Kính gửi:
|
– HỘI ĐỒNG LUẬT SƯ TOÀN QUỐC, LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM – BAN THƯỜNG VỤ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM – CÁC PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ |
I/ NHỮNG NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Chúng tôi, những người có tên trong danh sách dưới đây là luật sư thành viên của Liên đoàn luật sư Việt Nam, những người có tâm huyết mong muốn đóng góp công sức trí tuệ để xây dựng tổ chức.
II/ CĂN CỨ
Căn cứ Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam được Bộ trưởng Bộ tư pháp phê duyệt ngày 29/5/2009 theo Quyết định số 1106/QĐ-BTP, tại điểm c khoản 1 Điều 7 Quyền và nghĩa vụ của luật sư quy định: Luật sư có quyền đề xuất ý kiến về việc củng cố, phát triển tổ chức, hoạt động của Liên đoàn.
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Nay Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang được sửa đổi, xuất phát từ tình hình thực tiễn hoạt động hành nghề chúng tôi có góp ý như sau:
Điều 6 Dự thảo Điều lệ quy định: Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc do Hội đồng luật sư toàn quốc triệu tập theo nhiệm kỳ 05 năm một lần.
Chúng tôi đề nghị rút ngắn thời gian xuống còn 03 năm tổ chức Đại hội một lần.
Luận giải cho ý kiến đề xuất như sau: Chúng tôi thấy Liên đoàn luật sư mới ra đời, thiết chế tổ chức còn xộc xệch. Một số ban bệ lập ra sau thời gian 1, 2 năm đã phát sinh cho thấy có vấn đề đòi hỏi cần hiệu chỉnh ngay, theo đó nhu cầu đòi hỏi cần lập thêm hoặc bỏ bớt không thể đợi đến 5 năm được khi đó sẽ gây tốn kém và làm giảm sút sự lành mạnh của tổ chức.
Có ý kiến cho rằng cần phải 5 năm thì mới đủ thời gian để thực thi các quyết sách hoặc đủ thời gian để đánh giá con người và thiết chế.
Chúng tôi cho rằng tổ chức luật sư không có chính sách nào cần thời gian tới 5 năm để triển khai. Liên đoàn luật sư có vai trò giúp đỡ các luật sư, bảo vệ các luật sư trong các công việc hàng ngày chống lại sự xâm hại từ các cơ quan tố tụng. Liên đoàn luật sư không có dự án nào cần đến 5 năm để triển khai đánh giá.
Có ý kiến khác cho rằng thời gian nhiệm kỳ đại hội 5 năm để phù hợp với nhiệm kỳ 5 năm của các thiết chế chính trị xã hội khác.
Đây là một ý kiến có sức nặng do quán tính nhưng chúng ta cần quan tâm đến lợi ích của chính giới luật sư để xem xét. Nếu lợi ích của giới luật sư cho thấy nhiệm kỳ 3 năm có lợi thì cần để 3 năm. Đây không phải là vấn đề tư tưởng vĩ mô có ảnh hưởng xa xôi, mà đây là vấn đề hành nghề, lợi ích sát sườn.
Khi rút ngắn nhiệm kỳ đại hội đem lại nhiều điểm tích cực.
Chúng ta thấy là ở khoảng thời gian chuẩn bị cho đại hội vai trò của các luật sư đơn lẻ sẽ được quan tâm xem trọng qua việc bầu các vị trí chức danh. Các luật sư giữ cương vị cũng phải cố gắng hơn để chứng tỏ sự hữu ích của mình cho tổ chức để hy vọng được bầu tiếp tục giữ cương vị.
Ở khoảng thời gian diễn ra đại hội các luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, các thiết chế của Liên đoàn đều gia tăng các nỗ lực làm việc tích cực để hưởng ứng cho đại hội, nghề luật sư có thêm nguồn năng lượng từ sự phát tiết ở nội lực để phát triển. Cho nên rút ngắn thời gian đại hội là gia tăng năng lượng sức sống cho tổ chức.
Một tổ chức mới như Liên đoàn luật sư thì cần thổi vào đó năng lượng sức sống để tạo sức bật vươn lên, do vậy nếu để 5 năm mới đại hội một lần sẽ gây ra sự ì trệ, lãng phí suy giảm năng lượng hoạt động.
Đặc biệt nền tư pháp đang được cải cách sửa đổi với nhiều điểm mới phát sinh thường xuyên đòi hỏi giới luật sư cũng phải có động thái tác hợp để thích ứng.
Khi rút ngắn thời gian nhiệm kỳ đại hội sẽ giúp cho nhiều luật sư có năng lực được thay nhau giữ cương vị và đóng góp khả năng của mình cho tổ chức. Việc bầu giữ cương vị cũng bớt phần nặng nề đi. Mà vấn đề chức vị lâu nay bị xem là quá quan trọng đến ngay như đại hội vừa rồi còn chưa bầu được chủ tịch gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức.
IV/ KIẾN NGHỊ
Do vậy sau khi suy nghĩ kỹ, chúng tôi thấy sẽ chỉ có lợi nếu rút ngắn thời gian nhiệm kỳ đại hội xuống còn 3 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Do vậy đề nghị Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét sửa đổi nội dung tại Điều 6 dự thảo như nội dung nêu trên.
Rất mong được quan tâm tiếp thu.
Xin trân trọng cảm ơn!