Một điểm bất cập lạc hậu trong điều tra hình sự hiện nay

Không rõ từ khi nào trong lịch sử tố tụng hình sự xuất hiện câu nói “trọng chứng hơn trọng cung”, có ý nghĩa như một sự nhắc nhở trong việc đánh giá xét xử tội phạm cần coi trọng chứng cứ hơn những lời cung khai.

Mặc dù vậy thực tế hiện nay câu nói này cũng ít thấy được nhắc đến, phải chăng vì nó không còn quan trọng do không còn phù hợp với môi trường pháp lý và quan điểm xét xử hiện nay?

Trong bối cảnh giai đoạn hiện nay, khi mà vấn đề án oan sai đang nổi cộm cần đòi hỏi tìm ra nguyên nhân giải pháp khắc phục, thì xem ra câu nói lại cung cấp một ‘mã khóa’ quan trọng.

IMG_0751

Tìm hiểu kỹ thì thấy, câu nói quan trọng ở chỗ đó là ở thời điểm hình thành câu nói thì trong nhận thức người ta đã phân biệt sự khác nhau giữa chứng cứ và lời khai.

Chứng cứ và lời khai cùng được sử dụng trong việc tìm kiếm sự thật vụ án, nhưng chứng cứ lại được đánh giá quan trọng hơn lời khai, và chính sự so sánh quan trọng hơn cho thấy tồn tại sự phân biệt khác nhau.

Vì nếu đánh đồng giống nhau thì đã không phân biệt, ví như không có sự phân biệt giữa nhân chứng và vật chứng, nhưng lại phân biệt giữa chứng cứ và lời khai, như vậy đã xác lập sự khác nhau giữa chứng cứ và lời khai.

Vậy sự phân biệt khác nhau có ý nghĩa gì và tại sao câu nói “trọng chứng hơn trọng cung” lại quan trọng ở giai đoạn hiện nay?

Là vì theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại thì thay vì phân biệt khác nhau, nhà làm luật đã đánh đồng trộn lẫn chứng cứ với lời khai khi quy định lời khai cũng chính là chứng cứ.

Cụ thể Điều 64 Bộ luật hình sự quy định: Điều 64. Chứng cứ: 1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Chứng cứ được xác định bằng: A) Vật chứng; B) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; C) Kết luận giám định; D) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Theo quy định trên thì lời khai cũng được xác định là chứng cứ và được xem xét đánh giá ngang hàng với vật chứng, trong khi rất lạ là điều luật về chứng cứ lại không nhắc đến ‘nhân chứng’ như một phần tương ứng với ‘vật chứng’.

Thay vì nêu ra ‘nhân chứng’ điều luật lại quy định về ‘lời khai của người làm chứng’ trong khi đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Một đằng là ‘nhân chứng’ nói về chủ thể con người, còn đằng kia ‘lời khai’ là nói về một dạng thức biểu đạt của chủ thể trong môi trường hồ sơ pháp lý.

Tại sao nhà làm luật lại lẫn lộn giữa chủ thể và một dạng thức biểu đạt của nó?

Sự nhầm lẫn xem ra không phải là vô ý mà có mục đích, vì khi quy định như vậy và bằng cách tương tự nhà làm luật đã có thể đánh đồng trộn lẫn lời khai của người làm chứng và lời khai của bị can bị cáo để cùng được coi là chứng cứ.

Mục đích là nhằm sử dụng được cái có sẵn trong các vụ án đó là lời khai của bị can bị cáo.

Trong khi bị can vì đã là nghi phạm rồi thì không thể coi là nhân chứng được nữa (một chủ thể không ở hai tư cách), song khi tách bị can ra khỏi dạng thức biểu đạt là lời khai thì lại có thể sử dụng lời khai để kết tội.

Bằng cách đó nhà làm luật đã xác lập bổ sung thêm một loại chứng cứ mới là lời khai ngoài cái nguyên gốc chỉ bao gồm nhân chứng và vật chứng.

Điều này trái ngược với các nguyên lý khoa học tư pháp, làm giảm sút sự chính xác trong việc phán đoán, từ đó dẫn đến nhầm lẫn oan sai.

Và khi pháp luật quy định như vậy cho nên các cán bộ tư pháp vẫn hàng ngày vận dụng điều luật mà không thấy nó có vấn đề và vẫn xem là bình thường, theo kiểu làm sai mà không tự biết.

Lối làm án như vậy dẫn đến người ta lạm dụng việc lấy cung, coi đó là hoạt động điều tra trọng tâm chủ yếu để tạo lập bằng chứng kết tội phá án, mà từ đó dẫn đến bức cung nhục hình.

Lối làm án như vậy sẽ không còn chỗ đứng và khó thể tồn tại trong môi trường pháp lý mới khi bị can được quyền im lặng và ghi âm ghi hình khi hỏi cung.

Song hiện tại chưa thấy các ngành điều tra tư pháp đưa ra huấn thị chỉ đạo hay hướng dẫn nào cho những nghiệp vụ điều tra trong môi trường tư pháp mới.

Trên đây là chỉ là một trong nhiều điểm bất cập sai lệch tồn tại trong hoạt động điều tra hình sự hiện nay.