Trong buổi lấy lời khai của cơ quan điều tra, ông Long tranh thủ kể cho luật sư biết, hồi ông mới bị bắt tối ngày bị đưa đi hỏi cung, đêm về muộn nằm ở cái rãnh lối đi giữa hai bệ bê tông lạnh lẽo, ông nằm đó mà cảm tưởng như nằm dưới huyệt mộ. Nghe ông kể như vậy cùng với kinh nghiệm bào chữa cho nhiều bị can khác, tôi ý thức ngay về vấn đề phải thúc đẩy thay đổi cải thiện môi trường giam giữ.
Quy định pháp luật hiện tại về thẩm quyền bắt giam giữ bao gồm cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát, là nguyên nhân dẫn đến lạm dụng gây quá tải ở các cơ sở giam giữ. Thực tế lâu nay trong giới những người bị giam giữ điều tra đã truyền tai nhau rằng thời gian bị giam giữ để điều tra còn khổ hơn khi thi hành án tù, nhiều bị can được động viên thành khẩn khai báo để mau kết thúc điều tra sớm thi hành án cho dễ chịu.
Trong khi đó người bị bắt giam giữ để điều tra chưa bị coi là tội phạm, như vậy đúng lý ra họ vẫn còn gần như nguyên vẹn các quyền công dân, và chỉ bị hạn chế quyền tự do đi lại, tiếp xúc. Theo đó người bị bắt giam giữ đáng ra được hưởng điều kiện sống dễ chịu hơn so với người đã được xác định là có tội và phải đi tù, vì người bị giam giữ chưa phải là tội phạm và họ đâu đã chịu hình phạt. Thế nhưng thực tế các tiêu chuẩn chế độ dành cho người bị bắt giam giữ thấp kém hơn tiêu chuẩn chế độ dành cho phạm nhân.
Hiện chế độ tiêu chuẩn dành cho phạm nhân được quy định tại văn bản số 05/VBHN-BCA ngày 16/12/2015 của Bộ công an quy định về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân. Còn chế độ dành cho người bị bắt giam giữ phục vụ điều tra được quy định tại văn bản số 13/VBHN-BCA năm 2014 của Bộ Công an ban hành quy chế về tạm giam, tạm giữ. Theo đó về chỗ ở thì phạm nhân được ở buồng tập thể có lắp ti vi, được xem truyền hình trong khi người bị giam giữ thì không được.
Phạm nhân được đảm bảo diện tích riêng về chỗ nằm tối thiểu mỗi người 02 mét vuông chưa kể diện tích sinh hoạt, trong khi người bị giam giữ được đảm bảo diện tích phòng giam tối thiểu mỗi người cũng là 02 mét vuông nhưng trong đó bao gồm cả chỗ nằm và không gian vệ sinh. Theo đó một phòng giam diện tích 7,5 mét vuông đã giam tới 4 người.
Phạm nhân được hưởng các chế độ sinh hoạt thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đọc sách mà người bị giam giữ không có. Phạm nhân có chế độ lao động được ra ngoài đi làm việc trong khi người bị giam giữ phải ở trong phòng giam suốt thời gian, chỉ trừ khi trích xuất đi lấy lời khai, đi chữa bệnh hoặc những lúc đặc biệt khác.
Các quy định về chế độ tiêu chuẩn giam giữ như trên cho thấy đời sống của người bị giam giữ khổ sở hơn đời sống của phạm nhân đi tù. Điều kiện sống giam giữ tù tùng thiếu thốn, không có không gian vận động, không được sinh hoạt tinh thần đã dẫn đến ức chế tâm lý phải chịu đựng kéo dài. Sống trong môi trường khắc nghiệt đã khơi dậy bản năng thú tính dẫn đến các hành vi bạo lực xâm hại lẫn nhau trong phòng giam, từ đó gây ra các hệ lụy xấu rộng lớn về mặt xã hội vì những người đã từng bị bắt giam giữ khi được thả thì thay đổi tâm tính trở lên táo tợn, lỳ lợm và ưa bạo lực. Điều này cho thấy cách làm thất bại của nền tư pháp trong mục đích giáo dưỡng con người.
Quá trình tham gia buổi làm việc khi điều tra viên lấy cung, tranh thủ khi có thời gian trống ông Long kể chuyện cho luật sư nghe về đời sống trong trại giam Kế thuộc tỉnh Bắc Giang, nơi ông đã bị giam giữ suốt 10 năm. Ông cho biết người bị tạm giam bình thường ngày chỉ ăn hai bữa, một bữa được phát lúc 10 giờ sáng, một bữa lúc 04 giờ chiều. Nói về độ sạch của cơm rau, ông cho biết những người ở ngoài thì nhặt rau sống, tức là nhặt sạch rau xong rồi mới xào nấu, còn trong đó thì mọi người phải nhặt rau chín, tức là rau sau khi được phát cùng với cơm thì phải nhặt lại rồi mới ăn. Ý ông Long là chê cơm rau trong trại giam nấu không được sạch, việc nấu nướng được thực hiện bởi một toán phạm nhân được ưu ái chọn cho ra thực hiện.
Những hôm nào bị can có lịch đi lấy lời khai thì buổi sáng được ăn thêm bát mỳ, mỳ thì của ông Long còn nước nóng thì do trại phát cho, nhưng nước thường chỉ âm ấm chứ không được nóng nên mỳ thường không chín. Ông Long nhiều lần kêu ca việc thiếu nước nóng trong trại giam. Những người bị bắt rất thèm những thứ sinh hoạt thường nhật bên ngoài như uống nước chè và hút thuốc, đây là thói quen của hầu hết dân lao động nhưng trong trại giam thì không có được những thứ này, trừ những trường hợp đặc biệt được ưu ái. Ông Long kể rằng trong trại giam có một buồng gọi là buồng hoàng cung, tối nào cũng có nước chè và thuốc hút.
Ông Long kể việc đun nước nóng trong trại giam như sau, dùng những chai nước nhựa để đun, bôi một ít kem đánh răng vào đít chai sẽ giúp chai nhựa có thể đun sôi được nước, hoặc túi giấy bóng đựng đường khi lộn ngược ra ngoài cũng có khả năng đựng nước và đun sôi. Chất đốt là những thùng đựng nước bằng nhựa được cho đem vào phục vụ sinh hoạt trong phòng giam, khi gói vào trong chăn rồi dẫm cho dập nát thành từng mảnh nhỏ sẽ trở thành chất đốt. Khi đun nước, chai nước hoặc túi giấy bóng đựng nước được đưa dần từ trên cao xuống cho nóng từ từ rồi nước sẽ sôi.
Ông Long có thời gian dài là tử tù và trong suốt 11 năm bị giam giữ thì có 07 năm ông bị giam trong tình cảnh bị cùm chân. Khi tử tù bị cùm chân thì mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng ngay tại chỗ, ông nào cổ chân to thì khổ vì sẽ khó xê dịch khi vận động sinh hoạt.
Những nội dung này đã được tôi tranh thủ viết thành một bài báo phản ánh đời sống của người bị giam giữ và dẫn lại câu chuyện của ông Hàn Đức Long. Việc làm này là một hoạt động thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ cho mọi nghi phạm hình sự, ngoài ra là một nỗ lực góp thêm vào tiến trình thúc đẩy minh oan cho ông Long.
Tình cảnh sống giam giữ như vậy chẳng khác nào đày đọa, và cũng bởi từ lâu cộng đồng có nhận thức rằng đã đi ở tù là phải chịu khổ, đó là cái giá phải trả, là sự trừng phạt của pháp luật cho những kẻ tội phạm, đi tù còn đòi sướng với ai? Nhiều người cho rằng sự khắc nghiệt ở nơi giam giữ là cách răn đe giáo dục kẻ vi phạm, ‘không thế chúng không biết sợ’. Từ đó khiến môi trường giam giữ bị bỏ bê thiếu đầu tư quan tâm, sự khắc nghiệt lại được xem là thuộc tính chức năng tác dụng của nhà tù.
Mọi người quên mất rằng tạm giam chỉ là biện pháp ngăn chặn (chứ nó chưa phải là hình phạt), còn hình phạt tù là hình thức cách ly một người ra khỏi đời sống xã hội (nhằm tránh gây hại) chứ nó không là sự hành hạ. Vì tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người phải được bảo vệ dù cho đó là kẻ tội phạm, và hình phạt tù không đồng nghĩa với việc làm mất đi nhân phẩm.
Từ năm 2012 với tư cách là một luật sư vận dụng pháp luật tôi đã có Đơn kiến nghị chấn chỉnh hoạt động bắt giam và hỏi cung của cơ quan điều tra gửi đi các nơi. Trong đơn đã phản ánh tình trạng đời sống khổ sở của những người bị giam giữ, như phòng giam thì chật hẹp, điện nước sinh hoạt thiếu, thức ăn nghèo dinh dưỡng, có hiện tượng bị người giam giữ chung hành hạ, không được thăm gặp người thân, không được tiếp cận với sách báo truyền hình.v.v.
Với điều kiện giam giữ như vậy, con người sẽ suy kiệt về sức khỏe, sa sút về tinh thần, lợi dụng tình trạng đó để lấy lời khai thì đó chính là một hình thức truy bức nhục hình. Môi trường giam giữ nghiệt ngã thực chất chính là một hình thức truy bức nhục hình nhằm bẻ gãy ý chí tự chủ (điều này thực chất là loại bỏ nhân cách) nhằm buộc bị can khai báo, điều này hoàn toàn trái ngược với tinh thần pháp luật nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình.
Thực trạng về môi trường giam giữ khắc nghiệt là có thật, và có nguyên nhân từ nhận thức sai lầm về vai trò tác dụng của những phòng giam giữ, một nguyên nhân khác là đó nhằm duy trì cách thức điều tra phá án bằng cách giam giữ để lấy cung.
Cùng trong các hoạt động thúc đẩy cho cải cách tư pháp, tôi đã viết một loạt bài báo nêu ra các bất cập của quy định bắt giam giữ và phản ánh tình trạng đời sống khổ cực của môi trường giam giữ. Điều đáng mừng là đã có sự lắng nghe cải thiện, năm 2015 Quốc hội đã ban hành Luật tạm giữ, tạm giam đã cải thiện các tiêu chuẩn chế độ giam giữ nhằm đảm bảo các quyền con người. Luật mới quy định về diện tích chỗ nằm đảm bảo mỗi người giam giữ được tối thiểu 02 mét vuông bằng với phạm nhân. Quyền dân sự chính trị của người bị giam giữ được bảo vệ, người bị giam giữ đã được thực hiện quyền bầu cử trong các đợt bầu cử Quốc hội khóa 14 mà trước đó đã không được bảo đảm.
Tuy vậy theo luật mới chế độ tiêu chuẩn về không gian vận động và sinh hoạt tinh thần vẫn hầu như không thay đổi. Điều vô lý là quyền bầu cử phức tạp thì bảo đảm được, trong khi các quyền dân sinh đơn giản lại không bảo đảm được? Mà đối với người bị giam thì cái quyền dân sinh kia mới là quan trọng cần thiết. Có gì mâu thuẫn đâu giữa hoạt động điều tra với việc bị can vận động cơ thể và sinh hoạt tinh thần? Những hoạt động như thể dục rèn luyện sức khỏe hay xem sách báo truyền hình thì ảnh hưởng gì tới việc điều tra?
Việc ban hành quy định bất cập như vậy cho thấy nhà làm luật đã không tính đến mối quan hệ nhân quả giữa chế độ giam giữ và kết quả giáo dục cải tạo con người. Những người bị giam giữ cần được đối xử tốt hơn, có tình người hơn vì địa vị pháp lý của họ khi đó chưa phải là tội phạm. Cách làm phải hợp lý mới có tính thuyết phục giúp khơi dậy lương thiện trong mỗi người, giúp cứu vãn phục hồi nhân phẩm thay vì hủy hoại đi.
Còn tiếp …