Kết luận điều tra xác định Bình là thủ phạm thì tôi đã gọi điện cho luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị hai bên gặp gỡ giải quyết bồi thường, hai lần đề nghị nhưng phía kia không hồi đáp.

Từ khi có kết luận điều tra đến khi mở phiên xử là 10 tháng nhưng phía bị cáo không liên hệ gặp gỡ để bồi thường, đến khi ra tòa thì trình ra một giấy nộp tiền vào cơ quan thi hành án để được xin tình tiết giảm nhẹ và tòa án đã chấp nhận.

Việc làm của phía bị cáo rõ ràng có tính chất đối phó và thách thức, kiểu như “mày không chịu thì tao vẫn có cách” và không hề có thái độ hối lỗi. Mười triệu đồng để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trong vụ án chết người, cùng với cái cách thức như vậy thì liệu có phải tòa án Hà Nội đã dễ dãi không?

Về trách nhiệm của quản giáo

Hai hôm sau ngày xảy ra sự việc Vũ văn Bình và hai người giam giữ chung phòng đã được yêu cầu viết bản tường trình. Ba đối tượng đều tường trình khai nhận cho biết Bình được cán bộ quản giáo phân công làm trưởng buồng có trách nhiệm quán xuyến anh em. Những lời tường trình ban đầu này có thể đánh giá là tự nguyện và chưa bị tác động xúi bẩy đã phần nào cho thấy sự thật.

Đó là Bình đã được thầy quản giáo phân làm trưởng buồng, Bình khai ra như một lý lẽ bao biện cho hành vi đánh Dư vì Dư rửa bát bẩn. Chính cái tâm thế trưởng buồng đó, cho rằng mình chịu trách nhiệm quán xuyến nhắc nhở anh em nên Bình đã tự cho mình cái quyền hạch sách đánh người.

Cho nên trong vụ án này cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản giáo trong quá trình thực hiện nghiệp vụ, vì phân công trưởng buồng là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động giam giữ. Ngoài ra quản giáo còn có lỗi trong việc không nắm bắt xử lý tốt việc giam giữ nên đã để xảy ra đánh chết người.

Tuy vậy vấn đề trách nhiệm giam giữ lại được cơ quan điều tra giải quyết vụ án tách thành một vụ việc khác, và tới nay không thấy có bất cứ cơ quan cán bộ tư pháp nào bị xử lý trách nhiệm.

Về bắt giam giữ trẻ vị thành niên

Trong vụ án này nạn nhân và thủ phạm đều là người chưa thành niên, cho nên đặt ra vấn đề cần kiểm tra lại việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn để phòng tránh những sự việc về sau.

Theo khoa học thì người chưa thành niên nhận thức và sinh lý chưa hoàn thiện cho nên cần tránh để chúng ở vào môi trường trạng thái có thể tự làm hại mình hoặc gây hại cho người khác. Xuất phát từ đó pháp luật quy định không được bắt giam giữ trẻ vị thành niên nếu phạm tội ít nghiêm trọng.

Trong khi đó Đỗ Đăng Dư bị bắt quả tang trộm cắp số tiền 02 triệu đồng thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng đã bị bắt giam giữ. Như vậy là cơ quan tư pháp đã không thực hiện theo đúng tinh thần nhân đạo của pháp luật là không bắt giam giữ người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng.

Vụ án này là một dẫn chứng bộc lộ cho thấy một thực trạng xấu trong nền tư pháp là lối điều tra lạm dụng bắt ngăn chặn xảy ra trong nhiều vụ án và trên phạm vi cả nước.

Tóm lại

Việc giải quyết vụ án này đã không được khách quan toàn diện và đầy đủ, vì để ngỏ nhiều vấn đề không được làm rõ như trách nhiệm của quản giáo, đúng sai trong việc bắt giam giữ Đỗ Đăng Dư trong vụ trộm cắp. Vụ án cũng bị dây dưa kéo dài nhằm giảm tránh trách nhiệm bao che cho sai phạm.

Tất cả những vấn đề như xác định sai tội danh, dễ dãi áp dụng tình tiết giảm nhẹ, đều đã nhất quán cho thấy sự xem nhẹ quyền lợi người dân và không có công lý trong vụ án này.

Các luật sư chúng tôi theo đuổi công lý trong vụ án này không chỉ nhằm bảo vệ cho bị hại, mà còn nhằm thúc đẩy kiến tạo môi trường pháp lý an toàn cho người dân trong các vụ việc về sau.

Google search: ‘Năng lực của ngành tư pháp nhìn từ vụ Đỗ Đăng Dư’