Góp ý cho Dự thảo điều lệ Liên đoàn LSVN

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NAM ĐỊNH

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

Số: 10.3/2014/CV-VPLS

V/v Góp ý cho Dự thảo Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–o0o———

 

Nam Định, ngày 10 tháng 3 năm 2014

 

 

Kính gửi:

– LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

– CÁC LUẬT SƯ ĐỒNG NGHIỆP

 

Dự thảo Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam đang được xem xét sửa đổi và được trình Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 2 năm 2014 tới đây.

Sau khi nghiên cứu Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự có mấy ý kiến đóng góp hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm và tiếp thu để Điều lệ liên đoàn luật sư Việt Nam được hoàn thiện hợp lý các vấn đề.

Ý kiến thứ nhất: Khoảng cách giữa các kỳ đại hội 5 năm là dài, cần rút ngắn

Điều 6 Dự thảo điều lệ quy định: Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc do Hội đồng luật sư toàn quốc triệu tập 5 năm một lần. Tương đồng với đó, theo các Điều 7, 8, 9, 10 nhiệm kỳ của Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban thường vụ liên đoàn luật sư, Chủ tịch liên đoàn luật sư, Tổng thư ký liên đoàn luật sư, đều có nhiệm kỳ là 5 năm.

Thời gian như thế là dài, chúng tôi cho rằng như thế sẽ không tốt cho tiến trình xây dựng tổ chức và phát triển nghề luật sư ở Việt Nam.

Chúng ta biết rằng quãng thời gian giữa các nhiệm kỳ toàn bộ hoạt động của tổ chức luật sư về căn bản sẽ do các thiết chế lãnh đạo nắm giữ thực hiện, quyền hành sẽ thuộc về các thiết chế đó. Từng cá nhân luật sư đơn lẻ hầu như không có khả năng tác động gây ảnh hưởng đến chính sách phát triển của nghề nghiệp. Chỉ đến kỳ đại hội 5 năm một lần vai trò của từng cá nhân luật sư mới được coi trọng, khi đó luật sư thành viên mới có cơ hội phát huy quyền của mình thông qua việc bàn luận, bầu phiếu và biểu quyết.

Nếu các chính sách đưa ra là đúng đắn thì không sao, những người được bầu có năng lực thì không sao, nhưng nếu chính sách sai lệch hay nhân sự yếu kém thì cần nhanh chóng có cơ chế sửa chữa. Tổ chức luật sư Việt Nam còn rất non trẻ và vị thế nghề nghiệp luật sư trong xã hội còn yếu kém, do vậy cần rất tích trong sinh hoạt hội đoàn, tổng hợp trí tuệ tập thể giúp thúc đẩy nghề nghiệp phát triển.

Những kỳ bầu cử là các quãng thời gian sinh hoạt hội đoàn rất tích cực, tạo điều kiện môi trường cho các luật sư trao đổi phân tích về các vấn đề, làm rõ những bất cập tồn tại, nhận định đánh giá năng lực cá nhân, loại bỏ những người yếu kém.

Như thế để tốt cho tổ chức nghề nghiệp cần rút ngắn thời gian giữa các kỳ đại hội.

 

Những người được bầu thì thông thường muốn có nhiệm kỳ dài, nhưng với tư cách luật sư thành viên thì sẽ tốt hơn cho tổ chức khi những người giữ vai trò lãnh đạo phải thường xuyên chứng minh năng lực cống hiến của mình để xứng đáng được bầu và tiếp tục giữ cương vị.

Luật sư thành viên muốn có vai trò quan trọng đối với tổ chức, muốn quan tâm và tác động tới chính sách của tổ chức thì cần biết cách nắm giữ lấy quyền hạn của mình.

Do đó với tư cách là một thành viên của liên đoàn luật sư Việt Nam chúng tôi cho rằng nhiệm kỳ đại hội 5 năm là quá dài không tốt cho tổ chức nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Đề nghị rút xuống là 3 năm.

Đề nghị các luật sư quan tâm tiếp tục bàn luận.

Ý kiến thứ hai: Cần bổ sung cơ cấu về độ tuổi

Chúng tôi cho rằng cần bổ sung cơ cấu về độ tuổi đời và tuổi nghề đối với những luật sư được bầu giữ vị trí trong các thiết chế Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban thường vụ liên đoàn luật sư, Chủ tịch liên đoàn luật sư, Tổng thư ký liên đoàn luật sư.

Về tuổi đời: Đề nghị giới hạn độ tuổi tất cả các vị trí được bầu là dưới 65 tuổi, ngoài ra trong các thiết chế Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban thường vụ cần có cơ cấu độ tuổi theo số lượng người. Ví dụ cần có bao nhiêu người dưới 40 tuổi, bao nhiêu người từ 40 đến 65 tuổi, cụ thể như thế nào thì đề nghị các luật sư bàn luận thêm, hẳn là có nhiều luật sư có hiểu biết và kinh nghiệm về vấn đề này nhưng chưa có ý kiến.

Nếu có cơ cấu về độ tuổi sẽ phát huy năng lực sức trẻ và kết hợp với kinh nghiệm của lớp người lớn tuổi hơn, điều đó cũng tăng tính đại diện cho các lớp luật sư khác nhau.

Về tuổi nghề: Chúng tôi cho rằng phải là những người đã từng đổ mồ hôi và nước mắt vì nghề nghiệp mới đau đáu nỗi niềm vạch đường tìm lối để nghề luật sư phát triển.

Là một luật sư thành viên, chúng tôi thấy sẽ tốt cho mình, tốt cho tổ chức mà mình là thành viên, tốt cho nghề nghiệp của mình khi những người được bầu giữ vị trí phải là những người thấu hiểu những khó khăn, nhìn rõ những thực trạng của nghề nghiệp. Và những người như vậy chỉ có thể là những người có tuổi nghề cao, hay nói cách khác là có thâm niên nghề nghiệp.

Cho nên chúng tôi đề nghị bổ sung yêu cầu về tuổi nghề đối với tất cả những luật sư được bầu giữ vị trí trong các thiết chế lãnh đạo tối thiểu là 10 năm hành nghề.

Cuối cùng:

Trên đây là 2 ý kiến ngắn đối với Dự thảo điều lệ, rất mong các luật sư đồng nghiệp quan tâm và bàn luận thêm để đưa ra các sáng kiến bổ sung cho hai ý kiến đó và các vấn đề khác của Dự thảo điều lệ, chúng tôi tin tưởng là có rất nhiều luật sư có kiến thức và kinh nghiệm nhưng do bận rộn công việc nên chưa quan tâm. Do vậy chúng tôi kêu gọi các luật sư thành viên dành thời gian quan tâm đóng góp ý kiến trí tuệ, chung vai góp sức để xây dựng tổ chức nghề nghiệp chung.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin xin liên hệ: Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, địa chỉ: 106/1 Lương Thế Vinh, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định.

Tại Hà Nội: Liên hệ LS Ngô Ngọc Trai, Số 62 Thái Thịnh II, Hà Nội

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

TRƯỞNG VĂN PHÒNG