Dự thảo luật đất đai chưa nhiệt tâm về áp thuế đất

Hôm 21/3 báo chí đưa tin Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam vừa có báo cáo tổng kết kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Một trong các nội dung tổng kết có nội dung đánh giá cho rằng văn bản dự thảo hiện chưa cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương về đất đai, quy định áp mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất.

Cần quy định rõ

Tôi cho rằng ý kiến nhận định như vậy là đúng, bởi nghị quyết số 18 đã nêu nội dung như vậy thì dự luật đất đai cần cụ thể hóa bằng những điều luật.

Cần quy định rõ việc áp mức thuế cao hơn là cao bao nhiêu, cụ thể mức thuế suất ra sao đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều là bao nhiêu, nhiều theo diện tích hay nhiều theo số lượng?

Có phải theo thông lệ nhận thức lâu nay cứ số lượng từ hai trở lên thì được coi là nhiều, bởi vậy mà lâu nay mới có ý kiến áp thuế bất động sản cho người sử dụng từ bất động sản thứ hai trở lên?

Hoặc như trường hợp một người dù chỉ sử dụng một mảnh đất nhưng diện tích lên tới hàng chục nghìn mét vuông thì có bị cho là sử dụng nhiều diện tích đất và bị áp mức thuế cao?

Đối với các loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hay đất khác thì tính như nào là nhiều?

Cần có các quy định rõ ràng như vậy để cho thấy mức độ nghiêm túc và sự nhiệt tâm đối với một nội dung quan trọng là việc áp thuế bất động sản.

Nên biết rằng, bên cạnh luật đất đai thì sẽ có một văn bản luật khác nữa là luật thuế bất động sản, văn bản luật này sẽ quy định cụ thể về thuế bất động sản và thẩm quyền trình tự việc thu thuế.

Để đồng bộ thì luật đất đai quy định rõ về mức thuế đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, còn luật thuế bất động sản sẽ nhắc lại cùng với đó là quy định về áp mức thuế đối với người sở hữu nhiều nhà ở.

Cũng nên biết rằng vấn đề không chỉ dừng lại ở việc ban hành ra một văn bản luật, dù điều đó là quan trọng nhất, mà còn cần đảm bảo làm sao để quy định được ban hành ra có tính khả thi, thực hiện được ngay.

Để từ đó đem lại hiệu quả trong quản lý điều tiết thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung, thì đó mới là mục đích tối hậu cuối cùng của dự luật về đất đai và luật thuế bất động sản.

Lưu ý điều này là bởi vì thực tế có những quy định pháp luật ban hành nhưng thiếu tính khả thi, bởi những rối rắm phức tạp nằm ở quy trình thủ tục.

Trong khi mọi người biết rằng nhiều người sở hữu nhiều nhà đất hiện không muốn bị đánh thuế, có thể vận động khiến cho dự luật được ban hành nhưng lại thiếu khả năng đi vào thực tế đời sống.

Hoặc cũng có thể xảy ra trường hợp mức thuế suất thấp quá sẽ không đảm bảo đạt được mục đích điều tiết mức giá bất động sản mà cuối cùng cũng là vô hiệu hóa quy định về áp thuế.

Lo ngại những ảnh hưởng như vậy là bởi vì từ năm 2012 tại Nghị quyết 19-NQ/TW về đất đai đã có chủ trương áp thuế bất động sản, đến năm 2018 đã dự thảo hoàn chỉnh về dự luật thuế tài sản rồi nhưng cuối cùng thì lại không thông qua.

Cần nhiệt tâm

Bởi vậy nên hiện nay khi đã xác định rằng sẽ ban hành luật thuế về bất động sản, áp mức thuế cao hơn đối với người sử dụng từ bất động sản thứ hai trở lên, thì ngay từ bây giờ cần thực hiện các công việc liên quan để khi văn bản luật được ban hành thì có tính khả thi ngay.

Lấy ví dụ về một vấn đề kỹ thuật như sau, bây giờ cần thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử số hóa đối với hồ sơ nhà đất, gắn các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đã cấp với số căn cước công dân của công dân, tạo thành một cơ sở dữ liệu quốc gia chung mà có thể truy cập được từ mọi địa phương.

Bằng cách đó thì mới có cơ sở dữ liệu để xác định xem một người khi thực hiện giao dịch mua bán một bất động sản thì các cơ quan đăng ký có thể kiểm tra thông tin biết được đây là bất động sản thứ nhất, thứ hai, hay thứ mấy của người đang giao dịch.

Điều đó cũng có nghĩa rằng thông tin về sở hữu nhà đất của mọi công dân sẽ được thiết lập cơ sở dữ liệu số hóa điện tử mà các cơ quan quản lý về thuế cấp quận huyện, cơ quan quản lý về đất đai cấp quận huyện, có thể truy cập và xác định được.

Đây là điều mà bấy lâu nay nhiều người lấy làm cớ cho là nhạy cảm liên quan tới thông tin bí mật nhân thân hoặc có tính riêng tư nên không muốn công khai. Trong khi ở nhiều nước pháp quyền khác, sở hữu nhà đất không thuộc quyền riêng tư mà thuộc lĩnh vực phải công khai để đánh thuế.

Bởi thế, để đảm bảo tính hiệu lực khả thi của quy định về thuế bất động sản trong luật đất đai và Luật thuế về bất động sản, các cơ quan ban ngành cùng truyền thông mạng xã hội cần chỉ rõ vấn đề này để xác lập một bầu không khí nhận thức chung thuận lợi giúp cho việc thi hành luật tới đây.

Nếu thiếu điều đó mà chỉ quan tâm bàn luận tới quy định về thuế bất động sản thì có khả năng là khi luật ban hành ra nhưng lại khó thi hành trong thực tế.

Thực tế nan giải hiện nay là mức giá bất động sản quá cao, theo tiêu chí đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nếu một người lao động bình thường cần trên 30 năm làm việc mới mua được một căn hộ ở thì bắt đầu có hiện tượng bong bóng.

Cũng là cách tính toán dựa trên tiêu chuẩn của IMF, đâu đó nhiều người đã tính ra rằng người lao động có thu nhập trung bình tại Việt Nam ở thời điểm năm 2018 phải cần tới 35 năm làm việc, ở thời điểm năm 2022 phải cần tới 57 năm làm việc mới có thể mua được một căn hộ.

Sự bất cập của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng tồn tại riêng, mà bất động sản là đầu vào của nhiều ngành nghề dịch vụ kinh doanh, mức giá cao sẽ ảnh hưởng tới khởi nghiệp, tới giá thành nhiều mặt hàng dịch vụ.

Sẽ khiến tăng trưởng chậm lại, khiến toàn thể người dân bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm cả những người muốn giữ giá cao, bởi vậy cần có quy định về thuế để khắc phục bất cập về giá thành để giải quyết được vòng luẩn quẩn mà bất động sản gây ra cho nền kinh tế.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Dự thảo luật đất đai chưa nhiệt tâm về áp thuế đất’

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;