Khảo luận (Phần 3): Về vai trò của nền tư pháp trong thúc đẩy kinh tế

III/ NGÀNH TƯ PHÁP KÉM ĐƯỢC COI TRỌNG ẢNH HƯỞNG XẤU TỚI NĂNG LỰC KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ THUẬN LỢI CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Một dịp tôi có buổi làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Quá trình làm việc tranh thủ hỏi thì được biết, người kiểm sát viên đã có chục năm công tác nhưng mức lương cùng các khoản phụ cấp anh được nhận một tháng chỉ là khoảng 8 triệu đồng.

Năm ngoái tôi có dịp làm việc Tòa án huyện Thanh Oai thuộc thành phố Hà Nội, cũng khi trao đổi công việc thì anh thẩm phán kiêm Phó chánh án tòa cho biết, tổng thu nhập lương và phụ cấp của anh vào khoảng 9 triệu đồng. Đó là mức lương của người đã mười mấy năm công tác, hết thư ký rồi đến thẩm phán rồi được bổ nhiệm làm Phó chánh án huyện.

Một người bạn học cùng đại học với tôi giờ cũng đã là thẩm phán của một huyện thuộc tỉnh Phú Thọ, hỏi thì được biết, tổng lương và phụ cấp chỉ khoảng 7 triệu đồng, đó là mức lương của người đã chục năm công tác.

Đó thực sự là mức lương quá thấp của giới cán bộ tư pháp và tôi thấy rất buồn và cám cảnh cho sự quan tâm đầu tư của nhà nước cho ngành tư pháp. So sánh áng chừng với mức lương của một chuyên viên ngân hàng hay một chuyên viên pháp chế doanh nghiệp làm việc chục năm thì thu nhập của họ có lẽ là cao gấp đôi mức lương mấy vị cán bộ tư pháp. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới chất lượng hoạt động của nền tư pháp. Có thể hình dung là với một mức lương thấp như vậy thì làm sao họ có thể yên tâm công tác, và làm sao học có thể giữ được sự công tâm khách quan trước những cám dỗ kinh tế trong khi giải quyết các vụ án?

Không biết các ngành tư pháp đánh giá tổng kết mỗi năm thế nào, nhưng bản thân tôi khi tham gia các vụ án thì đặc biệt ở cấp huyện, không một vụ án nào mà tôi không thấy có vấn đề về sai trái. Không sai trái về chuyên môn nghiệp vụ thì sai trái do có dấu hiệu tiêu cực. Hầu như không một vụ án tranh chấp tài sản nào mà ngành tư pháp không soi mói tìm cách kiếm chác, hầu như không một vụ án hình sự nào mà bị cáo không tìm cách chạy tội.

Cũng không biết các ban ngành đánh giá sự quan tâm đầu tư cho giới tư pháp thế nào, nhưng mức lương là sự đánh giá thực chất nhất cho thấy mối ưu tiên đầu tư, đó là bộ mặt và tầm vóc vị thế thực chất của nền tư pháp. Mức lương thấp của giới tư pháp cho thấy sự coi nhẹ và kém quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ban ngành lĩnh vực tư pháp. Giới tư pháp do đặc thù nghề nghiệp đáng ra cần được hưởng một mức lương cao hơn thay vì cào bằng với các khối hành chính sự nghiệp khác. Vì một quyết định của họ có thể lấy đi một mạng người hoặc định đoạt số năm tù của một đời người, hoặc tuyên thắng thua cho những người được hưởng khối tài sản hàng tỷ đồng. Những việc này đòi hỏi ở họ mức độ tri thức và phẩm hạnh cao hơn hẳn và tương ứng với đó là họ xứng đáng một mức lương phù hợp. Vì còn gì quan trọng hơn đối với một con người là tự do và sinh mạng, và họ đâu có tiếc tiền của để cứu giữ cho được những thứ ấy?

Ở các nước như Mỹ, Châu Âu mức lương thẩm phán rất cao, điều đó giữ cho họ được công tâm khách quan, là những yếu tố quan trọng cốt yếu của tư pháp.

Sự kém quan tâm đối với ngành tư pháp còn có thể đánh giá qua số lượng các văn bản nghị quyết chủ trương chính sách về lĩnh vực tư pháp so với các lĩnh vực khác, những văn bản làm việc sẽ cho thấy mức độ dành thời gian hay mối bận tâm của các ban ngành dành cho lĩnh vực tư pháp. Hay sự kém vị thế của tư pháp thể hiện ở việc rất ít những lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước cao cấp trưởng thành từ những cán bộ tư pháp lâu năm như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên thi hành án.

Sự coi nhẹ kém quan tâm đầu tư cho tư pháp có lẽ xuất phát từ hệ thống của một nhà nước thoát ra từ chiến tranh. Lúc ban đầu còn bom đạn thì chỉ coi trọng về quân đội công an mà tư pháp gần như bị bỏ rơi, có thời kỳ ở Việt Nam xóa bỏ Bộ tư pháp, xóa bỏ trường luật, xóa bỏ nghề luật sư, cho tới khi phát triển kinh tế thị trường thì quan tâm tới những ngành lĩnh vực sản xuất kinh doanh làm ra tiền.

Như tôi thấy thì suốt mấy chục năm qua mảng tư pháp luôn bị xếp kém ưu tiên. Sự quan tâm nếu có thì nó cũng theo cái cách nhằm đạt đến mục đích khác. Khi phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì từ thực tiễn đặt ra nhu cầu việc xử lý giải quyết các tranh chấp giao dịch làm ăn phát sinh và thế là tư pháp mới được giao việc trả lương.

Ngành tư pháp chưa được coi trọng như một hệ thống không thể thiếu cho quản trị quốc gia và kiến tạo phát triển. Lâu nay việc tạo ra môi trường an toàn ổn định cho kinh doanh làm ăn mới chỉ được nhìn thấy dưới góc độ ổn định chính trị và từ đó đề cao vai trò của quân đội và công an. Đó thực ra chỉ là yếu tố có tính đối ngoại bên ngoài, còn ở trong nước tư pháp mới là ngành giữ vai trò chính trong việc tạo lập môi trường an toàn cho các quyền tài sản và quyền công dân, các nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Ở các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Hàn Quốc chúng ta thấy là ngành tư pháp giữ một vai trò to lớn khủng khiếp nếu so với quyền hạn của tư pháp Việt Nam. Ở Hàn Quốc vừa rồi tư pháp đã xử lý bắt giam cả Tổng thống, còn ở Mỹ thì Tổng thống cũng đang bị tư pháp tìm kiếm phanh phui xử lý sai phạm. Tư pháp là một trong ba trụ cột quốc gia của họ cùng với lập pháp và hành pháp.

Vậy một quyền tư pháp lớn mạnh và một nền kinh tế phát triển, thì cái nào là nguyên nhân kết quả của cái nào? Tôi cho rằng đó là hai cái song hành với nhau mà ở Việt Nam thì nhiều người chưa nhìn ra một nền kinh tế thị trường phải song hành với một nền tư pháp đủ tính năng hiệu quả, trong khi đây đang là lúc cần nhận ra nhất.

Các vấn đề nền kinh tế đang gặp phải như giải quyết nợ xấu, phá sản doanh nghiệp, hay dự án đắp chiếu đều có dấu ấn kém cỏi của ngành tư pháp không thực hiện được vai trò. Và một lượng lớn tài sản và quyền công dân đang bị vướng vào những mớ bòng bong trói buộc nhưng người ta cũng chẳng buồn đưa ra nhờ tư pháp giải quyết, và đó mới là cái tai hại ẩn chìm cho phát triển kinh tế.

Cần nâng cao vị thế quyền hạn cho ngành tư pháp

Nếu coi tư pháp là thiết chế bảo trợ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp (trong đó Tòa án là thiết chế trung tâm) thì khi xây dựng phải đảm bảo cho nó đủ thẩm quyền khả năng để làm việc đó. Thực tế lâu nay tòa án yếu quyền do bị chia quyền nên không là công cụ thiết chế đủ mạnh để bảo trợ cho quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp.

Điều này biểu hiện thấy ngay trong thực tế đời sống. Trong tranh chấp dân sự người dân chỉ nghĩ đến tòa án như là giải pháp lựa chọn cuối cùng, đã có thống kê xã hội học cho thấy nhiều người tìm nhờ xã hội đen đòi nợ thuê có hiệu quả hơn con đường tòa án. Trong tố tụng hình sự bị can e ngại quyền hạn của cơ quan điều tra chứ không sợ phán quyết của tòa, vì họ biết rằng những gì diễn ra trong giai đoạn điều tra mới quan trọng thực chất và mang tính quyết định về hình phạt, chứ không phải ở việc làm của tòa án.

Nhiều trường hợp người dân hay doanh nghiệp gánh chịu nỗi bất công từ những chủ thể lớn quyền hơn tòa án nên họ không có hy vọng gì ở tòa án. Thực trạng này cần phải thay đổi, nay cần thiết kế bố trí lại các quyền cho tòa án. Cần học tập các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, thiết lập tòa án thành thiết chế trung tâm có khả năng kiểm soát các hoạt động tư pháp, tập trung nắm giữ các quyền về bắt giữ, khám xét và thu giữ đồ vật, không để bị chia quyền với các chủ thể khác.

Tòa án lâu nay yếu quyền còn biểu hiện ở chỗ: Một mặt tòa án làm việc phụ thuộc vào kết quả hồ sơ điều tra, quá trình này tòa án không được tham gia kiểm soát, nên khi hồ sơ xây dựng theo hướng kết tội thì tòa án hầu như không thể làm gì khác ngoài việc tuyên có tội. Tòa án yếu nên ít dám tuyên án vô tội, khi vụ án có điểm chưa rõ thay vì tuyên án vô tội thì tòa lại trả trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Mặt khác, phán quyết về hình phạt của tòa án lại bị làm suy yếu ở khâu thi hành án bởi hoạt động ân xá thả tù trước thời hạn, hoạt động này cũng nằm ngoài khả năng kiểm soát của tòa án. Ví như dịp Quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 2016 cả nước có tới 18.000 phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn. Hoạt động này bản chất là cơ quan khác đã lấy đi một phần quyền phán quyết hình phạt của tòa án, tranh giành một phần quyền phán quyết hình phạt với tòa án, làm suy yếu vai trò của tòa án.

Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rõ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp bên cạnh Quốc hội thực hiện quyền lập pháp và Chính phủ thực hiện quyền hành pháp. Nhưng thực tế chưa có thay đổi biến chuyển nào quan trọng cho tương ứng với vị thế mới của Tòa án được xác lập trong Hiến pháp. Ngành tòa án mới chỉ thay đổi những vấn đề hình thức râu ria như trang phục của thẩm phán, chỗ ngồi của luật sư.

Trước những thực trạng đó của nền tư pháp nhiều người đã nhận ra nhu cầu phải cải cách, song hễ đưa ra một đề xuất nào mới thì hay gặp ý kiến bác bỏ với lý do rằng mô hình hệ thống tư pháp ở ta khác với các nước nên không quy định thế. Nhiều người do thiếu chiều sâu nhận thức nên hay lấy lý do có sự khác biệt về mô hình hệ thống nên khước từ tiếp nhận đổi mới, tạo chướng ngại cho cải cách. Nếu cầu thị tiến bộ và thực tâm khát vọng xây dựng một nền tư pháp vận hành đảm bảo công lý thì thay vì bác bỏ mô hình này nọ hãy học hỏi từ các nước những nguyên lý nền tảng.

Những nguyên lý nào đã giúp các nước xây dựng lên các thiết chế với những mối tương quan quyền hạn trách nhiệm như vậy? Chúng ta có giống họ ở những nguyên lý mong muốn đó không, nếu có thì để đạt hiệu quả chúng ta cũng phải học họ cách thức thiết lập quy trình thủ tục. Vì khi con người giống nhau ở những mong muốn, như ngăn ngừa việc làm sai hay khích lệ điều làm đúng, thì cách thức tác động điều chỉnh cũng phải như nhau.

Để rõ hơn hãy lấy ví dụ về quyền im lặng. Xuất phát từ nguyên lý rằng tính mạng, sức khỏe, danh dự con người được bảo đảm (cái này ta và họ giống nhau), cho nên trong tố tụng hình sự phải nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình. Sau khi nghiên cứu kỹ người ta thấy rằng để đảm bảo mọi lời khai là tự nguyện, thì cách tốt nhất là cho bị can được quyền giữ im lặng. Một khi bị can đã được quyền im lặng thì có thể yên tâm nếu khai báo đó sẽ là sự tự nguyện. Để đảm bảo thêm cho điều này các nước quy định việc lấy lời khai phải có sự tham gia của luật sư, hoặc quá trình lấy lời khai phải được ghi âm ghi hình lại.

Đó là ví dụ cho thấy từ những nguyên lý nền tảng đã giúp định hình xây dựng lên các thiết chế hòng đạt được hiệu quả mục đích. Nếu chúng ta giống họ ở mục đích hướng đến là ngăn ngừa bức cung nhục hình, để đảm bảo lời khai báo là tự nguyện thì cần học hỏi ở họ cách thức thiết lập quy trình thủ tục.

Nay chúng ta mong muốn phát triển kinh tế thì cần nhận ra vai trò của nền tư pháp đối với nền kinh tế. Trước khi có thể làm gì thì việc cần thiết cần làm là khai thông nhận thức về vai trò của nền tư pháp. Song cũng cần nhận thấy cải cách tư pháp là thay đổi nguyên trạng, có người mừng ủng hộ có người lo chống đối vì ảnh hưởng quyền lợi. Vậy làm thế nào để thúc đẩy tiến bộ gạt bỏ đi những ý kiến thiên lệch xuất phát từ quyền lợi hẹp hòi?

Có thể đạt được thông qua bàn luận công khai. Bàn luận công khai giúp lộ rõ động cơ đằng sau mỗi ý kiến, giúp phơi bày các vấn đề bị che giấu. Ánh sáng của sự công khai giúp công luận thấy được nguyên nhân và giải pháp cho mỗi vấn đề. Bàn luận công khai giúp những người liên quan nhận ra mối quyền lợi của mình được mất như thế nào trước những đổi mới. Khi những điều mất là mối quyền lợi không chính đáng nó sẽ bị bộc lộ đẩy lùi, ngược lại những mối quyền lợi chính đáng sẽ có động lực để thúc đẩy cho đổi mới. Kết quả cuối cùng đúc rút ra sau khi đã trải qua thử thách tranh luận công khai, chính là những điều hợp lý đúng đắn là cơ sở xây dựng nên các thiết chế mới.

Bàn luận công khai cũng giúp lưu chuyển dòng tri thức, tránh tình trạng tự che mắt, tự ngu hóa mình do thiếu vắng bàn luận công khai. Trong khi cải cách tư pháp là làm mới làm khác, đòi hỏi những tư duy tri thức mới vượt quá những khuôn khổ tri thức chật hẹp trong hiện tại. Bàn luận công khai còn giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng, giáo dục và khơi dậy tinh thần trách nhiệm của công chúng, hình thành thói quen quan tâm tham gia thảo luận các vấn đề sự nghiệp chung. Khi cộng đồng có hiểu biết sẽ tăng cường khả năng kháng ngừa, tạo sức mạnh thúc đẩy cho cải cách tư pháp.

III/ KẾT LUẬN

Nền tư pháp có vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam do suốt thời gian qua đã xem nhẹ vai trò của tư pháp, khiến cho môi trường pháp lý kém thân thiện cho phát triển kinh tế. Đã đến lúc các ban ngành cần nhận ra vai trò quan trọng của nền tư pháp, để nền tư pháp trở thành giải pháp lối thoát cho phát triển kinh tế, thay vì là điểm tắc nghẽn cản trở phát triển kinh tế như lâu nay.

—————–

Thông tin chi tiết xin liên hệ:

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Giám đốc CÔNG TY LUẬT TNHH CÔNG CHÍNH

Website: www.luatcongchinh.vn     và       www.ngongoctrai.com