Hội đồng nhân dân, có cũng như không?

Vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy đang là điểm nóng của dư luận báo chí và mạng xã hội.

Mặc dù nhiều ban ngành đã lên tiếng nhưng không thấy bất cứ một vị đại biểu Hội đồng nhân dân nào xuất hiện, và tôi cũng chẳng thấy ai nhắc đến các vị này.

Trong khi hoạt động của Trạm thu phí Cai Lậy ảnh hưởng tới việc lưu thông xe cộ của người dân nhiều tỉnh vì đây là tuyến đường quan trọng từ các tỉnh về thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy có nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân ở nhiều địa phương có trách nhiệm liên quan trong việc này.

Nhưng thực tế những người lái xe đã phải nỗ lực tự thân để chống chọi lại những kẻ tham lam vốn muốn móc ví của người dân càng nhiều càng tốt.

Cuộc đấu tranh vất vả của họ có lẽ đã không xảy ra nếu như thiết chế Hội đồng nhân dân cho thấy được ý nghĩa tồn tại của họ.

Không làm gì

Đại biểu Hội đồng nhân dân là một dạng nghị sĩ ở địa phương, được coi là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, được nhân dân bầu ra, giữ chức năng giám sát, chất vấn và kiểm soát bộ máy chính quyền địa phương.

Khi sự việc Trạm thu phí xảy ra, nếu là đại biểu có trách nhiệm thì họ sẽ phải lên tiếng chất vấn các ban ngành về tính hợp lý khoa học của vị trí đặt Trạm, hoặc về sự hợp lý đúng đắn của mức thu.

Xa hơn nữa, ngay từ khi việc xây dựng Trạm thu phí được lên đề án thì đúng ra các đại biểu đã phải giám sát dự án này rồi. Và nếu làm tốt việc yêu cầu giải trình thì có lẽ hậu quả xấu đã không xảy ra hôm nay.

Tới nay khi sự việc đã xảy ra, nếu là những người mẫn cán thì họ sẽ tìm hiểu kiểm tra xem quá trình trước đây ai đã làm gì sai và ai đã không làm điều gì đúng để xảy ra cơ sự như vậy.

Song cho tới thời điểm hiện tại sự vắng bóng hoàn toàn của đại biểu Hội đồng nhân dân các địa phương cho thấy sự vô hiệu mất tác dụng của thiết chế này.

Không làm sao

Một điểm đáng lưu ý là các đại biểu lại không bị xử lý trách nhiệm mặc dù họ đã không thực hiện những việc đúng đắn cần làm, ví như là lên tiếng chất vấn quy kết trách nhiệm.

Không chỉ trong vấn đề Trạm thu phí Cai Lậy, mà trong nhiều vấn đề khác xảy ra trong đời sống xã hội trên phạm vi cả nước, thường rất hiếm khi thấy sự lên tiếng của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trong khi đúng ra đây là một thiết chế mạnh, cung cấp nguồn lực giám sát kiểm soát cực kỳ cần thiết lên các hoạt động công quyền, để đảm bảo các hoạt động là đúng luật, hiệu quả, tránh đi sự lạm quyền, tùy tiện, tiêu cực.

Song do những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thiết chế còn kém đúng đắn khoa học, cho nên thiết chế này lại làm kém vai trò, ảnh hưởng xấu đến hiệu năng chất lượng hoạt động của cỗ máy nhà nước.

Bằng chứng là từ lâu nay nhiều địa phương tồn tại nhiều vấn đề dai dẳng hết năm này qua năm khác mà vẫn không được cải thiện thay đổi.

Ví như nhiều địa phương mắc chứng kinh niên suốt nhiều chục năm luôn phải xin trợ cấp ngân sách của Chính phủ để hoạt động, nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh không đủ chi nên luôn phải xin trợ cấp hàng năm lên đến một nửa ngân sách.

Nhưng đã chẳng có ai là người có lỗi trong việc những việc như vậy và không có ai bị coi là sai.

Không có ai làm gì sai, nhưng hiệu quả phát triển đất nước vẫn kém.

Điều đó cho thấy có vấn đề trong thiết kế tổ chức và vận hành bộ máy.

‘Không làm điều đúng?’

Biết bao nguồn lực đất nước bị tiêu tốn cho những việc không đáng, mà đúng ra đã có thể tránh được bằng việc thiết lập một cách khoa học bộ máy thiết chế, để ai cũng phải làm tốt vai trò của người ấy.

Có một nguyên tắc trong chính trị và pháp luật là hệ quả xấu gây ra không chỉ bởi việc làm sai mà còn do bởi không làm điều đúng.

Trong pháp luật hình sự đã có những tội danh xử lý những việc ‘không làm điều đúng’ như các tội không tố giác tội phạm hoặc tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Trong quản lý công, hậu quả xấu cũng bị gây ra bởi sự ‘không làm điều đúng’ do bởi kém năng lực hoặc kém trách nhiệm.

Từ lâu nay ở Việt Nam, người ta mới chỉ coi trọng việc xử lý việc làm sai, vì điều này nhận thức dễ hiểu, còn việc xử lý trách nhiệm do ‘không làm điều đúng’ thì ít được thực hiện, do bởi nhận thức về các chuẩn mực sinh hoạt chính trị và quản trị còn thiếu tầm.

Theo đó, bộ nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của sinh hoạt chính trị và cỗ máy nhà nước còn lạc hậu, kém khoa học.

Chỉ cho đến vài năm gần đây trước những thực tế hệ quả chính sách tai hại quá lớn, thì dường như người ta mới bắt đầu xem xét xử lý vấn đề mà theo tôi thấy là theo kiểu xử lý trách nhiệm do đã ‘không làm điều đúng’, vì mặc dù đã muốn nhưng trước hệ quả xấu lại khó tìm ra được xem ai đã làm gì sai.

Để đem lại lợi ích cho đất nước, tôi cho rằng đã đến lúc các ban ngành phải áp dụng phương sách quản trị mới, nâng cao chuẩn mực nghiêm ngặt, đó là xử lý mạnh những hành vi thiếu trách nhiệm.

Theo đó cần áp dụng nguyên tắc pháp lý vào trong chính trị, đó là hoàn toàn có thể xử lý một người vì đã không làm điều đúng thay vì chỉ xử lý việc làm sai.

Giống như ở các nước, trước một sự cố sẽ thấy ngay một vị quan chức phải từ chức mặc dù có thể họ đã không làm gì sai, nhưng họ đã phải từ chức vì người dân cho rằng họ đã không làm điều gì đó đúng đắn nên đã để xảy ra sự việc.

Sau khi mất chức họ vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm về các tội danh thiếu trách nhiệm nếu không thuộc trường hợp được miễn trừ.

Ở VN lâu nay có tình trạng cán bộ quan chức ung dung tự tại vì cho rằng mình không làm điều sai, nhưng thực tế hệ quả xã hội đất nước vẫn bi đát. Do vậy cần phải có phương sách cho vấn đề này.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘Hội đồng nhân dân, có cũng như không?’