Kiến nghị về chế định bắt giam giữ trong tố tụng hình sự

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 Hà Nội, ngày 25 tháng 2 năm 2015 

ĐƠN KIẾN NGHỊ

(Góp ý sửi đổi quy định về quyền bắt giam giữ của Bộ luật tố tụng hình sự. Chuyển quyền bắt giam giữ từ cơ quan điều tra sang tòa án)

 

Kính gửi:

 

– CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG

– VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO NGUYỄN HÒA BÌNH

– CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TRƯƠNG HÒA BÌNH

             

I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ

Tôi là: Ngô Ngọc Trai

Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, hiện là giám đốc công ty luật TNHH công chính, địa chỉ tại số 62 phố Yên Lãng, phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội.

II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ

Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013 tại Điều 28 quy định: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Điều 93 quy định: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ

Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định cho phép cơ quan công an điều tra sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm thì được quyền ra lệnh bắt khẩn cấp. Sau khi bắt cơ quan điều tra phải báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn, Viện kiểm sát phải trả lời có đồng ý với việc bắt hay không, nếu không đồng ý thì cơ quan bắt người phải trả tự do ngay cho người bị bắt.

Việc bắt giam giữ người là một biện pháp ngăn chặn mục đích nhằm ngăn ngừa nghi can bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc tiêu hủy chứng cứ. Nhưng thực tế lâu nay việc bắt giam giữ người đã vượt quá mục đích ý nghĩa đơn thuần chỉ là một biện pháp ngăn chặn.

Theo tinh thần của luật thì nghi can mặc dù bị bắt nhưng vẫn chưa bị coi là tội phạm. Luật đã quy định rằng không ai bị coi là tội phạm và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy mặc dù bị bắt và bị hạn chế quyền tự do đi lại, nhưng các quyền tự do dân sinh khác của người bị bắt vẫn còn, ví như quyền được đọc sách báo, xem ti vi, thăm gặp người thân, ăn uống đủ dinh dưỡng, không bị đánh đập bởi người khác…

Vậy sau khi bị bắt, người bị bắt có được đảm bảo các điều kiện đời sống dân sinh bình thường hay không?

Nhưng thực tế lâu nay có một vấn đề rất nghiêm trọng đó là điều kiện giam giữ người ở Việt Nam tệ hại khiến cho người bị giam giữ chịu sự khổ cực về tinh thần và thể xác.

Việc bắt người vốn dĩ chỉ tước đi quyền tự do đi lại của công dân song không chỉ đơn thuần như vậy, do đặc thù điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam người bị bắt lại bị tước đi hầu như hết các quyền dân sự, quyền con người bị xâm hại nặng nề khi sống trong điều kiện giam giữ mà mọi thông số chỉ tiêu giá trị đều ở mức rất thấp.

Một ví dụ là mấy năm trước tôi bảo vệ cho một người bị bắt giam ở trại tạm giam số 3 nằm trên đường cầu Bươu thuộc Hà Đông, Hà Nội. Một lần vào lấy lời khai thấy chòm râu cứng của người đó được chia làm hai nửa, một bên rất dài cứng còn một bên lại trụi nhẵn. Hỏi ra thì được biết suốt ngày người đó bị mấy người giam giữ cùng phòng đè ra nhổ râu giải trí cho đỡ buồn.

Điều đó là ví dụ giúp hình dung cho thấy tình trạng điều kiện sức khỏe của người bị giam giữ bị xâm hại như thế nào.

Còn theo một bài báo mới đây trên báo Đất Việt có tiêu đề ‘Tội phạm tăng nhanh hơn dân số, thiếu hàng ngàn chỗ giam’, bài báo đưa số liệu rằng so với quy mô đã được phê duyệt, các trại tạm giam còn thiếu hơn 14.000 chỗ (tiêu chuẩn mỗi chỗ 2m2), tạm giữ thiếu hơn 12.000 chỗ.

Bắt nhiều nên thiếu chỗ giam

Số liệu về việc thiếu chỗ giam giữ người có thể hiểu một phần nguyên nhân vì số lượng người có hành vi phạm tội quá nhiều, đó là minh chứng cho sự đổ vỡ của các chuẩn mực giá trị đạo lý. Nhưng mặt khác cũng cần đặt ra vấn đề xem xét lại việc bắt giam giữ lâu nay liệu đã đúng đắn hợp lý hay chưa?

Phải chăng có việc bắt giam giữ cẩu thả bừa bãi, nhiều trường hợp không cần thiết bắt cũng bắt, và tại sao lại để cơ quan công an điều tra được quyền bắt người?

Chúng ta biết rằng công an điều tra là lực lượng chiến đấu có chức năng nhiệm vụ phòng chống tội phạm, ở họ mang nặng tâm lý trạng thái triệt tiêu phòng ngừa. Nghề nghiệp của họ ít đòi hỏi sự suy xét công tâm khách quan để cân nhắc sự cần thiết xác đáng hay không trong việc bắt giam giữ, cái có ở nghề nghiệp của các thẩm phán.

Trước mỗi sự việc còn chưa rõ ràng lý do cần bắt hay không, nếu quyền bắt thuộc cơ quan công an thì họ sẽ có ngay quan điểm là cần bắt, điều này có nguyên nhân từ tâm lý trạng thái nhận thức nghề nghiệp.

Mặt khác pháp luật quy định rằng trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, có nghĩa là nếu không chứng minh được tội phạm thì họ phải chịu trách nhiệm nào đó.

Cho nên đương nhiên dễ hiểu là cơ quan điều tra sẽ có xu hướng tìm giải pháp để hoàn tất cho được trách nhiệm của mình và giải pháp chính là quyền được bắt người.

Có thể nói quyền được bắt người là ‘phép mầu’ giúp làm ‘nhẹ gánh’ đi trách nhiệm chứng minh tội phạm.

Cho nên cái trách nhiệm chứng minh tội phạm mà lại đi kèm với cái quyền được bắt người thì còn gì nữa mà khó hiểu cho việc thiếu chỗ giam giữ.

Cần sửa luật

Bộ luật tố tụng hình sự đang được rà soát sửa đổi nên quy định rằng quyền quyết định bắt giam giữ phải thuộc về tòa án, cơ quan điều tra muốn bắt người thì phải chứng minh thuyết phục được thẩm phán về sự cần thiết và đưa ra các lý do xác đáng.

Khi xem một số bộ phim hình sự của nước ngoài đôi khi chúng ta thấy trong nội dung phim nhiều người phải vất vả lắm mới xin được ‘trát’ bắt của tòa.

Sự suy xét cẩn trọng của tòa án là bờ đê bảo vệ các quyền công dân, ngăn ngừa bạo quyền, cái mà nền tư pháp hình sự của ta còn mang nặng.

Cân nhắc quyết định bắt người điều này cũng nằm trong chức năng xét xử phán quyết của tòa án. Tức là cân nhắc xem liệu đã cần thiết hay chưa trong việc tước đi một số quyền tự do của công dân.

Chúng ta cần học hỏi nước ngoài về chế định bắt người. Hai nước gần gũi với ta là Hàn Quốc và Nhật Bản đều quy định quyền bắt người thuộc về tòa án.

Hiến pháp Hàn Quốc viết rằng: Trong trường hợp bắt, giam giữ, tịch thu tài sản hoặc khám xét thì cần phải có lệnh của thẩm phán thông qua các thủ tục luật định và bất kỳ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ đều có quyền yêu cầu Tòa án xem xét tính hợp pháp của việc bắt hoặc giam giữ.

Hiến pháp Nhật Bản viết rằng: Không bai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của tòa án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang.

Một thí dụ điển hình

Mới đây báo chí ồn ào đưa tin về vụ chai nước có ruồi, nhiều ý kiến chỉ ra cho thấy hành vi của người liên quan trong vụ việc ngấp nghé giữa hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản và quan hệ pháp luật dân sự, nếu quyền bắt thuộc tòa án quyết định thì họ sẽ nhìn sự việc dưới hai góc độ và cân nhắc có nên bắt hay không.

Để xét cơ sở hợp lý cho việc bắt cũng không khó gì, chỉ cần làm rõ vài vấn đề: Ông Võ Văn Minh người bị bắt là chủ quán ăn uống có nhân thân rõ ràng liệu ông có bỏ trốn không? Ông sẽ bỏ trốn hay công khai đấu tranh chứng minh Tân Hiệp Phát sai và bảo vệ yêu cầu của mình?

Liệu ông có tiếp tục phạm tội không, chẳng lẽ ông lại tiếp tục đi tống tiền người khác hay đi cướp? Liệu ông Minh có tiêu hủy chứng cứ nào không, chai nước có ruồi thì đã bị cơ quan chức năng thu giữ rồi, mà nếu không thu giữ thì ông Minh cũng giữ lại để làm bằng chứng bảo vệ mình chứ đời nào ông tiêu hủy.

Như thế có thể thấy không có lý do xác đáng nào cho việc bắt giam, nhưng thực tế ông đã bị bắt. Vì lý do rằng quyền bắt người nằm trong tay cơ quan công an điều tra chứ không phải tòa án.

IV/ KIẾN NGHỊ

1. Kính mong Chủ tịch nước là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương quan tâm tới trình trạng bắt giam giữ hiện nay, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu chế định về bắt giam giữ của các nước tiến bộ như Nhật Bản hay Hàn Quốc để học hỏi và triển khai vào Bộ luật tố tụng hình sự của ta đang được rà soát sửa đổi.

2. Kính mong Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình là Trưởng ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, nghiên cứu thay đổi nội dung về chế định bắt giam giữ hiện nay, chuyển quyền ra quyết định bắt giam giữ sang cho tòa án.

3. Kiến nghị này liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của các tòa án, do vậy kính mong Chánh án tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình lưu tâm cho hội thảo bàn luận rộng rãi trong khối ngành tòa án để phổ biến thông tin nhân thức nhằm tiến tới triển khai trên thực tế.

Kính mong được xem xét.

Xin trân trọng cảm ơn

Người làm đơn

 

 

 

Luật sư Ngô Ngọc Trai