Đặc khu kinh tế chỉ giải quyết vấn đề ‘tâm lý phát triển’

Quốc hội Việt Nam đang nghiên cứu về Dự luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Mà từ văn bản này người ta dự định xây dựng nên ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn ở Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc ở Kiên Giang.

Tôi cho rằng việc xây dựng các đặc khu kinh tế hiện nay chỉ là việc làm hình thức nhằm đáp ứng xoa dịu áp lực về sự phát triển mà thôi.

anh 5

Chính sách mới để tạo hy vọng?

Giống như nhiều nước, mỗi khi chính phủ mới hình thành người ta thường đưa ra những dự định chính sách mới mẻ để tạo sự kỳ vọng nơi dân chúng.

Những dự định tươi mới được các lời lẽ hoa mỹ trau chuốt, sẽ tạo ra kỳ vọng về tương lai sáng sủa thay thế cho cái hiện tại chán ngắt đang khiến cho đời sống kinh tế của người dân chậm thay đổi.

Cái đó tựu chung lại ở một điều ‘tân chính phủ và tân chính sách’. Ở Việt Nam hiện nay, vấn đề về ‘đặc khu kinh tế’ cũng mang dáng dấp tương tự.

Sau khoảng thời gian 10 năm tương ứng với hai nhiệm kỳ trước của chính phủ, những sai lầm thất bại của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đã gây mất niềm tin vào chính sách phát triển kinh tế.

Một mặt khác, những bước tiến bộ kinh tế dù còn ít nhưng đã giúp tầng lớp dân lao động được nếm trái ngọt kinh tế, điều đó lại khiến khát vọng thay đổi cuộc sống của họ lại lớn hơn.

Những lý do đó khiến nhu cầu về một đề án kinh tế nhằm giải quyết vấn đề ‘tâm lý phát triển’ của dân chúng là rất quan trọng, mà nếu thiếu đi sẽ gây bất ổn xã hội.

Chế độ sẽ khó đảm bảo chỗ đứng cho mình khi không tạo ra được một viễn cảnh tương lai xán lạn cho xã hội và những cải thiện thực chất trên thực tế.

Dự cảm được điều đó các ban ngành hiện cũng đang đẩy mạnh một số chính sách, như việc dẹp bỏ những điều kiện giấy phép kinh doanh, tích cực tham gia đàm phán gia nhập các hiệp định thương mại tự do như FTA, TPP, hay như chính sách mới của Đảng cộng sản về phát triển kinh tế tư nhân.

Tất cả đều bộc lộ mối lo lắng nếu không tạo ra được những bước phát triển tiến bộ rõ ràng về kinh tế, và trong bối cảnh đó đề án xây dựng các đặc khu kinh tế được đưa ra như một chương trình có thể thực hiện.

Nhưng không giống như những chính sách kia có tính chất tháo gỡ sẽ cho hiệu quả khá rõ ràng. Việc xây dựng đặc khu kinh tế là hoạt động đầu tư đem lại lợi ích rất đáng ngờ, và kế hoạch này hóa ra không xuất phát từ những tiền đề thực tế trong đời sống.

anh 2

Lồng ấp thể chế?

Để lý giải cho việc xây dựng đặc khu kinh tế, người ta đưa ra các lý do đặc khu sẽ là “lồng ấp” thể chế hay “phòng thí nghiệm” chính sách mới. Trong khi thực tế lâu nay biết bao chính sách được thực thi và thí nghiệm mà chẳng cần đến đặc khu làm “lồng ấp”.

Với thuộc tính chuyên chế độc tài có thừa, nhiều thời kỳ người ta thực thi bất kể chính sách nào mà họ nghĩ ra, nếu sau đó thấy không ổn thì thay đổi, có cần gì đến đặc khu làm “phòng thí nghiệm”?

Xa như chính sách Hợp tác hóa nông nghiệp đưa toàn bộ dân nông thôn vào sản xuất trong các hợp tác xã. Sau đó không thấy hiệu quả thì thực thi chính sách khoán 10 giao lại ruộng cho hộ gia đình nông dân.

Gần như vài năm trước nhiều nơi đã thí điểm mô hình chính quyền bãi bỏ hội đồng nhân dân xã phường hoặc thí điểm nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo.

Ngay như hiện nay, Chính phủ vừa ban hành chính sách thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ công thương có thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Bộ Y tế có thí điểm thực hiện đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, nhằm thực hiện mục tiêu giảm giá thuốc từ 10% – 15%. Bộ giáo dục thí điểm chế độ hợp đồng với giáo viên, không còn công chức, viên chức như hiện nay

Ở địa phương thì thành phố Hà Nội đang xây dựng đề án thực hiện thí điểm về mô hình chính quyền đô thị, thi tuyển một số chức danh công chức lãnh đạo, thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo.

Ở tỉnh Hà Giang vừa có đề án thí điểm cơ chế đặc thù cho xã vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh Bắc Ninh đang thí điểm thực hiện đề án Cách mạng 4.0.

Và rất nhiều đề án thí điểm khác được thực hiện ở mọi cấp chính quyền, mọi địa phương trên cả nước. Họ đang làm mà đâu cần đặc khu làm ‘lồng ấp’ hay ‘phòng thí nghiệm’. Trong khi ngược lại, nếu tương lai chỉ những đặc khu mới được thí điểm chính sách thì những nơi còn lại mất đi quyền của họ hay sao?

anh 1

Thu hút đầu tư?

Để tạo ra một khu vực lãnh thổ với những chính sách ưu đãi khác biệt để thu hút đầu tư, thì từ mấy chục năm qua Việt Nam đã xây dựng hàng chục khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Với những chính sách ưu đãi đủ loại như miễn giảm thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, những lỏng lẻo về kiểm soát môi trường, những ngặt nghèo về chính sách công đoàn độc lập… nhằm để trải thảm đỏ mời gọi đầu tư.

Đã tồn tại một cuộc chạy đua đi xuống khi mà mọi địa phương đều đưa ra chính sách ưu đãi, hạ thấp mọi tiêu chí để mong nhận được món hời, nên đã gây ra nhiều hệ lụy kinh tế xã hội. Nhiều khu kinh tế đất đai bỏ trống, hiệu suất hoạt động còn chưa khai thác hết.

Nay lại thêm các Đặc khu kinh tế tham gia vào cuộc đua thu hút đầu tư với những dự định chính sách nhiều ưu đãi hơn nữa, thì rốt cuộc liệu các đặc khu kinh tế sẽ đem lại lợi gì cho đất nước.

Hay là kết cục thì chi phí thì lớn mà thu về thì ít, mà rồi tiền của tài lực quốc dân bị tiêu tán đổ sông đổ biển như các tập đoàn kinh tế trước kia.

Cho nên rất đáng ngờ là các đặc khu kinh tế nếu được xây dựng sẽ lại đem về cục nợ mà thôi, nhất là với cái năng lực quản lý và tinh thần trách nhiệm của các ban ngành đã được bộc lộ trong vấn đề tập đoàn kinh tế nhà nước như đã biết.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây, Google Search: Đặc khu kinh tế chỉ giải quyết vấn đề ‘tâm lý phát triển’