Cơ sở pháp lý nào cho việc thu hồi lại tài sản đã bán?

Gần đây trong một số vụ việc xử lý các sai phạm trong những vụ mua bán công sản, phía cơ quan quản lý nhà nước đặt ra vấn đề thu hồi lại tài sản đã bán. Nhiều ý kiến băn khoăn như thế có phải là xâm phạm sở hữu và liệu việc thu hồi lại tài sản đã bán có căn cứ pháp luật thực hiện không?

Bài này đưa ra một vài ý kiến làm rõ khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề này.

Đầu tiên cần xác định việc mua bán các khối công sản tuy rằng được thực hiện bởi một bên là cơ quan nhà nước và bên kia là doanh nghiệp tư nhân, nhưng đó bản chất cũng chỉ là một giao dịch dân sự. Tới nay khi đặt ra vấn đề thu hồi lại tài sản đã bán thì cần căn cứ vào các quy định của pháp luật dân sự về giao dịch hợp đồng để giải quyết chứ không thể thực hiện bằng mệnh lệnh hành chính đơn phương.

Phải làm như vậy thì mới không xâm phạm đến các nguyên tắc của kinh tế thị trường, tôn trọng pháp luật dân sự về hợp đồng và tôn trọng sở hữu. Nhà nước không thể hành xử độc đoán vì như thế sẽ hủy hoại đi nền tảng pháp lý của kinh tế thị trường.

Trong Bộ luật dân sự hiện nay có quy định về trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Điều 131 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau: 1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. 2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Như vậy, việc “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” ở điều luật trên chính là cơ sở pháp lý của việc nhận lại tài sản đã bán. Theo đó việc nhận lại tài sản do một cơ quan nhà nước đã bán là có thể và có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Vấn đề còn lại chỉ là phải chỉ ra trong các giao dịch mua bán công sản đã thực hiện có bị vô hiệu hay không mà thôi.

Cũng theo quy định của Bộ luật dân sự thì giao dịch dân sự có thể bị vô hiệu trong nhiều trường hợp, ví dụ như: Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; hay Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Tuy nhiên do việc mua bán công sản được thực hiện giữa một bên là cơ quan nhà nước và một bên là doanh nghiệp tư nhân, đều là những pháp nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không bị những hạn chế có thể xảy ra ở những thể nhân, cho nên việc xác định nguyên nhân khiến các hợp đồng mua bán công sản vô hiệu sẽ được khoanh lại chỉ vào một số lý do nhất định như vi phạm điều cấm của pháp luật.

Trong thực tế những sai phạm trong quá trình thực hiện thủ tục mua bán các khối công sản cũng thường thấy các cơ quan thanh tra kiểm tra chỉ ra là đã vi phạm quy định nào đấy của pháp luật. Và để có thể thu hồi lại tài sản đã bán việc cần làm tiếp theo là xét xem giao dịch dân sự đã vi phạm vào điều cấm nào của pháp luật để bị xác định là vô hiệu.

Có ý kiến cho rằng việc mua bán công sản là được sự cho phép của pháp luật, đó ví như là những chính sách cổ phần hóa, tư nhân hóa. Những việc mua bán công sản đã có chủ trương cho nên không bị cấm và việc vô hiệu chỉ xảy ra với các trường hợp vi phạm như cấm mua bán người, cấm mua bán động vật quý hiếm, cấm mua bán vật liệu nổ mà thôi.

Song đó là cách hiểu không đúng về vi phạm điều cấm của pháp luật vì theo quy định giải thích của Bộ luật dân sự cũng tại điều luật về giao dịch dân sự vô hiệu thì: “Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.

Theo nội dung này thì nội hàm phạm vi của những điều cấm của pháp luật là khá rộng, phạm vi không chỉ gồm các điều cấm mua bán đơn thuần mà còn bao gồm hàng loạt các quy định có tính chất nguyên tắc ấn định và hướng dẫn thực hiện các công việc mà nếu làm khác đi thì sẽ rơi vào trường hợp “quy định của luật không cho phép”.

Như thế, những hành vi như ra quyết định bán không đúng thẩm quyền, định giá quá thấp hay quá cao gây thất thoát công sản đều có thể bị coi là vi phạm điều cấm của pháp luật vì rõ ràng là quy định của luật sẽ không cho phép chủ thể được thực hiện những hành vi như vậy.

Để rõ hơn thì có thể phân tích qua một số vụ việc cụ thể.

Ví dụ trong vụ việc cơ quan nhà nước ký hợp đồng BT đổi đất lấy hạ tầng để làm 12km đường nội bộ của khu đô thị Thủ Thiêm, chính quyền thành phố HCM đã giao cho doanh nghiệp tư nhân một diện tích đất giá trị lên đến khoảng 12 nghìn tỷ, tính ra tương ứng làm một km đường hết 1000 tỷ đồng.

Đơn giá như vậy bị cho là quá cao vì so sánh ngay với tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Hạ Long cũng do một doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Với chiều dài khoảng 60km xây dựng trên địa bàn nhiều đồi núi tốn nhiều công sức mà chi phí họ làm cũng chỉ 12 nghìn tỷ, như vậy tức là làm 12km đường nội đô khu Thủ Thiêm đắt gấp 5 lần đường cao tốc Vân Đồn – Hạ Long.

Những giao dịch dân sự như thế này sẽ bị cho là vi phạm điều cấm của pháp luật vì sẽ không khó để chỉ ra việc làm vi phạm các nguyên tắc tài chính kế toán và theo đó các bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo như như quy định Bộ luật dân sự về giao dịch vô hiệu.

Hoặc trong vụ việc Công ty Tân Thuận bán khu đất Phước Kiểng cho doanh nghiệp tư nhân bị cho là Văn phòng thành ủy thành phố Hồ Chí Minh quyết định không đúng thẩm quyền, vì theo một văn bản nội bộ của Đảng bộ thành phố thì quyền quyết định chuyển nhượng khối tài sản của công ty Tân Thuận thuộc về Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chứ không thuộc về Văn phòng thành ủy.

Có ý kiến cho rằng vi phạm điều cấm của pháp luật thì phải căn cứ theo luật, chứ những quy định nội bộ của cơ quan đảng thì đâu phải là pháp luật? Và doanh nghiệp tư nhân chỉ có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và kiểm tra đối chiếu việc làm theo pháp luật chứ không có nghĩa vụ tuân theo cả những chính sách của đảng bộ thành phố mà nhiều khi không công khai như văn bản quy phạm pháp luật.

Điều này cũng có lý nhưng nếu coi quy định về thẩm quyền là một thỏa thuận nội bộ của đảng bộ thành phố giống như một bản điều lệ của doanh nghiệp thì Văn phòng thành ủy có nghĩa vụ phải tuân theo thỏa thuận này. Và khi cơ quan này tự ý quyết định không đúng thẩm quyền thì Thành ủy thành phố là bên bị thiệt hại liên quan hoàn toàn có quyền đề nghị tòa án tuyên giao dịch mua bán chuyển nhượng là vô hiệu phải hủy bỏ để khôi phục quyền lợi.

Việc này có thể được thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện tại. Và theo đó chủ trương chung về thu hồi lại tài sản đã bán có thể thực hiện được mà vẫn phải đảm bảo tôn trọng các nguyên tắc về sở hữu.

Bài đã đăng trên báo điện tử Vietnamnet tại đây: https://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/viet-nam-hung-cuong/co-so-phap-ly-nao-cho-viec-thu-hoi-lai-tai-san-da-ban-509197.html?fbclid=IwAR2YXxdD1Y4oerGObMT0PGQ8VpEBYu4plqIR_bTczEG90V0Tx4ncEwgCZ7w