Hoãn luật do xem nhẹ dân quyền

Bộ luật hình sự năm 2015 do Bộ tư pháp chủ trì soạn thảo bị phát hiện có gần trăm lỗi sai sót nên bị hoãn thi hành, ngoài ra còn kéo theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam cũng bị hoãn.

Trong khi pháp luật về hình sự là mảng luật pháp ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến quyền tự do dân chủ của công dân.

Nó có thể tước bỏ tự do hoặc tính mạng con người, hơn mọi thứ luật khác luật hình sự đòi hỏi sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm cao.

Trì hoãn tiến bộ

Bộ luật hình sự 2015 đã tiếp thu thêm những giá trị nhân bản tiến bộ nên đã bỏ đi mức án tử hình ở 7 tội danh, thay hình phạt tù thành hình phạt tiền đối với 10 tội danh. Để nâng cao hiệu quả quản trị đời sống xã hội cũng như kiến tạo môi trường an toàn cho cộng đồng, luật hình sự mới đã bổ sung thêm 34 tội danh và quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng đã bổ sung thêm nhiều quy định mới tiến bộ như quy định về quyền im lặng, ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can, mở rộng phạm vi đối tượng được mời luật sư bảo vệ… Tựu chung là tăng hàm lượng dân chủ vào trong quy trình tố tụng hình sự lâu nay vốn còn nhiều yếu tố quan liêu chuyên quyền.

Luật thi hành tạm giữ tạm giam cũng được ban hành thay thế cho những quy định áp dụng từ gần 20 năm trước, được kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ đi những quy định sai cũ mà trong một thời gian dài đã lược bỏ xâm hại quyền công dân.

Từ những thay đổi về điều kiện kinh tế xã hội và nhận thức về địa vị pháp lý của người bị giam giữ (chưa bị coi là tội phạm) đã đưa đến những quy định mới, nhiều người đang mong chờ từng ngày luật mới có hiệu lực sẽ giúp cải thiện môi trường điều kiện sống.

Song họ đã bị thất vọng vì luật đã bị đình hoãn. Việc này khiến cho những giá trị nhân bản tiến bộ chậm phát huy tác dụng và kéo dài những sai trái khốn khổ đang đày đọa hàng trăm nghìn con người.

Trong khi để có được những điểm tiến bộ đó biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu đã chảy ra trong thực tế đời sống để làm những dẫn chứng.

Nay chỉ vì sự cẩu thả yếu kém trách nhiệm mà bị trì hoãn, thử hỏi ý thức cẩn trọng trước các quyền công dân ở đâu?

Xâm phạm dân quyền

Nền tư pháp lâu nay còn tồn tại nhiều dạng hành vi coi thường quyền công dân.

Một ví dụ là tình trạng ngăn cản công dân vào tham dự phiên tòa xét xử công khai.

Luật quy định công dân được quyền tham dự phiên tòa xét xử công khai, nhưng lâu nay nhiều người là cha mẹ anh chị em ruột cũng bị cản trở vào tham dự phiên xử con em mình.

Rõ nhất là tình trạng vi phạm xảy ra ở Tòa án thành phố Hà Nội. Đây là cơ quan tư pháp lớn thường xử nhiều vụ án quan trọng được dư luận quan tâm, nhưng rất thường là nơi này lại hạn chế cấm cản người dân vào tham dự phiên tòa công khai.

Người ta đã đánh đổi quyền công dân cho sự nhàn hạ bản thân mình.

Việc ngăn trở người dân vào tham dự phiên tòa xét xử công khai có nguyên nhân từ nhận thức coi việc thực hiện quyền này là không quan trọng, từ đó dẫn đến xâm phạm.

Quyền của người dân đã thế nhưng ngay cả đến quyền của luật sư cũng bị xem thường xâm phạm.

Luật tố tụng hình sự quy định luật sư bào chữa được quyền gặp bị can bị cáo đang bị tạm giam. Nhưng mới đây tôi vào trại tạm giam T16 của Bộ công an nằm ở huyện Thanh Oai, Hà Nội để gặp người được bào chữa là bị can Hàn Đức Long mới được chuyển từ Trại tạm giam Kế thuộc tỉnh Bắc Giang về đây nhưng không được gặp.

Mặc dù đã xuất trình giấy tờ đầy đủ bao gồm cả giấy chứng nhận bào chữa, nhưng cán bộ quản giáo từ chối cho gặp với lý do rằng đang trong giai đoạn điều tra luật sư bào chữa muốn gặp phải có sự tham gia của điều tra viên.

Họ nói đây là quy định từ quy chế phối hợp giữa tổng cục quản lý trại giam và tổng cục điều tra do Bộ công an ban hành.

Quy định này rõ ràng là trái luật xâm phạm quyền của luật sư bào chữa và hạn chế tước bỏ một phần quyền được nhờ người bào chữa của bị can. Vì luật chỉ quy định luật sư được quyền vào gặp bị can đang bị tạm giam, tức là bất kể lúc nào, nay các cơ quan lại thòng thêm điều kiện là trong giai đoạn điều tra luật sư chỉ được gặp khi có mặt của điều tra viên. Như vậy là trái luật.

Lối vi phạm ngang nhiên quyền của công dân đã được luật định, biến nó thành một lề lối thủ tục làm việc công khai, điều này về bản chất là do nhận thức coi thường xem nhẹ các quyền của công dân.

Xem nhẹ dân quyền

Pháp luật hình sự lâu nay xem nhẹ quyền của công dân đó là một sự thật.

Vậy thì nó coi trọng cái gì? Xin thưa rằng pháp luật hình sự đặt nặng và coi trọng việc xử lý tội phạm.

Điều này thể hiện ở chỗ pháp luật đã dành hết mức thuận lợi cho việc điều tra xử lý tội phạm, đến mức hầu như không còn gì để ưu tiên nữa. Mới đây chỉ thấy duy nhất một rào cản cho hoạt động điều tra đó là thông tin về chỉ thị 15 của Bộ chính trị yêu cầu không được trinh sát theo dõi đối với Đảng viên Đảng cộng sản.

Pháp luật hiện tại coi trọng việc xử lý tội phạm và xem nhẹ quyền công dân đã cho phép mọi cơ quan tiến hành tố tụng đều được ra lệnh bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Trong khi đây là những hoạt động xâm phạm trực tiếp quyền tự do dân chủ của công dân, ở các nước họ quy định chỉ có tòa án mới được có quyền này.

Ở Việt Nam, với sự rộng dãi trong việc trao quyền thực hiện cái công việc có khả năng xâm phạm quyền công dân, đã tạo ra thuộc tính mất dân chủ trong tư pháp hình sự.

Pháp luật hình sự cũng yêu cầu mọi cá nhân cơ quan tổ chức đều có trách nhiệm phối hợp và cung cấp tài liệu bằng chứng cho cơ quan điều tra, bất cứ hành vi bất hợp tác nào dù là nhỏ nhất đều bị coi là cản trở điều tra và có thể bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.

Pháp luật hiện cũng cho phép thời hạn điều tra kéo dài và nhiều lần được gia hạn, khiến cho quá trình điều tra có thể kéo dài nhiều năm, mà trong quãng thời gian đằng đẵng đó nhiều bị can mãi chịu cảnh giam cầm. Điển hình như ông Hàn Đức Long là nghi can trong vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em, suốt 11 năm qua đã bao lần điều tra đi điều tra lại mà cơ sở kết tội vẫn sơ sài lỏng lẻo, trong suốt quá trình đó ông Long mãi chịu cảnh giam cầm.

Quyền công dân đã bị xem nhẹ trong tư pháp hình sự, nó luôn là thứ phải hy sinh để phục vụ cho cái được người ta coi trọng hơn là việc điều tra xử lý tội phạm.

Đây là nhận thức trái ngược và sai lầm nghiêm trọng vì xét cho đến cùng thì việc xử lý tội phạm thực chất cũng chỉ nhằm bảo vệ các quyền công dân mà thôi.

Việc hoãn thi hành bộ luật hình sự do có nhiều sai sót, rồi kéo theo hoãn thi hành tới bốn văn bản quan trọng nhất về pháp luật hình sự, đó chẳng là gì khác chính là sự tiếp nối não trạng nhận thức tồn tại lâu nay đó là coi thường xem nhẹ quyền công dân.