Không nhìn nhận có ‘lợi ích nhóm’ khiến luật VN cứ èo uột?

Sáng 19/2, Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Qua theo dõi của tôi thì thấy nhiều ý kiến chuyên gia phê phán tình trạng “cài cắm quy định” có tính chất lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng chính sách pháp luật.

Ví như nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cảnh báo “Lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm, cài đủ các loại luôn, rất kín. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại”.

Một trụ sở Tòa án huyện ở Việt Nam

Ông Thái Vĩnh Thắng, Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng lưu ý rằng trong việc lập pháp cần tránh hiện tượng có kẽ hở, lồng lợi ích nhóm, lợi ích ngành, cục bộ vào trong đó.

Trước đó hồi năm 2018, tại một phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long như sau:

Bộ Tư pháp có chức năng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Vậy, xin hỏi Bộ trưởng liệu có hay không hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong đề xuất, xây dựng chính sách pháp luật và giải pháp giải quyết trong thời gian tới?”.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng đại biểu khái quát thành lợi ích nhóm thì “hơi mạnh”.

Tuy nhiên, ông Long thừa nhận hiện nay một số cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này hay cách khác vẫn có sự thiên vị, giành phần lợi hơn cho bộ, ngành mình.

Những phát biểu như trên cho thấy trong nhận thức của các chuyên gia và của các cán bộ lập pháp, hành pháp, vấn đề lợi ích nhóm mang ý nghĩa xấu và là cái không được chấp nhận trong xây dựng chính sách pháp luật.

Điều này là đúng hay sai và nó có liên quan thế nào đến chất lượng làm luật hiện nay? Ví ngay như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành năm 2015 tới nay mới 5 năm đã lại phải bổ sung sửa đổi?

Cần hiểu đúng về Lợi ích nhóm

Trong đời sống xã hội luôn tồn tại các nhóm công dân giống nhau về lợi ích được phân thành các nhóm, nhóm nhỏ thì như nhóm ngành nghề hội đoàn, lớn thì phân thành các tầng lớp, giai cấp, vùng miền.

Trong quá trình vận động của đời sống xã hội thì có các vấn đề nảy sinh cần giải quyết cho các nhóm này, và đó chính là mục tiêu nhiệm vụ của các chủ trương chính sách pháp luật.

Lấy ví dụ như nhóm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện đang gặp khó khăn với loại hình căn hộ nghỉ dưỡng Condotel, đã gây tranh cãi bấy lâu nay, làm ách tắc cả một thị trường bất động sản về căn hộ nghỉ dưỡng.

Trách nhiệm của nhà làm luật và cơ quan quản lý là đưa ra quy định chính sách tháo gỡ cho nhóm các doanh nghiệp bất động sản và khách hàng mua nhà. Đây là điều đúng đắn phải làm, trong khi nhiều người dân khác thì chả liên quan, họ có thể nhìn vào đó như những nhóm lợi ích cục bộ.

Như thế, sự tồn tại của các nhóm người có chung lợi ích là tất yếu khách quan. Quá trình vận động tham gia trong các mối quan hệ đời sống xã hội họ sẽ có xu hướng vận động thúc đẩy ban hành chính sách tháo gỡ làm lợi cho các hội nhóm.

Nhà làm luật gồm các Đại biểu Quốc hội đại diện cho các thành phần ngành nghề hội đoàn sẽ cất lên tiếng nói chỉ ra sự cần thiết giải quyết cho các vấn đề của các nhóm.

Luật sư Ngô Ngọc Trai trong một phòng tiếp dân

Hoặc người ta cũng có thể nhờ truyền thông báo chí phản ánh, nhờ những cá nhân có uy tín tên tuổi trong xã hội để nêu lên tính cấp thiết của các vấn đề cần giải quyết.

Quốc hội chung cuộc sẽ biểu quyết theo đa số về các vấn đề quan trọng cần ưu tiên tập trung xử lý cũng như đầu tư nguồn lực.

Như thế không thể cho rằng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật là xấu.

Ở nước Mỹ họ còn công nhận việc vận động hành lang lobby là hợp pháp, và việc lobby thực ra là một hoạt động rất sôi động công khai tích cực trong chính trường nước Mỹ.

Có thông tin mấy năm trước lãnh đạo Việt Nam để được gặp ông Trump mới trúng cử Tổng thống còn phải mất tiền cho công ty vận động hành lang, mà cũng là để thăm dò tìm hiểu thúc đẩy tìm kiếm các chính sách của ông Trump có lợi cho Việt Nam.

Có điều do lâu nay chính trị Việt Nam tập trung quyền lực, thiếu sự kiểm soát đối trọng, nhiều nhóm người chẳng giống nhau về ngành nghề, gồm cả cán bộ trong bộ máy cùng với lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và người ngoài xã hội, đã cấu kết với nhau lũng đoạn chính sách và tài sản quốc gia, bị gọi là lợi ích nhóm theo nghĩa xấu như những băng nhóm phạm pháp.

Còn lợi ích nhóm theo đúng nghĩa thì nó tồn tại khách quan, là nền tảng của các tổ chức hội đoàn, giai tầng.

Cần phải hiểu như vậy để khẳng định rằng việc một văn bản chính sách pháp luật tháo gỡ có lợi cho một nhóm là điều dĩ nhiên, nếu không thế thì rất khó hiểu về mục đích ý nghĩa của các chính sách đó là gì.

Cũng cần phân biệt lợi ích của các nhóm chính đáng ngoài xã hội với lợi ích tiêu cực của bộ máy quản lý ngành, do một số cán bộ quan liêu muốn đạt được sự dễ dàng trong công việc mà đẩy cái khó về phía người dân và doanh nghiệp trong giấy tờ gia nhập hay chi phí tuân thủ.

Cần phải phân biệt hiểu rõ như vậy để tạo ra tâm lý yên tâm trong quản lý và đưa ra văn bản chính sách chất lượng, thay vì để tình trạng băn khoăn không dám đưa ra văn bản tháo gỡ đem lại lợi ích cho một nhóm. Bởi một việc làm như thế rất dễ bị nghĩ tiêu cực là có việc hối lộ để đạt chính sách có lợi cho nhóm lợi ích.

Bù lại, hệ thống pháp luật phải tăng cường các quy định có tính chất phòng ngừa, ví như nghiêm cấm người nhà lãnh đạo làm doanh nghiệp trong những lĩnh vực mình phụ trách, minh bạch các mối quan hệ gia đình và tài sản, nâng cao dân chủ bằng cách thừa nhận và củng cố các thiết chế giám sát dân sự, loại bỏ việc trấn áp những hành vi vốn là sự thực hành tự do ngôn luận.

Đặc biệt là phải chuyển phần lớn công tác làm luật về cho Quốc hội, giảm mạnh và tiến tới loại bỏ việc để cho cơ quan hành pháp ban hành những chính sách có tính chất quy định mà người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ.

Một cảnh phố Hà Nội về đêm

Tựu chung lại, một văn bản luật đem lại lợi ích cho một nhóm người là điều bình thường. Năm 2015 Luật bảo hiểm xã hội từng phải sửa lại duy nhất một điều luật cho phép công nhân nhận tiền trợ cấp một lần trước khi đến tuổi hưu, cũng là vì lợi ích nhóm của nhóm người lao động.

Hay như việc quy định cách đo diện tích căn hộ chung cư theo tim tường hay thông thủy cũng sẽ đem lại lợi ích cho một nhóm khách hàng mua nhà hay chủ đầu tư. Hay việc điều chỉnh quy định về quản lý nhà chung cư, quản lý phí bảo trì cũng sẽ đem lại lợi ích cho các bên khác nhau.

Nếu không hiểu đúng về bản chất lợi ích nhóm, về sự vận động của các thực thể đời sống xã hội, hiểu sai về mục đích ý nghĩa của công tác làm luật, không phân biệt được chỗ nào cần ngăn cấm chỗ nào cần thừa nhận đúng sai, để tồn tại sự xộc xệch trong nhận thức giữa các ban ngành hay nhà làm luật, thì rốt cuộc chúng ta sẽ có một chất lượng làm luật thấp, sẽ lãng phí nguồn lực, và sẽ có các văn bản pháp luật chẳng ra sao.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Không nhìn nhận có lợi ích nhóm khiến luật VN cứ èo uột’