Góp ý Báo cáo Đại hội luật sư toàn quốc lần thứ 2

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NAM ĐỊNH

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

Số: 30.11/2013/CV-VPLS

V/v Góp ý cho Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ I (2009 – 2014) và phương hướng công tác nhiệm kỳ II (2014 – 2019) của Liên đoàn luật sư Việt Nam

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–o0o———

 

 

 

Nam Định, ngày 30 tháng 11 năm 2013

 

Kính gửi:

– CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

– CÁC LUẬT SƯ ĐỒNG NGHIỆP

 

Năm 2014 Liên đoàn luật sư Việt Nam (LĐLSVN) sẽ tổ chức Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 2. Phục vụ công tác Đại hội, Hội đồng luật sư toàn quốc đã chuẩn bị Dự thảo báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ I (2009 – 2014) và phương hướng công tác nhiệm kỳ II (2014 – 2019) (sau đây gọi tắt là Dự thảo) của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Bản dự thảo hiện đang xin ý kiến đóng góp của các luật sư.

Sau khi nghiên cứu, Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự (Đoàn luật sư tỉnh Nam Định) có ý kiến đóng góp và chia sẻ quan điểm với các luật sư đồng nghiệp. Hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm và tiếp thu để bản Báo cáo tổng kết công tác trình Đại hội sang năm được đầy đủ và hợp lý các vấn đề.

NỘI DUNG Ý KIẾN GÓP Ý

Vấn đề thứ nhất: Dài dòng nhưng lại thiếu nội dung quan trọng

Bản dự thảo báo cáo tổng kết công tác dài tới 33 trang A4, kiểu chữ Times New Roman cỡ chữ 14, nhiều đoạn nội dung dài dòng hời hợt, nhắc đến nhiều cơ quan, đặt ra nhiều vấn đề nhưng không hề nhắc đến Ban nội chính Trung ương.

Ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 158-QĐ/TW thành lập Ban Nội chính Trung ương. Theo đó Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.  Ban nội chính có thẩm quyền chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, đề xuất với Bộ chính trị định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án…

Theo quyết định của Bộ chính trị, Liên đoàn luật sư Việt Nam chịu sự giám sát về tổ chức và hoạt động của Ban nội chính, LĐLS cũng là một trong những cơ quan mà Ban nội chính có trách nhiệm phối hợp với để nghiên cứu đề xuất những chủ trương định hướng lớn cho Bộ chính trị. Nhiều nội dung hoạt động của Ban nội chính gần gũi với hoạt động hành nghề của luật sư.

Dự thảo báo cáo đã hoàn toàn bỏ qua Ban nội chính và không nghiên cứu khai thác mối tương quan trách nhiệm với cơ quan này trong sự nghiệp chung xây dựng nền tư pháp Việt Nam để từ đó nâng cao vị thế vai trò của tổ chức luật sư, cũng như chứng tỏ thiện chí hợp tác nhằm thực hiện tốt đường lối lãnh đạo của đảng.

Nhiều cơ quan được nhắc đến, nhắc đến nhiều lần nhưng hoàn toàn không có Ban nội chính, như thế là sự mất cân đối hài hòa trong quan hệ công tác. Đây là sai sót của riêng người chắp bút dự thảo hay là quan điểm chung của Ban thường vụ Liên đoàn luật sư, Hội đồng luật sư toàn quốc?

Dù là của cá nhân hay tập thể, tôi cho rằng đây là nhận thức sai lầm mang tầm chiến lược trong tổ chức và hoạt động của LĐLS.

Vấn đề thứ hai: Chiến lược phát triển nghề luật sư còn thiếu sót;

Dự thảo nêu: Tại thời điểm Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập (tháng 5/2009), nước ta có hơn 5.300 luật sư; đến nay, số lượng luật sư cả nước là hơn 8.021 luật sư (sau 05 năm số lượng luật sư tăng gần 3.000 luật sư tương đương khoảng 40%). Như vậy, trong 05 năm qua, đội ngũ luật sư nước ta đã phát triển tương đối nhanh về số lượng. Tuy nhiên, sự phát triển về số lượng luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số hơn 8000 luật sư của cả nước thì riêng Đoàn luật sư TP. Hà Nội có 2039 luật sư, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có 3304 luật sư, chiếm hơn 2/3 tổng số luật sư của cả nước. Ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, số lượng luật sư không đủ đáp nhu cầu dịch vụ pháp lý của nhân dân, ngay cả đối với các vụ án bắt buộc phải có luật sư tham gia cũng rất khó khăn. Nhiều Đoàn luật sư có số lượng luật sư không quá 20 người như Đoàn luật sư tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Hậu Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Trị, Trà Vinh…; đặc biệt một số Đoàn luật sư chỉ có dưới 10 luật sư như: Bắc Kạn, Hà Giang, Kon Tum, Sơn La, Yên Bái, lai Châu…Trong khi đó, số dân các tỉnh đều xấp xỉ 1.000.000 người, tính tỷ lệ luật sư/số dân chỉ khoảng 01 luật sư/11.710 dân.

Với thực trạng như vậy nhưng không thấy nêu ra giải pháp giải quyết tình trạng mất cân đối về số lượng luật sư phân bổ giữa các vùng miền, giữa thành phố lớn và các tỉnh miền núi trong khi chỉ thấy Dự thảo quan tâm đến việc phát triển số lượng luật sư.

Nếu vấn đề này nếu không có phương hướng tháo gỡ thì cho dù đến năm 2020 số lượng luật sư có đạt được mục tiêu là 18.000 đến 20.000 luật sư thì đó vẫn là bước phát triển không bền vững. Sẽ vẫn có nơi thiếu luật sư và không đủ đáp ứng các vụ án phải có luật sư tham gia bào chữa theo quy định pháp luật.

Nguyên nhân nào khiến các luật sư chỉ tập trung ở các thành phố lớn? Vì đó cũng đồng thời là trung tâm kinh tế, các luật sư dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm khách hàng. Mặt khác, quy định bất cập của luật luật sư năm 2006 đã góp phần vào nguyên nhân gây ra tình trạng bất cân xứng trong phân bổ số lượng luật sư theo địa bàn lãnh thổ.

Luật luật sư 2006 quy định “Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên”

Quy định như trên là rất bất hợp lý. Tại sao lại cản trở không cho luật sư Đoàn này tự đứng ra thành lập tổ chức hành nghề ở một địa bàn Đoàn khác? Tại sao lại “bế quan tỏa cảng” phân biệt đối xử như vậy? Tổ chức hành nghề luật sư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, ở đâu cũng tuân thủ pháp luật, ở đâu cũng đều thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam, vậy tại sao lại phân biệt cản trở?

Điều 21 Luật luật sư năm 2006 quy định luật sư được quyền hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Quyền hành nghề luật sư bao gồm trong đó cả quyền thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Một mặt quy định luật sư được hành nghề trên toàn lãnh thổ, mặt khác lại cản trở luật sư đứng ra thành lập tổ chức hành nghề trên địa bàn khác, như vậy có mâu thuẫn không? Quy định Ls chỉ được thành lập tổ chức hành nghề trên địa bàn mình là thành viên thì tính sao với trường hợp luật sư muốn hành nghề ở nước ngoài?

Quy định bất cập trên là nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng các luật sư tập trung đông ở các thành phố lớn và thiếu hụt ở các tỉnh. Một thực tế lâu nay, nhiều luật sư từ các tỉnh muốn thành lập tổ chức hành nghề tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh thì đành từ bỏ đoàn luật sư nơi cũ để gia nhập vào đoàn luật sư Hà Nội hoặc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó tại các tỉnh vốn đã ít luật sư lại càng bị mất dần nguồn nhân lực.

Quy định trên mang tính địa phương chủ nghĩa chỉ có lợi cho các đoàn luật sư lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và điều đáng tiếc là Luật luật sư sửa đổi năm 2012 vẫn giữ nguyên quy định này mặc dù trong thời gian sửa đổi luật tôi đã có ý kiến góp ý gửi tới một số lãnh đạo liên đoàn và một số đại biểu quốc hội.

Do vậy đề nghị bổ sung vào Dự thảo nội dung phân tích thực trạng phân bổ không đồng đều số lượng luật sư theo địa bàn lãnh thổ và phương cách giải quyết tình trạng này.

Vấn đề thứ ba: Về Thông tư 70/2011/TT-BCA của Bộ công an

Trong Dự thảo báo cáo có nhắc đến một việc được xem như thành tích của Lãnh đạo LĐLS trong nhiệm kỳ I đó là phối hợp với Vụ pháp chế của Bộ công an để Bộ công an ban hành Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 về hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra.

Tôi thấy cần đánh giá lại xem việc này có đúng là thành tích hay không?

Thông tư 70 đã quy định một số nội dung có lợi cho luật sư ví dụ: quy định rõ khi giao giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư thì phải giao tại trụ sở cơ quan điều tra và phải lập biên bản giao nhận. Thông báo trước cho luật sư về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can…

Tuy nhiên thông tư 70 lại có một bước thụt lùi nghiêm trọng trong việc bảo vệ quyền hành nghề của luật sư. Theo đó, quy định mới buộc người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam phải viết thư mời đích danh luật sư hoặc viết thư về nhờ người thân trong gia đình mời luật sư thì khi đó luật sư mới được cấp giấy bào chữa.

Trước khi có thông tư 70 thì người thân vẫn được quyền đứng ra mời luật sư cho người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam tuy đôi chỗ còn bị gây khó khăn, nhưng theo quy định mới thì luật sư còn bị gây khó khăn hơn nhiều và dễ dàng bị từ chối. Theo quy định mới việc bị can có luật sư hay không, luật sư tham gia nhanh hay chậm hoàn toàn tùy thuộc vào thiện chí của điều tra viên và cơ quan điều tra.

Một việc thực tế: Khi tôi làm thủ tục bào chữa cho bị can Đoàn Văn Vươn thì cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hải Phòng đã từ chối cấp giấy bào chữa với lý do ông Vươn không có thư gửi cho gia đình nhờ mời luật sư bào chữa, họ đã viện dẫn quy định mới của thông tư 70.

Sau đó có sự việc là ông Vươn viết đơn tự mời luật sư Hùng từ trong trại giam nhưng không rõ là văn phòng luật sư Đông Đô hay Kinh Đô, cơ quan điều tra đã gặp khó khăn để xác định chính xác Ls Hùng nào mà ông Vươn muốn mời, chính tôi khi đó đã cho điều tra viên số điện thoại của ls Hùng để liên hệ công việc.

Lãnh đạo LĐLS khi tham gia cùng Vụ pháp chế soạn thảo Thông tư 70 đã không lưu tâm tới một điều thực tế là điều kiện giam giữ người hiện nay như thế nào, giấy bút đâu để viết? Tinh thần “thiện chí hợp tác” của điều tra viên với luật sư bào chữa thế nào, có tạo điều kiện giúp cho bị can được có luật sư không?

Là một luật sư thực sự hành nghề, khi biết quy định mới của thông tư 70 vô lý bất lợi cho luật sư, tôi đã soạn đơn kiến nghị đề nghị Bộ công an sửa đổi, đồng thời cũng gửi tới lãnh đạo liên đoàn luật sư đề nghị có ý kiến về vấn đề này nhưng tuyệt nhiên không thấy ai phản hồi. Phải chăng lãnh đạo LĐLS sau khi được chỉ ra vẫn đồng thuận chấp nhận quy định vô lý của thông tư 70?

Điều may mắn là nhiều điều tra viên đã không tuân thủ đúng như quy định của thông tư 70, nếu họ làm đúng thì rất khó cho luật sư làm việc. Một điều may mắn nữa là quy định trên đã bị loại bỏ nhưng không phải bởi Bộ công an mà bởi Quốc hội, vì Luật luật sư sửa đổi năm 2012 đã quy định rõ tại Điều 27 ngoài người tạm giữ, bị can được mời luật sư cho chính mình thì vẫn có những người khác được mời luật sư cho họ và cơ quan điều tra không được từ chối.

Kết quả phối hợp làm việc của Lãnh đạo LĐLS với Vụ pháp chế của Bộ công an là như thế. Vậy đó có phải là thành tích không?

Cũng thông cảm vì đây là lần đầu tiên và cũng bởi người bên bộ công an vốn lọc lõi và đầy kinh nghiệm, lãnh đạo LĐLS phải rút kinh nghiệm, không để tái diễn tình trạng luật sư tham gia soạn thảo mà văn bản quy định lại ngặt nghèo bất lợi cho luật sư hơn trước.

Trong mục phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II của dự thảo báo cáo vẫn là tiếp tục phối hợp với Bộ công an trong việc thực hiện thông tư 70?

Đây là điều vô lý hết sức, LĐLS nên sửa lại Dự thảo báo cáo và cần có công văn kiến nghị Bộ công an sửa đổi thông tư 70 cho phù hợp với Luật luật sư sửa đổi năm 2012 đã có hiệu lực pháp luật từ 1/7/2013. Như thế mới cho thấy lãnh đạo LĐLS biết lắng nghe và biết làm gì có ích cho luật sư thành viên.

Vấn đề thứ tư: Về Công văn 277/LĐLSVN yêu cầu mặc trang phục luật sư

Trong Nhiệm kỳ I, ngày 25/10/2011 lãnh đạo LĐLSVN gửi công văn 277 tới tòa án nhân dân tối cao đề nghị tòa tối cao chỉ đạo tòa án các cấp lưu ý trang phục luật sư khi tham gia phiên tòa, theo đó công văn đề nghị: Chỉ chấp nhận các luật sư tham gia phiên tòa khi mặc đúng trang phục của Liên đoàn LSVN.

Trước đó trong giới luật sư cũng nghe phong phanh về đồng phục luật sư và thấy điều đó cũng bình thường. Nhưng khi LĐLS có công văn 277 thì sự việc không còn đơn giản nữa mà đã gây khó khăn cho nhiều luật sư trong đó có tôi.

Cuối năm 2011 khi tham gia phiên tòa tại TAND huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ông Chánh án cùng với Viện kiểm sát đã gần như áp chế buộc luật sư phải ký vào biên bản vi phạm cách ăn mặc theo quy định của LĐLS thì mới cho tham gia phiên tòa. Trong khi tôi hoàn toàn không biết đến công văn 277. Biên bản ghi rõ tôi mặc áo véc tối màu nhưng không phải màu đen, áo sơ mi sáng màu nhưng không đúng là áo trắng như quy định, cà vạt thì đeo đúng.

Luật sư hành nghề chưa đủ khó khăn hay sao mà lãnh đạo LĐLS lại quàng thêm khó khăn cho ls? LĐLS đã không thông báo tới các luật sư về yêu cầu phải mặc trang phục khi tham gia phiên tòa, đây là việc làm tắc trách thiếu trách nhiệm. Lãnh đạo LĐLS đã không dự liệu những vướng mắc mà luật sư gặp phải, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới khách hàng và uy tín của giới luật sư. Đến như luật ban hành còn có một khoản thời gian giữa ngày thông qua và ngày có hiệu lực, công văn 277 gửi đi mà không hề khuyến cáo hay cảnh báo cho các luật sư.

Đây là việc làm quan liêu phải chăng là muốn thể hiện uy quyền của lãnh đạo LĐLS? Tổ chức luật sư là tổ chức nghề nghiệp chứ không phải cơ quan hành chính nhà nước, đừng đem thói quan liêu từ bên kia sang bên này. Đây không phải là việc làm khôn ngoan mang tính xây dựng có tinh thần giúp đỡ bảo vệ các luật sư. Yêu cầu lãnh đạo LĐLS kiểm điểm lại sự việc này và trong tương lai không được thực hiện các động thái muốn phô trương thể hiện quyền lực hòng đạt được mục đích của một vài người mà không quan tâm bảo vệ quyền lợi của toàn thể ls thành viên.

Vấn đề thứ năm: Về các đoàn tham quan công tác nước ngoài

Sau khi Liên đoàn LSVN được thành lập đã có nhiều đoàn công tác nước ngoài do các tổ chức quốc tế và đoàn luật sư nước bạn mời sang tham quan học hỏi. Nhưng có luật sư đi chỉ chú trọng đến tham quan danh lam thắng cảnh chụp ảnh mà không thấy có báo cáo kết quả tiếp thu từ các chuyến công tác. Hay có báo cáo nhưng hiện chưa công khai?

Đề nghị LĐLS cho công khai danh sách các chuyến công tác và yêu cầu những người tham gia phải có báo cáo kết quả công tác và đăng lên mạng cho toàn thể luật sư được biết. Các dịp công tác nước ngoài là cơ hội hết sức quý báu để chúng ta thấy được cách thức xây dựng bố trí các thiết chế, các định chế pháp luật tiến bộ, các quy định pháp luật khôn ngoan của nước bạn. Luật sư được cử đi phải tận dụng cơ hội quý báu đó tiếp thu những văn minh tiến bộ về để quảng bá phổ biến cho luật sư trong nước để cùng học hỏi.

Cần phải rõ ràng việc này bởi có những chuyến công tác sử dụng đến tiền phí do luật sư thành viên đóng góp, đến ngân sách nhà nước. Tránh tình trạng như một số cơ quan cử người đi tham quan công cán nước ngoài như một sự chia sẻ nguồn lợi thành quả cho những người cùng ê kíp hay một khoản hối lộ hoặc một phần thưởng trước khi về nghỉ công tác…

ĐỀ XUẤT PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ II

Ban nội chính là cơ quan tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo Đảng về công tác nội chính và xây dựng luật pháp, các hoạt động của cơ quan này rất gần gũi với hoạt động của luật sư. Do vậy LĐLS cần chủ động nghiên cứu đề xuất chương trình làm việc với Ban nội chính về các vấn đề chung của nền tư pháp, phục vụ cho sự nghiệp chung.

Một số gợi ý hoạt động LĐLS có thể làm như sau:

Ví dụ 1: Đề xuất với Ban nội chính vấn đề khi Ban nội chính tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan nội chính để có phương hướng giải quyết một số vụ việc vụ án, thì cũng đề nghị có đại diện của tổ chức luật sư. Tiếng nói của đại diện luật sư sẽ giúp Ban nội chính có thêm một góc nhìn để sự việc được sáng tỏ.

Ví dụ 2: Xuất phát từ thực tiễn hoạt động, các luật sư thấy được những bất cập của quy định luật, LĐLS cần tổng hợp ý kiến và chủ động nêu vấn đề, đề xuất với Ban nội chính trong việc sửa đổi luật pháp. Tình trạng truy bức nhục hình trong quá trình điều tra hình sự ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng án oan sai. Vậy LĐLS nên lấy ý kiến của các luật sư về nguyên nhân và giải pháp, sau đó tổng hợp đề xuất với Ban nội chính tổ chức họp liên ngành với các cơ quan kia từ đó đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung luật.

Một tệ trạng nữa của nền tư pháp hiện nay đó là thời gian tiến hành tố tụng còn quá dài, gây tốn kém. Có nơi kéo dài thời gian giải quyết án là nhằm gây khó dễ để vòi vĩnh tiền đương sự, nuôi án… Đây là vấn đề mà các luật sư thực việc biết rất rõ, vậy lãnh đạo LĐLS cần chủ động nêu vấn đề với Ban nội chính sửa đổi luật rút ngắn thời gian tiến hành tố tụng xuống.

Ví dụ 3: Sự phát triển của nghề luật sư phụ thuộc vào sự tiến bộ của nền tư pháp. LĐLS cần chủ động đưa ra sáng kiến góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam được trở nên công minh tiến bộ. LĐLS có thể phát động phong trào CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP, Lãnh đạo LĐLS hãy đặt câu hỏi cho toàn thể luật sư thành viên: Tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp có lợi hay có hại cho luật sư? Có lẽ rồi cũng có những ý kiến khác nhau.

Nhận thức ra vấn đề sẽ tìm ra giải pháp. LĐLS cần tổ chức lấy ý kiến các luật sư trong quá trình hành nghề xem khâu nào, giai đoạn nào là hay xảy ra tham nhũng nhất, từ đó xác định nguyên nhân giải pháp trình Ban nội chính trung ương để có phương hướng giải quyết.

Ví dụ 4: Để nâng cao vị thế vai trò của luật sư trong xã hội, để giảm tình trạng oan sai, để nâng cao tỷ lệ án xử có sự tham gia của luật sư, LĐLS có thể đề xuất với Ban nội chính bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự, theo đó đối với các án có khung hình phạt từ 10 năm tù trở nên phải có luật sư bào chữa. Hiện chỉ có những vụ án bị can bị cáo chưa đủ tuổi thành niên hoặc khung hình phạt lên tới chung thân tử hình mới buộc phải có luật sư, nếu không có luật sư mời thì có luật sư chỉ định. Đề xuất như trên “vừa ích nước vừa lợi nhà” rất nên được thực hiện.

Lâu nay LĐLS cũng có hoạt động góp ý về các vấn đề đó nhưng có lẽ là với Bộ tư pháp hoặc Chính phủ. Đó là việc rất tốt cần duy trì phát huy nhưng cũng phải hài hòa tính đến vai trò và thẩm quyền của Ban nội chính, là cơ quan nắm các hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử. Nếu phối hợp công tác tốt ý kiến của luật sư sẽ mau chóng đến được với cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, tạo điều kiện giúp Ban nội chính thực hiện vai trò của mình, góp phần thúc đẩy nền tư pháp Việt Nam được trở lên công minh tiến bộ.

KẾT THÚC

Kể từ ngày thành lập đến nay (2009 – 2013) Ban lãnh đạo LĐLSVN đã cố gắng làm được nhiều việc để hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của LĐLS, giúp đỡ chính quyền quản lý hoạt động của luật sư, bảo vệ quyền lợi cho luật sư trong khi hành nghề. Chúng ta dành tình cảm trân trọng và biết ơn các luật sư đã dành thời gian, công sức và trí tuệ để làm việc, xây dựng cho giới luật sư Việt Nam một ngôi nhà chung.

Cũng trên tinh thần xây dựng và sốt ruột trước những nan đề của nền tư pháp nước nhà, nên việc chỉ ra những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt như trên đây thiết nghĩ là cần thiết nhằm tránh tiếp tục ở nhiệm kỳ II. Hy vọng tổ chức luật sư Việt Nam sẽ có những bước trưởng thành mới, dành được nhiều sự tín nhiệm của xã hội.

Rất mong nhận được sự quan tâm.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

TRƯỞNG VĂN PHÒNG

 

Nơi gửi:

–          Như kính gửi;

–          Ban nội chính TW;