Mới đây Ủy ban kiểm tra trung ương đã họp bàn đánh giá và có kết luận về những vi phạm của Ban thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ trước đây.
Một số lãnh đạo nguyên là Bí thư, Chủ tịch tỉnh đã bị nêu tên chỉ ra sai phạm. Các thông tin đều được báo chí đưa tin rộng rãi.
Từ sự việc này khiến cho tôi có vài suy nghĩ.
Là một luật sư trước đây từng tham gia bào chữa trong hai vụ án ở tỉnh Thanh Hóa.
Vụ án thứ nhất là một thân chủ bị xử lý về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ vì đã viết trên mạng những lời lẽ bình luận về lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, trong đó có tên những người vừa được Ủy ban kiểm tra trung ương nhắc đến, để rồi bị xử tù.
Vụ thứ hai là trong một cuộc họp tại nhà văn hóa khu phố ở thành phố Sầm Sơn, có một lãnh đạo thành phố chủ trì cuộc họp nhằm triển khai việc thu hồi đất làm dự án. Có hai người đàn ông xen vào cuộc họp cầm micro nói vài lời phản đối dự án thế rồi bị quy kết về tội gây rối trật tự công cộng bị xử tù.
Qua những vụ án bào chữa có liên quan tới cán bộ và qua kết luận về những sai phạm của họ hiện nay, như thế tôi thấy công tác bảo vệ cán bộ lâu nay đang được thực hiện theo một cách thức rất cương quyết.
Nhưng đến nay thì lại thấy nhiều người trong số đó lại có những việc vi phạm được ủy ban kiểm tra trung ương chỉ ra, bởi thế nên tôi cho rằng cần có sự thay đổi quan điểm nhận thức trong công tác quản trị.
Theo đó cần để cho người dân giám sát, kể cả phê phán, thay vì như hiện nay việc xử lý hình sự và xử phạt hành chính những vấn đề ngôn luận rất nhiều.
Các cơ quan thiết kế tổ chức nên nghiên học hỏi nguyên tắc quản trị ngôn luận của các nước phát triển, ví như một nước gần gũi là Singapore.
Nơi mà thủ tướng Lý Quang Diệu, một người bị đánh giá là cũng không có tinh thần dân chủ cho lắm, nhưng đứng trước những lời lẽ cáo buộc sai trái hoặc phỉ báng nhắm vào mình, ông sử dụng phương thức là khởi kiện dân sự để làm rõ đúng sai và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Những câu chuyện về việc ông Lý Quang Diệu khởi kiện báo chí đã được nhiều sách báo nhắc đến, và điều này đã được các thế hệ lãnh đạo sau đó của Singapore tiếp tục duy trì như một nguyên tắc cách thức tổ chức hoạt động của bộ máy công.
Ví như trong một vụ kiện năm 2008, Toà án tối cao Singapore đã ra phán quyết buộc đảng Dân chủ Singapore và người lãnh đạo của đảng này phải bồi thường cho Thủ tướng Lý Hiển Long và cha ông là cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu 61 vạn SGD (khoảng 414 ngàn USD) vì tội phỉ báng.
Hoặc trong một vụ kiện năm 2021, tòa án ra phán quyết buộc các bị đơn gồm một nhà báo và tổng biên tập của báo này phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại uy tín cho Thủ tướng Lý Hiển Long về một bài báo đã viết những thông tin sai trái liên quan đến ngôi nhà của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Như thế ở Singapore người ta đã không sử dụng quyền lực công, không xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với hành vi phỉ báng nhắm vào người đứng đầu đất nước.
Học việc quản trị
Cách thức làm bên Singapore hay ở Việt Nam đều nhắm đến mục đích cuối cùng là ổn cố trật tự lương tâm xã hội.
Việc xử lý hành chính hay xử lý hình sự đối với những hành vi ngôn luận của người dân nói tới cán bộ công chức đó sẽ là một nguyên tắc lớn trong một hệ thống các nguyên tắc quản trị quốc gia.
Nếu như nguyên tắc đó mà bất cập thì sẽ gây ra những hệ quả không tốt cho phát triển quốc gia và ổn định xã hội.
Ví như một khi đã xác định hành vi ngôn luận xúc phạm lãnh đạo là tội phạm thì sẽ phải duy trì công việc của những người theo dõi việc phát ngôn của công chúng để xử lý, mà nếu không thì sẽ là bỏ lọt tội phạm, khi đó người nào không làm hết trách nhiệm sẽ bị kỷ luật.
Trong khi đó hãy thử hình dung nếu như nước Mỹ xử lý hình sự những người nào nói xấu tổng thống Donald Trump thì có khi sẽ phải xử lý hàng triệu người.
Trong khi ông Donald Trump đơn giản là không thèm để ý đến những lời lẽ công kích nhắm vào mình, chỉ trong trường hợp nào ảnh hưởng lớn thì tự ông sẽ xem xét việc khởi kiện giống như người ta đã làm ở bên Singapore.
Một bất cập nữa là hiện nay không chỉ việc phát ngôn của người dân nhắm vào cán bộ mà phát ngôn của các công dân nhắm vào nhau cũng đang trở thành hành vi bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Mới đây một cựu CEO của hãng hàng không Bamboo Airway đã bị xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng vì hành vi ngôn luận khi nói đến một cá nhân khác.
Báo chí trong nước đưa tin cho biết, ngày 5-5, vị CEO đã viết lên trang cá nhân của mình với nội dung: “Làm ngân hàng dù ở bất cứ đâu trên thế giới này là lãi nhất rồi mà cổ đông không được chia cổ tức trong 7 năm thì đúng chủ tịch Racombank là người bất tài. Anh này với mình còn là người không có đức”; “chủ tịch ngân hàng mà có biết gì về “nghề” đâu”.
Về nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, khi bất kỳ một công dân bị người khác nói xấu thì cơ quan quản lý có đứng ra xử phạt người nói xấu để bảo vệ người kia không, có xử lý hết được không?
Nếu không thì đó không phải là cách để xây dựng nền pháp quyền, trong khi cách thức đúng là nếu ai cảm thấy bị tổn hại hoặc tổn thương bởi hành vi ngôn luận của người khác thì tự người đó phải khởi kiện ra tòa.
Hoặc ví như thời gian trước có việc xử lý hình sự những hành vi ngôn luận liên quan tới những người trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, vụ án hình sự liên quan đến ngôn luận của bà Phương Hằng và các nghệ sĩ cùng những người liên quan, đã gây ra những xung động tâm lý xã hội nhất định.
Trong đó có luật sư như ông Trần Văn Sỹ, có nhà báo như bà Đặng Thị Hàn Ni đã bị xử lý hình sự chỉ vì những vấn đề ngôn luận giữa các cá nhân.
Từ tất cả những sự việc như vậy tôi thấy rằng việc thiết lập nguyên tắc quản trị quốc gia xung quanh vấn đề ngôn luận chưa khoa học, theo đó chuyện ngôn luận cần hạn chế sử dụng quyền hành chính mà hãy dành chuyện đó cho khung pháp luật về dân sự.
- Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Việt Nam: công tác quản trị ngôn luận chưa khoa học’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;