Lời cảnh tỉnh từ cái chết của một kẻ… trộm chó

Những kẻ gây ra cái chết đối với H. cũng phải trả giá cho hành vi côn đồ, thiếu hiểu biết của mình… Vụ án được ông Thân Quốc Hùng (Chánh văn phòng – Thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang) dẫn chứng như một ví dụ điển hình bên cạnh những chia sẻ đầy tâm huyết của mình suốt quá trình công tác trong ngành tòa án với cảnh tỉnh: “Mọi nguyên nhân đều có thể sẽ là khởi đầu cho một kết cục thê thảm nếu hành xử sai lầm”.

Day dứt nhiều khi phải tuyên án t

Chúng tôi tranh thủ chút thời gian cuối giờ làm việc buổi sáng để được gặp, làm việc và trò chuyện với Thẩm phán Thân Quốc Hùng (TAND tỉnh Bắc Giang). Nhìn ông có vẻ khá mệt mỏi, căng thẳng khi vừa bước ra khỏi phòng xử án. Nở một nụ cười như để giấu đi những khó khăn, vất vả của mình, ông nhanh chóng thoát ra khỏi những áp lực của công việc, rót nước, tiếp chuyện chúng tôi.

Ông cho biết: Tỉnh Bắc Giang trong những năm gần đây quả thực không chỉ phức tạp về những vụ án ma túy mà còn xảy ra nhiều vụ án hình sự vô cùng nghiêm trọng khiến các cơ quan chức năng, cơ quan hành pháp hết sức đau đầu.

Là một thẩm phán, ông đã không ngừng phấn đấu học tập tu dưỡng rèn luyện trau dồi kiến thức, sẵn sàng nhận, giải quyết bất kỳ một vụ án nào thuộc thẩm quyền trách nhiệm của mình, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.

Thẩm phán Thân Quốc Hùng chia sẻ với PV.

Khi mới chuyển công tác về TAND tỉnh Bắc Giang, thẩm phán Thân Quốc Hùng không thể nào quên phiên tòa đầu tiên mình quyết định án tử đối với một bị cáo – quyết định kết thúc cuộc sống của một con người.

Đó là bị cáo Hàn Đức Long, phạm hai tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em. Lần đầu tiên cầm hồ sơ vụ án, tôi thấy hành vi của bị cáo quá dã man. Hiếp dâm một trẻ em 9 tuổi rồi siết cổ cho đến chết. Trong trường hợp này chỉ cần xác định đúng tội là bị cáo phải nhận án tử hình. Vậy mà khi quyết định án tử, tôi vẫn phải cân nhắc thật kỹ, đọc đi đọc lại hồ sơ.

Đầu tiên phải xác định bị cáo có tội hay không. Khi đã xác định có tội rồi mới xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm nhẹ tội cho bị cáo. Lúc đầu tôi cũng phân vân, day dứt nhiều lắm. Không ai muốn tước đi mạng sống của người khác, nhưng mình là người thực thi pháp luật nên phải phán quyết theo luật pháp…

Ông khẳng định: “Có lẽ không vị chánh án, thẩm phán nào vui vẻ gì khi được quyền tước đoạt đi sự sống của người khác.  Mỗi vụ có án tử hình, sau thời gian nghị án, bước ra ngoài nhìn qua chỗ bị cáo đang ngồi chờ, thấy họ đang gồng mình, căng cứng cả người như để chống chọi với nỗi sợ hãi về cái chết treo lơ lửng trên đầu khiến người xét xử cũng cảm thấy xót lòng.

Thế nhưng công lý vẫn phải được thực thi. Những tội ác giết người man rợ, mất hết nhân tính thì chỉ có bản án tử hình mới tương xứng với bị cáo. Khi tuyên án, chúng tôi phải đặt mình vào vai trò của người được Nhà nước trao quyền thực thi công lý.

Bản án tử hình hay hình phạt nào khác dành cho người phạm tội không phải là ý chí chủ quan của cá nhân thẩm phán nào mà đó là phán quyết của cả một hội đồng, sau khi đã xem xét kỹ lưỡng tất cả tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người phạm tội. Không ai có quyền kết tội bị cáo trừ pháp luật của Nhà nước.

Vì thế, những thẩm phán như chúng tôi phải xác định mình chỉ là người được giao thi hành quyền lực, dù có tuyên bản án cao nhất đối với người phạm tội cũng là thể hiện ý chí của Nhà nước, không phải cá nhân chúng tôi muốn người đó phải chết…

Hay như trong những vụ án về ma túy, không thể nào cứ một vụ ma túy có sáu người, mỗi người mang 600g ma túy đều tử hình cả sáu được. Khi đó hội đồng xét xử phải phân hóa vai trò của từng bị cáo, áp dụng đường lối xét xử khoan hồng cho các bị cáo đồng thời giáo dục pháp luật, răn đe những kẻ khác. Bên cạnh đó cũng có nhiều các vụ án gây chết người vô cùng đáng tiếc từ những hành vi vặt vãnh như trường hợp của cẩu tặc Đào Quang H…”.

Các bị cáo gây ra cái chết của cẩu tặc H.

Hai con chó… một án mạng

Theo đó, do quen biết với nhau từ trước vì cùng cảnh làm nghề xe ôm với nhau nên khoảng 18h ngày 27/3/2012 Đào Quang H. đi xe máy đến khu vực ngã ba giao nhau giữa đường Hùng Vương (TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) gặp Đỗ Đức T. (SN 1988, đường Hồ Công Dự, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đang đứng chờ khách.

Khi gặp T., sau khi nói mấy câu chuyện vặt, H. có hỏi thăm về tình hình công việc hôm nay có thu nhập được không. Cả hai đều tỏ ra ngán ngẩm về một ngày làm việc không hiệu quả, không có khách nên đói. Lúc này, H. nảy sinh ý nghĩ rủ T. cùng đi bắt trộm chó, bán lấy tiền ăn tiêu.

Bản thân H. cũng là một tay trộm vặt và cũng đã từng hành nghề trộm chó nên có kinh nghiệm và đã sắm cho mình đầy đủ dụng cụ. T. nhanh chóng đồng ý và đi  xe máy của mình về nhà cất rồi cùng đi xe máy với H. theo Quốc lộ 1A lên huyện Lạng Giang.

Đến nhà mình, H. đỗ xe ở cổng, bảo T. đứng đợi để mình vào nhà lấy đồ chuyên trộm chó. Một lúc sau H. đem ra bộ dụng cụ gồm: Bao tải dứa, 2 băng dính, 2 quả pháo nổ, dao phớ, thòng lọng câu chó trên thân có gắn dây điện được đấu trực tiếp vào bình ắc quy của xe máy. H. đưa thòng lọng cho T. ngồi sau xe máy thực hiện hành vi bắt chó.

Cả hai chở nhau lượn lên phố Vôi (thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang) sau đó đi vào khu vực xã Tân Thanh để tìm chó thả rông. Khoảng 19h30 phát hiện thấy con mồi đang lang thang trên đường, H. điều khiển xe đi chậm và áp sát để T. ngồi sau dùng thòng lọng kích điện bắt chó.

Bọn H. dễ dàng thành công, “bốc hàng” lên xe tiếp tục cuộc đi săn trộm chó với tham vọng càng nhiều càng tốt, bõ công cùng một chuyến đi. Đi được khoảng 50m, H. lại tiếp tục thấy một con chó rồi áp sát xe để T. thực hiện hành vi. Không may cho bọn H. khi vừa kịp bắt được con chó thứ hai thì bị người dân phát hiện hô hoán mọi người cùng đuổi bắt…

Quá sợ hãi nên H. quay xe chở T. chạy về hướng thị trấn Vôi thì bị va chạm với xe máy đi ngược chiều nên bị ngã. T. tưởng người va xe với mình là người dân đang đuổi bắt nên đã nhanh chóng rút dao phớ ra đuổi chém.

Ngay lúc đó, nhiều người dân trong thôn chạy ra, đuổi kịp nên H. và T. sợ bị đánh nên bỏ lại toàn bộ xe, đồ nghề, chiến lợi phẩm để chạy thoát thân. T. có phần may mắn hơn khi cởi bỏ toàn bộ quần áo ngoài, mũ và các dụng cụ đem theo rồi đi bộ về nhà (TP. Bắc Giang).

H. do hốt hoảng nên chỉ kịp chạy bộ vào khu vườn nhà dân gần đó ẩn nấp nhưng đã bị phát hiện và đuổi bắt. Trong nhóm người đuổi bắt H. có  Nguyễn Văn Khôi (SN 1978), Bùi Xuân Đào (SN 1980), Bùi Văn Huy (SN 1977), Lê Văn Khang (SN 1979) và Nguyễn Văn Lừng (SN 1981) cùng trú tại xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã dùng gậy gỗ, tuýp sắt, chân tay đánh H. liên tục không thương tiếc cho đến khi bất tỉnh dù H. đã vô cùng sợ hãi và van xin.

Sau đó H. bị Khôi và Đào cầm chân lôi ra vứt nằm cạnh bờ ruộng. Chưa dừng ở đó, cả nhóm Khôi còn tiếp tục thay nhau đánh H. cho hả cơn giận và chỉ dừng lại khi cháu ruột của H. phát hiện, ngăn cản, đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Lạng Giang. Tuy nhiên, với những cú đòn hiểm lên khắp cơ thể, H. đã bị tử vong ngay sau đó.

Chỉ vì hành vi trộm cắp vụn vặt của mình, H. đã hứng chịu những trận đòn trong sự căm phẫn, bức xúc của đám đông mà phải bỏ mạng, để lại vợ con, bố mẹ già không người chăm sóc. Đối với các bị cáo, trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 21/1/2013 của TAND tỉnh Bắc Giang cũng đã phải nhận những bản án khác nhau: Khôi 3 năm tù, Đào 2 năm 9 tháng tù, Huy và Khang 2 năm 4 tháng tù, Lừng 2 năm 2 tháng tù. Buộc các bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền 160 triệu đồng.

Chia sẻ thêm xung quanh vụ án, ông Hùng tỏ rõ sự cảm thông với hoàn cảnh của gia đình nạn nhân. Ông cũng lên án hành vi côn đồ, thiếu hiểu biết của các bị cáo, chỉ vì sự bực tức nhất thời mà đã phạm tội tước đi mạng sống của người khác – cho dù đó là một tên trộm vặt.   

Trần Hải – Lương Liễu

 

Theo Nguoiduatin.vn