Giải pháp nào cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp?

Từ mấy năm trước các ban ngành nhà nước đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhưng mục tiêu này đến nay được đánh giá là không thể đạt được.

Vì chỉ còn 2 năm nữa là đến mốc thời hạn cuối cùng nhưng theo số liệu báo cáo của Tổng cục thống kê mới đây về tình hình doanh nghiệp thì tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế tính đến thời điểm 31/12/2017 mới chỉ đạt 561.064 doanh nghiệp.

Trong 9 tháng đầu năm 2018 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 96.611 doanh ngiệp, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 22.897 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 23.053 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 50.050 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 11.536 doanh nghiệp. Đến hết tháng 9/2018 số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong toàn bộ nền kinh tế đạt khoảng 595.933 doanh nghiệp.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức đang thụ án trong bản án 16 năm tù giam

Vậy làm thế nào để gia tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động cho nền kinh tế? Tôi xin đưa ra một gợi ý giải pháp mà nếu được thực hiện thì cũng sẽ giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp và nâng cao chất lượng của nền kinh tế.

Không thấy “phá sản”

Trong các số liệu của Tổng cục thống kê nêu trên được thể hiện trong báo cáo của Ủy ban kinh tế của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 không thấy có số liệu về doanh nghiệp phá sản.

Trong khi báo cáo có các số liệu cập nhật rất đầy đủ về doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký và không đăng ký, doanh nghiệp chờ giải thể.

Theo luật hiện nay giải thể là hình thức chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong khi vẫn đủ khả năng trả hết các khoản nợ. Còn phá sản là thủ tục chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp khi đã mất khả năng thanh toán.

Như vậy đối với số doanh nghiệp giải thể thì có thể lạc quan là vấn đề nợ đọng của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo và hy vọng về khả năng quay trở lại của doanh nghiệp hãy vẫn còn.

Nhưng còn đối với doanh nghiệp phá sản thì sự vắng bóng của số liệu phải chăng do người ta không muốn làm tối màu bức tranh kinh tế?

Tôi cho rằng có khi muốn cũng chẳng có số liệu để mà báo cáo.

Vì sao như vậy?

Mặc dù không có số liệu về doanh nghiệp phá sản nhưng làm phép loại suy chúng ta vẫn có thể hình dung ra được con số.

Theo số liệu thống kê thì số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký đã có, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đã có, còn lại là số doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc đang chờ giải thể là 50.050 doanh nghiệp.

Nếu vẫn còn khả năng trả nợ thì có khó gì đâu cho doanh nghiệp làm thủ tục giải thể? Do vậy những doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký mà cũng không làm thủ tục giải thể thì có thể quy cho là lâm vào tình trạng mất khả năng trả nợ.

Như vậy có thể nhận định số doanh nghiệp thực chất lâm vào tình trạng phá sản là một phần nào đó nằm trong con số 50.050 doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc đang chờ giải thể này.

Và đây mới chỉ là con số của 9 tháng đầu năm 2018, nếu tính cộng số liệu trong nhiều năm thì con số doanh nghiệp thực chất lâm vào tình trạng phá sản sẽ còn cao hơn nữa.

Vậy nếu chúng ta có cơ chế giúp giải quyết nhanh chóng số doanh nghiệp này, tất toán các khoản công nợ và kết thúc mọi nghĩa vụ cho chủ doanh nghiệp thì sao?

Thì khi đó chúng ta sẽ mở ra cơ hội cho sự quay trở lại của một số lượng rất lớn doanh nhân có kinh nghiệm. Và đó chính là mấu chốt của vấn đề giúp gia tăng số lượng để đạt đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp.

Phá sản giúp giải thoát khỏi nợ nần

Vậy vì sao lâu nay số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục phá sản lại ít đến nỗi chẳng có số liệu để mà báo cáo?

Nguyên nhân một phần là do nhận thức, một phần là do năng lực thực thi.

Về nhận thức thì hiện tại nhiều người vẫn chưa hiểu hết về phá sản doanh nghiệp và thường hay đánh đồng phá sản với tội phạm trốn nợ.

Trong khi chỉ một số nhất định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản do chủ doanh nghiệp làm việc gì đó vi phạm pháp luật.

Còn lại rất nhiều trường hợp tình trạng mất khả năng trả nợ đơn thuần là do vấn đề năng lực quản trị, kế hoạch kinh doanh, nghị lực vươn lên, hoặc những biến động thị trường.

Khi đó việc mất khả năng trả nợ chỉ đơn thuần là quan hệ pháp luật dân sự.

Mà trong quan hệ pháp luật dân sự thì khi hết tài sản không còn gì nữa thì con nợ cũng được giải thoát khỏi trách nhiệm trả nợ.

Giống như trong rất nhiều bản án dân sự do tòa án tuyên buộc bên này phải trả tiền cho bên kia, nhưng nếu không có tiền để thi hành án thì cũng thôi chứ có làm gì được bên có nghĩa vụ nữa đâu.

Trong các doanh nghiệp như cổ đông góp vốn trong công ty cổ phần hay thành viên góp vốn trong công ty Trách nhiệm hữu hạn thì những người này cũng chỉ chịu trách nhiệm tương tứng với phần vốn góp của họ.

Khi đó thủ tục phá sản thực ra là quy trình pháp lý giúp tất toán các hợp đồng, kết thúc một chu kỳ quan hệ về quyền lợi nghĩa vụ dân sự.

Sau khi xác định các khoản nợ và mức độ tài sản hiện còn của doanh nghiệp, thủ tục phá sản sẽ được thực hiện. Khối tài sản ít ỏi còn lại sẽ được dùng để chi trả cho các khoản nghĩa vụ lần lượt được xác định. Sẽ có những khoản nợ không được hoàn trả vì tài sản doanh nghiệp đã hết. Và khi đó chủ nợ cũng đành phải chấp nhận.

Khi đó thủ tục phá sản chính là cách để giải thoát trách nhiệm cho các doanh nhân khỏi các vướng mắc pháp lý, làm sạch bản thân để từ đó có thể có một khởi đầu mới.

Theo Luật phá sản năm 2014 đang có hiệu lực thi hành thì chế tài cuối cùng mà một chủ doanh nghiệp có thể phải chịu đó là bị cấm thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 3 năm.

Nhưng chế tài đó cũng chỉ áp dụng cho những người đã có hành vi bất hợp tác chống đối trong quá trình xử lý thủ tục phá sản. Còn lại hầu như không có vấn đề gì đối với một chủ doanh nghiệp thực hiện thủ tục phá sản.

Ích lợi như thế mà lâu nay rất ít doanh nghiệp thực hiện cho xong thủ tục phá sản một doanh nghiệp.

Và điều đáng buồn là tình trạng này lại một lần nữa làm lộ ra vấn đề năng lực của ngành Tư pháp Việt Nam.

Bởi lẽ thủ tục phá sản là một quy trình tư pháp được thực hiện bởi Tòa án. Quyết định về phá sản doanh nghiệp có hiệu lực thực thi tương tự như bản án.

Song những thủ tục tư pháp nhiêu khê và năng lực thực thi yếu kém đang là nguyên nhân khiến cho rất ít doanh nghiệp thực hiện thủ tục phá sản, ít đến nỗi không cả có số liệu thống kê về phá sản.

Nay để gia tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, các ban ngành cần phải giải quyết cho thông suốt vấn đề doanh nghiệp phá sản.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘Giải pháp nào cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp?’