Vị thế vai trò của luật sư trong sự đời sống chính trị kinh tế xã hội còn thấp. Ngoại trừ mảng luật sư thương mại đầu tư được hưởng lợi từ những cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nhà nước từ hàng chục năm qua, với các chính sách cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục đầu tư doanh nghiệp khiến cho hành lang pháp lý tương đối rõ ràng thuận lợi.
Doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của chính phủ cho nên luật sư làm trong lĩnh vực đó cũng bớt khó khăn.
Còn lại mảng tố tụng hình sự, hành chính, dân sự vai trò tác dụng của luật sư còn rất yếu kém. Lý do là các thủ tục tư pháp rất chậm được cải cách sửa đổi so với các thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục tư pháp nhiêu khê gây khó khăn cho người liên quan nhưng không được quan tâm tháo gỡ giải quyết.
Môi trường tư pháp bị bỏ rơi nên tệ đến nỗi nhiều trường hợp cán bộ tư pháp vi phạm pháp luật rõ ràng mà luật sư không làm gì được, ví như vi phạm quy định về thời hạn cấp giấy bào chữa, vi phạm quyền được sao chụp hồ sơ, vi phạm quyền được gặp bị can, vi phạm quy định thời hạn đưa vụ án ra xét xử, vi phạm quyền tham dự phiên tòa công khai…
Hiện nay đảng và nhà nước đang có chủ trương cải cách tư pháp nhằm sắp xếp, căn chỉnh lại việc thực hiện các quyền tư pháp, và xác lập lên những quy trình thủ tục tư pháp mới, hòng giúp cho nền tư pháp đảm bảo được công lý và giúp nền tư pháp đảm đương được vai trò trong quản trị quốc gia.
Giới luật sư hơn ai hết phải gắn bó mật thiết và thúc đẩy cho các chương trình chính sách cải cách tư pháp, song xem ra Liên đoàn luật sư còn bàng quan và chưa nhìn ra những lợi điểm thuận lợi giúp cải thiện môi trường hành nghề cho giới mình.
Liên đoàn lập ra nhiều ban bệ phòng ban chuyên môn nhưng không có ban bệ nào về cải cách tư pháp. Hình như Liên đoàn cũng có một vài luật sư nào đấy thường hay tham gia góp ý cho các chính sách tư pháp của nhà nước, nhưng nhiêu đó là không đủ và không cho thấy Liên đoàn ý thức được tính chất quan trọng của cải cách tư pháp với việc cải thiện môi trường hành nghề luật sư còn nhiều khó khăn.
Liên đoàn luật sư cần chủ động đưa ra các chương trình nghị sự thay vì thụ động góp ý kiến cho các chính sách khi được hỏi.
Liên đoàn luật sư cần tích cực hơn tham gia và thúc đẩy cho cải cách tư pháp bằng nhiều hoạt động, ví như đưa ra các đề xuất sáng kiến cho cải cách tư pháp, tổng hợp trí tuệ tập thể của giới luật sư, đề xuất nội dung phương hướng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Ủy ban tư pháp của quốc hội, các ban ngành tư pháp trung ương…
Đối với những quy định pháp luật tiến bộ đã có như quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung, hay luật sư được gặp riêng và gặp sớm bị can đang giam giữ… thì cần làm công tác tuyên truyền phổ biến liên tục rộng rãi cho giới luật sư và cả cộng đồng, để mọi người cùng hiểu rõ và biết cách thực hiện, tránh bị làm méo mó đi.
Vì như trên đã nói, ngay cả các quy định pháp luật rõ ràng mà còn bị các cán bộ tư pháp vi phạm, thì thử hỏi những quy định mới mà việc thực hiện còn mù mờ chưa rõ thế nào thì liệu nếu không thúc đẩy thì việc thực hiện sẽ dễ hay khó cho giới luật sư?
Đối với những bất cập tư pháp còn chưa có quy định pháp luật tháo gỡ, thì cần đặt ra mổ xẻ, hội thảo, rồi đề xuất ý kiến tới các cơ quan làm luật và các ban ngành tư pháp để giảm thiểu tác hại bất cập, và đặt lộ trình cho việc sửa đổi.
Quan sát lâu nay thì thấy từ khi luật hình sự bị hoãn, Liên đoàn luật sư dường như cũng bàng quan không quan tâm lắm đến vấn đề cải cách tư pháp cũng như thúc đẩy cải thiện môi trường hành nghề luật sư.
Bởi vì muốn làm những việc trên cũng không dễ dàng gì vì nó đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm với tổ chức và tâm huyết với nghề nghiệp mới làm được.
Ý kiến đã đăng trên facebook tại Đây: https://www.facebook.com/ngongoctrai.ngo/posts/827570430716754